TS. Nguyễn Ngọc Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch ra sức chống phá chúng ta trên mọi mặt trận, trong đó có mặt trận tư tưởng – văn hóa, mà một trong những đối tượng chúng nhắm tới là quân nhân trong nhà trường quân đội. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Từ khóa: Giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các nhà trường quân đội.
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng nhiều thách thức đặt ra cho đất nước, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tìm cách tấn công vào nền tảng tư tưởng, đường lối đổi mới của Đảng ta; chúng ra sức tuyên truyền và cổ súy cho hệ tư tưởng và nền dân chủ tư sản; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc quan hệ giữa nước ta với các nước khác trên thế giới; lợi dụng, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin để kích động; thậm chí chúng trắng trợn đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang… Cụ thể, như: khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa những vụ án lớn ra xét xử thì những thế lực phản động này lại xuyên tạc đó là cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái… Chúng sử dụng những sản phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng khiến những các quân nhân trong các nhà trường quân đội ít thông tin sẽ bị mê hoặc, hoang mang, hoài nghi, từ đó hình thành dư luận xã hội tiêu cực.
Chính vì vậy, yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra hiện nay là cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội để hình thành trong mỗi quân nhân một thế giới quan khoa học, tư duy lý luận và tư duy chính trị thực tiễn – tạo sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” với các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần phát triển toàn diện người quân nhân cách mạng cũng như yêu cầu của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.
2. Tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường quân đội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục chính trị lý luận, Người chỉ rõ: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”1. Quán triệt tinh thần đó vào trong công tác giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học, các nhà trường quân đội luôn xác định rõ bên cạnh nhiệm vụ đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, còn luôn chú trọng tới chất lượng giáo dục chính trị lý luận nhằm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao phẩm chất chính trị, lập trường giai cấp, củng cố niềm tin cho các quân nhân, để đào tạo ra những cán bộ có đủ đức và tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 94-NQ/TW ngày 28/3/2014 về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, công tác giáo dục lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội có những chuyển biến quan trọng. Đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) các nhà trường quân đội đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, giáo trình, đa dạng hóa hình thức, phương pháp giảng dạy; đặc biệt chú trọng việc “đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giáo dục; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các hoạt động thực tiễn; đổi mới nội dung, hình thức học tập nghị quyết, tuyên truyền, giáo dục pháp luật…”2.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đến toàn thể các đối tượng trong nhà trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị không ngừng được nâng cao; các giảng viên lý luận chính trị có trình độ chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, nhiệt huyết yêu nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Chương trình, giáo trình, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục lý luận chính trị thường xuyên được đổi mới, cập nhật sát thực tiễn yêu cầu, phù hợp với người học và người dạy.
Về phương pháp, phương tiện giảng dạy, đã từng bước chuyển từ phương pháp truyền đạt tri thức thụ động sang phương pháp giảng dạy tích cực. Các hình thức giáo dục chính khóa, ngoại khóa, giáo dục thông qua các hoạt động thực tiễn, tự giáo dục được vận dụng, phối hợp, kết hợp phù hợp với từng đối tượng và nội dung trong từng môn học. Kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn trong từng bài giảng, từ đó đưa hơi thở cuộc sống vào trong bài giảng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cơ sở hạ tầng, phương tiện để giảng dạy và học tập cũng được nhiều trường trang bị, cải tạo theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại, tích hợp.
Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày một sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI)… đã và đang tác động mạnh mẽ tới công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có hoạt động giáo dục lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội hiện nay. Đối với quân nhân, vẫn còn một số người nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học; chưa xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị đúng đắn. Một số học viên thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị, thái độ học tập không nghiêm túc, gượng ép, học đối phó, thậm chí vi phạm quy chế học tập; cá biệt có những quân nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; bị các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất lôi kéo có hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội.
Về phía đội ngũ giảng viên, vẫn còn một bộ phận giảng viên trẻ trình độ chuyên môn chưa sâu; năng lực nghiên cứu khoa học còn hạn chế; kiến thức thực tế chưa phong phú, sâu sắc…, dẫn đến trong quá trình giảng dạy, khi gặp các vấn đề phức tạp, nổi cộm, cần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tỏ ra lúng túng, chưa lý giải được một cách thuyết phục, không đưa ra được căn cứ rõ ràng. Thêm tác động của mặt trái kinh tế thị trường nên vẫn còn giảng viên có biểu hiện tiêu cực, thiếu chí tiến thủ… dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho người học.
