Huỳnh Ngọc Danh
Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) – Với những tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú; sinh thái biển, rừng, hồ, đồng bằng và con người thân thiện đã đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách. Bài viết đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch biển của tỉnh Bình Định và đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Từ khóa: Du lịch biển; điểm đến an toàn; quản lý nhà nước; phát triển; tỉnh Bình Định.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, ngành Du lịch của tỉnh Bình Định có sự phát triển đáng ghi nhận, thể hiện ở sự tăng trưởng du lịch, cơ sở lưu trú, các hoạt động kinh doanh du lịch, doanh thu, việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, ngành Du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng của tỉnh Bình Định vẫn còn một số hạn chế xuất phát từ thực trạng công tác quản lý nhà nước về du lịch. Do vậy, việc nghiên cứu một cách khoa học và có hệ thống nhằm tìm ra những giải pháp, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Du lịch tỉnh Bình Định là cần thiết.
2. Thực trạng về công tác quản lý nhà nước về du lịch biển trên địa bàn tỉnh Bình Định
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với đường bờ biển dài, du khách khi đến với Bình Định có thể tận hưởng hết được nét đẹp được thiên nhiên ưu đãi ở nơi đây. Du lịch biển đang được tỉnh Bình Định chú trọng phát triển. Hiện nay, các điểm đến được quy hoạch làm du lịch biển, như: Quy Nhơn, Trung Lương, Tân Thanh, Vĩnh Hội, biển Quy Hòa, dải Đề Gi – Tam Quan, Lộ Diêu… và một số điểm đến biển, đảo có sức hút với du khách trong thời gian gần đây phải kể đến, như: Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh… Ngoài ra, với các dạng địa hình phong phú đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên Bình Định đặc sắc hòa quyện giữa đồng bằng, đồi núi, sông suối và biển cả với nhiều thắng cảnh độc đáo tại Ghềnh Ráng – Tiên Sa, bán đảo Phương Mai, Hầm Hô, Hồ Núi Một, suối khoáng nóng Hội Vân, chùa Hang, đầm Trà Ổ…
Sản phẩm du lịch biển, đảo đã trở thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh của du lịch Bình Định, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp. Du lịch thể thao, giải trí trên biển, nghỉ dưỡng biển, lặn biển ngắm san hô (khu vực Kỳ Co, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải). Du lịch sinh thái biển (khu vực Quy Nhơn, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Cát Tiến). Du lịch cộng đồng ven biển (Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu, Hoài Hải). Vui chơi giải trí ở các bãi biển gắn với mua sắm đặc sản biển, trải nghiệm ẩm thực (khu vực Quy Nhơn, Trung Lương, Cát Tiến). Hình thành các khu vực tổ chức hoạt động thể thao trên biển, như: mô tô nước, chèo thuyền Kayak, dù bay đôi, dù bay đơn… tại bãi biển Quy Nhơn, khu vực Kỳ Co, Nhơn Lý, Nhơn Hải. Hạ tầng phục vụ du lịch biển trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được chú trọng phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.036 cơ sở lưu trú với hơn 19.511 phòng, trong đó có 557 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với tổng số phòng đạt 15.179 phòng1.
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về du lịch biển trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được một số kết quả sau:
(1) Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Du lịch năm 2017 là hành lang pháp lý để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Luật Du lịch năm 2017, tỉnh Bình Định cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển du lịch, như: Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025; Kế hoạch 60/KH-UBND ngày 18/3/2024 về truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 5987/UBND-VX ngày 13/8/2024 về phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2025.
(2) Thực hiện chiến lược, chính sách và chương trình về du lịch biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định, các chính sách, chương trình thực hiện quảng bá hình ảnh du lịch biển đối với du khách đang được đẩy mạnh, thúc đẩy thu hút khách du lịch đến với vùng đất “Thiên đường biển”. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và cộng đồng dân cư về xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng,chống dịch bệnh được đẩy mạnh. xây dựng môi trường du lịch “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn”được các địa phương trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng2.
(3) Thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về du lịch biển. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh Bình Định cũng đã kết hợp khoa học – công nghệ trong công tác quảng bá hình ảnh du lịch biển trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Định quan tâm đẩy mạnh phát triển du lịch biển gắn với phát triển khoa học – công nghệ, khoa học điện tử – viễn thông.
Tỉnh cũng đã tích cực tăng cường hợp tác quốc tế, như: phối hợp cùng Quận Yongsan, Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo quảng bá du lịch tỉnh Bình Định và Quận Yongsan” năm 2023 tại Hàn Quốc3. Tham gia gian hàng du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hàn Quốc KITS 20244. Tổ chức sự kiện gặp gỡ Bình Định – Nhật Bản 2024 và Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Bình Định5.
(4) Công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến du lịch biển. Công tác quản lý nhà nước về du lịch biển được tăng cường, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến du lịch biển. Tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh tình hình hoạt động kinh doanh du lịch biển tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần, các ngày lễ lớn. Qua công tác kiểm tra, đã nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở du lịch biển vi phạm và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở lưu trú không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về du lịch biển vẫn còn một số hạn chế khiến công tác này chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng.
Một là, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về du lịch biển chưa đồng bộ. Việc phân cấp và phân quyền chưa được đẩy mạnh đến các cơ sở dẫn đến chồng chéo và thiếu rõ ràng trong trách nhiệm quản lý. Ngoài ra, vẫn còn một số công chức được phân công kiêm nhiệm nên việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn về du lịch biển chưa hiệu quả.
Hai là, nguồn nhân lực quản lý và hướng dẫn du lịch biển vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Ngoài ra, nguồn lực hướng dẫn viên du lịch cũng đang là điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển. Số lượng hướng dẫn viên có kinh nghiệm hướng dẫn về du lịch biển còn ít.
Ba là, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế. Ý thức văn minh trong kinh doanh du lịch, vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được duy trì thường xuyên.
Bốn là, công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến của du lịch biển đến thị trường quốc tế còn hạn chế, số lượng khách quốc tế đến Bình Định đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Việc áp dụng khoa học – công nghệ vào quảng bá và xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh còn chưa hiệu quả, chưa xây dựng được thương hiệu du lịch biển trên trường quốc tế.
Năm là, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao. Việc đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là các sản phẩm du lịch về đêm còn hạn chế, thiếu khu vui chơi, giải trí quy mô lớn và chưa có trung tâm thương mại, khu mua sắm cao cấp tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú khi khách đến Bình Định.
Sáu là, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của các cấp chính quyền còn chưa đạt hiệu quả, thiếu tính đồng bộ giữa các cơ quan thanh tra và thiếu sự phối hợp giữa các ngành thanh tra trên địa bàn tỉnh. Vẫn còn một số trường hợp cấp phép kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh về du lịch biển không đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân của hạn chế là do:
Thứ nhất, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện của chính quyền địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch biển trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa đạt được ở mức kỳ vọng bởi hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý quy định riêng đối với hoạt động này. Hiện nay, đa số các quyết định, kế hoạch, chương trình được ban hành chủ yếu về phát triển du lịch nói chung, chưa có quy định riêng về phát triển du lịch biển.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lưu trú, chưa đầu tư nhiều vào lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí và một số dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, quà lưu niệm, vui chơi giải trí về đêm cho du khách. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch biển và khu, điểm tham quan còn hạn chế.
Thứ ba, sự tương đồng về tài nguyên du lịch của các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các trung tâm du lịch của các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận… dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn giữa các khu du lịch biển, điểm du lịch biển của tỉnh.
3. Một số giải pháp
Một là, tăng cường và nâng cao công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về du lịch biển trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hoàn thiện thể chế đóng vai trò xây dựng khung hành lang pháp lý, làm cơ sở để xác định các nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động quản lý nhà nước về du lịch biển trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đem lại hiệu quả cao nhất.
Hai là, tổ chức lại bộ máy quản lý để tăng cường hiệu quả làm việc, tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm thiểu được chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra.
Ba là, thực hiện chiến lược, chính sách và chương trình về du lịch biển. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển toàn diện du lịch biển là xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chính sách. Rà soát, sửa đổi các kế hoạch, chiến lược để bảo đảm đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Nhiệm vụ trọng tâm của các chiến lược và chính sách phát triển du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh Bình Định cần phải chú trọng vào một số lĩnh vực, như: phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, biển và hải đảo phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển.
Bốn là, cần đa dạng hóa hình thức trong tuyên truyền, truyền thông về du lịch biển, tránh tình trạng tuyên truyền theo thời vụ. Để tăng cường đa dạng hóa các hình thức báo chí, các cơ quan về du lịch cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo trong và ngoài tỉnh, xây dựng đội ngũ cộng tác viên viết về du lịch biển là những người có hiểu biết về lịch sử, văn hóa vùng biển, có nghiệp vụ chuyên môn.
Năm là, hợp tác quốc tế về du lịch biển là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch biển bền vững và hiệu quả. Hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, thông tin về du lịch biển giữa các quốc gia, phát triển sản phẩm du lịch biển mới và đa dạng để thu hút khách quốc tế. Để có thể hợp tác thuận lợi, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh có thể ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia để thúc đẩy du lịch biển hoặc tổ chức sự kiện, hội thảo quốc tế để trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia.
Sáu là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá và giải quyết khiếu nại tố cáo. Nội dung kiểm tra, thanh tra, bao gồm: việc tuân thủ các quy định pháp luật về du lịch biển, công tác bảo đảm an toàn du lịch, bảo vệ môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo đến từ du khách, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức cá nhân khác, sau khi tiếp nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo cần nhanh chóng phân công nhiệm vụ để trực tiếp xử lý các trường hợp có liên quan.
4. Kết luận
Công tác quản lý nhà nước về du lịch biển là một trong những vấn đề mang tính trọng điểm hiện nay của tỉnh. Phát triển du lịch biển mang lại giá trị về kinh tế – xã hội cho địa phương, góp phần đóng góp GDP vào sự phát triển của đất nước. Để Bình Định đạt được kỳ vọng trong phát triển du lịch biển thì điều cần thiết là triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục triệt để nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn đọng trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, rất cần sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh để đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Hạ tầng lưu trú. http://baokiemtoan.vn/2024-nam-dot-pha-cua-nganh-du-lich-binh-dinh-37165.html
2. Bình Định: Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. https://vietnamtourism.gov.vn/post/46518
3. Phối hợp cùng với quận Yongsan, Hàn Quốc tổ chức “Hội thảo quảng bá du lịch tỉnh Bình Định và quận Yongsan” trong giai đoạn năm 2023 tại Hàn Quốc. https://sodulich.binhdinh.gov.vn/hoat-dong-dadt-xuc-tien-quang-ba-du-lich/quang-ba-hop-tac-phat-trien-du-lich-binh-dinh-han-quoc-271.html
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (2024). Công văn số 4467/UBND-VX ngày 25/6/2024 về chủ trương cho doanh nghiệp du lịch Bình Định tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định tại Hội chợ Du lịch quốc tế Hàn Quốc (KITS 2024).
5. Tổ chức sự kiện Gặp gỡ Bình Định – Nhật Bản 2024 và Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản tại tỉnh Bình Định. https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/tin-tu-so-ban-nganh/binh-dinh-to-chuc-doan-xuc-tien-dau-tu-tai-nhat-ban.html
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh ủy Bình Định (2021). Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 về phát triển du lịch Bình Định trở thành nền kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 – 2025.
2. UBND tỉnh Bình Định (2024). Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 18/3/2024 về truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. UBND tỉnh Bình Định (2024). Kế hoạch số 5987/UBND-VX ngày 13/8/2024 về phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2025.