Những nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch – một số vấn đề đặt ra và hướng giải quyết 

ThS. Phan Thị Phương Thảo
Trường Đại học Thành Đô

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tổng hợp và phân tích các công trình nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch đã được công bố trong nước và quốc tế giai đoạn 2020 – 2025. Các công trình này hướng trọng tâm nghiên cứu đến vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương, mô hình hợp tác, hiệu quả phối hợp công – tư và chuyển đổi số trong du lịch. Bài viết làm rõ các quan điểm đồng thuận, những tranh luận về mặt học thuật cũng như thể chế, khoảng trống lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực này. Từ đó, đề xuất một số định hướng nghiên cứu tương lai, nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước trong hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp với bối cảnh mới.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; điểm đến du lịch; chính quyền địa phương; phát triển bền vững; quản trị hợp tác; chuyển đổi số.

1. Đặt vấn đề

Trong phát triển điểm đến du lịch bền vững, quản lý nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng môi trường, toàn cầu hóa và chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được khung lý thuyết chung cũng như bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các quốc gia khác trên thế giới đang đẩy mạnh mô hình hợp tác đa bên và linh hoạt trong quản lý điểm đến. Xuất phát từ thực trạng đó, việc nghiên cứu tổng quan về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch theo hướng bền vững là cần thiết, nhằm nhận diện xu hướng và định hướng khoa học để mang lại hiệu quả quản lý điểm đến trong tương lai.

2. Cơ sở lý thuyết về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch

Năm 1926, Leonard D. White đã đưa ra định nghĩa về quản lý nhà nước, như sau: Quản lý nhà nước là việc quản lý con người và vật chất nhằm đạt được các mục tiêu của nhà nước. Định nghĩa này đề cao vai trò của nhà nước trong hoạt động điều phối các nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu công một cách có hiệu quả. 

Quản lý nhà nước theo cách hiểu của các văn bản của Việt Nam: “là hoạt động chấp hành – điều hành của cơ quan hành chính nhà nước nhằm tổ chức và bảo đảm thực hiện pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội” (Hải, 2016). Hướng tiếp cận này nhấn mạnh tính pháp lý và vai trò của bộ máy nhà nước trong tổ chức thực thi chính sách công. 

Về điểm đến du lịch, Tổ chức Du lịch thế giới chỉ ra rằng: Điểm đến du lịch là một không gian vật lý có hoặc không có ranh giới hành chính hay phân tích, ở đó du khách có thể lưu trú qua đêm. Đây là một cụm sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và trải nghiệm theo chuỗi giá trị du lịch, là đơn vị cơ bản để phân tích du lịch. Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017: “Điểm đến du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí và các nhu cầu hợp pháp khác của khách du lịch” (Điều 3, Khoản 9). Như vậy, điểm đến du lịch có thể được hiểu như là một nơi mà du khách có thể đến để trải nghiệm dịch vụ và tài nguyên du lịch.

Bàn về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch, UNWTO (2007) đưa ra khái niệm: Quản lý điểm đến là việc quản lý phối hợp tất cả các yếu tố cấu thành điểm đến du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2020) khẳng định: “Quản lý nhà nước về du lịch là hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch phát triển đúng hướng, hiệu quả”. 

Như vậy, qua các định nghĩa trên chứng tỏ rằng: quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch ngoài hoạt động tổ chức hành chính còn bao gồm phối hợp đa tác nhân và hướng đến phát triển hài hòa, bền vững

3. Một số công trình nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch trong giai đoạn 2020 – 2025

3.1. Các công trình nghiên cứu trong nước

Từ năm 2020, trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều biến động, nhiều công trình nghiên cứu trong nước đã nhấn mạnh vai trò then chốt của quản lý nhà nước trong phát triển điểm đến du lịch theo hướng bền vững, điều này được tiếp cận  từ các khía cạnh như thể chế, chính sách và quản trị đa bên. Một số đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước như: 

