Sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”

Thiếu tá, ThS. Bùi Văn Duy
Trường Sĩ quan Lục quân 1
Trung tá, TS. Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải làm rõ những vấn đề cơ bản về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, trên cơ sở trung thành và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của đất nước. Bài viết làm rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; từ đó, rút ra ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay để tăng tốc, bứt phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Từ khoá: Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin, tác phẩm “Đường Kách mệnh”, cách mạng Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Hệ thống di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vô cùng đồ sộ, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc chỉ đạo con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Một trong tác phẩm đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng, vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho cách mạng Việt Nam và làm nên tên tuổi sự nghiệp của Người phải kể đến tác phẩm “Đường Kách mệnh”; đây là một trong những di sản tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta công nhận là “bảo vật quốc gia”1.

96 năm qua dưới ánh sáng tư tưởng của tác phẩm, đất nước có biết bao sự đổi thay trên các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội làm cho vị thế, uy tín của nước ta ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của tác phẩm không dừng lại ở việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; mà tác phẩm còn là một hình mẫu về sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. “Đường Kách mệnh” tác phẩm đặt nền móng cho sự phát triển của các phong trào cách mạng Việt Nam

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ra đời vào khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1927 đây là giai đoạn lịch sử đầy sôi động của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới; phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở trong nước phát triển mạnh mẽ, nhiều tổ chức cách mạng yêu nước xuất hiện nhưng mang màu sắc chính trị khác nhau; trong quá trình hoạt động các tổ chức cách mạng này tranh giành phạm vi ảnh hưởng của nhau, thậm trí bài xích lẫn nhau, nếu kéo dài hoạt động của các tổ chức cách mạng yêu nước này sẽ ảnh hưởng đến phong trào cách mạng chung, nhất là các tầng lớp nhân dân.

Yêu cầu bức thiết đặt ra lúc này phải thống nhất hoạt động của các tổ chức cách mạng thành một tổ chức mới, có đường lối đúng đắn, tổ chức chặt chẽ lãnh đạo thì cách mạng mới thành công. Đầu năm 1924 Nguyễn Ái Quốc đã rời quê hương của V.I.Lênin sang Quảng Châu (Trung Quốc) tại đây Người đã tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và mở lớp huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên, sau này nhiều thanh niên đã trở thành cán bộ cốt cán lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Lớp học do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức và lên lớp bao gồm những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Đầu năm 1927 những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa bị áp bức tập hợp và xuất bản thành sách với tên gọi là “Đường Kách mệnh”.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản, làm cơ sở tiền đề cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam. Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam và là cẩm nang quý, định hướng cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo. Tác phẩm là tập hợp những bài viết, bài giảng của Nguyễn Ái Quốc về tính tất yếu khách quan phải có Kách mệnh, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí minh được biểu hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý về sự thành lập chính đảng của giai cấp công nhân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Ngay trong phần mở đầu của tác phẩm, Người đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của V.I.Lênin trong tác phẩm “Làm gì”. Không có lý luận kách mệnh, thì không có kách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận kách mệnh tiền phong, đảng kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm kách mệnh tiền phong. Điều đó có nghĩa là để phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh cách mạng lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản thì phải có một lý cách mạng khoa học tiên tiến soi đường, dẫn lối.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lý luận cách mạng nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Mác, bởi vì lý luận đó xuất phát từ thực tiễn, bắt nguồn từ hiện thực, là lý luận đầu tiên biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, vạch ra con đường, cách thức, biện pháp giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, Đảng cộng sản ra đời là sản phẩm kết hợp của hai yếu tố chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Người đã chỉ rõ “cách mệnh trước hết phải có cái gì, Người đã lý giải trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”2.

Đây là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Đặc biệt đối với Việt Nam, bị chủ nghĩa thực dân thống trị, nền kinh tế hết sức lạc hậu, què quặt, công nghiệp gần như chưa phát triển, giai cấp công nhân tuy đã ra đời và sống khá tập trung song còn nhỏ bé, chưa đại diện cho toàn bộ phong trào dân tộc. Chính từ nhận thức đó, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã định hướng đúng đắn cho sự vận động của hai quá trình: một là, đưa phong trào yêu nước chuyển dần từ lập trường quốc gia sang khuynh hướng mácxít, rồi từ khuynh hướng mác xít chuyển sang lập trường cộng sản; hai là, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát sang trình độ tự giác. Nhân tố đóng vai trò quyết định bảo đảm sự chuyển biến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước là chủ nghĩa Mác – Lênin. Sau này, trong tác phẩm Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người khái quát: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”3.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng về khả năng giành thắng lợi cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Trên cơ sở phân tích bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và quy luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa đế quốc. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đưa ra lý luận về khả năng nổ ra và thắng lợi của cách mạng vô sản trước tiên ở một số nước, thậm chí có thể ở một nước tư bản riêng biệt, là khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản, mà không nhất thiết là phải ở các nước tư bản phát triển. Kế thừa quan điểm, tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc bản chất tàn bạo, độc ác của chủ nghĩa thực dân đã câu kết với phong kiến đầu độc áp bức, bóc lột nhân dân ta đến tận sương tuỷ, chính sự tàn bạo đó tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Người đã nâng tầm vai trò của cách mạng ở các nước thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động tích cực đối với cách mạng chính quốc. Người đã khảo sát các cuộc cách mạng ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức đều thất bại không giải quyết triệt để vấn đề ruộng đất dân cày, chỉ có cách mệnh Nga là thành công đem lại ruộng đất cho dân cày, có hạnh phúc, tự do, bình đẳng thực sự. Bằng hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng và đặc điểm, phong tục truyền thống văn hoá của Việt Nam, Người đã luận giải sâu sắc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa quan hệ chặt chẽ với cách mạng chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng chính quốc.

Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc “có thể chủ động đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và qua đó, thúc đẩy cách mạng chính quốc. Cho nên cách mạng ở các dân tộc thuộc địa phải đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi. Đây là sự kế thừa và bổ sung sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về cách mạng thuộc địa có thể giành được thắng lợi khi có sự giúp đỡ của cách mạng chính quốc, khi cách mạng vô sản chính quốc đã giành được thắng lợi.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp để giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản.

Do điều kiện hoàn cảnh lịch sử chi phối, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác –  Lênin có những luận giải khác nhau về vấn đề dân tộc và giai cấp: vấn đề dân tộc chỉ được giải quyết trên cơ sở vấn đề giai cấp được giải quyết một cách triệt để; cách mạng vô sản ở chính quốc có vai trò quyết định đến thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Kế thừa quan điểm, tư tưởng đó của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Người đã chỉ ra nhiệm vụ đặt ra cho cách mạng thuộc địa là không phải là làm ngay một cuộc cách mạng vô sản (như các nước tư bản), mà trước hết phải tiến hành đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc; có độc lập dân tộc rồi, mới có điều kiện để giải phóng giai cấp; trong mối quan hệ dân tộc – giai cấp, dân tộc là tổng thể, giai cấp là một bộ phận. Do đó, quyền lợi của giai cấp, (tức là quyền lợi của bộ phận) phải phục tùng quyền lợi của dân tộc (bộ phận phục tùng tổng thể).

Người chỉ rõ: “Một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do độc lập, lại làm ra được bao nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu. Nó đã cướp hết sản vật, quyền lợi của dân rồi, khi có giặc giã, nó lại bắt dân đi lính chết thay cho nó. Như trong trận Âu chiến 1914 – 1918, Tây bắt ta đi lính, sau lại gia thuế gia sưu. Đánh được thì nó hưởng lợi quyền, thua thì mình đã chết người lại hại của”4. Chính lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc này mâu thuẫn với thực dân Pháp và bè lũ tay sai, từ của cải, tài nguyên, đến mọi hoạt động kinh tế, chính trị – xã hội đều thuộc về thực dân Pháp và bè lũ của chúng, vì vậy, “dân tộc cách mệnh thì chưa phân chia giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”; tức là giải phóng cho được dân tộc trước tiên, khi ấy quyền lợi của các giai cấp mới có được. Đây chính là sự bổ sung, phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trên quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng về liên minh công – nông tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là người đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển tư tưởng về liên minh công nông trong cách vô sản, các ông khẳng định: các cuộc cách mạng xắp tới chỉ có thể thu được thắng lợi nếu giai cấp nông dân ủng hộ những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, nếu không thì bài “đơn ca” cách mạng của giai cấp vô sản sẽ trở thành bài “ai điếu”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm tư tưởng của các nhà kinh điển lên tầm cao mới, chỉ ra lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc một cách đúng đắn, khoa học dựa vào tiêu chí “bị áp bức”; “Vì bị áp bức mà sinh ra Kách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng Kách mệnh càng bền, chí Kách mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó Kách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ Kách mệnh”5; trong đó “công nông là gốc cách mệnh”; học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”6. Đây là những quan điểm rất sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lực lượng cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tổ chức, tập hợp xây dựng lực lượng, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi ở Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong những giai đoạn lịch sử cách mạng có tính chất bước ngoặt.

Đại hội lần thứ VII (năm 1991) Đảng đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là minh chứng sống động và thuyết phục, khẳng định tính đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong việc lựa chọn kiên định lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), một trong năm bài học kinh nghiệm lớn được Đảng ta rút ra là: Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp khó dự báo. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”7. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, không giáo điều, sơ cứng, dập khuân máy móc; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là ở thời điểm khó khăn, thử thách, đòi hỏi Đảng phải phải thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của mình trong tập hợp, đoàn kết các lực lượng trong toàn xã hội hướng đến mục tiêu chung, thống nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giải quyết hoà lợi ích của các giai cấp, giai tầng trong xã hội, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức; luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng, là trên hết, trước hết; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Chỉ có như vậy, sự nghiệp đổi mới đất nước; đặc biệt là mục tiêu, nhiệm vụ khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có vị thế, uy tín ngày càng cao trọng cộng đồng thế giới của Đảng mới thành hiện thực.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đưa Việt Nam sánh vai cùng với các cường quốc năm châu thế giới; việc nắm vững những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin trên từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể có ý nghĩa rất cần thiết để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động trong toàn xã hội, đó là: quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ, xây dựng bộ máy hành chính các cấp; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Trong mỗi giai đoạn, thời điểm cách mạng đặt ra cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có bản lĩnh vững vàng, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân; gạt bỏ lợi ích cá nhân, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng chung của Đảng. Có như vậy, mới thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giải quyết tốt nhất những búc xúc của xã hội, tiến hành các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phù hợp, hiệu quả và làm cho sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin bền vững, thấm sâu vào trong suy nghĩ, hành động của mỗi người, trở thành niềm tin, lẽ sống quy định mục đích, phương hướng hành động của con người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay.

3. Kết luận

Những giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân không những ở thời điểm hiện tại mà còn mãi mãi về sau. Tác phẩm đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương phải thấm nhuần những tư tưởng của Người trong tác phẩm, từ đó hành động đúng đắn, sáng tạo vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của đất nước.

Chú thích:
1. 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Đường kách mệnhNgục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnLời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Bản Di chúc.
2, 4, 5, 6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 267, 288, 288, 288
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 406.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 105.