Phát triển nguồn nhân lực nữ trong lực lượng công an nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới nền hành chính công vụ, xây dựng một chính phủ kiến tạo, phát triển, Bộ Công an đang quyết liệt triển khai đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy, thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám sát cơ sở; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đó là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với công tác quản lý nguồn nhân lực trong lực lượng công an nhân dân, trong đó có việc hoạch định, thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ.

 

Bộ trưởng Tô Lâm trao Bằng khen của Bộ Công an tặng 31 nữ CBCS được nhận danh hiệu Phụ nữ Công an tiêu biểu năm 2019. Nguồn: https://anninhthudo.vn). 
Chính sách đối với nguồn nhân lực nữ trong lực lượng công an nhân dân hiện nay

Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ về chương trình hành động giai đoạn đến năm 2020, về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNHHĐH) đất nước đã xác định thực hiện bình đẳng giới (BĐG) là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Cán bộ nữ công tác trong lực lượng công an nhân dân (CAND) luôn được sự quan tâm của Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong CAND. Nghị quyết số 02/1998/NQ-ĐU(VP) ngày 03/02/1998 của Đảng ủy Công an trung ương về công tác cán bộ lực lượng CAND đã chỉ rõ: “Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ hợp lý, thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ, quan tâm bố trí những vị trí công tác phù hợp để phát huy khả năng của cán bộ nữ”. Kế hoạch số 42-KH/ĐUCA (X11) ngày 29/10/2009 về tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ từ năm 2010 – 2020 đã khẳng định: “xây dựng lực lượng CAND đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ và cân đối về cơ cấu… trong đó quan tâm đúng mức và có biện pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện công tác cán bộ nữ, bảo đảm tỷ lệ và bố trí hợp lý”.

Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNHHĐH đất nước và Chương trình hành động số 12/CTHĐ-ĐU(X16) ngày 16/11/2007 của Đảng ủy Công an trung ương về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNHHĐH đất nước trong CAND, cán bộ nữ CAND đã có những bước phát triển vượt bậc, đã phát huy vai trò, tiềm năng và vị thế trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự.

Trên mặt trận đấu tranh chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cán bộ nữ CAND luôn thể hiện được tinh thần của lực lượng vũ trang nòng cốt, luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tận tụy, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp trong tham mưu, chỉ đạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trong xây dựng tổ chức Hội phụ nữ và xây dựng gia đình hạnh phúc, cán bộ, chiến sĩ nữ trong CAND luôn phát huy vai trò gương mẫu, đoàn kết nội bộ, giỏi việc nước, đảm việc nhà, hoàn thiện bản thân, chăm sóc tốt cho gia đình, con cái xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bền vững.

Một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách cán bộ nữ trong lực lượng công an nhân dân

Lực lượng CAND là lực lượng vũ trang đặc thù, công việc khó khăn, nguy hiểm, đối tượng làm việc phức tạp, tiếp xúc chủ yếu với mặt trái của xã hội, do vậy, cán bộ nữ trong lực lượng CAND khi tác nghiệp thường gặp trở ngại hơn. Do định kiến giới tồn tại trong xã hội cùng với thiên chức của nữ giới và gánh nặng chăm lo gia đình là những rào cản lớn đối với người cán bộ nữ công tác trong ngành Công an.

Một số cấp ủy và lãnh đạo chỉ huy các cấp từ trung ương đến các địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực nữ (NNLN) trong lực lượng CAND, chưa thấy được vai trò, mối liên hệ giữa phát triển NNLN trong tổng thể phát triển nguồn nhân lực chung của ngành Công an, cho nên còn thiếu quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách phát triển cán bộ nữ trong lực lượng CAND. Hầu hết ở Công an các cấp, các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách quản lý, tham mưu, theo dõi về công tác cán bộ nữ; kiến thức và kỹ năng tham mưu về lĩnh vực này còn yếu.

