Hưng Yên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp và nông nghiệp hiệu quả cao

(Quanlynhanuoc.vn) – Sau 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực không ngừng khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế, xây dựng và phát triển Hưng Yên ngày càng giàu đẹp.

 

Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất lắp ráp điều hòa của CTCP Daikin Việt Nam, KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên (nguồn: nhandan.com.vn).
Thành tựu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 – 2020

Trong các mục tiêu và nhiệm vụ được giao, phát triển kinh tế luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Hưng Yên duy trì phát triển ổn định với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô tăng nhanh; năm 2020 đạt 102 nghìn tỷ đồng, tăng 1,73 lần so với năm 2015. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm (mục tiêu tăng từ 7,5 – 8%/năm). Thu ngân sách nhà nước đạt 14.865 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 10.565 tỷ đồng; là một trong 16 tỉnh, thành phố bảo đảm tự cân đối thu chi và có điều tiết về trung ương; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ở mức cao, đạt 79,57 triệu đồng, gấp 1,64 lần so với năm 2015, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Giá trị sản xuất: nông nghiệp, thủy sản tăng 2,78%/năm; công nghiệp, xây dựng tăng 10,3%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 6,84%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 16,19%/năm1.

Công nghiệp – xây dựng đang dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, phù hợp với định hướng của tỉnh trong nhiều kỳ Đại hội gần đây: năm 2020, công nghiệp – xây dựng 61,5%; nông nghiệp – thủy sản 9,65%; thương mại – dịch vụ 28,85%2.

Các đột phá chiến lược đã thu được kết quả nổi bật khi Hưng Yên là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước (thu hút 816 dự án, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011 –  2015). Các khu công nghiệp lớn, thân thiện với môi trường được xây dựng và phát triển; khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Lý Thường Kiệt với quy mô gần 3.000 ha được hình thành, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông được chú trọng đầu tư nên ngày càng phát huy tốt lợi thế của tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Hồng; đến nay, mạng lưới đường bộ đã cơ bản thông suốt từ Hưng Yên đi các tỉnh và Thủ đô Hà Nội, thuận tiện đi cảng biển và sân bay.

Giao thông phát triển đã tạo thêm sức hấp dẫn thu hút đầu tư với nhiều dự án phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa nhanh; thành lập thị xã Mỹ Hào; khu vực thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (mở rộng) được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, có thêm 13 xã, thị trấn được công nhận đô thị loại V, thương mại – dịch vụ, du lịch phát triển khá3.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc; giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng so với năm 2015. Năm 2019 đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện, năm 2020 đạt nông thôn mới cấp tỉnh4.

Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, người dân được xác định là trung tâm của quá trình phát triển. Thông qua nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế tài chính, Hưng Yên đã bảo đảm chăm lo tốt cho các gia đình chính sách, người có công, gia đình thương binh – liệt sỹ, giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế trong xã hội: hoàn thành Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công và hộ nghèo; thực hiện trợ cấp hằng tháng cho người đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; nâng mức trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, người khuyết tật…

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,8%; giải quyết việc làm thường xuyên cho 17,8 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 91,5%. Giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa; toàn tỉnh có 426 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 163 trường so với năm 2015; chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 89%, gia đình văn hóa đạt 91,5%5.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn cùng với các thị trấn, thị tứ, thị xã, thành phố và khu đô thị được nâng lên, diện mạo có nhiều thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Quản lý nhà nước được tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nhất là quản lý đất đai, hành lang giao thông, thủy lợi, quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Ứng phó kịp thời và giải quyết có hiệu quả với những tình huống khó, mới, phức tạp như dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19.

Chính trị xã hội ổn định, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh với vị trí là tỉnh liền kề, tiếp giáp và là cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề để ổn định và giúp cho đầu tư phát triển ở Hưng Yên tiếp tục bứt phá trong những năm tới.

Một số hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định, cụ thể như: (1) Công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. (2) Xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động còn hạn chế. (3) Thương mại, dịch vụ chưa phát huy được lợi thế để phát triển. (4) Công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tiến độ thực hiện nhiều dự án vẫn chậm. (5) Xử lý vi phạm về đất đai, tài nguyên, giao thông, thủy lợi chưa triệt để; ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi, có thời điểm gây bức xúc. (6) Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; khu Đại học Phố Hiến chưa phát huy hiệu quả, khoa học – công nghệ chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. (7) Thành phố Hưng Yên chưa đạt đô thị loại II. (8) Tỷ lệ tăng dân số về giới tính nam và tỷ lệ sinh con thứ 3 còn ở mức cao; việc triển khai thực hiện đề án, quy hoạch, kế hoạch về văn hóa, thể thao, du lịch và công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị cổ của Phố Hiến xưa còn hạn chế. (9) Cải cách hành chính tuy có nhiều tiến bộ nhưng có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chậm. (10) An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp; đã xảy ra một số vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định.

Về phương diện khách quan: do tác động tiêu cực từ thiên tai và dịch bệnh nghiêm trọng, khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của  đại dịch Covid-19. Nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh lớn. Nhiều cơ chế, chính sách của trung ương chậm được hướng dẫn, thiếu đồng bộ, dẫn tới khó khăn trong triển khai, nhất là các luật về đầu tư công, đất đai, nhà ở, quy hoạch, xây dựng… Yêu cầu đổi mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu giải quyết, có nội dung đòi hỏi thêm thời gian và hướng dẫn cụ thể của trung ương mới có thể giải quyết được.

Về phương diện chủ quan: do năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết và triển khai thực hiện ở một số cơ quan và địa phương có mặt còn hạn chế, có nơi thụ động, lúng túng; chỉ đạo, điều hành có lúc, có việc chưa sâu sát, quyết liệt. Chưa có giải pháp bứt phá để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; chưa thu hút được nhiều nguồn lực cho phát triển.

Giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hưng Yên nhanh và bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao

Từ những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020, để tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội Hưng Yên nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện cũng đã được đưa ra để hiện thực hóa các mục tiêu, cụ thể:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh. Đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng. Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Bảo đảm công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thực hiện hiệu quả. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và hội quần chúng. Xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là, đẩy nhanh phát triển kinh tế với công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân theo định hướng: (1) Tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp; (2) Chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, nông dân khá giả, nông thôn văn minh. (3) Phát triển đồng bộ thương mại, dịch vụ và du lịch thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (4) Quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách, bảo đảm tài chính bền vững. (5) Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường. (6) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chăm lo sức khỏe cộng đồng, giáo dục và đào tạo, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội được bảo đảm, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần quan trọng giữ ổn định xã hội.

Ba là, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại; đẩy mạnh cải cách tư pháp. Tăng cường chỉ đạo bảo vệ vững chắc quốc phòng – an ninh; qua đó, giữ vững và ổn định môi trường xã hội; đời sống tinh thần của Nhân dân được bảo đảm an toàn, tạo môi trường xã hội tốt, là cơ sở để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Hưng Yên. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; chú trọng xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và lao động. Tăng cường hợp tác thiết thực, hiệu quả với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: (1) Xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách nhà nước. (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thương mại – dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển. (3) Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng thông qua việc luân chuyển giữa các cấp, các ngành; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội.

Chú thích:
1, 4. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tháng 10/2020, tr. 4, 24.
2, 3, 5. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020  – 2025, tháng 10/2020, tr. 2 – 3.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 19/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Hưng Yên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. https://nhandan.com.vn, ngày 23/10/2020.
3. Để Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 23/10/2020.
4. Hưng Yên phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện. http://baochinhphu.vn, ngày 25/10/2020.

TS. Quách Ngọc Dũng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên