ThS. Đặng Thị Mai Dung
Phân viện Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích vai trò của phản hồi chính sách trong quản trị công hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mô hình “6 rõ” tại Việt Nam. Tác giả làm rõ các khoảng trống trong cơ chế phản biện và giám sát chính sách hiện hành, đồng thời, đề xuất một số giải pháp dựa trên kinh nghiệm quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả điều hành. Bài viết khuyến nghị cần thể chế hóa các kênh phản biện học thuật, xây dựng bộ chỉ số giám sát định lượng và tăng cường sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và người dân vào chu trình chính sách.
Từ khóa: Phản hồi chính sách, quản trị công, mô hình 6 rõ, trách nhiệm giải trình, phản biện học thuật.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh cải cách nền hành chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mô hình điều hành theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ thẩm quyền. Mô hình này thể hiện tư duy quản trị hiện đại, hướng tới minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình rõ ràng trong điều hành công vụ. Tuy nhiên, để nguyên tắc “6 rõ” vận hành hiệu quả, yếu tố không thể thiếu là cơ chế phản hồi chính sách – tức là quá trình lắng nghe, đánh giá và điều chỉnh chính sách dựa trên giám sát thực tiễn và phản biện từ xã hội, học thuật. Bài viết phân tích vai trò của phản hồi chính sách trong quản trị công hiện đại, thực trạng và những khoảng trống trong mô hình “6 rõ” hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế.
2. Cơ sở lý luận và vai trò của phản hồi chính sách
Trong quản trị công hiện đại, phản hồi chính sách là một thành tố then chốt của chu trình chính sách. Không chỉ là giai đoạn cuối để tổng kết, phản hồi còn là công cụ giúp nhà nước điều chỉnh chính sách trong quá trình triển khai. Theo lý thuyết quản trị công mới (New Public Governance), Nhà nước không đơn độc xây dựng chính sách mà phải mở rộng sự tham gia của xã hội, đặc biệt là các chủ thể có tri thức và kinh nghiệm chuyên sâu.
Các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều thiết lập cơ chế lấy ý kiến công chúng, phản biện học thuật và giám sát độc lập từ các tổ chức xã hội. Chính sự tham gia này tạo điều kiện để chính sách công mang tính thực tiễn cao, phản ánh đúng nhu cầu xã hội và tránh được các sai lệch do góc nhìn chủ quan.
3. Mô hình “6 rõ” và yêu cầu tăng cường cơ chế phản hồi chính sách
Việc triển khai mô hình “6 rõ”, gồm: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ thẩm quyền là một điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Mô hình thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tính minh bạch và hiệu quả trong điều hành.
Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện một số yếu tố hỗ trợ, trong đó có cơ chế phản hồi chính sách từ xã hội và các chuyên gia. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc quản lý điều hành theo chiều dọc trong hệ thống hành chính nhà nước thì các kênh tương tác chiều ngang – giữa cơ quan công quyền với người dân, giới nghiên cứu, báo chí, đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc, toàn diện và khách quan hơn quá trình thực hiện chính sách.
Một số điểm cần được tiếp tục quan tâm gồm:
Thứ nhất, việc xây dựng bộ chỉ số định lượng để đánh giá “6 rõ” còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện ở các cấp, ngành khác nhau.
Thứ hai, sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và giới học thuật, chuyên gia vẫn còn hạn chế. Việc phản biện chính sách cần được thúc đẩy dưới hình thức chính thức, có cơ chế phối hợp rõ ràng.
Thứ ba, vai trò của tổ chức xã hội, báo chí chuyên sâu trong giám sát và góp ý chính sách chưa được phát huy đúng mức. Đây là nguồn lực quan trọng cần được khuyến khích tham gia có trách nhiệm và xây dựng.
Thứ tư, cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến từ người dân, chuyên gia còn thiếu tính thể chế hóa và liên thông. Việc quy định rõ trách nhiệm phản hồi sẽ tạo điều kiện cho đối thoại chính sách thực chất và minh bạch hơn.
4. Kinh nghiệm quốc tế rút ra cho Việt Nam
Trong xu thế quản trị hiện đại, nhiều quốc gia đã chú trọng thiết lập cơ chế giám sát và phản hồi chính sách như một cấu phần tất yếu trong quá trình điều hành nhà nước. Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phản hồi chính sách không chỉ giúp hoàn thiện nội dung chính sách mà còn tăng cường tính minh bạch, đồng thuận xã hội và hiệu lực thi hành trong thực tế. Những mô hình này có thể mang lại giá trị tham khảo tích cực cho Việt Nam trong quá trình triển khai mô hình “6 rõ”.
