Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự về đại diện

ThS. Nguyễn Thế Mừng
Trường Đại học Điện lực

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong cuộc sống xã hội, mỗi một chủ thể đều có những quyền và nghĩa vụ chung hoặc riêng. Không phải trong trường hợp nào, chủ thể cũng tự mình trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ. Việc chủ thể thông qua chủ thể khác thực hiện quyền và nghĩa vụ gọi là đại diện. Dưới góc độ là quyền của chủ thể, đại diện là công cụ, là phương thức giúp cho chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua hành vi của chủ thể khác. Mỗi chủ thể có quyền lựa chọn việc tự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình hoặc thông qua đại diện. Đại diện giúp cho mỗi chủ thể có thêm nhiều khả năng tham gia vào các quan hệ xã hội.

Từ khóa: Pháp luật dân sự, Luật Dân sự, đại diện.

1. Thực trạng áp dụng quy định pháp luật về đại diện theo pháp luật

Thực tiễn cho thấy, các vấn đề về đại diện theo pháp luật nảy sinh trên thực tế chủ yếu liên quan đến việc xác định người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên.

Thứ nhất, vấn đề xác định người đại diện theo pháp luật đối với người chưa thành niên có các quan điểm khác nhau.

Để xác định người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên có hai cách thức: (1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; (2) Người giám hộ đối với người được giám hộ. Ở trường hợp cha mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên có những cách hiểu khác nhau: quan điểm thứ nhất cho rằng, đối với con chưa thành niên thì cần phải có cả cha, mẹ làm người đại diện; quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ cần cha hoặc mẹ là người đại diện.

Việc xác định người đại diện cho con chưa thành niên là cả cha và mẹ về nguyên tắc sẽ thuận lợi trong việc xác định trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của cả cha và mẹ đối với con. Tuy nhiên, trong trường hợp cả cha và mẹ đều là người đại diện cho con chưa thành niên nhưng giữa họ không thống nhất về nội dung đại diện hoặc một trong hai người có sự đối lập về lợi ích với con chưa thành niên thì sẽ gây khó khăn trong việc xác định người đại diện cho con. Vì vậy, chỉ cần một người đại diện cho con chưa thành niên là đủ để bảo đảm lợi ích của con chưa thành niên. Trong trường hợp nếu quyền và lợi ích của cha, mẹ không đối lập thì thì cha, mẹ có thể thỏa thuận một người là người đại diện theo pháp luật cho con. Trong trường hơp quyền và lợi ích của cha, mẹ đối lập nhau thì việc xác định ai là người đại diện cho con sẽ gặp vướng mắc.

Thứ hai, vấn đề xác định người giám hộ là người đại diện theo pháp luật.

Một trong những chủ thể đại diện theo pháp luật của cá nhân là người đại diện. Việc xác định chủ thể là người giám hộ sẽ là cơ sở để xác định người đại diện của người được giám hộ. Thực tiễn, việc xác định người giám hộ cho người được giám hộ còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu xuất phát từ việc có nhiều cá nhân có đủ điều kiện làm người giám hộ, họ không thống nhất để xác định được người giám hộ cho người được giám hộ. Ngoài ra, khi Ủy ban nhân dân cấp xã cử người giám hộ cho người được giám hộ thì những cá nhân trên không đồng tình và đưa ra những lý do để yêu cầu xác định lại người giám hộ cho người được giám hộ dẫn đến tranh chấp phải giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa.

Thứ ba, việc áp dụng các quy định về đại diện của vợ chồng đối với việc sử dụng tài sản trong kinh doanh có thể gây thiệt hại cho người thứ ba hoặc bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác trước khi tham gia quan hệ kinh doanh hoặc pháp luật có quy định khác. Quan hệ kinh doanh có thể được giải thích là mối quan hệ mà các bên sử dụng tài sản hợp pháp của mình để thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận (khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào định nghĩa khái niệm kinh doanh chung nên tài sản mà vợ chồng sử dụng trong quan hệ kinh doanh có thể là tài sản riêng hoặc tài sản chung vợ chồng.

Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản (Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Trường hợp sử dụng tài sản riêng thì việc sử dụng tài sản riêng không cần phải lập thành văn bản. Vợ hoặc chồng sử dụng tài sản riêng để kinh doanh chung nhưng việc kinh doanh đó không có văn bản xác nhận thì khi một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, người còn lại trở thành người giám hộ. Điều này khiến việc xác định tài sản riêng của người được giám hộ dần trở nên kém khả thi bởi không có bất cứ tài liệu gì chứng minh phần giá trị tài sản riêng đã đưa vào hoạt động kinh doanh. Khi vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại sẽ đại diện quản lý và giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến quan hệ kinh doanh chung đó và quản lý luôn tài sản của người bị mất năng lực hành vi dân sự trừ khi trước đó các bên có thỏa thuận khác, chẳng hạn như thỏa thuận về một người đại diện khác.

Trong trường hợp bình thường, tức là trường hợp vợ hoặc chồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người còn lại có quyền đại diện thực hiện các giao dịch liên quan đến quan hệ kinh doanh chung thì quy định này vẫn có khả năng gây hại tới lợi ích của người thứ ba bởi việc thực hiện các giao dịch với người thứ ba có thể không cần bất cứ văn bản ủy quyền nào giữa vợ và chồng, đặc biệt trong trường hợp người thứ ba không am hiểu về quy định pháp luật.

Thứ tư, việc xác định thẩm quyền ký kết, thực hiện các hợp đồng của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp căn cứ vào Điều lệ của doanh nghiệp có thể gây thiệt hại cho bên ký kết hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam có những quy định về thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhưng chỉ là những quy định chung chung nhằm tạo ra hành lang pháp lý và định hướng cho doanh nghiệp. Các quy định chi tiết về thẩm quyền và phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải căn cứ vào Điều lệ của pháp nhân.

Theo quy định tại Điều 137 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn được có nhiều người đại diện theo pháp luật, với điều kiện điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật đó.

Phạm vi đại diện của từng người đại diện theo pháp luật được nêu trong điều lệ của công ty và nếu không xác định được cụ thể phạm vi đại diện trên cơ sở xem xét điều lệ thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình uy nhiên, không phải lúc nào người đại diện cũng hành động đúng với phạm vi đại diện của mình, hay thông báo trung thực cho bên đối tác về phạm vi đại diện của mình, bởi vì hiện nay, trong Bộ luật Dân sự không đưa ra chế tài về việc vi phạm nghĩa vụ thông báo này. Cho nên, muốn biết được người đại diện theo pháp luật của bên kia, giao dịch ký hợp đồng thực sự có thẩm quyền đại diện hay không thì phải kiểm tra điều lệ của công ty đối tác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát sinh các vấn đề như sau: (1) Điều lệ công ty có thể thay đổi và bên muốn giao dịch bị tuyên vô hiệu có thể tìm cách thay đổi thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trong điều lệ. (2) Các bên xây dựng Điều lệ công ty rất dài, với nhiều nội dung phức tạp khiến cho người đọc chủ quan và không lường trước được các vấn đề phát sinh. (3) Các bên xây dựng Điều lệ sơ sài, không công khai các chi tiết phân quyền nên doanh nghiệp dù có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng lại không thể ký kết hợp đồng. Do đó, xét một cách tổng thể, cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn khá dè dặt và chưa thực sự bảo vệ các người thứ ba ngay tình.

Cần lưu ý, theo quy định tại Điều 142 năm Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ khi: người được đại diện đã công nhận giao dịch, hoặc người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; hoặc người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết, hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự không có quyền đại diện. Để xem xét giao dịch do một người đại diện theo pháp luật không có thẩm quyền xác lập, bên đối tác của doanh nghiệp phải chứng minh được sự tồn tại của một trong các hành vi của doanh nghiệp nêu trên, song đây là việc không dễ dàng trong thực tế. Từ đó, gây thiệt hại rất lớn cho bên ký kết hợp đồng khi một bên có đầy đủ chứng cứ về việc ký kết hợp đồng với người đại diện của pháp nhân nhưng vụ án vẫn bị quy kết là vượt quá phạm vi đại diện.

