Vai trò và đặc điểm của đội ngũ viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS. Hoàng Nhật Anh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của Học viện và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Vì vậy, đặc điểm của đội ngũ viên chức Học viện gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Học viện, thể hiện bản sắc riêng của ngôi trường mang tên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Nhận thức đầy đủ, rõ ràng và sâu sắc về vai trò, đặc điểm của đội ngũ viên chức Học viện là cơ sở để phát triển đội ngũ này ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Từ khóa: Đội ngũ viên chức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, vai trò, đặc điểm.

1. Đặt vấn đề

Theo Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội; là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…”. Trong đó nêu rõ, đội ngũ viên chức chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Học viện. Chính vì vậy, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; khi cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy đang diễn ra quyết liệt và lan tỏa sâu rộng; khi các nhiệm vụ chính trị của Học viện ngày càng nặng nề và phức tạp thì việc xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức của Học viện đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

2. Vai trò của đội ngũ viên chức Học viện

Thứ nhất, đội ngũ viên chức của Học viện là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội là chức năng chính của Học viện. Đội ngũ viên chức của Học viện, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, là lực lượng chủ yếu thực hiện chức năng cung cấp tri thức, góp phần xây dựng ở người học bản lĩnh chính trị; phát triển trí tuệ, năng lực tư duy lãnh đạo và kỹ năng nghề nghiệp theo chuyên ngành đào tạo. Đội ngũ viên chức của Học viện có khả năng và vai trò then chốt trong đổi mới, phát triển, hoàn thiện chương trình, nội dung, cải tiến, vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp dạy học nhằm phục vụ trực tiếp trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đội ngũ viên chức của Học viện là lực lượng chủ đạo, trực tiếp trong tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến học viên, sinh viên, giúp người học hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, cùng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều. Đội ngũ viên chức của Học viện cung cấp cho người học những luận cứ khoa học để nhận diện bản chất âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và trang bị những kỹ năng cơ bản để tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, nhất là trên không gian mạng hiện nay.

Với phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, đội ngũ viên chức của Học viện không chỉ trực tiếp truyền đạt kiến thức khoa học, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho học viên mà còn cung cấp kinh nghiệm, kỹ năng, hướng dẫn học viên cách thức vận dụng kiến thức vào hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng cho học viên thế giới quan khoa học, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Thứ hai, đội ngũ viên chức của Học viện là lực lượng chủ yếu tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển khoa học lý luận chính trị của Đảng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được xác định là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm; là nhân tố quan trọng, khẳng định vị thế của Học viện, phục vụ trực tiếp và đắc lực cho sự nghiệp đào tạo, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Với chức năng là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, Học viện chắt lọc kết quả nghiên cứu thành các báo cáo kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, qua đó góp phần phát triển lý luận, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách cho Đảng và Nhà nước.

Các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp những luận cứ khoa học có giá trị cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo không thể tách rời hoạt động nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là điều kiện, là căn cứ bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, nhân tố quan trọng khẳng định vị thế, tầm vóc của Học viện, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Học viện. Nghiên cứu khoa học của Học viện nhằm phục vụ cho đổi mới các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy, qua đó nâng cao trình độ lý luận, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện.

Thứ ba, đội ngũ viên chức của Học viện là chủ thể xây dựng và phát triển các hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa trường Đảng; là những tấm gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác để học viên noi theo.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 06/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn huấn luyện được người khác thì trước hết người huấn luyện “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”1. Viên chức Học viện phải mẫu mực về nhân cách, lối sống, đạo đức, tác phong, thẩm mỹ… góp phần định hướng nhân cách toàn diện cho người học. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên không chỉ đơn thuần trang bị, định hướng, gợi mở tri thức, mà còn trao truyền tâm huyết để kiến thức, văn hóa trở thành niềm tin, động lực thúc đẩy học viên điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi, khơi dậy ý chí vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, đóng góp trí tuệ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt, đối với người giảng viên Học viện, không chỉ dạy kiến thức khoa học nói chung mà dạy tri thức lý luận, dạy cán bộ “học để sửa chữa tư tưởng… Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng… Học để tin tưởng… Học để hành”2.

