Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở tỉnh Sóc Trăng

ThS. Vũ Thị Thu Hiền
Học viện Chính trị khu vực IV

(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Sóc Trăng nhằm hỗ trợ cho những người lao động thuộc khu vực nông, lâm, ngư nghiệp được hưởng lương hưu, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh, mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ở tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn hiện nay. 

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; tuyên truyền; vận động; nông dân; tỉnh Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nông dân là lực lượng chiếm đông đảo trong thành phần dân cư. Những năm qua, Sóc Trăng đã chú trọng triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân: chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, đào tạo nghề nông nghiệp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Nông dân, các sở, ban, ngành đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân góp phần bảo đảm công bằng xã hội, khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa nông dân và các giai tầng khác trong xã hội. Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác tuyên truyền, vận động được địa phương xác định là nhiệm vụ một nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. 

2. Quan điểm, chủ trương tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảohiểm y tế

Nông dân là lượng lượng chiếm đông đảo trong thành phần dân cư. Đây là một trong những chủ thể có đóng góp quan trọng trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hướng đến mở rộng độ bao phủ trong thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của sản xuất nông nghiệp, nông dân thường xuyên đối mặt với những rủi ro từ tác động của quá trình biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thu nhập giảm sút đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cá nhân và hộ gia đình. Nhằm hỗ trợ nông dân ứng phó hiệu quả với những rủi ro trong sản xuất, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và chú trọng triển khai thực hiện.  

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cụ thể: Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị về “tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội”, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. Đây là những văn bản tạo cơ sở pháp lý nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Nhằm hiện thực hóa việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao nhận thức cho toàn dân, trong đó có đối tượng là nông dân về những lợi ích của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiếp theo, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nghị quyết đã nhấn mạnh vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh bốn nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết đó là: “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với toàn dân” để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đó có đối tượng nông dân để họ nhận thức rõ được vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trên cơ sở kế thừa quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội” cho toàn dân, trong đó nông dân lực lượng chiếm đông đảo ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký kết Quy chế số 04/QCPH-HND-BHXH ngày 14/7/2022 phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 – 2025.

Như vậy, xuyên suốt trong các văn bản của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác tuyên truyền vận động toàn dân, trong đó có đối tượng là nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân hiểu rõ được sự cần thiết, những lợi ích và nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội ở khu vực nông thôn, tạo sự đồng thuận giữa nông dân với các giai tầng khác trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mở rộng diện bao phủ hướng đến toàn dân. 

2. Thực trạng công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở tỉnh Sóc Trăng

a. Về nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động

Quán triệt thực hiện các văn bản của trung ương về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong đó có đối tượng nông dân. Trong những năm qua, bảo hiểm xã hội và Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã ký kết Chương trình phối hợp số 461/CTPH-BHXH-HNDT, ngày 13/4/2021 giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng và Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng về việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2021 – 2025. Nhằm triển khai thực hiện chương trình phối hợp, Bảo hiểm xã hội và Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 519/KHPH-BHXH-HNDT ngày 24 tháng 3 năm 2023 về tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Kế hoạch số269/KHPH-BHXH-BHYT-HNDT ngày 24/02/2023 phối hợp triển khai mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” cho hội viên” và Kế hoạch số 697/KHPH-BHXH-HNDT ngày 29/3/2024 về tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024, qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, đặc biệt là hộ gia đình nông dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Công tác phối hợp  tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế biểu hiện cụ thể ở một số nội dung và hình thức cơ bản sau:

Một là, tổ chức các hoạt động truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại ở các địa phương có nhiều hộ gia đình, cá nhân hội viên nông dân chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thông qua hình thức sinh hoạt các chi hội ở các khóm, ấp, khu dân cư; đối thoại, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, hội nghị khách hàng tiềm năng. 

Ha là, phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho hội viên nông dân làm tài liệu tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Ba là, phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho hội viên nông dân với hình thức sân khấu hóa, trực tuyến.