Thực trạng chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung và NNLN trong lực lượng CAND vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng chiến lược, các quy hoạch và kế hoạch về phát triển NNLN vẫn còn thiếu tính kịp thời và chưa có sự đồng bộ. Khung cơ cấu cán bộ nữ trong lực lượng CAND chưa cụ thể, chưa xác định rõ được nhu cầu cán bộ nữ trong lực lượng CAND theo từng lĩnh vực chuyên ngành và trình độ cần đào tạo. Chưa xác định cụ thể nhu cầu cán bộ nữ, cơ cấu cán bộ nữ Công an cho từng địa bàn, cơ cấu về trình độ chuyên môn, phạm vi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn năng lực cơ bản cho từng trình độ để bảo đảm đội ngũ cán bộ nữ hoàn thành được các nhiệm vụ trong lực lượng CAND.

Công tác điều động, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ nữ ở một số đơn vị còn chưa đúng chuyên ngành đào tạo, còn nặng về hợp lý hóa gia đình. Chính sách trong công tác luân chuyển cán bộ nữ còn chưa gắn kết giữa luân chuyển cán bộ với quy hoạch cán bộ; còn tình trạng đánh đồng giữa luân chuyển và điều động. Chính sách trong bổ nhiệm cán bộ vẫn chưa áp dụng biện pháp thúc đẩy BĐG, trong đó điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm đều áp dụng chung cho cả nam và nữ, độ tuổi bổ nhiệm chênh lệch 5 năm giữa nam và nữ, chưa có quy định ưu tiên hơn cho cán bộ nữ, chưa có hướng dẫn về tỷ lệ nữ trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ. Chính sách đánh giá và thi đua khen thưởng của ngành Công an vẫn quy định đồng nhất cho cả nam và nữ, không có quy định hướng dẫn riêng mang tính đặc thù giới cho cán bộ nữ, do vậy, cán bộ nữ trong lực lượng CAND thường khó đạt được thành tích như nam giới.

Trong thực hiện chế độ lương, phụ cấp và phụ cấp đặc thù đang áp dụng chung đối với cả cán bộ, chiến sĩ nam và nữ, cả với các lực lượng trực tiếp chiến đấu và lực lượng làm công tác phục vụ chiến đấu. Quy định về tiêu chuẩn xét thăng cấp, nâng bậc lương trong lực lượng CAND còn mang tính bình quân chưa tương xứng với năng lực, trình độ, yêu cầu được giao đối với cán bộ nữ trong lực lượng CAND.

Trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong lực lượng CAND chưa gắn giữa vị trí việc làm với từng trình độ đào tạo; chưa phân định rõ đào tạo, bồi dưỡng hệ chuyên môn, nghiệp vụ và hệ nghiên cứu; chưa xác định chỉ tiêu và quy mô đào tạo cán bộ nữ trong lực lượng CAND cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chưa có các nguồn lực hỗ trợ cần thiết để bảo đảm tính khả thi của chính sách. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổng kết, đánh giá về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong lực lượng CAND còn thiếu đồng bộ và thường xuyên.

Giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ trong lực lượng công an nhân dân

(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với chính sách phát triển NNLN trong CAND.

Các cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ nữ, về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, cần quán triệt quan điểm: phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp CNHHĐH đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện BĐG trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa đường lối, chỉ thị của Đảng thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quy định, định hướng cụ thể về công tác phát triển NNLN cho từng cấp, từng đơn vị trong lực lượng CAND.

(2) Nâng cao nhận thức về giới, BĐG và vai trò của chính sách phát triển NNLN trong CAND.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và BĐG trong toàn lực lượng CAND, đặc biệt là cho đội ngũ lãnh đạo cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác hoạch định và thực thi chính sách, cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp như: tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tài liệu qua sách, báo, truyền hình, diễn đàn. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động thực hiện Luật BĐG và Chương trình hành động số 12/CTHĐ-ĐU(X16) ngày 16/11/2007 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNHHĐH đất nước trong CAND”, Chương trình số 07/CTr-BCA-X11, ngày 08/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về Chương trình BĐG giai đoạn 2015 – 2020. Nhận thức về BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ được nâng cao là điều kiện quan trọng làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, đầy đủ hơn vai trò của cả nam giới và phụ nữ; đặc biệt là đối với phụ nữ của cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị.

