TS. Nguyễn Thị Túy
Trường Đại học Tài chính – Marketing
(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại Đồng Nai là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tối đa năng lực và tiềm năng của đội ngũ công nhân – lực lượng nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương. Bài viết tập trung phân tích thực trạng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân tại Đồng Nai. Từ đó, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội của tỉnh trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Văn hóa, đời sống tinh thần, công nhân, khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.
1. Đặt vấn đề
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại số, công nhân cần phát triển toàn diện, đặc biệt là về văn hóa tinh thần, nâng cao phẩm chất, chuyên môn, tư duy sáng tạo, làm chủ công nghệ, góp phần phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Đảng đã khẳng định: “đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược”1. Vì vậy, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân là nhiệm vụ cấp thiết.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân”2, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã nhấn mạnh: “Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ công nhân là quan trọng nhất”3, trong đó đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Tuy nhiên, trong thời đại số, công nghệ và mạng xã hội tác động mạnh đến gia đình, cộng đồng và giá trị truyền thống, công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tỉnh Đồng Nai vẫn gặp thách thức khi “chất lượng cuộc sống không theo kịp đà tăng trưởng kinh tế và ngày càng dãn cách”4. Vì vậy, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm, cần cụ thể hóa và cần được thực hiện hiệu quả lãnh đạo và chính quyền tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh mới.
2. Thực trạng xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân ở tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc quy hoạch và phát triển hệ thống khu công nghiệp. Hiện nay, tỉnh có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.514 ha. Trong số đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp đang trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư hạ tầng (khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành) và 1 khu công nghiệp mới được thành lập vào tháng 7/2023 (khu công nghiệp Long Đức 3)5.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 2.997 công đoàn cơ sở với 676.944 đoàn viên/711.304 lao động. Trong đó, có trên 1.600 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp với gần 650.000 đoàn viên là công nhân lao động6. Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai thu hút đông lao động nhập cư làm gia tăng dân số cơ học và đặt ra thách thức về nhà ở, giáo dục, dịch vụ xã hội cơ bản. Tính đến 8/2022, các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai: “tạo việc làm cho 618.371 người lao động, trong đó công nhân ngoài tỉnh chiếm khoảng 52% (khoảng 321.552 người). Có nhu cầu thuê phòng trọ gần các nhà máy, chiếm khoảng 30% tổng số lao động ngoài tỉnh (khoảng 89.045 người). Tổng số lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu chỗ ở hiện nay khoảng 410.597 người. Các dự án nhà ở xã hội hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, với khoảng 26.392 người (chiếm 6,5% nhu cầu), còn lại khoảng 384.205 người hiện nay đang thuê trọ”7. Điều này đòi hỏi chính quyền tỉnh Đồng Nai phải không ngừng tìm giải pháp nâng cao chất lượng sống cho công nhân và bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.
Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (nhiệm kỳ 2020 – 2025) nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”8. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã xác định: “Xây dựng văn hóa con người Đồng Nai phát triển toàn diện với các phẩm chất: Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, khát vọng, năng động, văn minh, thân thiện, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc”9.
Ngày 05/02/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về bộ tiêu chí “Khu nhà trọ văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Bộ tiêu chí gồm 4 tiêu chuẩn với tổng cộng 21 tiêu chí, được chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, tiêu chuẩn thứ 3 là về văn hóa và tinh thần bao gồm 5 tiêu chí cụ thể: “Có không gian sinh hoạt chung, đảm bảo đủ cho số người tương ứng với số phòng; trang bị ít nhất 01 tủ sách, báo hoặc cung cấp wifi miễn phí cho toàn khu nhà trọ; hàng năm, chủ nhà trọ tổ chức sinh hoạt văn nghệ – thể thao cho người thuê nhà (có thể tổ chức du lịch, liên hoan văn nghệ vào dịp lễ, tết; tạo điều kiện cho người trọ tham gia các bộ môn thể thao như: cờ vua, cờ tướng, đá bóng, cầu lông, bóng chuyền…); hằng năm, chủ nhà trọ tổ chức liên hoan, giao lưu cho toàn khu nhà trọ vào các dịp lễ, tết; chủ nhà trọ tặng quà cho người ở trọ trong dịp lễ, tết Nguyên Đán (01 lần)”10. Mục tiêu là xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, với cơ sở hạ tầng đầy đủ, sạch sẽ và an toàn, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao. Cải thiện nhà ở công nhân giúp nâng cao đời sống vật chất, ổn định tinh thần và bảo vệ sức khỏe cho lực lượng lao động.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển nhà ở công nhân và nhà ở xã hội theo hướng hiện đại… Mỗi bước cải tiến phải hướng tới nâng cao đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và thiết kế không gian văn hóa tại các khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội”11. Kết quả đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1.660 căn, nhờ đó đã cải thiện rõ rệt điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của công nhân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng lao động (Bảng 1).
