(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 23/5/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam và Hiệp hội Máy văn phòng Việt Nam tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Học viện Hành chính và Quản trị công; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam; Hiệp hội Máy văn phòng Việt Nam (VOMA); Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện vai trò chủ thể trong quyền lập hiến của Nhân dân, góp phần làm sâu sắc nội dung Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường đồng thuận xã hội.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những vấn đề cốt lõi về chế độ chính trị, chủ quyền, chính sách kinh tế – xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, chúng ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp, gồm: năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này không chỉ là nhu cầu nội tại của hệ thống chính trị mà còn là bước đi có tính chiến lược nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng đã được xác lập tại Văn kiện Đại hội XIII và các Nghị quyết Trung ương, góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp không chỉ phản ảnh những yêu cầu cấp thiết của đời sống chính trị – xã hội, mà còn là kết quả của sự chắt lọc trí tuệ, tầm nhìn và kinh nghiệm của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.
Hiện nay, đất nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức quần chúng từ Trung ương đến địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt là các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (số 126, 127 và 137-KL/TW) và Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp tổ chức chính trị – xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đề xuất sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Quốc hội đã triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025, việc lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 06/5/2025 đến hết ngày 5/6/2025. Sau 17 ngày triển khai, các tầng lớp Nhân dân đã có nhiều ý kiến đóng góp phong phú, sâu sắc.
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, Hội nghị được tổ chức là minh chứng cụ thể cho việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp – đạo luật gốc của quốc gia. Việc lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp xã hội, chuyên gia, tổ chức, hiệp hội… cho thấy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng hệ thống pháp luật, thể hiện rõ phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”.

Đồng thuận cao đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
Các tham luận tại Hội nghị thể hiện sự nhất trí rộng rãi, đồng thuận cao và đánh giá tích cực đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đã bám sát chủ trương, định hướng lớn của Đảng, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn, đồng thời, mở ra không gian pháp lý cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Dự thảo thể hiện rõ tinh thần đổi mới, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khẳng định vai trò nền tảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị. Những sửa đổi lần này mang tính đột phá, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, vì Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ Nhân dân.

Hội nghị đã thống nhất và nhấn mạnh một số nội dung cần đặc biệt lưu ý:
Thứ nhất, về nguyên tắc sửa đổi Hiến pháp, phải bảo đảm tính Đảng, thể chế hóa đầy đủ Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Hiến pháp là nền tảng chính trị – pháp lý tối cao, là cơ sở cho đổi mới hệ thống chính trị.
Thứ hai, về cách tiếp cận tổ chức bộ máy, cần chuyển đổi tư duy tổ chức từ cách mạng cũ sang tư duy hiện đại, loại bỏ tầng nấc trung gian, thúc đẩy phân quyền mạnh mẽ, sắp xếp gọn nhẹ, nâng cao hiệu quả điều hành.
Thứ ba, về định hướng phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tăng cường thể chế đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, nghiêm túc và đầy tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm đối với hai nhóm nội dung sửa đổi trọng tâm của Dự thảo: quy định về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.
Góp ý về sửa đổi Điều 9, 10 – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Các ý kiến cho rằng cần tái khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận nền tảng của hệ thống chính trị, không chỉ đơn thuần là một bộ phận. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, tăng tính đại diện và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Việc quy định “trực thuộc” và “dưới sự chủ trì của Mặt trận” là phù hợp với chủ trương tinh gọn đầu mối, tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực. Bên cạnh đó, chỉ nên có một đầu mối tổ chức đề xuất luật pháp là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giữ nguyên khoản 3 Điều 9: không cần sửa thêm vì các tổ chức đều đã hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Ngoài ra, về việc nêu tên tổ chức trong Hiến pháp cần có sự linh hoạt, tránh quy định cứng dẫn đến phải tiếp tục sửa Hiến pháp khi có thay đổi tên hoặc cơ cấu tổ chức.

Góp ý về tổ chức chính quyền địa phương – sửa các điều 110, 111, 112…
(1) Về mô hình 2 cấp: tán thành việc tổ chức chính quyền địa phương theo hướng bỏ cấp huyện, tổ chức 2 cấp: cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh. Việc này tăng cường phân quyền, giảm trung gian, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương.
(2) Sửa Điều 110: cụm từ “các đơn vị hành chính dưới tỉnh…” mang tính khái quát cao, cho phép linh hoạt trong tên gọi: xã, phường, liên xã, đặc khu, phủ, trấn… nhưng vẫn chỉ là 1 cấp dưới tỉnh.
(3) Sửa Điều 111: nên phân biệt rõ khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”; giữ khái niệm “cấp” để tạo điều kiện cho mô hình 1 cấp chính quyền tại đô thị (đã áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng).
(4) Sửa Điều 112: thể hiện rõ tư tưởng “tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm” của địa phương; tránh tình trạng “trung ương hóa”, cản trở tự quyết của địa phương. Cần sửa cụm “do luật định” thành “do Quốc hội quy định”.
(5) Tên gọi cơ quan hành chính: xem xét đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban Hành chính; chuyển sang chế độ thủ trưởng, phù hợp với xu thế hiện đại nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
(6) Phân quyền mạnh hơn: nên xem xét chuyển một số quyền của Quốc hội, Chính phủ (như về ngân sách địa phương, biên chế) cho chính quyền địa phương ngay trong Hiến pháp.
(7) Kiểm soát quyền lực: cần tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong bối cảnh phân quyền mạnh.



Ngoài hai nhóm vấn đề chính, đại biểu kiến nghị bổ sung vào Hiến pháp nội dung thể chế hóa vị trí, vai trò trung tâm của “kinh tế tư nhân”, nhấn mạnh đây không chỉ là một bộ phận cấu thành quan trọng mà phải là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo.
Kết luận Hội nghị, TS. Trần Anh Tuấn bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu, các nhà khoa học đã dành thời gian tham dự, tích cực trao đổi nhiều ý kiến quý báu và gửi tham luận phục vụ cho nội dung Hội nghị. Toàn bộ các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, chắt lọc và hoàn thiện thành báo cáo kiến nghị chính thức trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu, kiện toàn nội dung sửa đổi, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn, khả thi khi áp dụng vào cuộc sống và nhất là phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Các phân tích chuyên sâu giúp tránh tình trạng sửa đổi Hiến pháp một cách hình thức, chủ quan hoặc chưa lường trước được những hệ lụy pháp lý và hành chính phát sinh.

Hội nghị không chỉ góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà còn khơi mở tư duy cải cách thể chế sâu rộng hơn, hướng tới xây dựng một mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Kết quả Hội nghị khẳng định vai trò thiết thực trong việc cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân đối với tiến trình lập hiến, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện nội dung Hiến pháp, xây dựng nền pháp lý vững chắc, thúc đẩy dân chủ thực chất, nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia và củng cố sự đồng thuận, gắn kết trong toàn xã hội.
Quản Anh