Khung lý luận về kinh tế xanh 

TS. Nguyễn Thị Minh Hòa 
ThS. Nguyễn Thị Hằng
Trường Đại học Lao động – Xã hội
ThS. Lê Hải Yến 
Trường Kinh tế tài chính – Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Quanlynhanuoc.vn) – Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là những thuật ngữ ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuật ngữ này hiện nay chưa có sự thống nhất. Trên cơ sở tổng hợp quan điểm của các tổ chức và các nhà khoa học, bài viết làm rõ sự tương đồng và sự khác biệt giữa tăng trưởng xanh với kinh tế xanh, định vị kinh tế xanh trong mối quan hệ với phát triển bền vững, thành phần và công cụ chính cần thiết để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Từ khóa: Khung lý luận; kinh tế xanh; tăng trưởng xanh; phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Con người đã thay đổi hệ sinh thái nhanh và rộng hơn trong 100 năm qua so với bất kỳ khoảng thời gian nào trong lịch sử loài người. Hiện thế giới đang phải đối mặt với hai thách thức chính, đó là dân số toàn cầu tăng nhanh và áp lực ngày càng tăng liên quan đến môi trường. Phát triển kinh tế chủ yếu được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh về thực phẩm, nước ngọt, gỗ, chất xơ, nhiên liệu và khoáng sản. Do đó, chúng là kết quả của mô hình kinh tế tuyến tính một chiều truyền thống: “tài nguyên – sản phẩm – chất thải” (PEER, 2015). Điều này dẫn tới hậu quả tăng trưởng kinh tế không cân bằng, bao gồm cả tác động đến đời sống của người dân và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, môi trường và cần phải được ngăn chặn nhanh chóng, chủ yếu thông qua việc xử lý các tác động một cách chính xác. 

Do quy mô của các rủi ro hiện có, các thách thức chính liên quan đến các vấn đề gắn với biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia buộc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, tìm kiếm những cách thức khả thi để cân bằng con đường tăng trưởng kinh tế, phát triển của quốc gia mình với các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Các vấn đề trên đây đã dẫn đến sự xuất hiện các khái niệm: Tăng trưởng xanh(Satbyul và cộng sự, 2014), Kinh tế xanh (ten Brink và cộng sự, 2012) và Phát triển bền vững (Keiner, 2005).

2. Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững

a. Khái niệm và bản chất kinh tế xanh

Một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế mà mục tiêu nhằm cải thiện phúc lợi xã hội, giảm thiểu rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái (UNEP, 2011) và mục đích này giúp phát triển bền vững mà không làm giảm chất lượng môi trường (Kahle & Gurel-Atay, 2014).  Theo UNEP (2011), một nền kinh tế để trở nên xanh thì nó không chỉ phải hiệu quả mà còn phải công bằng. Công bằng có nghĩa là công nhận các khía cạnh bình đẳng cấp quốc gia và toàn cầu, đặc biệt là trong việc đảm bảo một nền kinh tế chuyển đổi công bằng có lượng các-bon thấp, hiệu quả về tài nguyên và hòa nhập xã hội.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã thống nhất cần phải xây dựng một nền kinh tế xanh bao trùm. Nó tập trung vào việc mở rộng các lựa chọn cho các nền kinh tế của quốc gia, sử dụng các chính sách tài khóa và bảo trợ xã hội có mục tiêu và phù hợp và được hỗ trợ bởi các thể chế mạnh mẽ đặc biệt hướng đến việc bảo vệ các tầng xã hội và sinh thái. Nền kinh tế xanh bao trùm là một giải pháp thay thế cho mô hình kinh tế thống trị ngày nay (UNEP, 2015).

