Một số yếu tố ảnh hưởng tới việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học

ThS. Trần Doãn Hiếu
GS.TS. Phạm Thế Long
Học viện Kỹ thuật quân sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển giao tri thức và công nghệ từ các trường đại học vào thực tiễn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này còn gặp nhiều thách thức về thể chế, cơ sở dữ liệu, cơ chế khuyến khích và liên kết với doanh nghiệp. Bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ từ các trường đại học. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng xây dựng chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học, hướng tới một công cụ có tính khả thi, phản ánh đúng thực trạng và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách và quản trị đại học trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Từ khóa: Tri thức; công nghệ; chuyển giao tri thức; trường đại học; đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Chuyển giao tri thức và công nghệ từ các trường đại học vào thực tiễn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế – xã hội. Thông qua hoạt động này, tri thức học thuật được chuyển hóa thành các sản phẩm, dịch vụ và quy trình có giá trị thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiệu quả của chuyển giao tri thức và công nghệ vẫn còn hạn chế do nhiều rào cản, như: thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, cơ chế sở hữu trí tuệ chưa hoàn thiện và đặc biệt là thiếu hệ thống chỉ số đánh giá khoa học, minh bạch.

Trên thế giới, nhiều quốc gia và tổ chức đã xây dựng các bộ chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ nhằm theo dõi, lượng hóa và thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức từ các trường đại học vào thực tiễn. Tiêu biểu như Bộ chỉ số của Hiệp hội Quản lý Công nghệ Đại học Hoa Kỳ (AUTM), theo dõi các chỉ số về số lượng bằng sáng chế, hợp đồng cấp phép, doanh thu chuyển giao công nghệ và số doanh nghiệp spin-off được hình thành từ các cơ sở giáo dục đại học1. Ở châu Âu, công cụ HEInnovate do OECD và Ủy ban châu Âu phối hợp phát triển giúp đánh giá năng lực đổi mới và khởi nghiệp của các trường đại học, trong đó chuyển giao tri thức và công nghệ là một trong tám trụ cột chính2. Bên cạnh đó, Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index – GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) xây dựng cũng bao gồm nhiều chỉ số liên quan đến hợp tác đại học – doanh nghiệp, mức độ thương mại hóa công nghệ và năng lực sở hữu trí tuệ của các cơ sở đào tạo3. Những hệ thống này không chỉ cung cấp dữ liệu chuẩn hóa mà còn hỗ trợ hoạch định chính sách và đánh giá năng lực đổi mới ở cấp quốc gia và tổ chức.

Tuy nhiên, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ không thể được thực hiện bằng cách sao chép nguyên mẫu từ các mô hình quốc tế mà cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Những yếu tố, như: thể chế, văn hóa học thuật, hạ tầng dữ liệu và mức độ hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thiết kế và triển khai bộ chỉ số. Do đó, việc nhận diện và phân tích các yếu tố thực tiễn là tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả, khả thi và phù hợp với bối cảnh trong nước.

2. Một số yếu tố ảnh hưởng tới việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ 

Việc xây dựng một bộ chỉ số đánh giá hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học vào thực tiễn luôn phải xem xét bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, các đặc điểm về kinh tế – xã hội, thể chế và văn hóa không chỉ tạo ra các thách thức mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn, xác định và đo lường các chỉ số đánh giá một cách khách quan và chính xác. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc xác định các chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ, gồm:

2.1. Chính sách và pháp lý

Chính sách và khung pháp lý là nền tảng cơ bản thúc đẩy hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học vào thực tiễn. Tại Việt Nam, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy chuyển giao tri thức và công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai và áp dụng các chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những rào cản lớn nhất là quy trình đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn phức tạp, thiếu minh bạch và mất nhiều thời gian. 

Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023, Việt Nam đã tiếp nhận 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 13,2% so với năm 2022; trong đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng khoảng 10,6% (Cục Sở hữu trí tuệ, 2024)4. Mặc dù số lượng đơn đăng ký tăng lên, nhưng tỷ lệ sáng chế đến từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu trong nước vẫn rất thấp. Về tỷ trọng số lượng đơn đăng ký sáng chế khối doanh nghiệp 40%; cá nhân 34%; trường đại học 15,5%; viện nghiên cứu 10,3%5. Đáng chú ý, từ năm 1981 đến nay, Việt Nam có khoảng 2,6 ngàn bằng sáng chế, 2,8 ngàn bằng độc quyền giải pháp hữu ích, trong đó, tỷ lệ các bằng sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích đến từ các cơ sở giáo dục chỉ chiếm 4%. Con số này rất khiêm tốn so với con số 9.000 giáo sư, phó giáo sư; 24.000 tiến sĩ; 100.000 thạc sĩ trên cả nước6.

