ThS. Lê Thị Hường
Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – An toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm cùng với đó là nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm cũng được nâng cao. Tuy nhiên, số lượng vụ ngộ độc thức ăn, số lượng người mắc và tử vong vẫn đang ở mức báo động. Để có thể bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc, cần thiết phải đưa ra nhiều biện pháp thiết thực hơn, trong đó phát triển nông nghiệp sạch được coi là giải pháp tối khả quan nhất.
Từ khóa: Nông nghiệp; nông nghiệp sạch; phát triển; an toàn thực phẩm gốc.
1. Đặt vấn đề
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và cấp bách cần giải quyết trong thời gian qua. Mặc dù, Nhà nước và cơ quan chức năng luôn quan tâm sát sao công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tuy nhiên, hằng năm, số lượng người bị ngộ độc và tử vong vẫn ở mức cao. Phần lớn những vụ ngộ độc từ bếp ăn tập thể, căng tin, thức ăn đường phố,…
Trong tình hình đó, cơ quan chức năng đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân… về bảo đảm nông nghiệp sạch, về giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm từ gốc. Tuy nhiên, để có thể phát triển quy mô nông nghiệp sạch rộng khắp cả nước cần quy tụ nhiều yếu tố từ Nhà nước đến chính quyền địa phương, từ người dân đến doanh nghiệp, từ điều kiện kinh tế – xã hội đến điều kiện tự nhiên…
2. Khái niệm liên quan đến nông nghiệp sạch và an toàn thực phẩm
Ngành Nông nghiệp được hình thành từ rất sớm và có lịch sự phát triển cùng với sự phát triển về nhận thức, trí tuệ của con người. Theo một số nghiên cứu, nông nghiệp là một thuật ngữ rất rộng dùng để chỉ tất cả các lĩnh vực, công việc liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho con người sử dụng và chế biến. Từ nền nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn đơn sơ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên đến nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao như hiện nay. Sản phẩm nông nghiệp cũng đa dạng và phong phú theo thời gian đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của con người thời hiện đại.
Nông nghiệp được hiểu “là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành; trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, nông nghiệp còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản”1.
Nông nghiệp được xem là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, trong đó con người sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho ngành Công nghiệp.
Từ thế kỷ XVIII, con người đã biết sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nhằm trừ sâu, bệnh nâng cao năng suất. Tuy nhiên, việc lạm dụng các chất hoá học này đã để lại nhiều hậu quả xấu đến tài nguyên đất, sản phẩm nông nghiệp, ô nhiễm môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, các chất hóa học lưu tồn trong sản phẩm nông nghiệp chính là tác nhân chính gây nên các căn bệnh mãn tính, ung thư,… Trước thực trạng đó, các nhà khoa học, tổ chức, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiến hành nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp hạn chế sử dụng chất hoá học, chất bảo quản thực vật từ đó hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Chính vì vậy, thuật ngữ nông nghiệp sạch theo Cơ quan Liên hiệp quốc giám sát các tiêu chuẩn về lương thực trên toàn thế giới (Codex Alimentarius) được hiểu là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước. Tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.
Nông nghiệp sạch được xây dựng và phát triển dựa trên một số đặc điểm: (1) Không hoặc hạn chế tối đa hóa chất: các nguyên liệu tự nhiên như phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học sẽ được thay thế các hoá chất độc lại trong quá trình sản xuất nông sản. (2) Sử dụng các biện pháp canh tác sinh học: các hình thức canh tác sinh học như luân canh, xen canh, gối canh tăng vụ được đưa vào ứng dụng nhằm tăng năng suất và sản lượng nông sản. (3) Quản lý tốt hệ sinh thái bằng việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên nhằm duy trì và tăng cường độ phì nhiêu cho đất; đồng thời, bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế tác động có hại đến môi trường xung quanh: phơi đất, ngâm đất trong nước, ủ phân bằng cây cỏ và phần không sử dụng của các sản phẩm nông nghiệp…
Nghiên cứu về “An toàn thực phẩm” luôn được coi là vấn đề cấp thiết của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dân số đông nhu cầu thực phẩm tăng và những lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất thực phẩm kém chất lượng. Vấn đề an toàn thực phẩm được tất cả các quốc gia, tổ chức trên thế giới quan tâm nghiên cứu nhằm tìm ra biện pháp tối ưu nhất bảo đảm người dân không phải tiêu thụ những thực phẩm kém chất lượng; đồng thời, hạn chế, loại bỏ chúng khỏi xã hội.
Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CAC), an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng khi nó được chế biến hoặc sử dụng đúng với mục đích đã định trước.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra định nghĩa, an toàn thực phẩm có nghĩa là bảo đảm thực phẩm sẽ không gây hại cho con người cả trong quá trình chuẩn bị và/hoặc khi đã sử dụng.
Tại Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định nội dung của khái niệm “An toàn thực phẩm” là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người; Điều 3 quy định hoạt động sản xuất – kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện (nghĩa là cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm phải có đủ điều kiện mới được tổ chức hoạt động). Việc bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh thực phẩm.
Như vậy, an toàn thực phẩm là cách thức, phương pháp và công việc liên quan đến việc giữ cho thực phẩm luôn được an toàn và sạch sẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến khi thưởng thức, tiêu thụ.
3. Thực trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay
Thực phẩm phong phú, đa dạng là nguồn cung cấp dinh dưỡng không thể thiếu đối với con người, tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm an toàn về chất lượng trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản, đây cũng chính là tác nhân gây ra nhiều căn bệnh mãn tính, nguy hiểm đang tiềm ẩn trên cơ thể người.
Những năm qua, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến, dùng không đúng liều lượng, danh mục cho phép. Các chất phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong quá trình pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn (giò chả, ô mai, xúc xích…) gây mất an toàn thực phẩm. Xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn hoặc hoạt động nhưng không xin cấp phép. Thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư, theo các nhà khoa học, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y khoa việc sử dụng thực phẩm bẩn thường xuyên chiếm tỷ lệ 35% trong số các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Năm 2020, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới, chiếm tới 35%2.
Mức độ vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm, theo số liệu thống kê năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 354.820 cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm và phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 6,22% tổng số cơ sở được kiểm tra. Tổng số tiền phạt lên đến 33,5 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với năm 2023. Những con số này không chỉ nói lên những thiệt hại về kinh tế mà người dân phải trả để mua thực phẩm bẩn, đây còn là con số báo động cho sức khoẻ cộng đồng. Năm 2024, cả nước ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, 4.936 người mắc và 2 trường hợp tử vong. So với năm 2023, tăng 10 vụ ngộ độc thực phẩm, 2.787 người mắc tuy nhiên số tử vong giảm 4 người3. Đặc biệt, có 29 vụ ngộ độc thực phẩm lớn với số lượng trên 30 người mắc/vụ, làm 4.049 người bị ảnh hưởng và 2 người tử vong; số vụ ngộ độc nhỏ và vừa với số lượng dưới 30 người/vụ có 102 vụ, 747 người mắc và 19 người tử vong. Trong số những vụ ngộ độc kể trên có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên chủ yếu do độc của cóc, nấm rừng, cá nóc, cua lạ; 6 vụ liên quan đến hoá chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật, còn lại chưa xác định rõ nguyên nhân. Bộ Y tế cũng cho biết một số vụ ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố…
Từ đầu năm 2025 đến nay, đã có hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn cả nước điển hình, như: Nghệ An có 1 vụ ngộ độc khiến 12 người nhập viện4 người nhập viên nghi ngộ độc rượu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh; 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Hà Tĩnh với 4 người mắc… Phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm làm giả, làm nhái sữa, thuốc,… hay vụ khoảng 3.500 tấn giá đỗ được ngâm hoá chất trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ…5.
Phát triển nông nghiệp sạch là quyết tâm của người nông dân Việt Nam đưa nền nông nghiệp nước nhà ra thị trường thế giới. Sau hơn 10 năm phát động chương trình nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu hướng tới các giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái nhờ việc áp dụng các mô hình canh tác sạch, bền vững. Nhiều mặt hàng nông sản Việt đã được chứng nhận về quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, VietGAP.