4.1. Hàn Quốc: kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và giới học thuật
Tại Hàn Quốc, các viện nghiên cứu chính sách, như: Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Quản trị Nhà nước Hàn Quốc (KIPA) và các đại học quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, thẩm định và đánh giá chính sách. Chính phủ nước này thường xuyên tổ chức các hội thảo tham vấn chính sách với sự tham gia của các chuyên gia độc lập và các nhà khoa học nhằm bảo đảm quyết định hành chính có cơ sở khoa học và được kiểm chứng nhiều chiều. Đây là cách làm thể hiện sự cởi mở và cầu thị trong quản trị, giúp nâng cao tính khả thi và tính ổn định của chính sách công.
4.2. Anh và Australia: tăng cường trách nhiệm giải trình thông qua cơ chế phản biện độc lập
Tại Anh, các Ủy ban lựa chọn của Quốc hội (Select Committees) có quyền mời các nhà khoa học, tổ chức dân sự và đại diện người dân đến điều trần, phản biện chính sách trước khi đưa ra quyết định. Cơ chế này không mang tính đối kháng mà hướng đến đối thoại và nâng cao chất lượng lập pháp. Ở Australia, Chính phủ bắt buộc các cơ quan hành chính phải lập báo cáo đánh giá tác động chính sách (RIA) trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các báo cáo này phải được công bố công khai, tiếp nhận ý kiến phản hồi và có phần đánh giá độc lập của cơ quan ngoài bộ máy hành chính.
Những cách làm nêu trên góp phần hình thành một hệ sinh thái chính sách “mở” – nơi các quyết định hành chính được giám sát, điều chỉnh dựa trên bằng chứng và phản hồi xã hội thay vì chỉ dựa trên đánh giá nội bộ.
4.3. Giá trị tham khảo cho Việt Nam
Việt Nam hiện đang từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp, trong đó mô hình “6 rõ” là một công cụ quản trị tiên tiến phù hợp với định hướng cải cách. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự hiệu quả và bền vững, cần học hỏi một số điểm từ kinh nghiệm quốc tế như sau:
Một là, cần thể chế hóa vai trò của giới nghiên cứu, học thuật trong quá trình xây dựng, phản biện và đánh giá chính sách. Việc thành lập các hội đồng tư vấn độc lập hoặc thường xuyên mời các chuyên gia phản biện sẽ giúp tăng cường tính khoa học và khách quan của chính sách.
Hai là, xây dựng bộ công cụ định lượng nhằm đo lường hiệu quả thực hiện các nội dung của “6 rõ” như tiến độ thực hiện công việc, sự phân định trách nhiệm cá nhân, mức độ hoàn thành nhiệm vụ,… Những công cụ này cần gắn với hệ thống dữ liệu số trong quản lý công vụ.
Ba là, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, báo chí truyền thông và người dân thông qua các nền tảng góp ý chính sách có hồi đáp. Mỗi ý kiến đóng góp đều là một nguồn dữ liệu quý báu giúp Chính phủ điều chỉnh chính sách theo hướng sát thực tiễn hơn.
Bốn là, cần nâng cao năng lực và bản lĩnh tiếp nhận phản biện trong bộ máy hành chính, xem đó là một kênh hỗ trợ, không phải mâu thuẫn. Sự trưởng thành của nền hành chính hiện đại không chỉ nằm ở năng lực thực thi mà còn ở khả năng tương tác với xã hội một cách tích cực, cầu thị và khoa học.
5. Kiến nghị và giải pháp
Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi mô hình “6 rõ” theo hướng minh bạch, trách nhiệm và hiện đại, việc thiết lập cơ chế phản hồi chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cơ chế này không chỉ giúp hoàn thiện các quyết định hành chính mà còn góp phần tăng cường sự đồng thuận, tạo nền tảng cho một nền hành chính phục vụ.
5.1. Ban hành hướng dẫn kỹ thuật về theo dõi và đánh giá định lượng mô hình “6 rõ”
Để mô hình “6 rõ” vận hành hiệu quả cần có một hệ thống theo dõi, đánh giá (monitoring & evaluation) rõ ràng và có thể lượng hóa. Bộ chỉ số cần phân loại theo từng nội dung cụ thể (người, việc, trách nhiệm, thời gian, kết quả, thẩm quyền); đồng thời, gắn với từng cấp hành chính, lĩnh vực công tác và chức năng quản lý.
Việc xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn do Bộ Nội vụ hoặc Văn phòng Chính phủ chủ trì sẽ giúp thống nhất cách thức triển khai và đánh giá trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, nên tích hợp chỉ số này vào hệ thống dữ liệu số quốc gia về quản lý công vụ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát theo thời gian thực.