Nền kinh tế xanhđược đặc trưng bởi sự gia tăng đáng kể đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế tạo ra và củng cố vốn tự nhiên của trái đất hoặc góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu hụt sinh thái và các mối đe dọa môi trường. Đặc biệt, các lĩnh vực này bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông phát thải thấp, xây dựng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, cải thiện quản lý chất thải, nông nghiệp và quản lý rừng bền vững và đánh bắt cá bền vững (Hamdouch và Depret, 2010; UNEP, 2010).

b. Tăng trưởng và tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh đã nổi lên như một cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi đảm bảo rằng các tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường mà dựa vào đó phúc lợi của các xã hội (OECD, 2011). Cách tiếp cận này ngụ ý giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả về mặt chi phí mà không làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hoặc nghèo đói, đồng thời tạo ra và nắm bắt các cơ hội kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường. Các chính sách tăng trưởng xanh được thiết kế và thực hiện một cách cẩn thận có thể giúp các quốc gia quản lý bền vững tài sản thiên nhiên của họ cho các thế hệ tương lai; giảm đói nghèo; tạo ra tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm; phát triển cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu; cải thiện khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng; giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính; và cung cấp sinh kế an toàn hơn cho người dân nông thôn và nghèo phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên (OECD, 2013).

Lý thuyết tăng trưởng cổ điển (Solow, 1956) giả định rằng sản lượng Y được sản xuất bằng cách sử dụng công nghệ và vốn con người A, vốn vật chất K và lao động L. Theo đó, quan hệ của các thành tố này được biểu diễn dưới dạng hàm số:

Y = (A, K, L).

Tăng trưởng sản lượng được giải thích bằng tăng trưởng các yếu tố sản xuất K và L, và tăng trưởng năng suất A. Tăng trưởng lao động L được giải thích bởi sự gia tăng dân số, sự tham gia của lực lượng lao động và những cải thiện về y tế và giáo dục. Tăng trưởng ở K được giải thích là do đầu tư và các mô hình tăng trưởng là phù hợp với việc một phần sản lượng được sử dụng để tăng nguồn vốn K. Tăng trưởng năng suất A được giải thích là do thay đổi công nghệ, bao gồm cả những thay đổi về tổ chức và thực hành cũng như cải thiện vốn xã hội (thể chế tốt hơn, sự gắn kết xã hội,…) (Kanianska, 2017).

Trong một số mô hình lý thuyết tăng trưởng (ví dụ, mô hình Solow năm 1956), tăng trưởng lao động và tổng năng suất là ngoại sinh. Tuy nhiên, trong các mô hình khác (Mankiw và cộng sự, 1992), tăng trưởng năng suất lại được coi là nội sinh và phụ thuộc vào đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển, trên quy mô đầu ra và học tập bằng cách làm (học thông qua làm/thực hành). Các chính sách kinh tế có thể tác động đến tích lũy vốn vật chất, vốn xã hội và vốn con người để tối đa hóa sản lượng hoặc tối đa hóa tăng trưởng sản lượng (tức là tăng trưởng GDP). Theo cách tiếp cận này, môi trường không có vai trò sản xuất, mặc dù nó có thể xâm nhập thông qua chức năng tiện ích bởi giá trị tiện ích của nó. Ý tưởng cho rằng, sản xuất kinh tế phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trườngít nhất đã có từ thời Malthus (Malthus, 1965) và ngày càng được phát triển thêm trong một số tài liệu kinh tế môi trường.

Trong phân tích của Kanianska (2017), môi trường trở thành “vốn tự nhiên”, cần thiết trực tiếp cho tăng trưởng. Và quản lý môi trường trở thành một hoạt động đầu tư hiệu quả, có thể so sánh trực tiếp với việc đầu tư vào vốn vật chất. Việc không quản lý được môi trường dẫn đến việc giảm giá trị và phá hủy vốn tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng. Do đó, tăng trưởng không chỉ bao gồm các thành tố truyền thống mà còn phải tính đến yếu tố môi trường:

Ye = (A, K, L, E).

