Nguyễn Thị Hồng Hiền
NCS của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là bối cảnh chuyển đổi số phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một tất yếu khách quan. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Từ khóa: Phát triển nguồn nhân lực; kinh tế – xã hội; công nghiệp hóa; hiện đại hóa; hội nhập quốc tế; chuyển đổi số quốc gia.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, nước ta cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực triển khai các chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Đây là yếu tố đột phá chiến lược quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các chính sách này vẫn còn những bất cập, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các chính sách này vẫn còn những bất cập, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Một số cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa. Việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tuy đã được triển khai nhưng chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến tình trạng đào tạo chưa sát với nhu cầu thị trường lao động. Để khắc phục những tồn tại này, Quảng Nam đã có giải pháp đồng bộ, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – chính quyền địa phương. Như vậy, chỉ khi các chính sách được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả, công tác đào tạo và phát triển kỹ năng lao động mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong giai đoạn mới.
2. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Quảng Nam
Ngày 12/6/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với tên gọi là thành phố Đà Nẵng. Sau sắp xếp, thành phố Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 11.859,59km2, quy mô dân số 3.065.628 người. Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng năm 2025, thành phố có 94 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa. Từ khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đến nay, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được xác định là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng. Đặc biệt, nhìn lại tỉnh Quảng Nam cũ, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước cũng như tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ nhất, đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến ngày 31/12/2024, tổng số cán bộ, công chức, viên chức khối Nhà nước của tỉnh là 35.820 người, trong đó cán bộ, công chức cấp tỉnh là 1.320 người, cán bộ, công chức cấp huyện là 1.586 người, viên chức là 28.181 người và cán bộ, công chức cấp xã là 4.733 người. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cụ thể (xem Biểu đồ 1)1.

Thứ hai, đối với tổ chức doanh nghiệp. Lực lượng lao động của Quảng Nam: 1.1197.038 người, trong đó lao động nam là 591.601 người, chiếm 49,42%; lao động nữ: 605.437 người, chiếm 50,58%. Lực lượng lao động sinh sống ở khu vực thành thị: 327.853 người, chiếm 27,39%, khu vực nông thôn: 869.185 người, chiếm 72,61%. Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế: 79,06%; tỷ lệ lao động không tham gia hoạt động kinh tế: 20,83%, tỷ lệ lao động thất nghiệp: 0,11%, trong đó lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế tập trung chủ yếu ở các khu cụm công nghiệp lớn, như: Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc…2.
Về cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo tại các doanh nghiệp được biểu hiện ở (Biểu đồ 2).

Trong giai đoạn 2021 – 2024, cơ cấu lao động có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Toàn tỉnh có 273 trường hợp có trình độ từ đại học trở lên chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, tập trung nhiều ở ngành Y tế với 234 người. Trong giai đoạn này, Quảng Nam đã chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lao động và xu hướng dịch chuyển nhân lực, phản ánh rõ nét quá trình đô thị hóa và tái cơ cấu nền kinh tế.
Thứ ba, công tác đào tạo và phát triển kỹ năng lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực, với việc triển khai đa dạng các hình thức đào tạo linh hoạt như liên kết đào tạo, cử đi học nước ngoài và đào tạo trực tuyến. Đây là là việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước. Liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu đã giúp chương trình đào tạo gắn sát với thực tiễn, tăng khả năng có việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Việc cử cán bộ, giảng viên và học sinh – sinh viên xuất sắc đi học tập, thực tập tại nước ngoài cũng được chú trọng, nhằm tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến và nâng cao năng lực hội nhập. Bên cạnh đó, hình thức đào tạo trực tuyến được đẩy mạnh, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 8521/KH-UBND ngày 04/11/2024 về để triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu là trang bị cho người học những kỹ năng thiết yếu như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ lao động không chỉ giỏi chuyên môn mà còn toàn diện về kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.
Thứ tư, về sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực FDI, chú trọng tuyển dụng nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo tại chỗ, liên kết với cơ sở đào tạo và các kênh tuyển dụng như hội chợ việc làm, quảng cáo, website. Chính sách đãi ngộ về lương, thưởng, bảo hiểm, phúc lợi xã hội được quan tâm, giúp thu hút và giữ chân người lao động có trình độ. Tuy nhiên, vẫn có chênh lệch lớn giữa trình độ lao động giữa đồng bằng và miền núi, tình trạng thâm dụng lao động trong ngành gia công, vi phạm pháp luật lao động, hạ tầng khu vực miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lao động. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cơ sở vật chất hạn chế, định hướng đầu tư không cân đối, lực lượng thanh tra lao động mỏng.