2. Hoàn thiện quy định pháp luật dân sự về đại diện

Một là, xác định người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên

Đối với trường hợp cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên thì có cần phải cả cha và mẹ làm người đại diện cho con chưa thành niên khi tham gia các quan hệ dân sự không đã dẫn đến những vướng mắc, bất cập thực tế. Nếu quyền lợi của con chưa thành niên và cả cha, mẹ không đối lập nhau thì chỉ cần cha hoặc mẹ làm người đại diện. Trong trường hợp này, giữa cha và mẹ cần phải thỏa thuận để xác định một người đại diện cho con chưa thành niên và cần được ghi nhận thành văn bản để bảo đảm tính thống nhất trong quan hệ đại diện. Trong trường hợp, quyền và lợi ích của cha, mẹ là đối lập nhau thì cần xác định một người đại diện cho con chưa thành niên. Tuy nhiên, việc xác định ai là người đại diện cho con chưa thành niên do Tòa án quyết định trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, trường hợp người chưa thành niên vừa có cả cha, mẹ và người giám hộ thì ai sẽ là người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên. Xét về mặt lý luận, chỉ khi cha, mẹ không đáp ứng được các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của cha, mẹ thì mới xác định người giám hộ cho con chưa thành niên.

Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 như hiện nay về đại diện theo pháp luật của cá nhân thì đây không phải là thứ tự lần lượt. Mặc dù vậy, khi cha mẹ yêu cầu người giám hộ cho con chưa thành niên thì đồng nghĩa cha, mẹ không đáp ứng các điều kiện để làm đại diện cho con. Ngoài ra, xét về mặt thực tế, người giám hộ là người gần gũi, trực tiếp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ người chưa thành niên khi cha, mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Vì vậy, việc xác định ai là người đại diện cho con chưa thành niên trong trường hợp này cần phải dựa trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người chưa thành niên, theo đó người đại diện cho con chưa thành niên khi có cả cha, mẹ và người giám hộ thì xác định theo thứ tự: (1) Người giám hộ, (2) Cha, mẹ. Trong trường hợp, cha, mẹ có đủ điều kiện để đại diện cho con thì cần yêu cầu chấm dứt việc giám hộ

Hai là, bổ sung các quy định pháp luật nhằm xác định người đại diện theo pháp luật khi vợ hoặc chồng trong trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Khi vợ chồng kinh doanh chung theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nếu vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người còn lại trở thành người đại diện đương nhiên và được quyền quyết định các giao dịch liên quan đến quan hệ kinh doanh đó. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tẩu tán tài sản của người đại diện bằng việc kê khai kinh doanh thua lỗ… Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn thì phải được sự đồng ý của giám sát giám hộ. Như vậy, giữa quy định của Luật Hôn nhân và gia đìnhBộ luật Dân sự đã có điểm mâu thuẫn. Vậy áp dụng quy định nào thì mới là hợp lý?

Kiến nghị nên quy định cụ thể hơn về các trường hợp khi vợ chồng kinh doanh chung và một trong hai người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người còn lại là người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, đồng thời người đại diện này sẽ được tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch khi giá trị không quá lớn. Đối với những giao dịch có giá trị lớn cần phải được sự đồng ý của những người giám sát giám hộ. Quy định này bảo đảm sự hài hòa giữa quy định của luật chuyên ngành và luật chung.

Trong quy định vợ hoặc chồng là đại diện theo pháp luật khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải bổ sung những trường hợp, vợ hoặc chồng không đương nhiên là đại diện theo pháp luật của người còn lại nếu có sự xung đột về lợi ích hoặc người chồng hoặc vợ không đủ điều kiện làm người đại diện. Và như vậy, người đại diện của người là vợ hoặc chồng khi bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc lúc này cần được xác định theo thứ tự tương tự như trường hợp xác định người giám hộ đương nhiên cho người bị mất năng lực hành vi dân sự (Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, cần bổ sung thêm vào Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nội dung liên quan đến đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh khi một trong hai người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, cụ thể: Điều 25 Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh.