Thực trạng này cho thấy, dù có sự gia tăng về số lượng sáng chế nói chung nhưng hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ trực tiếp từ các trường đại học vào thực tiễn chưa thực sự hiệu quả. Các trường đại học gặp nhiều khó khăn do quy trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ mất nhiều thời gian, trung bình từ 18 – 24 tháng. Ngoài ra, việc thiếu sự đồng bộ giữa Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ cùng các chính sách liên quan khác đã tạo ra những khoảng trống pháp lý khiến các trường đại học khó khăn trong việc hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là khi phát sinh các tranh chấp về sở hữu trí tuệ hoặc phân chia lợi ích từ công nghệ thương mại hóa. Điều này khiến doanh nghiệp không hoàn toàn yên tâm khi hợp tác với các trường đại học, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng các hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết.

2.2. Cơ sở dữ liệu và minh bạch thông tin

Nguồn dữ liệu về các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học hiện nay còn phân tán, thiếu sự đồng bộ và minh bạch. Nhiều trường đại học không có hệ thống quản lý dữ liệu tập trung về nghiên cứu khoa học, sáng chế và chuyển giao công nghệ hoặc các dữ liệu thường chỉ được lưu giữ nội bộ và ít khi được công khai rõ ràng, đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thông tin phục vụ việc xây dựng các chỉ số đánh giá và theo dõi hiệu quả chuyển giao tri thức và công nghệ7. Cụ thể, năm 2022, Đại học Bách Khoa Hà Nội dù có hoạt động chuyển giao công nghệ khá hiệu quả thông qua mô hình BK Holdings, nhưng thông tin công khai về các hợp đồng chuyển giao công nghệ, số lượng thương mại hóa công nghệ và doanh thu cụ thể từ từng hoạt động lại không được công bố, gây khó khăn cho việc xác định các chỉ số hiệu quả của hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều trường đại học lớn khác, như: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân8.

2.3. Cơ chế khuyến khích giảng viên và nhà nghiên cứu tham gia chuyển giao tri thức và công nghệ

Sự tham gia của giảng viên và nhà nghiên cứu đóng vai trò then chốt trong hiệu quả của hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ tại các trường đại học. Tuy nhiên, việc thiếu các cơ chế khuyến khích về tài chính, thăng tiến nghề nghiệp và công nhận học thuật đang là một trong những rào cản ảnh hưởng không chỉ đến hiệu quả thực tiễn của chuyển giao tri thức và công nghệ mà còn làm suy yếu khả năng thu thập dữ liệu đầu vào và đo lường thông qua các chỉ số đánh giá.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2023), ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các trường đại học chỉ chiếm khoảng 13 – 18% tổng chi tiêu R&D, trong khi tại nhiều quốc gia OECD, tỷ lệ này cao hơn đáng kể9. Tình trạng thiếu đầu tư, cộng với cơ chế tài chính bị kiểm soát chặt chẽ khiến các trường gặp khó khăn trong việc xây dựng quỹ khuyến khích nội bộ để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng hoặc các hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ. Hệ quả là các chỉ số như “tỷ lệ giảng viên tham gia chuyển giao tri thức và công nghệ”, “số lượng sáng chế được thương mại hóa” hay “doanh thu chuyển giao tri thức và công nghệ trên mỗi giảng viên” trở nên khó thu thập hoặc phản ánh thiếu chính xác năng lực thực tế của đội ngũ khoa học. 

Như vậy, việc thiếu cơ chế khuyến khích phù hợp cho giảng viên và nhà nghiên cứu không chỉ là rào cản đối với hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ mà còn ảnh hưởng đến việc thiết lập hệ thống đánh giá và đo lường hiệu quả hoạt động này. Nếu không có chính sách khuyến khích rõ ràng, minh bạch và khả thi từ phân chia lợi ích, công nhận học thuật cho đến hỗ trợ tài chính thì việc xây dựng các bộ chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ không chỉ thiếu tính thực tiễn mà còn có nguy cơ phản ánh sai lệch bức tranh toàn diện về chuyển giao tri thức và công nghệ tại các trường đại học.