Vai trò của chính quyền địa phương trong điều tiết và truyền thông định hướng nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại điểm đến được phân tích sâu sắc trong đề tài “Vai trò mạng xã hội trong hành vi du lịch xanh” của Lê Văn Huy chủ nhiệm (2020 – 2023) thuộc chương trình Nafosted; Nguyễn Quang Thuấn (2021) với đề tài cấp tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực thể chế và quản trị du lịch địa phương;  Trần Văn Long (2022) nghiên cứu lại tập trung vào quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch vùng Tây Bắc, đề xuất giải pháp cải tiến cơ cấu tổ chức và quy chế phối hợp giữa các cấp chính quyền và ngành Du lịch; Đề tài nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương quản lý điểm đến tại các tỉnh ven biển miền Trung, đưa ra đề xuất xây dựng các trung tâm điều phối du lịch cấp tỉnh… Mặc dù đã tiếp cận hướng nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên, vẫn chưa có đề tài nào đi sâu phân tích mô hình quản lý cụ thể gắn với hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước cho các điểm đến.

Đồng thời, Nguyễn Quốc Huy (2023) cũng đánh giá tác động của chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên và phát triển cộng đồng đến hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch sinh thái. Hiệu quả quản lý được đo lường bởi mức độ bảo tồn tài nguyên, số mô hình du lịch sinh thái và sự tham gia của người dân.

Phạm Thái Hà (2024) nghiên cứu phát triển hình ảnh điểm đến Đà Nẵng trong hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò chủ đạo của chính quyền trong định hướng hình ảnh, quản lý thương hiệu và xúc tiến thị trường;  Nguyễn Minh Hương (2024) chỉ ra mối liên hệ giữa chính sách nhà nước và mức độ hài lòng của khách du lịch hay Phạm Thái Sơn (2024) đề xuất cải tiến chính sách quản lý và bảo tồn giá trị di sản văn hóa dưới góc độ nhà nước. Bên cạnh đó, Trần Văn Nam (2024) trong nghiên cứu về du lịch Bình Thuận đã phân tích tác động của quy hoạch, quảng bá và đầu tư hạ tầng đến hiệu quả quản lý nhà nước với hệ thống chỉ tiêu đo lường gồm tốc độ tăng trưởng khách, mức độ hoàn thiện hạ tầng và chỉ số hài lòng của du khách.

Các luận án trên đã khẳng định vai trò then chốt của quản lý nhà nước trong phát triển điểm đến, tuy nhiên vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong vấn đề xây dựng khung lý thuyết tổng thể và bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý đối với điểm đến du lịch của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

3.1. Các công trình nghiên cứu trên thế giới

Trên thế giới, các nhà khoa học cũng có nhiều đề tài nghiên cứu, như: Chương trình “Destination Management Plans” của Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Việc làm (MBIE, 2020 – 2023) tại New Zealand đã thiết kế mô hình tích hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương nhằm quản lý  hiệu quả điểm đến ở cấp vùng. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp, Thương Mại và Du lịch Tây Ban Nha (2021) với dự án “Plan Nacional de Turismo Sostenible 2030” xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mô hình quản lý du lịch sang hướng bền vững và số hóa. Sau đại dịch Covid-19, Tổ chức UNWTO (2022) đã triển khai đề án “Public Governance for Resilient Tourism” tại 12 quốc gia nhằm phân tích năng lực quản lý nhà nước của các điểm đến địa phương trong việc hoạch định chiến lược nhằm phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch.

Tại Hoa Kỳ, chính quyền địa phương cũng đóng vai trò chủ đạo trong triển khai mô hình quản lý dựa trên các chỉ số ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị)  với chương trình “Sustainable Tourism Planning and Development Laboratory” do Đại học George Washington thực hiện (2019 – 2022).

Bên cạnh đó, dự án “IN2destination’s Commitment to Support Collaborative Governance in Tourism” được tổ chức IN2destination thực hiện vào năm 2025 tại Liên minh châu Âu đã đề xuất năm mô hình quản trị hợp tác tại các điểm đến, thúc đẩy sự tham gia đa bên và đề cao tính minh bạch trong quản lý du lịch bao gồm: mô hình quy trình quản trị hợp tác đa bên, mô hình tác động của quản trị hợp tác đến phát triển du lịch bền vững, mô hình quản trị hợp tác nâng cao năng lực phục hồi du lịch, mô hình quản trị hợp tác dựa trên chia sẻ dữ liệu du lịch và mô hình quản trị du lịch thúc đẩy quyền lực cộng đồng.