(3) Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cán bộ tham mưu hoạch định và thực hiện chính sách.

Tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy chế làm việc của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Ban Chấp hành Hội phụ nữ các cấp trong lực lượng CAND. Bố trí đủ cán bộ làm công tác phụ nữ ở các cấp; hình thành xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt, tích cực tham gia công tác phụ nữ. Xây dựng mạng lưới chuyên gia về giới trong và ngoài lực lượng CAND. Bồi dưỡng kỹ năng hoạch định và thực thi chính sách cho đội ngũ cán bộ tham mưu; thường xuyên tập huấn kiến thức về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý NNLN, vấn đề giới, BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trong CAND.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham mưu, thực hiện chính sách. Trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách, đòi hỏi có sự phân công cụ thể, rõ ràng và lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn, tạo sự chủ động, phát huy trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức và mỗi cán bộ tham gia thực hiện. Tăng cường, củng cố năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ tham mưu, hoạch định chính sách cán bộ CAND nói chung và chính sách phát triển NNLN trong lực lượng CAND nói riêng. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách tại công an các đơn vị, địa phương.

(4)  Đẩy mạnh công tác nghiên cứu hoàn thiện hệ thống lý luận và xây dựng chính sách phát triển NNLN trong CAND.

– Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận xây dựng lực lượng CAND, trong đó có lý luận về quản lý nguồn nhân lực, chế độ, chính sách trong CAND làm cơ sở cho thực hiện công tác quản lý NNLN và hoạch định, thực thi chính sách phát triển NNLN trong CAND. Đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng hệ thống lý luận, ban hành giáo trình, tài liệu học tập về công tác quản lý nguồn nhân lực, quản lý NNLN, chính sách cán bộ, công tác cán bộ nữ, BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ trong CAND.

– Làm tốt công tác thống kê, tổng kết đánh giá lại hệ thống chính sách hiện hành nhằm tìm ra những thành công và hạn chế trong việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách trong CAND thời gian qua, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ và Bộ Công an xem xét tiếp tục duy trì hay điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới. Nghiên cứu, khảo sát tổng thể thực trạng công tác cán bộ nữ, việc thực hiện Luật BĐG và chương trình BĐG trong CAND. Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát, đánh giá công tác cán bộ nữ và BĐG trong phạm vi toàn lực lượng.

– Nghiên cứu dự báo tình hình và đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố tác động ảnh hưởng đến NNLN trong CAND hiện nay, nhất là yêu cầu nhiệm vụ công tác công an trong tình hình mới và công cuộc cải cách nền hành chính công vụ, xây dựng lực lượng CAND tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khảo sát làm nổi bật đặc điểm NNLN, tính chất, điều kiện công tác đặc thù và yêu cầu, nguyện vọng, nhiệm vụ chính trị của NNLN trong lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay.

– Chú trọng công tác nghiên cứu, vận dụng và cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương mới của Đảng và hệ thống chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác phát triển NNLN trong lực lượng CAND. Tập trung hoàn thiện các chính sách cụ thể đối với cán bộ nữ cho phù hợp với thực tiễn, nhất là trước yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, bảo đảm xây dựng đội ngũ công an 4 cấp theo tiêu chí “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám sát cơ sở”.

– Thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng các bước của chu trình hoạch định chính sách, bảo đảm tính khoa học, pháp lý, hệ thống. Trong đó, phải xác định hệ thống mục tiêu chính sách phát triển NNLN rõ ràng theo nhóm mục tiêu phát triển về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp với từng đối tượng NNLN ở từng hệ lực lượng và cấp công an. Trên cơ sở đó đề ra hệ thống giải pháp tổ chức thực hiện chính sách; cơ chế kiểm soát việc thực thi chính sách và nguồn lực để thực hiện chính sách một cách phù hợp, hiệu quả.

(5) Đầu tư và phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính, vật chất, tạo điều kiện bảo đảm việc hoàn thiện và thực thi chính sách phát triển NNLN trong lực lượng CAND.

Đây là giải pháp quan trọng cho quá trình thực thi chính sách tạo động lực phát triển cán bộ nữ trong lực lượng CAND, song việc đầu tư về vật chất, tài chính nhằm thúc đẩy hiệu quả của chính sách cần được quản lý và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch là điều kiện cho việc thực hiện chính sách tạo động lực cho cán bộ nữ trong lực lượng CAND đạt hiệu quả cao.

(6) Nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ nữ CAND.

Cần nghiên cứu khảo sát, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu có tách biệt về giới tính trong công tác cán bộ, giáo dục, đào tạo, y tế theo từng lực lượng, lĩnh vực công tác, có phân tích, đánh giá chất lượng cán bộ theo các chuyên ngành, vùng miền, cấp đào tạo; theo các chế độ, chính sách được triển khai về chăm sóc sức khỏe. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tuân thủ nguyên tắc BĐG, lồng ghép giới trong hoạch định các chương trình, kế hoạch về công tác cán bộ, giáo dục – đào tạo, chăm sóc, sức khỏe và gia đình, bảo đảm khoa học, có tính chiến lược và khả thi.

Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí bảo đảm cả định tính và định lượng thể hiện mục tiêu, cam kết của các cấp lãnh đạo để triển khai các biện pháp thúc đẩy BĐG, nâng cao năng lực cho phụ nữ, đáp ứng yêu cầu trước mắt, bảo đảm mục tiêu BĐG trong tương lai.

Thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch; triển khai đồng bộ, triệt để các biện pháp về công tác cán bộ, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và gia đình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mạnh dạn yêu cầu thực hiện giải trình của các cấp lãnh đạo về các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp đã cam kết thực hiện.

Bản thân cán bộ nữ CAND phải tự ý thức nỗ lực vươn lên. Đây là một trong những biện pháp có tính cơ bản, bởi vì nâng cao năng lực cho phụ nữ phải là một quá trình gồm hai yếu tố: khách quan và chủ quan. Nếu Đảng và Nhà nước, xã hội tạo điều kiện mà bản thân phụ nữ không ý thức vươn lên thì sự nghiệp BĐG và tiến bộ của phụ nữ sẽ không có hiệu quả và ngược lại, bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên cũng khó thành công nếu thiếu cơ chế, chính sách và điều kiện bù đắp cần thiết.

Do vậy, để khai thác triệt để các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ, giúp phụ nữ tiến bộ thì trước hết bản thân cán bộ nữ CAND phải ý thức được trách nhiệm và quyền bình đẳng của mình, tự phấn đấu học tập vươn lên, vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ, mạnh dạn tham gia công tác và đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực. Chỉ khi sự nỗ lực phấn đấu, năng lực của cán bộ nữ CAND được nâng cao, đủ tự tin, đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ, khẳng định được vị thế của mình trong công việc, thì mới có tính thuyết phục để làm thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá đối với cán bộ nữ CAND nói riêng và phụ nữ nói chung.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 57/CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ về Chương trình hành động giai đoạn đến năm 2020, về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Chương trình hành động số 12/CTHĐ-ĐU(X16) ngày 16/11/2007 của Đảng ủy Công an Trung ương về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong Công an nhân dân.
3. Chương trình số 07/CTr-BCA-X11 ngày 08/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về Chương trình Bình đẳng giới giai đoạn 2015 – 2020.

ThS. Nguyễn Phước Nga
 Bộ Công an