“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.

3. Trong trường hợp một trong hai người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người còn lại là người đại diện hợp pháp của người đó. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch có giá trị lớn phải có sự đồng ý của người giám sát, trừ trường hợp Luật này hoặc các luật liên quan có quy định khác”.

Vợ hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ không là người đại diện nếu không có đủ điều kiện làm người đại diện hoặc có xung đột lợi ích trong quan hệ kinh doanh.

Ba là, hoàn thiện quy định pháp luật về những trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật.

Trong Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa quy định về các trường hợp không được làm người đại diện, điều này ít nhiều gây ra những bất cập trong thực tế khi mà các bên chủ thể không xác định được trường hợp một chủ thể có thể đóng hai vai trong một quan hệ, hoặc khi quyền và lợi ích của hai bên trong quan hệ bị xung đột khi một người đồng thời là người đại diện cho cả hai bên chủ thể của quan hệ đó,… Vì vậy, cần đưa ra các trường hợp ngoại lệ mà chủ thể không được làm người đại diện.

Trong quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, đối với cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an thì không được làm người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan của việc giải quyết vụ việc dân sự. Trên tinh thần đó trong lĩnh vực dân sự, Bộ luật Dân sự cần xác định những trường hợp không được làm người đại diện cho cá nhân, pháp nhân. Trên cơ sở không bảo đảm tính nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện, những trường hợp không được làm người đại diện được xem xét khi: (1) Người đại diện không đủ điều kiện, khả năng xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được đại diện, như: chưa đủ 18 tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. (2) Khi lợi ích của người được đại diện đối lập với người đại diện trong cùng một quan hệ. (3) Trong những quan hệ dân sự có tính tuyệt đối hóa ý chí, chỉ do người được đại diện xác lập, thực hiện.

Cụ thể, những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật của cá nhân, pháp nhân: nếu họ cũng là chủ thể trong cùng một quan hệ dân sự với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền cho một chủ thể khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một quan hệ; chưa đủ 18 tuổi; bị bệnh tâm thần; người đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

Bốn là, hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung của hợp đồng ủy quyền.

Những vấn đề cần làm rõ trong nội dung của hợp đồng ủy quyền, là: phạm vi ủy quyền, quy định chi tiết hay thỏa thuận chung chung, liệu có thể ủy quyền những công việc dự tính trong tương lai xảy ra hay không. Công chứng viên có thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong việc ủy quyền, tránh cho phạm vi ủy quyền quá rộng, chung chung như “toàn quyền định đoạt” với tài sản trong khi không kiểm soát được nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là đối với các tài sản hình thành trong tương lai. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc hạn chế thời gian thực hiện công việc hay phạm vi ủy quyền dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng tính ưu việt của hợp đồng ủy quyền để nhằm che đậy bản chất thực sự của các giao dịch. Mặt khác, cũng bởi không thể kiểm chứng được bên ủy quyền còn sống hay đã chết để xác định hiệu lực của hợp đồng ủy quyền, nên quy định trong hợp đồng ủy quyền nếu thỏa thuận thời hạn hoàn thành công việc là căn cứ chấm dứt thì trong hợp đồng ủy quyền cần quy định một khoảng thời gian hợp lý phải thực hiện xong công việc.

Vì vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn để tránh việc các bên quy định trong hợp đồng những câu chung chung, như: “Thời hạn ủy quyền tính từ thời điểm công chứng viên ký tên, đóng dấu cho đến khi hoàn thành công việc”, thay vào đó pháp luật nên quy định rõ thời gian thực hiện công việc phải cụ thể, đặc biệt với các công việc liên quan tới quản lý tài sản, mua bán, chuyển nhượng tài sản là bất động sản. Bên cạnh đó, sự ủy quyền “toàn bộ” của các cá nhân thiếu kiến thức về pháp luật có thể gây nguy hiểm cho bên ủy quyền, bởi ủy quyền toàn bộ đồng nghĩa với việc cho người được ủy quyền có những quyền hạn rộng rãi trên tài sản của mình. Vì vậy, pháp luật nên quy định hình thức hợp đồng chặt chẽ, nội dung rõ ràng, cụ thể chính là nhằm hạn chế rủi ro “tự buộc dây vào cổ mình” như trên.