2.4. Mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp

Hoạt động nghiên cứu tại nhiều trường đại học hiện vẫn chủ yếu tập trung vào công bố học thuật và thực hiện các đề tài theo kinh phí nhà nước, trong khi sự tham gia đặt hàng, hợp tác nghiên cứu từ phía doanh nghiệp còn rất thấp. Theo khảo sát của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia năm 2018 đối với 7.641 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, chỉ 0,9% doanh nghiệp có lựa chọn hợp tác với tổ chức khoa học – công nghệ (bao gồm trường đại học) để đổi mới quy trình sản xuất10. Tỷ lệ này cho thấy sự rời rạc đáng kể giữa kết quả nghiên cứu và nhu cầu thực tiễn từ khu vực sản xuất – kinh doanh.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này nằm ở khoảng cách giữa mục tiêu học thuật của nhà trường và yêu cầu ứng dụng cụ thể từ phía doanh nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu vẫn dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa đạt mức độ hoàn thiện để có thể thương mại hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về công nghệ có thể chuyển giao do thiếu các kênh kết nối và nền tảng chia sẻ dữ liệu hiệu quả.

Không chỉ nhà trường, phía doanh nghiệp cũng góp phần làm suy yếu liên kết. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, chưa chú trọng đầu tư vào R&D và ít mặn mà với hợp tác công nghệ từ trường đại học. Các chỉ số liên quan như “tỷ lệ hợp tác nghiên cứu có doanh nghiệp tham gia”, “số lượng hợp đồng nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp” hoặc “tác động kinh tế của hoạt động chuyển giao công nghệ đến đối tác doanh nghiệp” rất khó được lượng hóa nếu mối liên kết giữa hai khu vực chưa được củng cố và thể chế hóa một cách bền vững.

2.5. Các nền tảng trung gian kết nối và hỗ trợ chuyển giao tri thức và công nghệ

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian, như: văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp hoặc các tổ chức môi giới công nghệ đóng vai trò cầu nối giữa trường đại học và doanh nghiệp. Các nền tảng này giúp dịch chuyển kết quả nghiên cứu từ môi trường hàn lâm vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ và hình thành các doanh nghiệp spin-off. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tổ chức trung gian này vẫn đang phát triển phân tán, thiếu cơ chế vận hành bài bản và đội ngũ nhân sự có chuyên môn chuyên sâu.

Theo Ngân hàng Thế giới (2020), một trong những rào cản lớn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là sự thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp. Phần lớn các trường đại học chưa xây dựng được đơn vị chuyên trách đủ năng lực để triển khai chuyển giao tri thức và công nghệ một cách hiệu quả. Đồng thời, các sáng kiến thành lập TTO thường mang tính thử nghiệm, thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự, chưa gắn với chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở cấp hệ thống11. Scott-Kemmis (2022) cũng nhấn mạnh rằng nhiều TTO tại Việt Nam “thiếu cả nhân sự chuyên trách lẫn hệ thống dữ liệu theo dõi”, khiến hiệu quả chuyển giao không được lượng hóa rõ ràng và thiếu minh bạch12. Việc thiếu cơ chế yêu cầu báo cáo định kỳ, thiếu tiêu chuẩn hóa quy trình, và không có hệ thống lưu trữ dữ liệu hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ cũng là những điểm yếu cốt lõi.

Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam. Mặc dù có năng lực nghiên cứu mạnh, trường hiện vẫn chưa có trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ chuyên trách được tổ chức độc lập theo mô hình chuẩn quốc tế. Các hoạt động CGTT&CN tại trường hiện được phân bổ và vận hành rải rác thông qua nhiều đơn vị khác nhau, mỗi đơn vị đảm nhiệm một phần chức năng, tạo ra sự phân tán và thiếu liên thông trong quản lý dữ liệu và đo lường hiệu quả13.

2.6. Mức độ chuyển đổi số trong chuyển giao tri thức và công nghệ

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2022, có tới 55% số trường đại học tại Việt Nam chỉ đạt mức trung bình về chuyển đổi số, tương ứng với các mức 1 đến 3 trong thang đánh giá sáu cấp độ. Điều này cho thấy, phần lớn các trường mới dừng lại ở giai đoạn nhận thức, lập kế hoạch hoặc triển khai ban đầu, chưa thực sự tích hợp chuyển đổi số vào các hoạt động cốt lõi như nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức và công nghệ14. ​