Với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, bằng trí tuệ và niềm say mê sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, giữ vững bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng, các thế hệ cán bộ, viên chức của Học viện đã góp phần đào tạo hàng triệu lượt cán bộ cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thứ tư, đội ngũ viên chức của Học viện là lực lượng trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Học viện.

Đội ngũ viên chức, giảng viên Học viện, bằng cống hiến to lớn của mình, góp phần phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp và trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị từng bước hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc Trường Đảng Trung ương, có uy tín, vị thế cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đội ngũ viên chức, giảng viên của Học viện vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có trải nghiệm thực tiễn phong phú, là lực lượng chính trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước. Chất lượng các hoạt động giảng dạy, kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ viên chức, giảng viên trực tiếp khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Học viện cả trong nước và trên thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, Học viện không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong nước mà còn tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một số nước và hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều cơ quan khoa học ở ngoài nước, tổ chức quốc tế…

Đến nay, Học viện đã có quan hệ với hơn 200 đối tác quốc tế đại diện cho hơn 60 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm các đối tác truyền thống, ổn định và cả những đối tác mới. Ngoài các đối tác như Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Lào, trao đổi hợp tác, nghiên cứu giữ vững quan hệ đồng chí với đối tác Cuba thông qua một số hoạt động trao đổi đoàn của lãnh đạo Học viện. Học viện đã thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới với các đảng chính trị và đảng cầm quyền các nước, các thiết chế học thuật danh tiếng và tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ… Đội ngũ viên chức, giảng viên của Học viện là những người hiện thực hóa các nhiệm vụ chính trị to lớn đó, góp phần phát triển Học viện ngày càng tương xứng với vị thế, uy tín mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Thứ năm, vai trò của đội ngũ viên chức Học viện trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ viên chức, giảng viên Học viện là lực lượng chủ yếu, trực tiếp truyền thụ, khẳng định và bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; qua đó giúp người học nhận thức đúng đắn về nền tảng tư tưởng của Đảng. Mặt khác, trong quá trình truyền thụ tri thức, các giảng viên đã xây dựng, bồi dưỡng cho người học niềm tin cộng sản; tin vào vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn và biến thành những hành động thành hiện thực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là vũ khí tư tưởng, lý luận quan trọng, sắc bén giúp người học có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự mua chuộc của các thế lực thù địch, phản động.

Đội ngũ viên chức Học viện là lực lượng nòng cốt tham gia nghiên cứu, bổ sung, vận dụng và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong thực tiễn. Qua đó, định hướng cho người học trong việc tiếp nhận và lựa chọn thông tin, tổng hợp, khái quát, các nội dung liên quan về lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lạc hậu về kiến thức lý luận, cung cấp cho người học tri thức mới để có đủ khả năng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 Đội ngũ viên chức Học viện là lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, các thế lực thù địch đang tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá hòng làm lung lay nhận thức, tư tưởng, niềm tin của quần chúng nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Trước đòi hỏi đó của thực tiễn, cần nhận diện rõ, bản chất, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và đề cao vai trò của viên chức Học viện trong cuốc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

3. Đặc điểm đội ngũ viên chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Một là, đội ngũ viên chức của Học viện đã phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu khá hợp lý, có sự đa dạng về tuổi đời, tuổi nghề.

Trải qua các chặng đường phát triển, đến nay, Học viện đã xây dựng được đội ngũ viên chức phát triển không ngừng trưởng thành cả về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Tính đến tháng 31/12/2024, tổng số viên chức trên toàn hệ thống Học viện là 2.980 người. Giảng viên Học viện có cơ cấu khá hợp lý về độ tuổi và giới tính. Tính đến tháng 4/2025, giảng viên dưới 35 tuổi là 214 người (chiếm 15%); số giảng viên ở độ tuổi 35-50 tuổi là 898 người (chiếm 62,7%); số giảng viên trên 50 tuổi là 319 người (chiếm 22,3%). Số lượng giảng viên ở độ tuổi dưới 35 được coi là lực lượng giảng viên trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng cao; năng động, có tinh thần cầu thị, thích ứng nhanh với tri thức và khoa học hiện đại, có trình độ ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại3.