Bốn là, chú trọng tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ Hội các cấp, nhất là các biện pháp, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ Hội cơ sở, góp phần sử dụng hiệu quả đội ngũ tuyên truyền viên của Hội tại cơ sở để truyền thông trực tiếp đến người dân.

Năm là, tuyên truyền triển khai mô hình điểm “Nuôi heo đất tích lũy tham gia bảo hiểm xã hộitự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” cho hội viên nông dân. Đây là mô hình nhằm hỗ trợ tài chính cho người dân thông qua việc tích lũy tiền tiết kiệm để có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyên, bảo hiểm y tế hộ gia đình. 

b. Kết quả công tác tuyên truyền, vận động

Những năm qua, công tác phối hợp giữa bảo hiểm xã hội với Hội Nông dân tỉnh về việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2024 có 11/11 bảo hiểm xã hội huyện, thị xã đã ký kết chương trình liên tịch với Hội Nông dân cùng cấp để triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế1. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo đến các cấp Hội cơ sở triển khai sâu rộng đến cán bộ, hội viên về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều hình thức đa dạng thông qua các buổi sinh hoạt, tổ chức lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Trong năm 2024, các hoạt động đối thoại và tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đã được tổ chức cho các đại biểu là lãnh đạo Hội Nông dân các cấp, cán bộ Hội cơ sở, các chi, tổ Hội và hội viên tiêu biểu. Bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện đã phối hợp tổ chức 68 cuộc đối thoại, tuyên truyền cho 2.044 lượt người. Qua đó, đã vận động được 1.210 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 410 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình2

Ngoài ra, Hội Nông dân cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần triển khai có hiệu quả mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” cho hội viên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Tính đến hết tháng 11/2024 toàn tỉnh đã có 72 tổ nuôi heo đất với 579 hội viên tham gia mô hình, qua đó đã có 504 hội viên đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 03 hội viên đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình3. Có thể khẳng định, đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hiện thực hóa chính sách an sinh xã hội, huy động hội viên, nông dân cùng chung tay phối hợp tạo điều kiện cho nông dân được hưởng lương hưu khi về già và hưởng lợi từ các chính sách chăm sóc sức khỏe khi gặp ốm đau, bệnh tật.

Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng phối hợp cử thành viên tham gia Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” lần thứ XVI tỉnh Sóc Trăng do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, cung cấp bộ câu hỏi các phần thi, xoay quanh các quy định về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp mỗi cán bộ, hội viên, nông dân trang bị những kiến thức cơ bản về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hai ngành cũng phối hợp tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế4  (mỗi thẻ có giá trị 06 tháng) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tại xã Song Phụng (huyện Long Phú), xã Viên Bình, thị trấn Lịch Hội Thượng và xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề), qua đó lồng ghép việc tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người dân. 

Công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, như: truyền thông nhóm nhỏ, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, cấp phát tờ rời, tờ gấp, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giúp nông dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Song song đó, bảo hiểm xã hội tỉnh và Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức gian hàng trưng bày, triển lãmtuyên truyền và tư vấn trực tiếp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Phiên chợ “Nông sản an toàn – chất lượng” tại công viên 30/4 (thành phố Sóc Trăng) đã thu hút hàng trăm lượt người dân, người lao động trong đó có nông dân đến tham quan, tư vấn và được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số. Đồng thời, phối hợp thực hiện tuyên truyền tại các hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với bảo hiểm xã hội tổ chức tại thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. 

Như vậy, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tích cực triển khai với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, phối hợp hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Bên cạnh công tác phối hợp với Hội đồng nhân dân, Bảo hiểm xã hội mở rộng hình thức phối hợp với Đài phát thanh – Truyền hình, Báo Sóc Trăng, Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Truyền thanh nhằm bảo đảm công tác tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, mở rộng đối tượng đến địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để nông dân đều được tiếp cận thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại một số hạn chế:

Một là, hoạt động truyền thông yêu cầu ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp, đổi mới với nhiều hình thức. Tuy nhiên, viên chức phụ trách công tác truyền thông tại bảo hiểm xã hội các huyện còn kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn dẫn đến hoạt động công tác truyền thông chưa đạt được hiệu quả cao.