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS) quản lý hơn 470 cơ sở đào tạo, 25.000 chương trình đào tạo, hơn 100.000 hồ sơ cán bộ và gần 3 triệu hồ sơ người học, nhưng các dữ liệu liên quan đến chuyển giao tri thức và công nghệ như kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế, đối tác doanh nghiệp hoặc hợp đồng chuyển giao vẫn chưa được tích hợp15. Sự thiếu đồng bộ này gây khó khăn trong việc chia sẻ, giám sát và chuẩn hóa dữ liệu chuyển giao tri thức và công nghệ trên phạm vi toàn ngành.​

3. Định hướng xây dựng chỉ số đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ

Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ trong bối cảnh Việt Nam, có thể xác định một số định hướng quan trọng để thiết kế bộ chỉ số đánh giá hoạt động này một cách thực tiễn, khả thi và hiệu quả. Các định hướng này vừa phản ánh đặc điểm nội tại của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, vừa bảo đảm tính liên thông với các tiếp cận đánh giá phổ biến trên thế giới.

Thứ nhất, cần phát triển hệ thống chỉ số theo hướng phân tầng đa chiều, bao gồm các nhóm chỉ số đầu vào, chỉ số quy trình, chỉ số đầu ra và chỉ số tác động. Cách tiếp cận này giúp phản ánh toàn diện quá trình chuyển giao tri thức và công nghệ, từ nguồn lực sẵn có, cách thức triển khai đến kết quả đạt được và ảnh hưởng dài hạn. Cụ thể:

(1) Nhóm chỉ số đầu vào (Input Indicators): đo lường các nguồn lực, như: tài chính R&D, nhân lực nghiên cứu, số lượng sáng chế, cơ chế khuyến khích nội bộ.

(2) Nhóm chỉ số quá trình (Process Indicators): phản ánh mức độ thực thi hoạt động, như: số hợp đồng, số dự án hợp tác, vai trò của tổ chức trung gian, mức độ tham gia của giảng viên.

(3) Nhóm chỉ số đầu ra (Output Indicators): thể hiện kết quả ngắn hạn, như: số công nghệ chuyển giao, doanh nghiệp tiếp nhận, số startup.

(4) Nhóm chỉ số tác động (Impact Indicators): đánh giá hiệu quả lâu dài, như: tác động kinh tế – xã hội, tăng trưởng doanh thu chuyển giao tri thức và công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, việc lựa chọn các chỉ số cụ thể cần gắn với khả năng thu thập dữ liệu thực tế. Do nhiều trường đại học chưa có hệ thống dữ liệu tích hợp hoặc dữ liệu còn phân tán và thiếu minh bạch, nên các chỉ số cần được xác định trên nguyên tắc: dễ tiếp cận, có thể đo lường định lượng hoặc định tính và phản ánh trực tiếp hành vi chuyển giao trong môi trường đại học. Những chỉ số, như: số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh thu từ chuyển giao công nghệ so với tổng thu nghiên cứu, hay số doanh nghiệp khởi nguồn từ đại học (spin-off) cần được xem xét ưu tiên.

Thứ ba, bảo đảm sự linh hoạt và thích ứng với đặc thù của từng loại hình trường đại học và từng ngành đào tạo. Không áp dụng một bộ chỉ số cứng nhắc cho mọi đơn vị, mà cần có cơ chế điều chỉnh theo quy mô, sứ mạng và mức độ phát triển của từng cơ sở. Ví dụ, các trường kỹ thuật công nghệ có thể tập trung vào các chỉ số về số lượng sáng chế và chuyển giao công nghệ kỹ thuật, trong khi các trường xã hội nhân văn có thể ưu tiên đánh giá hoạt động tư vấn, chính sách và chuyển giao tri thức mềm.

Thứ tư, trong quá trình xây dựng bộ chỉ số cần đặc biệt chú trọng đến việc lồng ghép các tiêu chí phản ánh mức độ gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp. Các chỉ số, như: tỷ lệ hợp đồng nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp, tỷ lệ sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh, hoặc số lượng doanh nghiệp spin-off hình thành từ các chương trình đổi mới sáng tạo trong trường đại học sẽ phản ánh rõ mức độ chuyển hóa kết quả nghiên cứu sang giá trị kinh tế – xã hội cụ thể. Những chỉ số này không chỉ giúp đo lường hiệu quả kết nối đại học – doanh nghiệp mà còn góp phần đánh giá năng lực chuyển đổi tri thức học thuật thành tri thức ứng dụng, một năng lực trọng tâm trong mô hình đại học đổi mới.