Bảng 1. Phát triển nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội (2021 – 2025)
Năm | Nhà ở công nhân và nhà ở xã hội (đã hoàn thành) | Mục tiêu 2021 – 2025 |
2021 | 273 căn | |
2022 | 200 căn | |
2023 | 472 căn | |
2024 | 715 căn | |
2025 | ? | Ít nhất 7.200 căn |
Tổng | 1.660 căn | 10.000 căn |
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên truyền chính trị, tư tưởng, gắn với phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Báo Lao Động Đồng Nai xây dựng chuyên mục Công nhân Đồng Nai cùng nhiều chương trình như: phong trào “Nghe công nhân hát, hát công nhân nghe”; “Hội thao công nhân lao động”. Hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng được đầu tư, giúp công nhân tiếp cận các giá trị văn hóa. Các hoạt động chăm lo đời sống, như: “Tháng Công nhân”, “Tết Lao động”, “Tết Sum vầy”, hội thao, văn nghệ, phiên chợ công nhân, tủ sách pháp luật tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết công nhân với doanh nghiệp và xã hội thường xuyên được tổ chức.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng như các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cũng rất quan tâm đến bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công nhân, chất lượng đào tạo nghề và trình độ chuyên môn của công nhân Đồng Nai theo đó cũng đã được nâng cao. Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, chính sách, pháp luật và đào tạo chính trị cho công nhân, cán bộ công đoàn được tổ chức thường xuyên. Đến nay, “toàn tỉnh đã có hơn 4 nghìn đảng viên là công nhân lao động được đứng vào hàng ngũ của Đảng”12.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn xong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân của tỉnh, cụ thể:
(1) Nhà ở xã hội và nhà ở công nhân còn thiếu, khiến nhiều người phải sống ở các khu trọ tự phát, thiếu điều kiện sống và sinh hoạt cộng đồng. Chưa có chính sách đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và công đoàn trong chăm lo văn hóa tinh thần.
(2) Công nhân thiếu cơ sở sinh hoạt văn hóa, ít cơ hội tham gia hoạt động phong trào văn hóa – nghệ thuật; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến phúc lợi cho công nhân.
(3) Một số doanh nghiệp chưa đáp xây dựng chương trình bồi dưỡng, cập nhật công nghệ, không bổ sung, đổi mới công nghệ kéo theo vấn đề công nhân không được bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng chuyển đổi số trong lao động.
(4) Hạn chế về ngoại ngữ, tin học cũng ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo, trong khi cơ chế khuyến khích học tập chưa thực sự hiệu quả.
(5) Thiếu các hình thức tuyên truyền nhằm nêu ra những tác hại của tệ nạn xã hội, như: ma tuý, cờ bạc, lừa đảo công nghệ…, để công nhân có thể nhận diện và phòng, tránh.
(6) Còn tồn tại khu nhà trọ tạm bợ, không có không gian sinh hoạt chung.
(7) Mức sống còn thấp nên công nhân ưu tiên chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu hơn là vui chơi, giải trí.Các dịch vụ văn hóa có phí thường khó tiếp cận đối với công nhân thu nhập thấp.
Những tồn tại, khó khăn trên đặt ra yêu cầu cần từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa – tinh thần của công nhân từ những giải pháp đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội tỉnh Đồng Nai, hướng đến xây dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh, tạo điều kiện cho công nhân phát triển toàn diện.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân Đồng Nai.
Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân Đồng Nai cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn, các tổ chức đoàn thể xã hội, lãnh đạo doanh nghiệp trong triển khai chính sách, đồng thời công nhân cũng phải chủ động nâng cao nhận thức để phát triển đời sống văn hóa của chính mình, đây là yếu tố quyết định hiệu quả mọi giải pháp.
(1) Đối với cấp ủy đảng. Đảng bộ tỉnh cần định hướng nghiên cứu, xác định tiêu chuẩn văn hóa phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức đảng, công đoàn, doanh nghiệp và lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Cần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt khu vực ngoài quốc doanh và nâng cao chất lượng công nhân thông qua đào tạo cán bộ, đảng viên. Cấp ủy đảng phải chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp hiệu quả với chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội và doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động sức mạnh tổng thể, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.
(2) Đối với công đoàn. Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đặc biệt tại doanh nghiệp ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Liên đoàn Lao động tỉnh phải hướng dẫn hoạt động phù hợp từng doanh nghiệp và biên soạn tài liệu cho cán bộ công đoàn. Công đoàn phải bảo vệ quyền lợi công nhân, tuyên truyền pháp luật, thúc đẩy quy chế dân chủ và thương lượng lao động. Cần tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, đào tạo kỹ năng. Đồng thời, đổi mới tuyên truyền, xây dựng quan hệ hài hòa với doanh nghiệp, đào tạo cán bộ giỏi, đẩy mạnh thi đua, khen thưởng và tạo cơ hội giao lưu, học hỏi.