Về phía các nhà trường, còn có nhiều môn học, bài giảng, tiết giảng còn nặng về lý thuyết, không gắn với thực tiễn chinh trị – xã hội trong nước và quốc tế…. Chương trình, giáo trình đổi mới, nhất là áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu, xử lý tài liệu nên chất lượng giáo dục, đào tạo của cả nhà trường chưa đạt yêu cầu đề ra.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị của các nhà trường quân đội
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) đối với công tác giáo dục lý luận chính trị.
Đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) các nhà trường cần nhất quán về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị; nhận thức sâu sắc những quan điểm, định hướng tư tưởng của Đảng (nhất là quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW ngày 30/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 35-NQ/TW.
Phát huy trách nhiệm của các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; gắn trách nhiệm của từng cấp ủy viên trong tổ chức, quản lý và tham gia công tác giáo dục lý luận chính trị; khắc phục triệt để hiện tượng “giao khoán” việc giáo dục lý luận chính trị cho các khoa lý luận, đội ngũ giáo viên, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Ban giám đốc (ban giám hiệu) cần chủ động, dân chủ bàn bạc với chính ủy và chỉ đạo cơ quan chức năng, các khoa khoa học xã hội và nhân văn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục lý luận chính trị bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ và thống nhất.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận chính trị trong các nhà trường.
Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; phẩm chất đó thể hiện ở sự nhạy bén chính trị, sắc sảo trong phân tích khoa học đối với các vấn đề chính trị xã hội để mỗi giảng viên có khả năng định hướng đúng, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi tình huống phức tạp của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay.
Nâng cao trình độ chuyên môn, theo đó, giáo viên lý luận chính trị đòi hỏi phải có tri thức văn hóa tổng hợp, am hiểu nhiều lĩnh vực, phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, khoa học bổ trợ và nắm vững tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khi nghiên cứu và giảng dạy phải biết gắn chặt lý luận vào thực tiễn. Giảng viên còn phải tích lũy vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, thu thập, cập nhật thông tin cho bài giảng và nâng cao kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học tích cực, thực sự coi học viên là trung tâm của quá trình dạy và học, hướng đến sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi tích cực của học viên.
Nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên, trong đó cần chú trọng đến phong cách, biểu cảm, lời nói đi đôi với việc làm; hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực đời sống; có tài thuyết phục đối tượng trên cơ sở lôgic, luận cứ khoa học kết hợp sử dụng ngôn ngữ khúc triết, chính xác, giản dị, giàu sức truyền cảm; biết lựa chọn nội dung đúng định hướng của Đảng, giàu thông tin, phù hợp với nhu cầu và trình độ của học viên. Đội ngũ giảng viên cần có cách truyền tải tri thức lý luận bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống, biến những vấn đề lý luận phức tạp thành đơn giản nhưng vẫn mang tính triết lý, tính khoa học, tính tư tưởng và tính thực tiễn bằng cách phân tích, lý giải các luận điểm, liên hệ với cuộc sống và đôi khi phải có tính hài hước hợp lý.
Ba là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị.
Chương trình giáo dục lý luận chính trị phải đáp ứng được mục tiêu giáo dục; mục tiêu giáo dục đặt ra như thế nào, nội dung, chương trình giáo dục phải tương ứng thực hiện được những mục tiêu đó. Chương trình giáo dục cần phải phù hợp với đối tượng; theo đó, với mỗi đối tượng đòi hỏi phải có một nội dung, chương trình đào tạo phù hợp; đó là sự phù hợp về lứa tuổi, phù hợp về chuyên môn, khả năng nhận thức của người học; vì vậy, phải căn cứ vào từng loại đối tượng để xác định yêu cầu, nội dung, chương trình phù hợp. Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong kết cấu chương trình; sự hợp lý đó được thể hiện ở tính lôgic của chương trình, sự phù hợp về nội dung, về thời gian của mỗi phần trong chương trình; toàn bộ sự bố trí, sắp xếp trong chương trình phải được tạo thành một thể thống nhất biện chứng, bổ sung cho nhau, phù hợp với nhận thức của người học, giúp người học không những tiếp thu được nội dung, mà còn hình thành cho mình một năng lực tư duy lôgic trong quá trình học tập.
Đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị vừa phải bảo đảm tính cơ bản, chuyên sâu, vừa phải bảo đảm nâng cao năng lực vận dụng vào thực tiễn và phát triển tư duy sáng tạo của người học. Mỗi giáo viên giảng dạy lý luận chính trị phải chuẩn bị chu đáo đến từng tiết học, tích cực nghiên cứu nắm bắt thông tin để có thể minh họa những nguyên lý, quy luật, phạm trù bằng những ví dụ cụ thể, sinh động nhằm trang bị cho học viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học, bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi thử thách, biến động của thế giới cũng như ở trong nước. Nội dung từng bài giảng phải được tìm cách chuyển tải cho phù hợp nhu cầu hiểu biết kiến thức lý luận chính trị của người học. Giáo viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng giải lý luận với định hướng xử lý tình huống thực tế có liên quan để giúp người học hiểu sâu, nắm chắc kiến thức lý luận và rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực xử lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Bốn là, đa dạng hóa phương tiện, hình thức giáo dục lý luận chính trị.
Nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất như hệ thống giảng đường đủ ánh sáng, đầu tư các trang thiết bị, phương tiện hiện đại, như: máy chiếu qua đầu (overhead), máy chiếu đa năng (projector), micrô không dây… Bên cạnh đó, cần có phòng tự học cho trên giảng đường, trong doanh trại; cần xây dựng thư viện với số lượng giáo trình, sách, báo, tạp chí đầy đủ, đặc biệt quan tâm xây dựng thư viện điện tử hiện đại giúp người học thu thập, truy cập thông tin nhanh và hiệu quả. Việc đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất phải có sự hướng dẫn, tập huấn để sử dụng tối ưu các phương tiện đó nhằm đạt kết quả mong muốn.
Giáo dục lý luận chính trị ngoài hình thức đào tạo qua trường lớp cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục khác. Tổ chức các buổi học ngoại khóa như nói chuyện chuyên đề, báo cáo thời sự, nghị quyết. Các hình thức tham quan, nghiên cứu thực tế, các hình thức văn hóa – thể thao, các cuộc thi tìm hiểu về lý luận chính trị, thi kể chuyện về các gương tốt… có tác dụng giáo dục truyền thống và tinh thần cách mạng hơn nhiều bài diễn thuyết dài dòng, khô khan. Tăng cường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao với cơ chế có tổ chức, có khen thưởng động viên kịp thời, có kiểm tra chặt chẽ, tránh hoạt động tự phát, tránh ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng.
Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động của người học trong nhận thức, vận dụng tri thức lý luận chính trị.
Đặc biệt với các giảng viên lý luận chính trị phải khơi dậy cho người học sự hứng thú, ham thích, say mê nhận thức và vận dụng lý luận chính trị. Bằng trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật của mình, các chủ thể thông qua quá trình giáo dục lý luận chính trị cần bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng; hun đúc ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống cho học viên; biết tạo ra nhu cầu và đặt ra yêu cầu hợp lý về nhận thức và vận dụng lý luận chính trị trong mọi hoàn cảnh.
Đối với người học, cần nhận thức được việc học tập tốt các môn chuyên ngành là điều cần thiết, song nếu chỉ có kiến thức chuyên ngành họ sẽ bị lạc hậu về mặt lý luận, vì việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp họ nắm bắt được những kiến thức cơ bản, kết hợp với việc liên hệ thực tiễn, từ đó có tư duy độc lập, đúng đắn, hành động phù hợp trong cuộc sống, qua đó có được phương pháp tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức một cách có hiệu quả nhất.
4. Kết luận
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị ở các trường quân đội góp phần tăng cườngbảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp. Trong thời gian qua, các trường quân đội đã làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần nâng cao nhận thức tri thức chính trị cho các quân nhân, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các thế lực thù địch ra sức chống phá trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục của các nhà trường quân đội.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 279.
2. Tổng cục Chính trị (2014). Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 124- CT/QUTW ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2011). Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2. Bộ Chính trị (2016). Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Bộ Chính trị (2018). Chỉ thị số 23-CT/TW ban hành ngày 09/02/2018 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.