Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam 

Đặng Thùy Vân
Trường Đại học Hồng Đức

(Quanlynhanuoc.vn) – Trí thức nói chung và trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ nói riêng là “vốn liếng” của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn coi trọng vai trò của trí thức, cũng từ đó, đội ngũ trí thức đã luôn đồng hành và góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đòi hỏi cần có chính sách trọng dụng nhân tài, đặc biệt là đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, đồng thời, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này cũng cần nêu cao tinh thần, phát huy truyền thống của trí thức Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Từ khóa: Đội ngũ trí thức; khoa học – công nghệ; công nghiệp hóa; hiện đại hóa; phát huy vai trò.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học -công nghệ trở thành yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược. Trí thức khoa học – công nghệ chính là lực lượng nòng cốt tạo ra tri thức mới, sáng tạo công nghệ, cải tiến kỹ thuật và chuyển giao tri thức vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh. Họ không chỉ đóng vai trò trong việc rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới mà còn là trung tâm của các đột phá về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ số, năng lượng tái tạo… đang làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mô hình tăng trưởng, thì vai trò dẫn dắt của đội ngũ trí thức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa không thể thành công nếu không dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, vai trò của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đầy đủ. Vẫn còn những hạn chế về cơ chế, chính sách đãi ngộ, môi trường sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu phát triển bền vững, việc phát huy hiệu quả đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ không chỉ là đòi hỏi trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường trong những thập niên tới.

2. Quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học – công nghệ nói riêng. Trong Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951), Luận cương xác định, trí thức là “bạn đồng minh có thể tin cậy của giai cấp công nhân”1 và cùng với công – nông, trí thức là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng, là nền tảng của chính thể dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với  đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, là những nhân sĩ, trí thức từng tham gia chính quyền cũ, trí thức ở nước ngoài trở về nước chấp nhận hy sinh, gian khổ, tận tâm cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến,trong đó có những trí thức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật như: Giáo sư Tạ Quang Bửu; Anh hùng Lao động, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…

Sau tháng 7/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) của Đảng nhấn mạnh: “Cần có kế hoạch dài hạn và toàn diện đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ lớn mạnh bao gồm hàng vạn cán bộ chuyên môn về các mặt khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội”2. Tiêu chí đặt ra cho đội ngũ cán bộ này là không chỉ thông thạo nghiệp vụ mà còn phải có phẩm chất chính trị tốt, một lòng phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; họ vừa phải có năng lực nghiên cứu độc lập, vừa biết kết hợp với quần chúng lao động trong công tác khoa học.

Trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, Bộ Chính trị (khóa IV) đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW (tháng 4/1981) về chính sách khoa học và kỹ thuật. Nghị quyết nhận định: “Đảng và Nhà nước ta chưa có một quy hoạch thống nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nên đã gây ra tình trạng tự phát và phân tán”3. Do vậy, để đáp ứng với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, “vấn đề cấp bách hiện nay là phải tổ chức, sử dụng tốt hơn, với hiệu quả cao hơn đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật hiện có”4. Để thực hiện được yêu cầu đó, vai trò của các cấp ủy đảng và tăng cường sự quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước đối với khoa học và kỹ thuật cần được nhấn mạnh. Đồng thời, đối với cán bộ khoa học và kỹ thuật cần phải ra sức phấn đấu rèn luyện để trở thành chiến sĩ trên mặt trận khoa học và kỹ thuật. 

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng, khi nêu lên yêu cầu cấp bách của việc đổi mới tư duy, Đại hội đã chỉ ra, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra với quy mô chưa từng có, đem lại cho loài người những thành tựu vô cùng to lớn, và những thành tựu đó đã tác động không ít đến tư duy chính trị, tư duy kinh tế của người lãnh đạo khi quyết định các chủ trương, chính sách. Đại hội đã đặt ra câu hỏi: “Thử hỏi trong chúng ta bao nhiêu cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đã nhìn vấn đề như vậy? Bao nhiêu đồng chí đã tiếp cận với những thành tựu của khoa học – kỹ thuật để từ đó có tư duy về chính trị, kinh tế khi đề xuất các chủ trương, chính sách kinh tế?”5

Ở các nhiệm kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng, Đảng ta đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của trí thức đối với khoa học – công nghệ, xem lực lượng này “là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”6Từ đó, Đảng đặt vấn đề một cách rõ ràng về sử dụng trí thức, trọng dụng nhân tài: “Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược”7

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Nghị quyết xác định “nhà khoa học là nhân tố then chốt” và cần “chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài”.        

3. Thực trạng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ ở Việt Nam hiện nay

Nhận thức đúng vai trò và sứ mệnh quan trọng của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế – xã hội, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương ở các cấp đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, đề án xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ. Từ đó, đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đã thể hiện được vai trò nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tư vấn, phản biện xã hội…

Thành tựu khoa học – công nghệ với tư cách là sản phẩm nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ Việt Nam đã được áp dụng, góp phần tạo nên bước đột phá trong các lĩnh vực, như: nông nghiệp, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng… Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, ước tính khoa học – công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi giúp cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi ra thị trường nước ngoài, như: gạo, cafe, cao su, hồ tiêu, hạt điều8… Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông, một số công nghệ, vật liệu mới được sử dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình, như: công nghệ cào bóc tái chế kết cấu áo đường, bê tông siêu tính năng, vật liệu sử dụng phụ gia nano. Trong lĩnh vực quốc phòng đặc biệt là trong thiết kế, chế tạo và cải tiến vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao cũng như xây dựng các hệ thống giám sát, kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và lắp ráp trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái (UAV)… như các sản phẩm của Công ty MAJ Việt Nam, các sản phẩm này đều do các kỹ sư người Việt thiết kế và chế tạo9.

Trong nghiên cứu thiên văn học và vật lý thiên văn, PGS.TS. Hoàng Chí Thiêm là người Việt đầu tiên được trao giải thưởng bài giảng cho nhà thiên văn học trẻ toàn cầu. Ông là một trong những nhà khoa học tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này.

Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội là kênh giúp trí thức khoa học – công nghệ Việt Nam đóng góp ý kiến, tham mưu, tư vấn cho các cơ quan Đảng và Nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước. Trí thức trong lĩnh vực khoa học – công nghệ đã thực hiện tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, như: góp ý xây dựng sân bay Long Thành, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; góp ý quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường bộ và cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 205010… Đây là hoạt động thể hiện sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ vào công tác tư vấn, thực hiện phản biện, giám định có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các dự án phát triển kinh tế – xã hội. 

Với những kết quả kể trên, trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ Việt Nam đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước, thúc đẩy năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ nói riêng còn một số hạn chế dù đội ngũ này được xem là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức. Một số hạn chế cụ thể như:

(1) Rào cản về cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách hiện nay chưa thực sự khuyến khích sáng tạo, đột phá. Cụ thể trong thủ tục phê duyệt, nghiệm thu, giải ngân đề tài nghiên cứu khoa học vẫn nặng tính hành chính, thiếu linh hoạt và chậm trễ. Chính sách đột phá về sở hữu trí tuệ, chia sẻ lợi ích từ sản phẩm nghiên cứu chưa rõ ràng, đầy đủ khiến đội ngũ trí thức chưa mạnh dạn thương mại hóa sáng chế hoặc chuyển giao công nghệ.

(2) Thiếu môi trường học thuật và chuyên sâu. Nhiều viện nghiên cứu và trường đại học chưa trở thành trung tâm học thuật đúng nghĩa do thiếu sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại. Chưa có cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài nghiên cứu chuyên sâu trong nước; nhiều nhà khoa học trẻ lựa chọn làm việc ở nước ngoài với mức lương cao.

(3) Thiếu tính kết nối giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ “báo cáo khoa học” chứ không được ứng dụng vào sản xuất hay thực tiễn đời sống do thiếu cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Chưa có cơ chế tài chính hỗ trợ pháp lý hiệu quả để doanh nghiệp tin tưởng đầu tư cho R&D trong nước.

(4) Chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ. Công tác này chưa tạo được sự chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội cho đội  ngũ trí thức lĩnh vực này. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức lĩnh vực này còn hời hợt, hình thức, thiếu tính chiều sâu và thiếu đội ngũ giảng dạy có trình độ cao. Mức lương, thưởng đãi ngộ dành cho đội ngũ này còn thấp so với công sức và tính chất yêu cầu trình độ cao của công việc.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ chưa đầy đủ, sâu sắc; “cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học – công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài…, năng lực sáng tạo của các nhà khoa học chưa được phát huy”11. Ngoài ra, còn một bộ phận trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ chưa nhận thức đầy đủ vai trò của bản thân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước, còn thụ động, trông chờ, ngại bày tỏ chính kiến; năng lực, phẩm chất, uy tín chưa đáp ứng yêu cầu.

4. Một số giải pháp 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển khoa học – công nghệ hiện nay trên thế giới, Đảng đã quán triệt quan điểm về phát triển đất nước phải bằng khoa học và công nghệ. Để khoa học – công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước, cần phải có các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ…, gắn với vai trò của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực này, theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ như sau:

Thứ nhất, về phía cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo, quản lý các ngành, lĩnh vực.

Đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học – công nghệ nói riêng muốn phát huy được khả năng cần phải được chính quyền trọng dụng và tạo điều kiện phát triểndo vậy:

(1) Cần nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong chuyển đổi số, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ – thuật trong cấp ủy các cấp. 

Chuyển đổi số là một phương thức mới và đặc biệt cần thiết để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuyển đổi số là số hóa toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Người đứng đầu – đặc biệt là cấp bộ trưởng và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có vai trò quyết định trong sự thành công của chuyển đổi số địa phương. Bởi muốn thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và để ban hành các chính sách, bố trí các nguồn lực thực hiện. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công thì người đứng đầu phải trực tiếp vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo mới có thể bảo đảm sự thành công.

Cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật là đội ngũ không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp là một sự cam kết, tín hiệu rõ ràng rằng tất cả các cán bộ cần tích cực thực hiện chuyển đổi số. Theo đócán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật có thể gánh vác trách nhiệm tham gia vào tiến trình chính trị quốc gia, tạo cơ hội để họ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và thực hiện công tác tư vấn và cố vấn theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Do vậy, cần phát huy được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Để bảo đảm được vai trò của người đứng đầu và vai trò trong cấp ủy các cấp của cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật thì những cán bộ được bố trí ở những vị trí này phải vừa hồng vừa chuyên, vừa trung thành về mặt chính trị vừa bảo đảm năng lực chuyên môn.

(2) Đào tạo trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ kết hợp đa dạng hóa hình thức tuyển dụng trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ. 

Cần có chính sách gửi sinh viên và học giả ra nước ngoài để đào tạo nâng cao và đào tạo sau đại học. Những sinh viên trở về sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về khoa học – công nghệ. Thông qua việc học tập và làm việc ở nước ngoài, những sinh viên, học viên sẽ có được góc nhìn đổi mới, mở rộng về nghiên cứu khoa học hiện đại. Ngoài ra, việc tổ chức các chuyến công tác để tham gia trao đổi học thuật ở nước ngoài là rất quan trọng nhằm đưa các nhà khoa học trẻ theo kịp xu hướng nghiên cứu quốc tế. 

Mặc dù việc sử dụng internet ngày càng tăng và các hình thức viễn thông khác ngày càng phổ biến giúp các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận thông tin phục vụ cho nghiên cứu của bản thân, song, nếu chỉ bằng cách thức đó thì sẽ vẫn hạn chế trong tiếp cận kịp thời với các tạp chí khoa học quốc tế quan trọng. Và do đó, có thể dẫn đến sự tụt hậu trong nghiên cứu khoa học so với thế giới. Do vậy, giữ mối liên hệ với cơ sở đào tạo cũ và thiết lập mối quan hệ với các nhà khoa học trên thế giới, tổ chức đi tham dự các hội nghị chuyên môn hằng năm là cần thiết để cập nhật thông tin về nghiên cứu nước ngoài.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức tuyển dụng trí thức khoa học – công nghệ. Bên cạnh hình thức tuyển dụng phổ biến bằng thông báo tuyển dụng với các tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định, các đơn vị tuyển dụng cần mở rộng vùng tìm kiếm nhân tài là những trí thức khoa học – công nghệ tại các trường đại học, học viện, kết hợp với hình thức tiến cử hiền tài hoặc bảo đảm hình thức thi tuyển công khai và công bằng cho tất cả các thí sinh để có thể lựa chọn được nhân lực tốt nhất “đầu quân” làm việc cho cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình, tránh tình trạng “khép kín”, “lợi ích nhóm” trong quá trình tuyển dụng.

(3) Có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, đặc biệt là trí thức khoa học – công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.

Đánh giá việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian qua, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn”12.