Hai là, cơ chế tài chính về các hình thức truyền thông: Hội nghị truyền thông trực tuyến, nhóm nhỏ, lồng ghép; trên mạng xã hội… chưa được quy định cụ thể, ảnh hưởng tới việc thực hiện đổi mới công tác truyền thông.

Ba là, điều kiện kinh tế của nông dân ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Một số nông dân không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lâu dài khi thu nhập có biến động.

Bốn là, hình thức đóng tiền chưa linh hoạt, sự phát triển của các phương thức thanh toán trực tuyến (qua ứng dụng ngân hàng, cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam) vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Mặc dù Nhà nước có hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng mức hỗ trợ chưa đủ để thuyết phục để những người nông dân có thu nhập thấp, không ổn định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Năm là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tếcho nông dân.

Sáu là, kỹ năng tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hộiLuật bảo hiểm y tế của nhân viên các tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe cho nông dân ở tuyến cơ sở còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng;

Bảy là, việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn nghèo nông thôn, tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ ngày 01/7/2023 trong khi đời sống của nông dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp và không ổn định, dẫn đến gặp nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhất là bà con khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần chủ động chỉ đạo sâu sát hơn công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Bảo hiểm xã hộiLuật Bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Thứ hai, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền theo chiều sâu. Đẩy mạnhcác hoạt động triển khai nghị quyết và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở vùng nông thôn. Tăng cường tổng kết thực tiễn, làm rõ những vấn đề bất cập nảy sinh trong vận động, tuyên truyền đối với nông dân, từ đó có những giải đáp, kiến nghị cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Phát động các đợt tuyên truyền cao điểm giúp cho nông dân bảo đảm đầy đủ thông tin về cách thức, quy trình, địa chỉ đăng ký hoặc hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên nghiệp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên. Song song với việc tổ chức linh hoạt các hình thức tập huấn khác cho đối tượng là cộng tác viên tuyên truyền, như: cán bộ trực tiếp làm công tác chính sách bảo hiểm xã hội, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể ở cấp xã… Cải tiến nội dung tập huấn theo hướng vừa cung cấp hệ thống kiến thức về an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vừa cung cấp kỹ năng tác nghiệp tình huống cụ thể trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực này.

Thứ tư, phát huy vai trò của Hội Nông dân, Bảo hiểm xã hội trong công tác tuyên truyền. Các cấp hội tiếp tục phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội cùng cấp phát tài liệu tuyên truyền, tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đến tận các chi, tổ Hội và hội viên, nông dân; tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho hội viên, nông dân nhất là các xã xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí 15 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với nông dân; phát huy thế mạnh tính phổ thông của phương tiện thông tin đại chúng; tích cực tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của các ngành; nghiên cứu phát hành ấn phẩm tuyên truyền, như: sổ tay, cẩm nang số tuyên truyền trang bị kiến thức cho nông dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo sân chơi bổ ích cho hội viên và nông dân. 

3. Kết luận

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội đối với nông dân góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước trong tương lai, bảo đảm cuộc sống cho nông dân khi không còn sức lao động. Trong bối cảnh tác động của quá trình biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất của nông dân, chính vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở tỉnh Sóc Trăng là nhiệm vụ lâu dài nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tính ưu việt của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phát huy trách nhiệm của họ trong việc chủ động bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc gặp rủi ro về ốm đau, bệnh tật. 

Chú thích:
1, 2, 3. Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng (2024). Báo cáo số 3160/BC-BHXH ngày 20/12/2024 tổng kết công tác phối hợp thông tin, truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024 và phương hướng thực hiện năm 2025.
4. Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng (2024). Báo cáo số 510/BC-BHXH ngày 14/3/2024 tổng kết công tác phối hợp thông tin, truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023 và phương hướng thực hiện năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2012). Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
3. Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
4. Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.