Hiện nay, tại Trung tâm Học viện, những giảng viên có thể đảm nhận được cả ba hệ đào tạo hoặc giảng toàn bộ một môn thường có tuổi đời, tuổi nghề cao, có nhiều năm tích lũy tri thức. Còn giảng viên trẻ, khi tham gia giảng dạy hệ đại học phải bảo đảm tiêu chuẩn là đảng viên, có trình độ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, hoặc phương pháp giảng dạy hiện đại; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… và qua nhiều khâu thẩm định bài giảng (trước đây là thông qua ban, thông qua viện và các giảng viên có tuổi nghề tham gia dự giờ góp ý cho giảng viên trẻ).

Đối với giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Hành chính và Quản trị công, tiêu chuẩn lên lớp hệ đại học (giảng các môn đại cương) yêu cầu tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành đào tạo, thông qua bài ở tổ bộ môn hoặc khoa. Phần đông giảng viên trong độ tuổi 35-50 có học vị tiến sĩ trở lên, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Các giảng viên trên 50 tuổi là lực lượng giảng viên có thâm niên cao, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy, có trải nghiệm phong phú cả về lý luận và thực tiễn.

Hai là, đội ngũ viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.

Khác với các cơ sở đào tạo đại học khác, đối tượng học viên của Học viện (nhất là ở Học viện Trung tâm) đa phần là cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, do đó đội ngũ viên chức của Học viện chủ yếu phải là đảng viên. Cán bộ, viên chức Học viện phải thực sự gương mẫu, có phẩm chất “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Đội ngũ giảng viên của Học viện phải thực hành tốt đạo đức cách mạng, bởi họ không chỉ là giảng viên khoa học, có nhiệm vụ cung cấp cho học viên, sinh viên các tri thức khoa học lý luận mà còn là người tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ viên chức Học viện phải là những người có lối sống giản dị, lành mạnh, trung thực, ngay thẳng, trong sạch, luôn vững vàng trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và những luận điệu xuyên tạc, vu khống của những thế lực thù địch, tích cực góp phần giữ được môi trường giáo dục lành mạnh và khoa học.

Ba là, đội ngũ viên chức Học viện có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cao.

Đặc thù của Học viện là đội ngũ viên chức Học viện phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cả hệ thống chính trị của đất nước, thực hiện khâu quan trọng nhất trong chính trị là phát triển lực lượng tinh hoa chính trị. Đồng thời, họ còn phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, viên chức Học viện có nhiệm vụ quan trọng trong việc đấu tranh loại bỏ những quan điểm phản động, xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch.

Xuất phát từ các đặc điểm trên, cán bộ, viên chức, giảng viên của Học viện phải thực sự có chuyên môn cao, có sự kết hợp hài hòa giữa trình độ lý luận, chuyên môn và kiến thức thực tiễn. Đội ngũ viên chức, đặc biệt là giảng viên của Học viện phải có khối lượng kiến thức chuyên môn sâu về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các khoa học chính trị… có phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành và liên ngành góp phần hình thành thế giới quan khoa học và phương pháp luận nghiên cứu cho học viên.

Đối tượng giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rất đa dạng, không chỉ là cán bộ, lãnh đạo, quản lý được cử đi học mà còn gồm cả đối tượng là sinh viên. Trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mỗi năm đào tạo 1.800 – 2.000 sinh viên. Với giá trị cốt lõi là “bản lĩnh, năng động, sáng tạo”, đội ngũ viên chức của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có ưu thế trẻ trung, năng động, chuyên môn, nghiệp vụ cao, dễ dàng tiếp cận và bắt nhịp với những xu thế đào tạo hiện đại. Nhiều giảng viên có chuyên môn sâu về lĩnh vực đào tạo báo chí và truyền thông góp phần cung cấp cho Đảng, Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông. Đây là đặc điểm khá độc lập, khác biệt so với giảng viên ở các cơ sở giáo dục đào tạo khác.