Nhìn chung, các đề tài đều tiếp cận theo hướng lấy chính quyền địa phương làm trung tâm trong xây dựng và thực thi chiến lược phát triển điểm đến du lịch. Hầu hết các nghiên cứu đều gắn với yêu cầu tích hợp đa ngành, sử dụng dữ liệu số, tăng cường minh bạch và tính linh hoạt trong quản trị công.

Cùng với các đề tài, quốc tế cũng có nhiều nhà khoa học quốc tế chọn làm Luận án Tiến sỹ, như:Luận án của Lisa O’Donnell (2020, Đại học Queensland) tập trung nghiên cứu chuyển đổi mô hình quản lý điểm đến tại các thành phố ven biển ở Úc từ tập trung sang hợp tác đa bên, hướng đến phát triển bền vững với sự tham gia tích cực từ cộng đồng, trong đó nhấn mạnh vai trò điều tiết của Nhà nước và các rào cản trong phân quyền. Nghiên cứu của Rashid, Samah và Amlus (2020) tại Hoa Kỳ cho thấy rằng quản trị tốt có tác động tích cực đến cầu du lịch và chi tiêu của du khách. Eduardo G. Cordeiro (2021) đã tiến hành nghiên cứu tại vùng Vale do Douro (Bồ Đào Nha), để phân tích tác động của chính sách công, cơ chế quản trị và sự tham gia của các bên liên quan đến phát triển du lịch bền vững với các chỉ số đo lường gồm hài lòng cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và bảo tồn tài nguyên.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Korfiatis và cộng sự (2021) tại Slovenia cũng chỉ ra rằng: cảm nhận tiêu cực của cộng đồng địa phương khi điểm đến trở nên quá tải làm gia tăng mức độ khó chịu và ảnh hưởng đến sự ủng hộ của hộ đối với các chính sách quản lý. Ở Thụy Điển, Henrik Nilsson (2021)đánh giá năng lực thể chế của các đô thị trong việc quản lý tài nguyên công và phát triển du lịch, nhấn mạnh vai trò của pháp lý rõ ràng, nhân lực chuyên môn và phối hợp liên ngành trong cân bằng giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng du lịch.

Trong khi đó, mô hình phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cấp trung ương, cấp vùng và chính quyền địa phương được để xuất bởi Takashi Yamamoto (2022) (Nhật Bản) trên cơ sở nghiên cứu điều phối chính sách du lịch đa cấp ở các thành phố nhỏ và vừa có thể là giải pháp tích cực nhằm phục hồi hiệu quả hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Alicia Brown (2023) ở Canada, khẳng định: để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, cần thiết phải có sự chủ động tham gia của chính quyền địa phương trong quy hoạch, cấp phép và phối hợp linh hoạt với cộng đồng cư dân ở đô thị Vancouver sau khi khảo sát vai trò của chính quyền sở tại trong quản lý du lịch di sản.

Tại Tây Ban Nha, nghiên cứu của Robina-Ramírez và cộng sự (2022) cũng hướng sự tập trung đến các yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với du lịch bền vững hậu Covid-19 như cam kết của chính quyền, biện pháp an toàn, trao quyền cho cộng đồng và bảo vệ tài nguyên, trong đó vẫn nhấn mạnh mô hình phối hợp giữa khu vực công – tư – cộng đồng. 

Ngoài ra, Wang và Weng (2023) tại Trung Quốc áp dụng mô hình PVAR kết hợp Coupling Coordination để phân tích sự tương tác giữa hệ thống quản trị và phát triển kinh tế du lịch, cho thấy hiệu quả quản lý phụ thuộc vào mức độ đồng bộ giữa chính sách và phát triển ngành. Năm 2024, Marco Ricci ở Ý nhấn mạnh vai trò của quản trị chủ động, pháp lý chặt chẽ và chiến lược dài hạn nhằm duy trì chất lượng sống và phát triển bền vững khi triển khai nghiên cứu các biện pháp quản lý nhà nước ở các đô thị trước tình trạng quá tải du lịch. Đặc biệt, luận án của Joan Wilson (2025, Đại học Oberta de Catalunya) đã khởi xướng mô hình kết hợp giữa quy hoạch không gian, điều chỉnh sinh kế và quản lý tài nguyên nhằm bảo đảm bảo sự phát triển du lịch ổn định và bền vững trước những biến động khó lường. 

