Thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai

(QLNN) – Trong những năm qua, chính quyền tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan. Qua đó, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng một cách có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.  

 

Thực trạng thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai

Thực trạng ban hành văn bản và tổ chức bộ máy thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2006, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) với vai trò là cơ quan tư vấn, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về PCTN trên địa bàn tỉnh. Năm 2013, Ban Nội chính Tỉnh ủy được thành lập với vai trò là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn thành lập nhiều cơ quan chuyên trách có liên quan đến việc thực hiện pháp luật về PCTN như: thanh tra, tòa án, viện kiểm sát, công an,… Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh “có 47 cơ quan, tổ chức, đơn vị đang thực hiện chức năng PCTN với hàng trăm biên chế cán bộ, công chức”[1].

Tuy nhiên, xem xét khách quan trên thực tiễn, hiệu quả hoạt động của các cơ quan PCTN của tỉnh hiện vẫn chưa tương xứng với vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ về PCTN. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của lãnh đạo tỉnh chưa thường xuyên, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ PCTN trong các ngành, lĩnh vực được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách.

Đoàn Công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai, ngày 30/11/2018. (Nguồn: https://vov.vn).

Những hạn chế trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính việc tổ chức bộ máy thực hiện pháp luật về PCTN. Việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, ở Trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, ở tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tuy nhiên, cơ quan PCTN của địa phương cũng chính là cơ quan thực thi quyền hành pháp, do người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước địa phương (chủ tịch UBND tỉnh) chỉ đạo, điều hành. Do đó, sẽ khó phát huy được hiệu quả trong công tác PCTN. Sau 10 năm thực hiện Luật PCTN (2006 – 2016), số vụ việc tham nhũng tại tỉnh Gia Lai bị phát hiện, xử lý hình sự còn khiêm tốn: “33 vụ, với 51 cá nhân vi phạm bị truy tố”[2].

Thực trạng công tác tuyên truyền pháp luật về phòng ngừa tham nhũng. Tỉnh Gia Lai đã chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. UBND đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo PCTN và Thanh tra nhà nước tỉnh Gia Lai, “trong 10 năm (2006 – 2016), tỉnh đã tổ chức được 4.199 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về PCTN, với 451.261 lượt người tham gia; đã xuất bản 119.116 đầu sách, tài liệu về PCTN”[3]. Các cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh đã đưa chương trình giáo dục, đào tạo về PCTN vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp đã thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động của đơn vị mình, bảo đảm đúng nguyên tắc và nội dung, hình thức công khai. Trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, “có 100% cơ quan, đơn vị thực hiện việc kê khai tài sản theo quy định. Tổng số người phải kê khai tài sản, thu nhập trên toàn tỉnh là 10.345 người, trong đó, đã kê khai là 10.320 người, 25 người không kê khai do nghỉ việc, nghỉ sinh, ốm đau lâu dài”[4].

Mặc dù công tác thực hiện pháp luật về phòng ngừa tham nhũng đã được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, chương trình tuyên truyền, góp phần làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ hơn về công tác PCTN, tuy nhiên, nhiều biện pháp tuyên truyền còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Nhiều quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định bí mật của Nhà nước để không công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Nhiều vi phạm về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị không được xử lý nghiêm. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động tuyên truyền thực hiện pháp luật về phòng ngừa tham nhũng chưa được đầu tư theo chiều sâu. Một phần nữa do kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế và năng lực tổ chức tuyên truyền của cán bộ, công chức làm công tác giáo dục phổ biến pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thực trạng thực hiện pháp luật về phát hiện và xử lý tham nhũng. Tỉnh Gia Lai đã chú trọng việ̣c thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo tăng cường hoạt động tự kiểm tra nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về PCTN để từ đó có những biện pháp xử lý thích hợp. Từ năm 2006 – 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh “đã triển khai 161 cuộc thanh tra tại 320 cơ quan, đơn vị, trong đó: phát hiện 160 cơ quan, đơn vị sai phạm; xử lý hình sự về tham nhũng: 33 vụ/51 bị can; xử lý hành chính 30 vụ với 42 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật; phát hiện số tiền sai phạm 16.662.005.464 đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 15.315.318.503 đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước 10.287.048.297 đồng (trong đó, sai phạm có hành vi tham nhũng là 338.616.374 đồng)”[5].

Nhìn chung, công tác thực hiện pháp luật về phát hiện và xử lý tham nhũng đã được tỉnh Gia Lai triển khai tốt, theo đó, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, điều tra truy tố, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị còn yếu kém, chưa phát hiện vụ việc nào, trong khi đó các cơ quan thanh tra vào cuộc đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này là xuất phát từ chính tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nếu tích cực tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ thì có thể họ phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và cơ quan, đơn vị.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai

Để phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những yếu kém trong công tác thực hiện pháp luật về PCTN của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, cần chú trọng tới một số giải pháp sau:

Thứ nhất, củng cố tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng theo hướng nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Trước hết, vẫn tiếp tục duy trì hệ thống các cơ quan PCTN theo mô hình đa cơ quan, song cần quy định rõ cơ quan chuyên trách, chủ trì hoặc đầu mối trong việc thực hiện các biện pháp PCTN và xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tiếp đó, cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa cơ quan Đảng và chính quyền trong việc thực hiện chức năng PCTN, đồng thời kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước địa phương trong vai trò là trưởng Ban Chỉ đạo PCTN.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền pháp luật. Theo đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền và nội dung tuyên truyền để công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN được thực hiện hiệu quả đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, xây dựng cơ chế để người đứng đầu cơ quan, đơn vị chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu sai trái, vi phạm pháp luật về PCTN ngay từ cơ sở để có hướng khắc phục sớm.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. UBND tỉnh Gia Lai. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (2006 – 2016).

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012).
2.Tỉnh ủy Gia Lai. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, 2011.
3, 5. Tỉnh ủy Gia Lai. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự  lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, 2016.
4. UBND tỉnh Gia Lai. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”, 2011.                                                     

 TS. Ngô Sỹ Trung, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
ThS. Trần Thị Mai, Học viện Hành chính Quốc gia