Vốn tự nhiên, bao gồm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, đất đai và hệ sinh thái, thường được định giá thấp và quản lý không đúng. Điều này gây ra chi phí cho nền kinh tế và phúc lợi của con người. Ngay cả khi sản lượng khai thác của nó được định giá trên thị trường, thì sự khan hiếm của nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể không được phản ánh đầy đủ trong giá trị của hàng hóa và dịch vụ phát sinh từ việc khai thác chúng. Xác định và giải quyết trường hợp này là cơ hội để cải thiện hiệu quả tạo ra lợi ích ròng cho xã hội (OECD, 2011a; WB, 2012).

c. Phân biệt Tăng trưởng xanh và Kinh tế xanh

Tăng trưởng xanh được gắn kết chặt chẽ với ý tưởng về nền kinh tế xanh theo định hướng tăng phúc lợi xã hội nói chung và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể rủi ro môi trường và sự thiếu hụt sinh thái (UNEP, 2011)

Theo Allen và Clouth (2012), mặc dù nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanhlà các thuật ngữ có nguồn gốc khác nhau, nghĩa là chúng – các thuật ngữ này – là kết quả của các hoạt động từ các tổ chức và các nhóm đối tượng khác nhau, sự khác biệt giữa các khái niệm này đã trở nên không rõ ràng và chúng hiện đang được sử dụng gần như thay thế cho nhau. Tuy nhiên, rõ ràng với cách tiếp cận như vậy là không chính xác và cần tách bạch hai phạm trù này. Nhiều nhà khoa học đã phê phán sự hạn chế trong việc lượng hóa của tăng trưởng xanh. Jacobs (2012) lập luận rằng ý nghĩa cốt lõi của tăng trưởng xanh là rất đơn giản. Đơn giản, đó là “tăng trưởng kinh tế… cũng đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường đáng kể”. Tuy nhiên, điều gì được coi là “bảo vệ môi trường đáng kể” vẫn còn nhiều tranh cãi. Ví dụ, Huberty và cộng sự(2011) xác định sáu cách hiểu khác nhau và đôi khi trái ngược nhau của từ biểu thị “’xanh” trong các tài liệu về tăng trưởng xanh (Ferguson, 2015).

Tăng trưởng không phải luôn hàm ý đồng thuận với tăng trưởng xanh, trong đó thông lượng lý sinh của nền kinh tế (khối lượng tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt trên một đơn vị sản xuất) giảm xuống, do đó,việc sử dụng tài nguyên giảm so với GDP. Ví dụ, lượng năng lượng cần thiết để sản xuất mỗi đơn vị sản lượng kinh tế toàn cầu đã giảm dần trong 50 năm qua và cường độ năng lượng trên toàn thế giới hiện thấp hơn 33 lần so với năm 1970. Tuy nhiên, vấn đề là tổng mức sử dụng năng lượng đã tăng theo cấp số nhân khi nền kinh tế phát triển, vì vậy, làm tăng thông lượng lý sinh, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với GDP tổng thể (Jackson, 2009).

Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc đã mô hình hóa một quỹ đạo tăng trưởng xanh trong tương lai, trong đó 2% GDP toàn cầu được phân bổ cho các khoản đầu tư môi trường từ năm 2010 đến năm 2050. Theo kịch bản này, tổng GDP toàn cầu hằng năm thấp hơn kinh doanh thông thường (nơi không có sự chuyển dịch đầu tư đáng kể sang lĩnh vực xanh) cho đến năm 2017, khi chi phí suy thoái môi trường bắt đầu kìm hãm tăng trưởng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng thực tế được dự đoán sẽ vượt qua mức kỳ vọng nếu không có khoản đầu tư môi trường 2% vào năm 2020. Đến năm 2050, khoảng cách giữa hoạt động kinh doanh thông thường và quỹ đạo tăng trưởng xanh được dự báo là ít nhất 0,5% mỗi năm (UNEP, 2011).

d. Định vị kinh tế xanh trong mối quan hệ với phát triển bền vững

Nền kinh tế xanh phải cùng tồn tại với các khái niệm phát triển bền vững khác. Báo cáo kinh tế xanh của Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (TEEB) mô tả một hệ thống phân cấp rõ ràng hơn (ten Brink và cộng sự, 2012), được trình bày dưới dạng sơ đồ trong Hình 1. Theo hệ thống phân cấp này, không có sự mâu thuẫn về khái niệm với phát triển bền vững, thách thức những rào cản được đặt ra xung quanh các cuộc tranh luận chính sách (Georgeson và cộng sự, 2017).