Nông sản Việt Nam đã xuất hiện tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính6, đây cũng là điểm nhấn, là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam phủ sóng tại thị trường của các quốc gia khác.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang ứng dụng một số mô hình nông nghiệp sạch như: nhà lưới giúp chống côn trùng; phân bón hữu cơ; hệ thống giám sát IoT; diệt cỏ với phương pháp che phủ. Các mô hình này đều ứng dụng các phương pháp tự nhiên, củng cố và phát triển hệ sinh thái bản địa kết hợp cùng với hệ thống quản lý thông minh nhằm giúp tiết kiệm nước cũng như cân bằng điều kiện canh tác.
Những thành tựu của nông nghiệp sạch đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong những năm qua. Đồng thời còn góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền nông nghiệp nước nhà, khuyến khích người nông dân nâng cao nhận thức, thực hiện cải cách phương thức, mô hình canh tác hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc triển khai nông nghiệp sạch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể: (1) Chính sách phát triển nông nghiệp sạch còn nhiều bất cập, khó mở rộng quy mô sản xuất và quy mô kinh doanh. (2) Công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và bộ máy quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp. (3) Việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm còn thụ động, chưa bảo đảm tính răn đe, mức xử phạt còn thấp. (4) Chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt tại những cơ sở kinh doanh nhỏ, thủ công. (5) Yếu tố môi trường, điều kiện sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. (6) Nhận thức của người dân, đặc biệt là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất về an toàn thực phẩm chưa cao, vẫn đặt lợi nhuận trước mắt đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm tập trung chủ yếu trong các nông sản chính có trong bữa ăn hằng ngày của người dân như: rau, củ, quả, thịt, cá,…
4. Giải pháp phát triển nông nghiệp sạch
Một là, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm và nông nghiệp sạch, tạo sự nghiêm minh và tính răn đe cao góp phần hạn chế thực phẩm bẩn và thực phẩm bẩn ẩn nấp dưới danh nghĩa sản phẩm của nền nông nghiệp sạch. Trong đó, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để khuyến khích và hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại.
Hai là, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, lợi ích của thực phẩm sạch, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm từ mỗi hộ gia đình, bếp ăn tập thể, hàng quán thực phẩm đường phố. Cần tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, như: sử dụng các công nghệ như nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến tự động để tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu quả.
Ba là, đầu tư hạ tầng, nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển khép kín nhằm giữ thực phẩm luôn tươi, sạch đến tay người tiêu dùng.Đặc biệt, cần đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với phương pháp canh tác hữu cơ.
Bốn là, tăng cường năng lực, phẩm chất của đội ngũ thanh tra, kiểm tra, giám sát đồng thời, huy động sự tham gia của người dân vào hoạt động này. Xây dựng hệ thống kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế.
5. Kết luận
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề cấp bách đối với xã hội hiện nay. Nông nghiệp sạch được coi là một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế đến mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm từ gốc, trở thành giải pháp then chốt khi chuyển đổi sang các phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ cao. Điều này không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, khẳng định việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch cũng là nguồn hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Từ những lợi ích trên, cần thiết phải nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch trên phạm vi cả nước.
Chú thích:
1. Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p#
2. Số liệu thống kê thực phẩm bẩn trên thị trường hiện nay. https://atvstp.org.vn/lieu-thong-ke-thuc-pham-ban-tren-thi-truong-hien-nay
3. Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn năm 2025. https://vfa.gov.vn/phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham/bao-dam-an-toan-thuc-pham-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-va-benh-truyen-qua-thuc-pham-tren-dia-ban-nam-2025.html
4. Gia tăng ngộ độc thực phẩm. https://vtv.vn/vtv8/gia-tang-ngo-doc-thuc-pham-20250412132846158.htm
5. 4 người bị bắt vì làm 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất. https://vnexpress.net/4-nguoi-bi-bat-vi-lam-3-500-tan-gia-do-ngam-hoa-chat-4876130.html
6. Nông sản sạch Việt Nam vươn mình ra biển lớn. https://nongnghiephuuco.vn/nong-san-sach-viet-nam-vuon-minh-ra-bien-lon-3427.html