Trong khi nguồn lực trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài đang là bộ phận có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển khoa học – công nghệ ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, ở hầu khắp mọi khâu trong hệ sinh thái công nghệ tại thung lũng Silicon của Mỹ đều có vai trò của những nhà khoa học gốc Việt. Theo Tổng lãnh sự Sứ quán Việt Nam tại San Francisco, hiện có khoảng 8.000 trí thức người Việt đang làm việc tại thung lũng Silicon. Từ những phòng thí nghiệm trong các viện, trường cho đến những con chip đột phá trong tốc độ truyền tải dữ liệu, ở tất cả các khâu trong hệ sinh thái công nghệ đều có những đóng góp của những cá nhân xuất sắc người Việt. Do vậy, cần xây dựng cơ chế thu hút nhân tài để tận dụng nguồn lực này để họ có thể góp phần vào sự phát triển khoa học – công nghệ ở Việt Nam thông qua nhiều con đường khác nhau, như: chia sẻ kinh nghiệm, giảng dạy, đưa các công ty nước ngoài về Việt Nam hay giúp hướng nghiệp và tìm cơ hội việc làm cho các sinh viên, kỹ sư.

Để thu hút người tài, bản thân mỗi cơ quan, đơn vị phải có sức hút, sự hấp dẫn về thu nhập có khả năng cạnh tranh với khi vực tư nhân, môi trường làm việc lý tưởng, sự tạo điều kiện, động viên khích lệ sáng tạo, đột phá của nhân viên từ người lãnh đạo, quản lý. 

Việc thu hút nhân tài cũng cần lưu ý đến trường hợp trong thực tiễn có nhiều phát minh, sáng kiến, sản phẩm mang lại giá trị cao xuất phát từ những người không có học hàm, học vị, trình độ học vấn không cao. Đó là những “nhà phát minh nông dân” do vậy, cần có cơ chế để các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành chính sách vượt trội để phát huy năng lực của những cá nhân này.

Thứ hai, về phía đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ.

Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ 4 hiện nay mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển, đòi hỏi đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ phải chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn cho thực tễn đời sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình.

Trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ, đặc biệt là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ cần ý thức sâu sắc trách nhiệm trong giai đoạn cách mạng mới, trách nhiệm trong nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc; có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. 

Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức Việt Nam góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ cần nỗ lực phấn đấu, trung thực trong khoa học và sáng tạo, “vượt lên trên chính mình” nhằm phục vụ Nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước; biết phản biện và dám phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng.

Để trở thành nhân tố then chốt, giới trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới. Trong đó, quan trọng nhất là hướng các nghiên cứu của các nhà khoa học phải hướng vào những vấn đề thực tiễn của đất nước đang đặt ra. Từ đó, đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ cần nêu cao vai trò tích cực tham gia quá trình tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách, để trí thức – nhà khoa học thực sự trở thành cầu nối giữa khoa học và các cơ quan hoạch định chính sách. Điều này giúp các chính sách được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ cũng cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để sáng tạo ra những sản phẩm “Make in Vietnam” – những sản phẩm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các trí thức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam. Sản phẩm “Make in Vietnam” thể hiện tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ. Điều này không chỉ giúp Việt Nam khẳng định năng lực đổi mới sáng tạo của đất nước trên trường quốc tế mà còn đưa Việt Nam có những bước nhảy vọt trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp với trình độ phát triển của thế giới trong thời gian ngắn nhất trong bối cảnh cạnh tranh mọi mặt đều liên quan đến lĩnh vực khoa học – công nghệ. 

5. Kết luận

Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ cần có sự kết hợp giữa vai trò của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp với sự chủ động sáng tạo của trí thức lĩnh vực khoa học – công nghệ. Đó là sự kết hợp giữa việc nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong chuyển đổi số, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp; có chiến lược đào tạo trí thức khoa học – công nghệ kết hợp đa dạng hóa hình thức tuyển dụng; có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, đặc biệt là trí thức khoa học – công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài với ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động sáng tạo tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002). Văn kiện Đảng toàn tậpTập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 78.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 554.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005). Văn kiện Đảng toàn tậpTập 42. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 122, 153.

5. Ban Tuyên huấn Trung ương (1987). Đề cương giới thiệu Văn kiện Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam. H. NXB Sách giáo khoa Mac – Lênin, tr. 11.

6, 7. Ban Chấp hành Trung ương (2023). Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

8. Khoa học và Công nghệ đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/khoa-hoc-va-cong-nghe-a-ong-gop-lon-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-at-nu-1

9. Khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay. https://vias.vass.gov.vn/tin-hoat-dong-vien-chau-my/Khoa-hoc-cong-nghe-o-Viet-Nam-hien-nay-148.0

10. Khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. https://baochinhphu.vn/khang-dinh-vi-tri-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-cong-nghe-102230320172405325.htm

11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 83.

12. Ban Chấp hành Trung ương (2023). Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.