Từ Hình 1 cho thấy, tăng trưởng xanh đóng vai trò như những đóng góp cho nền kinh tế xanh và đến lượt mình, kinh tế xanh là phương tiện nhằm đạt được phát triển bền vững. Như vậy, kinh tế xanh và phát triển bền vững có quan hệ mật thiết với nhau. Kinh tế xanh là cách thức thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, tiếp cận phát triển bền vững cũng là tiếp cận của kinh tế xanh với mục đích là cải thiện phúc lợi của con người và xây dựng công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu tình trạng khan hiếm tài nguyên.

Song song với việc định vị này, các ngành chủ chốt của kinh tế xanh cũng đã được UNEP (2011) đưa ra trong báo cáo Kinh tế xanh năm 2011, bao gồm:

3. Chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh

Kinh tế xanh là một nền kinh tế mà các quốc gia đều đang hướng tới, tuy nhiên, trên thực tế hiện chưa có quốc gia nào đạt được một nền kinh tế xanh hoàn hảo, bởi nền kinh tế tại mỗi quốc gia đều có mức độ “xanh” rất khác nhau và chưa thực sự không gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, một số nhà khoa học đã mạnh dạn đưa ra 3 mức độ “xanh hóa” nền kinh tế: yếu, chuyển đổi và mạnh, dựa trên sự cam kết tăng trưởng kinh tế, tái kết nối môi trường và xã hội (Hình 3) (Ferguson, 2014 – phân tích từ công trình của Glasson, 2013). Hơn nữa, nền kinh tế được coi là “xanh mạnh” không hoặc hầu như không được nhắc tới trong các tài liệu thể chế (báo cáo của các tổ chức quốc tế, của quốc gia) mà thường mới chỉ xuất hiện trong những tài liệu học thuật (các bài báo, tạp chí học thuật, hàn lâm) (Ferguson, 2014).

Mặc dù các quốc gia khác nhau có thể lựa chọn các con đường chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của họ nhưng việc áp dụng một loạt các biện pháp đồng bộ và phối hợp sẽ là một phần không thể thiếu của quá trình chuyển đổi thành công. Trong hầu hết các trường hợp, cách tiếp cận cân bằng sẽ bao gồm cả các biện pháp cung và cầu, do đó xanh hóa nền kinh tế bằng các biện pháp tập trung vào sản xuất và tiêu dùng. Cách tiếp cận này cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng giá trị và vai trò của thiên nhiên, vốn sẽ cung cấp nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của một nền kinh tế xanh trong tương lai. Nếu quá trình chuyển đổi được quản lý tốt, nó sẽ không chỉ mang lại sự bền vững về môi trường mà còn tạo ra sự chuyển đổi mô hình sang tính đủ, toàn bộ, công bằng, trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau trong và giữa các dân tộc, các tầng lớp kinh tế – xã hội và các thế hệ (ten Brink và cộng sự, 2012).

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không bao giờ hoàn toàn dựa trên các giải pháp đôi bên cùng có lợi, mà đòi hỏi phải tính đến sự đánh đổi tiềm năng giữa nhiều mục tiêu, giữa các lĩnh vực và thất thoát quốc tế (PEER, 2015). Nói một cách khác, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể phải giảm hoặc hy sinh mục tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần (tức tăng trưởng thông thường, không tính đến tác động môi trường).