(3) Đối với doanh nghiệp và người đứng đầu của doanh nghiệp. Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân, cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị – xã hội nên phối hợp xây dựng tiêu chí phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, tuyên truyền tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và phát huy vai trò của thông tin đại chúng.
Chính quyền địa phương cần đưa tiêu chí văn hóa doanh nghiệp vào việc đánh giá và công nhận danh hiệu “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa”, đồng thời tổ chức khen thưởng các doanh nghiệp đạt danh hiệu này. Cần cải cách thủ tục, công khai ưu đãi thuế, vốn, đất đai để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp. Thành lập câu lạc bộ doanh nhân, tạo kênh đối thoại với chính quyền, tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, xử lý nghiêm vi phạm quyền lợi công nhân. Những biện pháp này thúc đẩy hợp tác, nâng cao đời sống văn hóa công nhân, góp phần phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.
(4) Đối với bản thân người công nhân. Để nâng cao ý thức chính trị, giai cấp và tinh thần yêu nước cho công nhân Đồng Nai, cần đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, công nhân ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, củng cố tinh thần tự cường và phát triển toàn diện. Đời sống văn hóa tinh thần cần được nâng cao bằng việc tạo điều kiện cho công nhân tham gia sáng tạo, văn nghệ, thi đua, giải trí, khơi dậy khả năng sáng tạo và nâng cao thẩm mỹ. Đồng thời, cần tôn vinh công nhân tiêu biểu, kết hợp khen thưởng, tăng lương, hỗ trợ học tập để khuyến khích tinh thần tự giác.
Ngoài ra, việc định hướng dư luận, cổ vũ hành động tích cực, ngăn chặn tiêu cực sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Dư luận xã hội tích cực sẽ khuyến khích điều tốt đẹp, tạo chuyển biến lành mạnh trong cộng đồng, đồng thời đẩy lùi tệ nạn và phản văn hóa. Trong thời đại số, báo chí, truyền hình, internet là công cụ hiệu quả để tuyên truyền gương công nhân tiêu biểu và phản ánh tiêu cực. Đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội cần chủ động định hướng dư luận, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần công nhân Đồng Nai văn minh, tiến bộ, phát triển toàn diện.
Thứ hai, nâng cao đời sống vật chất cho công nhân Đồng Nai, hướng đến phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, đời sống vật chất khó khăn cản trở nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần. Vì vậy, để xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân Đồng Nai, trước hết cần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở và dịch vụ xã hội, đặc biệt với công nhân nhập cư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện. Để thu hút đầu tư và tạo việc làm bền vững cho công nhân Đồng Nai, cần xây dựng chính sách linh hoạt, tập trung vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao và chế biến nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tay nghề lao động.
Quy hoạch khu công nghiệp hợp lý, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo điều kiện sống tốt cho công nhân. Phát triển thị trường lao động không chỉ giúp giải quyết việc làm mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng lao động và năng suất sản xuất. Cùng với đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo đảm quyền lợi công nhân, giảm tranh chấp lao động, tạo môi trường làm việc ổn định. Bên cạnh phát triển kinh tế, cần chú trọng mở rộng các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ công nhân về nhà ở, y tế, giáo dục và dịch vụ văn hóa. Việc nâng cao đời sống tinh thần thông qua hoạt động văn hóa, thể thao cũng là yếu tố quan trọng giúp công nhân phát triển toàn diện. Tất cả các chính sách này cần được thực hiện đồng bộ, minh bạch và hướng trực tiếp đến công nhân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thúc đẩy sự phát triển bền vững của lực lượng lao động trong tỉnh.
Thứ ba, đa dạng hóa hoạt động văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân Đồng Nai.
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân Đồng Nai là bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy sáng tạo và mở rộng khả năng tiếp cận nghệ thuật. Do đó, cần gia tăng cả số lượng lẫn chất lượng hoạt động văn hóa, đa dạng hóa nội dung, hình thức phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của công nhân. Đồng Nai cần thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, gồm đại diện chính quyền, ban ngành, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng và đổi mới phương thức tổ chức, đảm bảo tính hấp dẫn, phù hợp và định hướng chính trị. Các hoạt động như: hội thi văn nghệ, giao lưu, tuyên truyền pháp luật, hoạt động cộng đồng cần tổ chức thường xuyên, khuyến khích công nhân tham gia chủ động, qua đó tạo môi trường văn hóa lành mạnh và gắn kết cộng đồng.
Cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa tinh thần cho công nhân, trang bị đầy đủ phòng đọc sách, phòng internet, khu thể thao cùng các thiết bị thiết yếu như bàn ghế, tủ sách, loa đài. Doanh nghiệp cần bố trí nhân sự quản lý và sắp xếp thời gian hợp lý để thu hút công nhân tham gia. Việc phát triển các câu lạc bộ như: công nhân xa quê, gia đình công nhân hạnh phúc, hát cho nhau nghe, pháp luật, nữ công nhân nhà trọ sẽ tạo môi trường gắn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo của công nhân, với công đoàn cơ sở giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, cần tiếp tục nhân rộng các mô hình (khu nhà trọ văn minh, nhà trọ văn hóa, khu nhà trọ không có ma túy), trong đó chính quyền và công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chủ nhà trọ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.
Khuyến khích thành lập các Hội đồng hương để công nhân giao lưu, kết nối tình cảm với quê hương và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần xây dựng các đội văn nghệ, tuyên truyền pháp luật, đội tự quản, với lực lượng nòng cốt là công nhân, góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần tại doanh nghiệp và nơi cư trú. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với đặc thù từng doanh nghiệp, tổ chức sơ kết và khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể tiêu biểu, tạo động lực lan tỏa tinh thần tích cực trong công nhân.
Thứ tư, tăng cường đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân tỉnh Đồng Nai
Để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho công nhân Đồng Nai, cần đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất và nguồn lực cho các hoạt động văn hóa. Điều này sẽ nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa và góp phần cải thiện đời sống, tăng năng suất lao động. Trước hết, cần xây dựng và nâng cấp trung tâm sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi giải trí, tổ hợp văn hóa đa năng tại các khu công nghiệp, bảo đảm quy hoạch hợp lý, tránh lãng phí và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản lý và chất lượng dịch vụ tại các trung tâm văn hóa, gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách.
Về tài chính, Đồng Nai cần đẩy mạnh đầu tư từ ngân sách nhà nước, kết hợp huy động nguồn lực xã hội thông qua Quỹ xây dựng và phát triển văn hóa tinh thần của công nhân, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức quốc tế để đa dạng hóa nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển hội văn học nghệ thuật, hội nhà báo, cơ quan truyền thông, nâng cấp công nghệ và nhân sự tại Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai, bảo đảm chất lượng thông tin, truyền thông phục vụ công nhân hiệu quả. Việc phát triển trang web của Liên đoàn Lao động tỉnh và báo điện tử Lao động Đồng Nai sẽ tăng cường tuyên truyền, kết nối hiệu quả với công nhân. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống giải thưởng để vinh danh cá nhân, tổ chức đóng góp tích cực cho đời sống văn hóa tinh thần của công nhân.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, yếu tố then chốt là phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa có năng lực quản lý và chuyên môn cao. Đồng Nai cần xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn, triển khai chiến lược đào tạo bài bản tại các cơ sở, đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, chú trọng kỹ năng quản lý và tổ chức hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng nhân lực. Sự phát triển đồng bộ giữa hạ tầng văn hóa và đội ngũ cán bộ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho đời sống văn hóa tinh thần bền vững của công nhân Đồng Nai.
4. Kết luận
Việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai trong thời đại số hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ quyền lợi và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công nhân. Từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực công nghiệp và toàn tỉnh. Thực trạng hiện nay cho thấy, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện điều kiện sống, học tập và giải trí cho công nhân, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần khắc phục, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, cần tiếp tục đẩy mạnh sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống văn hóa dân tộc và những giá trị văn hóa tiến bộ của thời đại số, tạo ra một môi trường sống và làm việc hòa nhập, thân thiện và lành mạnh. Công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước cần được tăng cường, bảo đảm công nhân tiếp cận thông tin, công nghệ mới và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập. Giải pháp trọng tâm gồm đầu tư cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ văn hóa và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đổi mới tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong thời đại số, nâng cao nhận thức về văn hóa lao động và bảo vệ quyền lợi công nhân. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đồng Nai trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2009). Văn kiện hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 291, 290.
3, 4. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (2010). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX. NXB Tổng hợp, tr. 219, 218.
5. Những thành tựu các khu công nghiệp đồng nai đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài. https://diza.dongnai.gov.vn/pages/newsdetail.aspx?
6. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai (2025). Nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần trong công nhân lao động, thực trạng và giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học đề tài cấp tỉnh: Chất lượng cuộc sống của người dân Đồng Nai hiện nay, thực trạng và giải pháp, tr. 103.
7, 11. Tỉnh ủy Đồng Nai (2022). Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
8. Tỉnh ủy Đồng Nai (2020). Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/12/2020 Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
9. Tỉnh ủy Đồng Nai (2023). Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.
10. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai (2020). Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND về việc Ban hành bộ tiêu chí “khu nhà trọ văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
12. Giai cấp công nhân Đồng Nai – vai trò và sứ mệnh. https://www.thuviendongnai.gov.vn/baiviet2015/lichsu/Lists/Posts/Post.aspx?