Học viện Hành chính Quốc gia mới được sáp nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (được đổi tên là Học viện Hành chính và Quản trị công) được xây dựng với định hướng trở thành một cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về hành chính, quản trị công, chính sách công, quản trị nhân lực, tư vấn chính sách; đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước, quản trị công, luật và các lĩnh vực khác theo quy định của Đảng, Nhà nước và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện Hành chính và Quản trị công có đội ngũ viên chức lãnh đạo quản lý, giảng viên có bề dày kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho các cơ quan nhà nước và theo nhu cầu xã hội. Với đặc điểm đặc trưng của đội ngũ luôn chủ động đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp và cống hiến góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu chung trong các chương trình, các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Bốn là, đội ngũ viên chức Học viện phải đáp ứng yêu cầu “gắn lý luận với thực tiễn” trong công tác đào tạo.

Đây là đặc điểm nghề nghiệp đòi hỏi giảng viên của Học viện phải học tập và rèn luyện suốt đời để có thể giúp người học biết cách vận dụng tốt lý luận vào thực tiễn công việc, gắn lý luận với thực tiễn và cao hơn nữa là kiểm nghiệm tính đúng đắn của lý luận, bổ sung cho lý luận thông qua kết quả hoạt động thực tiễn lãnh đạo, quản lý của mình. Nhiệm vụ của người giảng viên lý luận chính trị không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn trao đổi kinh nghiệm, làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra hoặc chưa rõ, làm cơ sở cho việc giáo dục, định hướng tư tưởng đúng đắn cho học viên. Do vậy, giảng viên của Học viện luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng cường tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị đối với sự phát triển, hoàn thiện bản lĩnh, tác phong công tác, năng lực của người dạy và người học theo tinh thần Đại hội XIII: “khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận và thực tiễn”4.

Năm là, đội ngũ viên chức Học viện có năng lực nghiên cứu khoa học sáng tạo tri thức mới về khoa học lý luận chính trị.

Học viện là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu khoa học là chức năng thể hiện bản sắc Trường Đảng, không chỉ là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà còn thực hiện sứ mệnh to lớn và hết sức vẻ vang của Học viện là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp luận cứ khoa học cho công tác hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Đội ngũ viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện có trình độ chuyên môn cao, có uy tín, năng lực nghiên cứu và có đam mê, nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo tri thức mới về khoa học lý luận chính trị.

Sáu là, đội ngũ viên chức Học viện là chủ thể xây dựng, phát triển văn hóa Trường Đảng.

Văn hóa Trường Đảng là hệ thống giá trị, chuẩn mực tốt đẹp kết tinh các giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại có tác dụng định hướng, điều chỉnh nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên, cũng như các hoạt động của Trường Đảng theo những mục tiêu xác định. Văn hóa Trường Đảng được hình thành, lưu giữ, bảo vệ, vun đắp qua nhiều thời kỳ với nỗ lực sáng tạo, cống hiến của các thế hệ, trở thành sợi dây kết nối các cá nhân, tập thể, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Với ý nghĩa đó, văn hóa Trường Đảng còn xây dựng niềm tin, sự kiêu hãnh, tự hào, vinh dự cho mỗi cán bộ, giảng viên và học viên, là động lực tinh thần quan trọng để mỗi cán bộ, giảng viên và học viên Trường Đảng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng.

4. Kết luận

Đội ngũ viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Học viện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Các đặc điểm của đội ngũ viên chức gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Học viện, thể hiện bản sắc riêng của ngôi trường cao cấp nhất của Đảng. Theo đó, cần nhận thức toàn diện và đúng đắn về vai trò, đặc điểm của đội ngũ viên chức Học viện là cơ sở để phát triển đội ngũ này ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Các thế hệ cán bộ, viên chức Học viện có nhiệm vụ bảo vệ, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Trường Đảng, đồng thời không ngừng tiếp thu, chắt lọc, bồi đắp, lan tỏa thêm những giá trị, chuẩn mực văn hóa mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa Trường Đảng góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Trường Đảng trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 356, 360 – 361.
3. Hoàng Anh (2020). Phát triển đội ngũ giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tạp chí Lý luận chính trị, số 9/2020, tr. 61 – 65.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 136.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 30/12/2021 về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Chính trị (2024). Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28/12/2024 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Chính phủ (2019). Quyết định số 587/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022). Quyết định số 766-QĐ/HVCTQG ngày 02/3/2022 ban hành Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và chế độ làm việc của giảng viên tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.