Công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương đã được các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhận thức của các ngành, địa phương và doanh nghiệp về vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ngày càng được cải thiện, xác định đây là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Việc thực hiện các quy định và chính sách thu hút nhân lực được triển khai đầy đủ, kịp thời.
3. Một số giải pháp thực hiện
Một là, về thể chế, chính sách, cần xây dựng cơ chế đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; triển khai các chính sách đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân tài trong khu vực công, tạo môi trường thuận lợi để phát huy sáng tạo và khả năng thích ứng công nghệ số. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các ngành trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa kỹ năng số và năng lực cán bộ quản lý.
Từ ngày 01/7/2025, hai địa phương tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã chính thức hợp nhất thành một thành phố trực thuộc trung ương, lấy tên là thành phố Đà Nẵng thì việc mở ra một giai đoạn phát triển mới, trong đó phát triển nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò then chốt. Với quy mô dân số và địa lý mở rộng, thành phố Đà Nẵng mới sẽ cần xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm đào tạo, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao. Trọng tâm sẽ là việc đồng bộ hóa hệ thống giáo dục – đào tạo giữa hai khu vực cũ, phát triển các trung tâm nghiên cứu – đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng thực tiễn cho người lao động. Đồng thời, chính quyền thành phố, cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi trước đây thuộc Quảng Nam nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững trong tiến trình hội nhập và phát triển đô thị.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các nguồn lực tài chính và tận dụng cơ hội hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Hai là, xây dựng các kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế – xã hội.
Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp, phát triển các trung tâm giáo dục thực hành đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực về tăng cường hợp tác quốc tế, áp dụng mô hình hợp tác công – tư (PPP), mở rộng tín dụng ưu đãi và quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tập trung vào các cơ sở đào tạo trọng điểm.
Ba là, tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao hợp nhất giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Thành phố Đà Nẵng mở rộng cần ưu tiên hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đồng thời xây dựng các trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt tại các khu vực từng là vùng sâu, vùng xa của Quảng Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để cập nhật chương trình đào tạo theo hướng đổi mới sáng tạo, gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Việc phát triển các ngành nghề mũi nhọn, như: công nghệ thông tin, du lịch – dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, logistics và nông nghiệp công nghệ cao sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong. Ngoài ra, chính quyền thành phố cần có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên và người lao động trong việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các nhóm yếu thế, nhằm bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận cơ hội học tập và việc làm. Đây sẽ là bước đi chiến lược để xây dựng một thành phố Đà Nẵng mới – năng động, sáng tạo và phát triển bền vững.
Bốn là, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trở thành một trong những trụ cột chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Thành phố cần chủ động hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, y tế thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh.
4. Kết luận
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nhu cầu tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn là chiến lược mũi nhọn để Việt Nam khẳng định vị thế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng mới được hình thành từ sự hợp nhất giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn mang tính liên kết vùng, toàn diện và bền vững. Việc tận dụng lợi thế của cả hai địa phương – một bên là trung tâm đô thị năng động, hiện đại; một bên là vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa, du lịch và tài nguyên sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đào tạo, thu hút và giữ chân nhân tài. Chỉ khi nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá nhất và được đầu tư đúng mức, thành phố Đà Nẵng mới có thể vươn lên trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và phát triển bền vững của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số.
Chú thích:
1, 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam (2202). Báo cáo số 24/BC-UBND ngày 06/02/2025 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Quốc hội (2025). Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2025). Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng năm 2025.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam (2025). Báo cáo số 24/BC-UBND ngày 06/02/2025 về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Quảng Nam.
5. Phát triển kinh tế đêm tại thành phố Đà Nẵng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/05/29/phat-trien-kinh-te-dem-tai-thanh-pho-da-nang/
6. Tăng cường công tác đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao. https://dbnd.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=63&Group=9&NID=6414&tang-cuong-cong-tac-dao-tao-nghe-de-dap-ung-nhu-cau-nguon-lao-dong-chat-luong-cao&dnn_ctr384_Main_rg_danhsachmoiChangePage=3.
7. Thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công tại thành phố Đà Nẵng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/05/19/thuc-hien-chinh-sach-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-trong-khu-vuc-cong-tai-thanh-pho-da-nang/