Như vậy, các luận án tiến sĩ quốc tế dù tiếp cận từ khía cạnh thể chế và và hiệu lực chính sách của các cấp chính quyền địa phương trong những bối cảnh khác nhau của các quốc gia nhưng nhìn chung đều khẳng định vai trò chủ đạo của chính quyền  này trong định hình, vận hành và quản lý điểm đến. 

Các bài báo khoa học trên thế giới cũng đề cập nhiều đến nội dung này, như: đề xuất nhấn mạnh nhân rộng các mô hình hợp tác công – tư ở các điểm đến tương đồng về quy mô và du lịch đô thị trong nghiên cứu của Wan et al. (2022) dựa trên phân tích mô hình quản trị điểm đến tại Macao hậu Covid-19. Tiếp theo là công trình nghiên cứu các điểm đến du lịch thông minh tại Thụy Điển  của Gelter et al. (2022). Kết quả cho thấy: để đạt được tính bền vững, một điểm đến thông minh cần phải dựa trên quản trị cộng tác và gắn kết xã hội.

Qua nghiên cứu tại châu Âu, Ivars-Baidal et al. (2024) đã phát hiện ra sự rời rạc trong triển khai do sự kết nối lỏng lẻo giữa hai bên: phía đảm nhận làm du lịch và phía phát triển mô hình đô thị thông minh; đưa ra khung phân tích dựa trên lý thuyết mạng lưới. Nugraha et al. (2024) phân tích vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng tại Bali trong thúc đẩy du lịch bền vững, qua đó đề xuất mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa trên trao quyền, đào tạo và khuyến khích đầu tư tại chỗ.

Ngoài ra, nghiên cứu của Ramukumba (2025) cho thấy: doanh nghiệp nhỏ không được tham gia vào quá trình ra quyết định nên mức độ phối hợp thấp khi khảo sát doanh nghiệp du lịch tại nông thôn Nam Phi. Qua đó, tác giả đề xuất cơ chế tham vấn định kỳ và tổ chức các diễn đàn giữa nhà nước và doanh nghiệp nhỏ để tăng cường tính phối hợp trong phát triển du lịch…

Các bài báo quốc tế trong giai đoạn nghiên cứu vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạch định và thực thi chính sách của chính quyền địa phương trước bối cảnh phục hồi sau đại dịch, yêu cầu chuyển đổi số du lịch và phát triển bền vững. Đặc biệt, những công trình mới nhất năm 2025 có xu hướng mở rộng nghiên cứu sang mô hình hợp tác, sự tham gia cộng đồng và ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả quản trị điểm đến.

4. Những vấn đề đã được thống nhất và còn tranh luận

Thứ nhất, những nội dung đã được thống nhất.

Tổng quan các công trình nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch, cho thấy: phần lớn giới học thuật đều đồng thuận về vai trò trọng yếu của chính quyền địa phương trong quản lý điểm đến. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho các điểm đến du lịch, điều này được thể hiện qua một số chỉ tiêu đo lường hiệu quả quản lý, như bảo tồn tài nguyên, sự hài lòng của cộng đồng, khách du lịch và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, sự hợp tác đa bên gồm nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp với vai trò điều phối của chính quyền địa phương sẽ làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước. Nổi bật hơn nữa là xu hướng quản trị để thích ứng với những rủi ro trong quá trình vận hành và quản lý điểm đến được khích lệ và đẩy mạnh trong những nghiên cứu gần đây. Tóm lại, có sự đồng thuận rằng hiệu quả quản lý nhà nước phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, tính hợp tác, định hướng bền vững và khả năng thích ứng sáng tạo với biến động.

Thứ hai, những vấn đề còn tranh luận.