5.2. Thành lập các hội đồng tư vấn, phản biện chính sách độc lập
Một nền hành chính hiện đại không thể thiếu vai trò của chuyên gia và giới học thuật trong quá trình giám sát, phản biện và cải tiến chính sách. Do đó, nên thiết lập các hội đồng tư vấn chính sách độc lập ở trung ương và địa phương – với thành phần bao gồm: nhà khoa học, luật gia, nhà báo có uy tín, đại diện tổ chức xã hội và doanh nghiệp.
Những hội đồng này có thể hoạt động dưới hình thức tư vấn không bắt buộc nhưng có tính khuyến nghị mạnh, đóng vai trò kiểm chứng độc lập đối với các chương trình, dự án và quyết định hành chính trọng điểm, đặc biệt là trong cải cách hành chính, quản lý ngân sách và tài sản công.
5.3. Xây dựng nền tảng góp ý chính sách trực tuyến mở
Cần đầu tư xây dựng một hệ thống trực tuyến có tính tương tác cao để người dân, doanh nghiệp và chuyên gia có thể tiếp cận dự thảo chính sách, gửi ý kiến, đồng thời, theo dõi tiến độ xử lý và phản hồi của cơ quan chức năng.
Nền tảng này cần bảo đảm công khai và minh bạch toàn bộ ý kiến đóng góp; có phân loại và tổng hợp ý kiến để phân tích xu hướng; gửi phản hồi chính thức từ cơ quan chức năng về việc tiếp thu, giải trình hoặc chưa tiếp thu và lý do; liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia để thuận tiện cho người sử dụng. Đây không chỉ là công cụ quản trị số mà còn thể hiện tinh thần dân chủ, cởi mở, lắng nghe của nền hành chính phục vụ nhân dân.
5.4. Sửa đổi, bổ sung pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm giải trình phản hồi
Cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng và ban hành chính sách công, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc trả lời, giải trình các ý kiến phản biện chính sách hợp lý từ xã hội và chuyên gia.
Cơ quan quản lý nên có nghĩa vụ: công khai toàn văn góp ý (trừ trường hợp vi phạm pháp luật); giải trình lý do tiếp thu hoặc không tiếp thu; báo cáo kết quả này như một phần không thể tách rời trong hồ sơ chính sách. Việc thể chế hóa trách nhiệm giải trình sẽ tạo áp lực tích cực để các cơ quan hành chính nâng cao chất lượng chính sách, đồng thời tăng lòng tin của người dân.
5.5. Bảo đảm an toàn pháp lý cho hoạt động phản biện chính sách mang tính xây dựng
Hoạt động phản biện chính sách, nếu thực hiện trên tinh thần khoa học và thiện chí, cần được pháp luật bảo hộ và khuyến khích. Do đó, cần hoàn thiện khung pháp lý để phân định rõ ranh giới giữa phản biện xây dựng và hành vi xuyên tạc, chống phá; bảo vệ quyền tự do học thuật, quyền tham gia chính sách của người dân theo đúng quy định pháp luật; có chế tài xử lý khi cơ quan quản lý phản ứng tiêu cực với ý kiến phản biện chính đáng.
Việc tạo dựng môi trường pháp lý an toàn sẽ khơi thông dòng chảy trí tuệ trong xã hội, huy động nguồn lực tri thức đồng hành cùng Nhà nước trong xây dựng và vận hành chính sách.
6. Kết luận
Mô hình “6 rõ” là bước tiến quan trọng trong nỗ lực đổi mới phương thức quản lý công, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành. Để mô hình này phát huy đầy đủ giá trị, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phản hồi chính sách theo hướng rộng mở, khách quan và khoa học. Việc tăng cường sự tham gia của chuyên gia, tổ chức xã hội và người dân sẽ góp phần làm sâu sắc thêm tính minh bạch, đồng thuận và bền vững trong quản trị quốc gia, đúng với tinh thần xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ Nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ Việt Nam (2025). Thông tin chỉ đạo điều hành về mô hình “6 rõ”. https://baochinhphu.vn.
2. OECD (2022). Government at a Glance. OECD Publishing, Paris.
3. Korea Development Institute (KDI). https://www.kdi.re.kr.
4. Nguyễn Khắc Giang (2023). Quản trị công hiện đại và cơ chế phản biện chính sách tại Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước.
5. Quốc hội Vương quốc Anh (UK Parliament). Select Committees – Research and Reports. https://committees.parliament.uk
6. Australian Government (2020). Regulatory Impact Analysis Guide. Department of the Prime Minister and Cabinet.