Năm là, hoàn thiện quy định pháp luật về hình thức ủy quyền.

Hình thức ủy quyền cần được hiểu bao gồm hai hình thức: hình thức ghi nhận sự ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền và hình thức mang tính chất thông báo, chứng minh tư cách đại diện của bên được ủy quyền đối với người thứ ba, từ đó là cơ sở để bên được ủy quyền có thể tham gia xác lập, thực hiện quan hệ với người thứ ba.

Hình thức uỷ quyền đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác, hình thức ủy quyền được cá nhân và pháp nhân tạo ra rất đa dạng: có hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền và các văn bản ủy quyền cá biệt, thậm chí là văn bản phân công như một văn bản ủy quyền thường xuyên, dù nó được thể hiện dưới hình thức hợp đồng lao động hay biên bản họp của hội đồng thành viên… Hình thức ủy quyền là sự phản ánh nội dung ủy quyền mà các bên đã tham gia. Vì vậy, yếu tố quyết định để thừa nhận những hình thức này có được coi là hình thức ràng buộc trách nhiệm cũng như phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền với người thứ ba đó chính là: việc xác định hình thức ủy quyền cần phải phân định rõ:

(1) Đó là loại hình thức mang tính ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền thì cần phải được thể hiện dưới dạng hợp đồng, do đó loại hình thức này sẽ tuân thủ theo những quy định của hợp đồng dân sự.

(2) Loại còn lại, hình thức ủy quyền mang tính thông báo, là căn cứ chứng minh thẩm quyền và phạm vi đại diện của người được ủy quyền thì dựa trên cơ sở sự thừa nhận của bên ủy quyền về hành vi đại diện của bên được ủy quyền hoặc bên ủy quyền biết mà không phản đối việc thực hiện công việc theo ủy quyền của bên được ủy quyền trong một thời gian hợp lý cũng như người thứ ba chấp nhận việc tham gia xác lập, thực hiện quan hệ dân sự của bên được ủy quyền. Đối với trường hợp này, phải dựa trên những dấu hiệu thực tế để chứng minh tư cách đại diện của bên được ủy quyền.

Sáu là, pháp luật dân sự cần bổ sung các quy định để bên tham gia giao dịch có thể xác định thẩm quyền và phạm vi đại diện của người đại diện của pháp nhân.

Việc không cung cấp Điều lệ doanh nghiệp cũng như các văn bản phân công quyền hạn, trách nhiệm của người đại diện của pháp nhân vì lý do nội bộ là có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, pháp luật cũng nên có quy định trong một số trường hợp nhất định các bên có thể yêu cầu đối tác cung cấp các tài liệu về ủy quyền, phạm vi đại diện, thẩm quyền đại diện nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên, đặc biệt là người thứ ba tham gia giao dịch.

Trong trường hợp không có cơ chế để người thứ ba tiếp cận Điều lệ hay các văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp thì nên có quy định tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp năm 2020, đó là: “Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với người thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó”. Quy định này giúp các bên chủ động hơn trong việc công bố thông tin về người đại diện với người thứ ba, từ đó hạn chế được những rủi ro do những giao dịch vô hiệu mang lại.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp (2017). Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015. H. NXB Lao động.
2. Bộ Tư pháp (2020). Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng.
3. Đỗ Giang Nam, Trần Quang Cường (2021). Cơ chế bảo vệ người thứ ba trong quan hệ đại diện theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (08/2021).
4. Hồ Thị Bảo Ngọc, Nguyễn Ngọc Huy (2021). Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động công chứng. Tạp chí Nghề Luật, (6/2021).
5. Đỗ Thị Thủy (2021). Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và thực tiễn thực hiện. Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
6. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
7. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
8. Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.