Mặc dù đã đạt được sự thống nhất trên nhiều khía cạnh khi tiếp cận hướng nghiên cứu quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều tranh luận trong nghiên cứu về chủ đề này. Một số tác giả coi trọng mô hình quản lý theo hướng điều tiết từ trên xuống nhưng có quan điểm lại đề cao quản trị hợp tác và ủng hộ phân quyền mạnh. Theo đó, mức độ phân cấp cũng chưa có sự thống nhất khi có công trình đề xuất trao quyền sâu cho địa phương thì có những quan điểm ngược lại khẳng định vai trò then chốt của trung ương. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch vẫn vướng nhiều mâu thuẫn khi một bên cho rằng phải căn cứ vào các chỉ số tăng trưởng du lịch còn một bên lại thiên về các chỉ số xã hội – môi trường. Vấn đề ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch thông minh cũng gây chia rẽ giữa các góc nhìn tập trung vào công nghệ và quan điểm nhấn mạnh giá trị xã hội, cộng đồng. Hay phạm vi và cách thức tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân trong quản lý vẫn chưa có đáp án thống nhất. Từ những tranh luận này đã tạo ra những khoảng trống nghiên cứu cần thiết phải được lấp đầy.

Thứ ba, những khoảng trống cần tập trung nghiên cứu.

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu tổng quan trên cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống trong nghiên cứu quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch. Thứ nhất, thiếu một khung lý thuyết chung và bộ chỉ số chuẩn hóa để đánh giá làm cơ sở so sánh hiệu quả quản lý giữa các điểm đến. Thứ hai, các nghiên cứu thực nghiệm theo hướng so sánh giữa các mô hình quản lý để tìm ra mô hình tối ưu chưa được đẩy mạnh. Thứ ba, chưa có nghiên cứu sâu về các vấn đề mới như chuyển đổi số du lịch, quản trị rủi ro trong vận hành và quản lý điểm đến. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp nhỏ thường bị xem nhẹ và vai trò cũng như tác động thực tế của họ vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Những khoảng trống nghiên cứu này là cơ sở để đưa ra các định hướng nghiên cứu trong tương lai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch.

Thứ tư, những định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Từ những phân tích trên có thể giúp nhận diện các hướng nghiên cứu tương lai. Đầu tiên, cần tập trung vào việc xây dựng khung lý thuyết tổng thể và bộ chỉ số chuẩn hóa để đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm mô hình hợp tác công tư, cộng đồng và cơ chế phối hợp đa cấp, liên vùng nhằm xác định mô hình quản lý ưu việt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu phát triển mô hình tích hợp các yếu tố thể chế, chính sách, hợp tác đa bên, quản trị bền vững…là hết sức cần thiết. Ngoài ra, chuyển đổi số du lịch, quản lý điểm đến thông minh hay chính phủ điện tử cũng là những hướng nghiên cứu cần được quan tâm. Cuối cùng, quản lý rủi ro trước, trong và sau khủng hoảng cũng như tăng cường vai trò tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp nhỏ trong quản lý cũng là những vấn đề được ưu tiên nhằm bảo đảm  công bằng và phát triển bền vững cho điểm đến du lịch. 

5. Kết luận

Tổng quan nghiên cứu thể hiện sự thống nhất cao về vai trò chủ đạo của Nhà nước và mô hình hợp tác đa bên trong phát triển điểm đến du lịch dù vẫn còn tồn tại nhiều tranh luận liên quan đến thể chế, chỉ tiêu đánh giá và mức độ tham gia của các bên liên quan. Trong tương lai, cần thiết có những nghiên cứu chuyên sâu về khung lý thuyết tổng thể, hay nghiên cứu thực nghiệm các mô hình quản trị mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và quản trị khủng hoảng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với điểm đến du lịch theo hướng linh hoạt, bền vững và thích ứng.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hữu Hải (2016). Giáo trình Hành chính học. H. NXB. Khoa học xã hội.

2. Lê Văn Huy (2020 – 2023). Vai trò mạng xã hội trong hành vi du lịch xanh. Đề tài nghiên cứu thuộc chương trình Nafosted.

3. Nguyễn Quốc Huy (2023). Tác động của chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên, phát triển cộng đồng tới du lịch sinh thái. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

4. Nguyễn Thị Minh Hương (2024). Phân tích mối liên hệ giữa chính sách nhà nước và mức độ hài lòng của khách du lịch tại các điểm đến tâm linh. Luận án Tiến sĩ, Đại học Văn hóa Hà Nội.

5. Trần Văn Long (2022). Quản lý nhà nước đối với tài nguyên du lịch vùng Tây Bắc. Đề tài cấp bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Trần Văn Nam (2024). Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận. Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

7. Phạm Thái Hà (2024). Phát triển hình ảnh điểm đến Đà Nẵng trong hội nhập quốc tế. Luận án Tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng.