Những thành phần và công cụ chính cần thiết để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã được ten Brink và cộng sự (2012) đúc rút và khái quát hóa (Hình 4), cụ thể:

Nhìn chung, các chiến lược cũng như hành động của các tác nhân trong xã hội (chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức…) hướng tới tăng trưởng xanh cũng là thúc đẩy nhằm giúp nền kinh tế chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Để giúp “xanh hóa” nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận lựa chọn một cách lý trí giữa tăng trưởng đơn thuần nhưng gây hại cho môi trường hoặc giảm bớt tăng trưởng nhưng môi trường được bảo vệ, giảm phát thải khí nhà kính…

4. Kết luận

Mặc dù nội hàm về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh đã được nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới đề cập, được hiểu ở những khía cạnh khác nhau nhưng đều chỉ ra rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững mà là công cụ thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, là yếu tố gắn liền với môi trường và xã hội, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường chất lượng các vấn đề về xã hội. Đó là sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng chống chịu thảm họa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm xanh và công bằng xã hội vì tăng trưởng xanh cho tất cả mọi người. 

Xanh hóa nền kinh tế với thực chất là phương thức thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu với sự tuân thủ các nguyên tắc triển bền vững cùng với sử dụng tiết kiệm, thông minh tài nguyên thiên nhiên. Kinh tế xanh là nền tảng không thể thiếu để hướng tới phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:

  1. Allen, C., Clouth, S. (2012). A Guidebook to the Green Economy. Issue 1: Green Economy, Green Growth, and Low-Carbon Development – History, Definitions and a Guide to Recent Publications. UN Division for Sustainable Development
  2. Ferguson, F. (2015). The green economy agenda: business as usual or transformational discourse?. Environmental Politics, 24:1, 17-37
  3. Georgeson, L., Maslin, M., Poessinouw, M. (2017). The global green economy: a review of conceptsdefinitionsmeasurementmethodologies and their interactionsGeography and Environment, 4 (1), e00036 
  4. Hamdouch, A., Depret, M. H. (2010). Policy Integration Strategy of the ‘Green Economy’: Foundations and Implementation Patterns. Journal of Environmental Planning and Management, 53(4), 473-490.
  5. Huberty, M., et al., (2011). Shaping the green growth economy: a review of the public debate and the prospects for green growth. Copenhagen: Green Growth Leaders
  6. Jackson, T., (2009). Prosperity without growth: economics for a finite planet. London: Earthscan
  7. Jacobs, M. (2012). Green growth: economic theory and political discourse. London: Centre for Climate Change Economics and Policy Working Paper No. 108/ Grantham Reasearch Institute on Climate Change and the Environment Working Paper, No. 92.
  8. Kahle, L.R., & Gurel-Atay, E. (2014). Communicating Sustainability for the Green Economy (1st ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9781315705491
  9. Kanianska, R. (2017), Green Growth and Green Economy, Belianum. Publisher of the Matej Bel University in Banská Bystrica
  10. Keiner, M. (2005). History, definition(s) and models of sustainable development.
  11. Malthus, T. R. (1965). First essay on population. New-York: Kelley. (Original work published 1798)
  12. Mankiw, N. G., Romer, D., Weil, D. N. 1992. A contribution to the empirics of economic growth. Quarterly Journal of Economics, 107, p. 407-437.
  13. OECD (2011). Green Growth Strategy, Paris: Organization for Economic Cooperation and Development.
  14. OECD, (2011a). Towards Green Growth. OECD 
  15. PEER (2015). Implementing the green economy in a European context – lessons learned from theoriesconcepts and case studies
  16. Satbyul, K. E., Ho, K., Yeora, C. (2014). A New Approach to Measuring Green Growth Application to the OECD and Korea.Futures,63, 37-48.
  17. ten Brink R, Mazza L., Badura T., Kettunen M., and Withana S. (2012). Nature and its Role in the Transition to a Green Economy.Executive Summary.
  18. UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, www.unep.org/greeneconomy. Truy cập ngày 15/3/2025
  19. UNEP (2015). Uncovering Pathways towards an Inclusive Green Economy: a Summary for Leaders
  20. UNEP (2010). Green Economy: Driving a Green Economy Through Public Finance and Fiscal Policy Reform,Working Paper v. 1.0. 
  21. World Bank. (2012). Inclusive Green Growth: The pathway to Sustainable development. World Bank, Washington, DC