Thứ năm, cần bảo đảm tính linh hoạt và khả năng thích ứng của hệ thống chỉ số đánh giá. Hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ luôn chịu tác động từ nhiều yếu tố biến động, như: thay đổi chính sách, xu hướng công nghệ mới, nhu cầu của doanh nghiệp hay biến động thị trường. Do đó, hệ thống chỉ số không thể mang tính cố định mà cần được thiết kế với khả năng cập nhật định kỳ, phản ánh kịp thời thực tiễn. Việc này đòi hỏi cơ chế hiệu chỉnh thường xuyên, có sự tham gia của các bên liên quan, như: nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và các trường đại học. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế tri thức phát triển nhanh, hệ thống chỉ số cần mang tính “sống” – tức có khả năng mở rộng, cập nhật và phản ánh chính xác thực tế đang vận động. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là yếu tố nền tảng để bộ chỉ số phát huy vai trò như một công cụ hỗ trợ hoạch định chính sách hiệu quả.

Thứ sáu, bộ chỉ số cần được thiết kế theo hướng mở, có khả năng tích hợp với các hệ thống giám sát và thống kê đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Việc kết nối bộ chỉ số với các nền tảng dữ liệu hiện có, như: cơ sở dữ liệu nghiên cứu quốc gia, hệ thống thống kê khoa học – công nghệ, các báo cáo đổi mới sáng tạo (như GII, MOST, OECD) sẽ tạo điều kiện cho việc chuẩn hóa thông tin, so sánh giữa các cơ sở và nâng cao tính minh bạch trong quản trị. Đồng thời, đây cũng là bước quan trọng để bộ chỉ số không chỉ dừng lại ở công cụ nội bộ phục vụ nhà trường mà còn trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà hoạch định chính sách trong việc theo dõi, đánh giá và điều chỉnh các chương trình, chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức và công nghệ ở cấp quốc gia.

4. Kết luận

Bài viết đã tiếp cận vấn đề xây dựng bộ chỉ số đánh giá hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học vào thực tiễn không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà còn trên nền tảng nhận diện toàn diện các yếu tố ảnh hưởng trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng, nghiên cứu không chỉ làm rõ những rào cản cốt lõi đang cản trở quá trình lượng hóa và đánh giá chuyển giao tri thức và công nghệ mà còn đề xuất các định hướng ban đầu cho việc thiết kế cấu trúc bộ chỉ số phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Chú thích:
1. AUTM (2022). U.S. Licensing Activity Survey: FY2021. Association of University Technology Managers Publishing.
2. OECD & European Commission (2020). HEInnovate User Guide. Retrieved from https://heinnovate.eu
3. WIPO (2023). Global Innovation Index 2023: Innovation in the Face of Uncertainty. World Intellectual Property Organization.
4. Cục Sở hữu trí tuệ (2023). Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2023. H. NXB Thanh niên.
5. Cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam mới có khoảng 200 bằng độc quyền sáng chế.https://daibieunhandan.vn/ca-he-thong-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-moi-co-khoang-200-bang-doc-quyen-sang-che-
6. Phát triển tài sản trí tuệ trong nghiên cứu tại trường đại học. https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202412/phat-trien-tai-san-tri-tue-trong-nghien-cuu-tai-truong-dai-hoc-26100a9/.
7. Nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ tại các trường đại học: doanh thu còn thấp.https://tienphong.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-chuyen-giao-cong-nghe-tai-cac-truong-dai-hoc-doanh-thu-con-thap-post1675581.tpo.
8. Đại học Bách khoa Hà Nội (2022). Báo cáo thường niên 2022. H. NXB Bách khoa.
9. World Bank (2023). Higher Education Financing in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options. World Bank Publishing.
10. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (2018). Báo cáo Kết quả thống kê đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện công tác thống kê đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
11. World Bank (2020). Improving the Performance of Higher Education in Vietnam. H. NXB Thanh niên.
12. Scott-Kemmis, D. (2022). Promoting knowledge transfer and commercialisation: Strategies for knowledge transfer from universities and public sector research organisations in Vietnam.Australia’s National Science Agency
13. Tổng hợp từ cổng thông tin điện tử trường Đại học Bách khoa Hà Nội.https://www.hust.edu.vn/vi/co-cau-to-chuc-bai-viet/gioi-thieu-chung.html
14. 55% số trường Đại học ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình về chuyển đổi số. https://dantri.com.vn/giao-duc/55-so-truong-dai-hoc-o-viet-nam-chi-o-muc-trung-binh-ve-chuyen-doi-so-
15. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/02/kinh-nghiem-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-va-bai-hoc-cho-viet-nam/
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2017). Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
2. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
3. Quốc hội (2015). Luật Sở hữu trí tuệ năm 2015.