8. Quốc hội (2017). Luật Du lịch năm 2017

9. Phạm Thái Sơn (2024). Tác động của gắn bó điểm đến, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm thực tế đến sự hài lòng và ý định quay trở lại của khách du lịch tâm linh tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

10. Nguyễn Quang Thuấn (2021). Nâng cao năng lực thể chế và quản trị du lịch địa phương. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh Hà Giang.

11. Tổng cục Du lịch (2020). Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.

Brown, A. (2023). Heritage tourism management in Vancouver. Doctoral dissertation, University of British Columbia.

12. Cordeiro, E. G. (2021). Public policy, governance and tourism in Vale do Douro. Doctoral dissertation, Universidade do Porto.

13. Gelter, H., Jansson, M., & Svensson, R. (2022). Smart destinations and social values: The Swedish experience. Scandinavian Journal of Tourism Research, 17(2), 225 – 245.

14. George Washington University International Institute of Tourism Studies. (2022). World-class destination Jackson Hole tackles sustainable destination management. https://blogs.gwu.edu/gwsb-iits/2022/06/02/world-class-destination-jackson-hole-tackles-sustainable-destination-management/.

15. IN2destination (2025). Commitment to support collaborative governance in tourism. EU Regional Governance Project Report.

16. Ivars-Baidal, J., Celdrán-Bernabeu, M. A., & Femenia-Serra, F. (2024). Urban smart governance networks and tourism in Europe. Tourism Management Perspectives, 39, 100978.

17. Korfiatis, N., Zupan, M., & Kranjec, J. (2021). Managing overtourism in Slovenia: Resident perceptions and governance effectiveness. Tourism Policy and Research, 24(4), 342-360.

18. MBIE – Ministry of Business, Innovation & Employment (New Zealand). (2023). Destination management plans framework.

19. Ministerio de Industria, Comercio y Turismo. (2021). Estrategia de Turismo Sostenible de España 2030. Gobierno de España. https://turismo.gob.es/es-es/estrategia-turismo-sostenible/Paginas/Index.aspx

20. Nilsson, J.-H., & Johansson, M. (2021). Developing urban tourism in green infrastructure. Abstract presented at the ATLAS SIG Meeting on Urban Tourism, Rotterdam, Netherlands.

21. Nugraha, A., et al. (2024). Local governance and community empowerment in sustainable tourism in Bali. Journal of Tourism Research, 27(2), 115-134.

22. O’Donnell, L. (2020). Destination governance transformation in coastal Australian cities. Doctoral dissertation, University of Queensland.

23. Ramukumba, T. (2025). Rural tourism enterprises and collaborative governance in South Africa. Journal of Rural Tourism, 15(1), 23-39.

24. Rashid, S., Samah, A. A., & Amlus, I. M. (2020). The impact of good governance on inbound tourism demand: A panel data analysis. GeoJournal of Tourism and Geosites, 32(4), 1361–1369. https://doi.org/10.30892/gtg.32410-578

25. Ricci, M. (2024). Government management of overtourism in Italy. Doctoral dissertation, University of Bologna.

26. Robina-Ramírez, R., et al. (2022). Sustainable tourism governance post-COVID-19 in Spain. Tourism Management, 89, 104456.

27. UNWTO (2007). A practical guide to tourism destination management. Madrid: World Tourism Organization.

28. UNWTO (2022). Public governance for resilient tourism. United Nations World Tourism Organization Report.

29. Wan, Y. K. P., Li, X., Lau, V. M.-C., & Dioko, L. (2022). Destination governance in times of crisis and the role of public-private partnerships in tourism recovery from Covid-19: The case of Macao. Journal of Hospitality and Tourism Management, 51, 218 – 228.

30. Wang, Y., & Weng, L. (2023). PVAR-based coupling coordination of governance and tourism economy. Asia Pacific Journal of Tourism Research, 28(5), 389 – 407.

31. White, L. D. (1926). Introduction to the study of public administration. New York: Macmillan.

32. Wilson, J. (2025). Complex destinations: Socio-territorial adaptability in multilevel governance. Doctoral dissertation, Universitat Oberta de Catalunya.

33. Yamamoto, T. (2022). Multilevel tourism policy coordination in small Japanese cities post-COVID. Doctoral dissertation, University of Tokyo.