TS. Ngô Quang Huy – TS. Bùi Xuân Thanh
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã có nhiều kế sách để giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, tạo môi trường hoà bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; từ thực tiễn đó đã hình thành, phát triển tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam đặc sắc, thấm đượm bản lĩnh, khí phách, cốt cách của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bài viết làm rõ một số nét cơ bản tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam; thành tựu đạt được, nhất là thành tựu về phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; qua đó, đề xuất một số biện pháp cơ bản để phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam; phát triển kinh tế tư nhân; định hướng xã hội chủ nghĩa.
1. Đặt vấn đề
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo kế sách dựng nước và giữ nước của ông cha để giữ cho “ngoài êm, trong ấm” không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Một trong những kế sách nổi bật là tư tưởng “ngoại giao cây tre” được khái quát, đúc kết từ thực tiễn lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng “ngoại giao cây tre” để phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
2. Tư tưởng ngoại giao cây tre trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc, diễn ra ngày 14/12/2021, chỉ rõ: “phát huy tốt vai trò của nền ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”1. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bên cạnh cuộc đấu tranh ngoan cường về mặt quân sự, kinh tế, chính trị, ông cha ta đã mở mặt trận ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới; từ đó, cô lập kẻ thù, tạo thêm tiếng nói, sức mạnh của cộng đồng quốc tế vào cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ giang sơn đất nước của dân tộc Việt Nam.
Trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử, mặt trận ngoại giao luôn nóng bỏng, trở thành mũi nhọn xung kích tiến công trực diện vào kẻ thù, tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam. Là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, không muốn chiến tranh, nhưng với vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam luôn bị các nước ở bên ngoài dòm ngó, đem quân sang xâm lược. Với truyền thống yêu nước, không khuất phục trước giặc ngoại xâm, ông cha ta đã khéo kết hợp sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại, nhân tố trong nước và ngoài nước để đẩy lùi quân thù ra khỏi bờ cõi đất nước, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc vàng thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực tiễn lịch sử đó đã hình thành, phát triển nên tư tưởng ngoại giao rất đặc sắc của dân tộc Việt Nam, vừa rắn, vừa mềm, uyển chuyển, linh hoạt trong xử lý, giải quyết các tình huống trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngoại giao Việt Nam phản ánh bản sắc của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ bang giao với thế giới và thông qua tương tác với bên ngoài để làm giàu thêm bản sắc của mình, rất độc đáo, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc2. Chính vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta luôn nhận được sự đồng tỉnh, ủng hộ của đông đảo nhân dân trên thế giới trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bậc thầy về ngoại giao, đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam, mở ra những bước đi mới, cụ thể trong quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao chỉ là một mặt, một yếu tố tạo thành sức mạnh cho dân tộc, còn thực lực mới là yếu tố quan trọng, quyết định đến quan hệ ngoại giao, Người chỉ rõ: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi lớn. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”3. Chính vì vậy, trong quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc, mọi hoạt động, quan hệ, ký kết, hợp tác với các nước trên thế giới phải bảo đảm tối thượng một nguyên tắc Tổ quốc là trên hết, vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Trong quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những phương sách ứng xử, giải quyết rất tinh tế, linh hoạt, sáng tạo và toát lên một phong thái ung dung, bình tĩnh, tự tại của một nước có độc lập, chủ quyền với phương châm ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây chính là triết lý của ngoại giao, tư tưởng chủ đạo trong quan hệ đối ngoại, xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Những vấn đề thuộc về nguyên tắc, đó là lợi ích của quốc gia, dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không tham gia liên minh quân sự; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn viện lãnh thổ của đất nước là Dĩ bất biến, bất di bất dịch, nguyên tắc số một, không bao giờ được thay đổi, phải cứng dắn về nguyên tắc. Trong quá trình quan hệ, giao lưu, hợp tác và phát triển hết sức mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt về sách lược đó là ứng vạn biến; căn cứ vào tình hình cụ thể của vấn đề để xử lý các vấn đề nảy sinh một cách tốt nhất, tránh đối đầu, xung đột.
3. Phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng tư tưởng “ngoại giao cây tre Việt Nam”
Kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển làm phong phú, sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao trong công cuộc đổi mới đất nước. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị (khóa VI) đã chủ trương xây dựng một “nền đối ngoại rộng mở”. Kể từ đó, đến nay tư duy về đường lối đối ngoại của Đảng ta từng bước được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”4. Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về hội nhập quốc tế trong tình hình mới đã xác định quan điểm chỉ đạo: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, thế và lực mới của đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa”5.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, quan hệ đối ngoại ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 34 nước; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế; là một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới; quy mô kinh tế tăng gấp100 lần so với năm 1986. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 100 USD lên 5000 USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và trong nhóm 20 nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất thế giới từ năm 2019 đến nay6.
Có được kết quả như vậy, trong suốt quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế chúng ta đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, tư tưởng, phương châm đối ngoại. Về nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc. Về tư tưởng chỉ đạo là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Về phương châm là vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong quan hệ đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; thực hiện chính sách quốc phòng “Bốn không” trong quan hệ quốc tế (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế)…
Tuy nhiên, trong quan hệ đối ngoại chúng ta còn một số hạn chế, như: còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về mặt cơ chế, chính sách để phát triển hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới; một số mặt hàng Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, còn bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường; một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín trong quá trình hợp tác, phát triển kinh tế với các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế nước ngoài. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra: “Hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đem lại không ít thách thức và mặt trái như: cạnh tranh không công bằng, tăng trưởng không bền vững, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, nguy cơ chệch hướng”7.
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính chất thời đại, biến đổi sâu sắc về mọi mặt dưới tác động của các chuyển dịch lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật. Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức. Vì vậy, trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài thúc đẩy các nguồn lực trong nước phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vận dụng tư tưởng “ngoại giao cây tre” Việt Nam trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần hướng đến một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí Tô Lâm đã chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trọng việc nâng cao năng xuất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”8. Với tinh thần này, các tổ chức, lực lượng, người dân, doanh nghiệp cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, khu vực đều phải hướng đến lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc số 1, bất di bất dịch, không bao giờ được mơ hồ, ảo tưởng.
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Vì vậy, các tổ chức, lực lượng, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo mọi điều kiện để mỗi người được làm giàu trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật; mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nước để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển phải tuân thủ quy định của pháp luật, quy định của địa phương, truyền thống, văn hóa đạo đức kinh doanh của dân tộc; có sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững không những ở thời điểm hiện tại mà còn mãi về sau.
Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã xác định: “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể”9. Với tinh thần này, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường việc kiểm tra, bám nắm các hoạt động trên địa bàn, phạm vi quản lý; nắm đời sống nhân dân; thực trạng phát triển kinh tế – xã hội địa phương, của các doanh nghiệp, từ đó, xác định các biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.
Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người đứng đầu địa phương cụ thể hóa thành những quy định cụ thể vừa phát huy tiềm năng, lợi thế của người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn xã hội. Các cơ quan, ban, ngành địa phương phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong các khâu, các bước, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, phức tạp, không cần thiết; xây dựng môi trường kinh doanh, phát triển nhân văn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; không tạo ra cơ chế xin – cho để cản trở, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cấp xã là trung tâm giải quyết mọi khó khăn, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, trong các mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp nắm chắc luật pháp, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên; nhất là phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chính công vô tư.
Lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, lực lượng phối kết hợp với nhau trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; lắng nghe, giải quyết và xử lý công việc một cách hài hòa, hợp tình, hợp lý cho người dân, doanh nghiệp. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tự mình rèn mình ở mọi phương diện về phẩm chất và năng lực; từ đó, có cách nghĩ, cách làm và hướng giải quyết đúng, trúng, tạo được động lực cho người dân, doanh nghiệp phát triển cho địa phương mà không vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải liêm khiết, trong sạch, giữ mình ở mọi lúc, mọi nơi, tránh xa lợi ích vật chất, chủ nghĩa cá nhân, toàn tâm, toàn ý đối với địa phương.
Hiện nay, các địa phương đều có những tiềm năng, lợi thế riêng, có các doanh nghiệp tư nhân phát triển đứng chân trên địa bàn, người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã năng động, sáng tạo trong sắp xếp, tổ chức các khu vực, vị trí hợp lý, bảo đảm tính cân đối, hài hoà giữa các địa bàn, khu vực; giảm khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hạn chế thấp nhất tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù; tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập xong. Các hoạt động đối ngoại của chính quyền địa phương cấp xã vì lợi ích của Nhân dân, của tập thể; không được vì động cơ cá nhân, tạo ra những mối quan hệ xã hội đi ngược lại với lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ba là, xây dựng văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế tư nhân cho người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế tư nhân cho người dân, doanh nghiệp hiện nay có vai trò rất quan trọng, là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của kinh tế tư nhân. Mục đích của phát triển kinh tế tư nhân là hướng đến làm giàu, nâng cao mức sống của gia đình và người tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân phải trên cơ sở đúng hướng, đúng mục đích, tuân thủ quy định của pháp luật, không được vượt quá giới hạn quy định của Nhà nước, chà đạp lên môi trường, đe doạ đến an toàn của cuộc sống con người.
Xây dựng văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế tư nhân cho người dân, doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng, ngoài công cụ về pháp luật, văn hóa đạo đức cần phải thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của người dân, doanh nghiệp; thực sự là công cụ để điều tiết mọi hành vi, hành động của người dân, doanh nghiệp; việc sản xuất, kinh doanh, phát triển của người dân, doanh nghiệp cần chú trọng đến văn hóa đạo đức, đến giá trị nhân văn vì sự phát triển của con người và thế hệ mai sau của đất nước. Cùng với lợi nhuận, phải bảo đảm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ con người, không vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tất cả, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng về thể trạng của người Việt Nam trong tiến trình phát triển con người Việt Nam toàn diện theo quan điểm của Đảng.
Mỗi người dân, doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế tư nhân có kiến thức về pháp luật, am hiểu phong tục tập quán địa phương; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân; phối hợp chặt chẽ với các bộ phận, lực lượng giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tạo sự đồng thuận, tiếng nói chung trong quá trình phát triển. Có thái độ khiêm tốn, giản dị trong phát triển kinh tế tư nhân, giữ vững bản lĩnh, lập trường, vì người dân để phục vụ. Nghị quyết số 68-NQ/TW chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, trung thực, thanh liêm, trách nhiệm xã hội, gắn kết với bản sắc dân tộc, tiếp cận tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, thịnh vượng”10.
4. Kết luận
Tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là di sản lý luận, thực tiễn quý báu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Tư tưởng này tiếp tục soi sáng con đường phát triển cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ở các lĩnh vực, hoạt động khác nhau của đời sống xã hội, trong đó việc phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự hiện thực hóa tư tưởng “ngoại giao cây tre” Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác, phát triển với các nước trong khu vực, thế giới để tăng tốc, bứt phá trọng thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương (khóa XIII) của Đảng đã xác định. Sự vận dụng này tiếp tục phát huy thành quả cách mạng đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thế và lực mới đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Chú thích:
1, 2. Nguyễn Phú Trọng (2023). Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 42, 17.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 147.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 101.
5. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
6. Kết quả quan trọng trong 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế. https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn, ngày 04/4/2025.
7. Vươn mình trong hội nhập quốc tế. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te.
8. Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. https://vtv.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-don-bay-cho-mot-viet-nam-thinh-vuong-20250318021138954.htm.
9, 10. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2025). Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.