Ninh thuận phát huy nội lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và hiệu quả

(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2020 là năm tỉnh Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “khó khăn kép” vừa bị hạn hán gay gắt, vừa bị tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến kinh tế – xã hội của tỉnh. Với tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành; sự nỗ lực, đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng, chống đại dịch Covid-19 và ứng phó hiệu quả hạn hán, vừa bảo đảm phát triển, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về nhiều mặt.

 

Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) là một trong những điểm có thế mạnh phát triển kinh tế biển của huyện Ninh Hải. (Nguồn: http://sotnmt.ninhthuan.gov.vn).

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện “mục tiêu kép” nhằm phát triển kinh tế – xã hội

Kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của các ngành, lĩnh vực

Thứ nhất, về kinh tế: 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,17% (kế hoạch tăng 11 – 12%); GRDP bình quân đầu người 60,7 triệu đồng (kế hoạch 59 – 60 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,4%; công nghiệp – xây dựng chiếm 34,9%; dịch vụ chiếm 36,7%.  Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.900 tỷ đồng (kế hoạch 3.500 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.760 tỷ đồng (kế hoạch 23.000-23.500 tỷ đồng)1.

Thứ hai, về xã hội: có 6/6 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,41‰ (kế hoạch 0,4 – 0,5‰); mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 1,1% (kế hoạch giảm 1%); giải quyết việc làm mới 17.383 lao động (kế hoạch 16.500 người); đào tạo nghề cho 9.429 lao động (kế hoạch 9.000 lao động); tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 1,41% còn 5,33% (kế hoạch giảm 1 – 1,5%), trong đó huyện Bác Ái giảm 5,5% còn 28,75% (kế hoạch giảm ít nhất 4%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 91,37% (kế hoạch  90%)2.

Thứ ba, về môi trường:  có 3/4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (kế hoạch 95%); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình hợp vệ sinh đạt 85% (kế hoạch 85%); tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp, nhà máy chế biến đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% (kế hoạch 100%); tỷ lệ che phủ rừng 46,8% (kế hoạch 49 – 50%)3.

 Công tác nội chính và xây dựng chính quyền

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, các tổ chức phối hợp liên ngành được tiếp tục kiện toàn. Tính đến tháng 12/2020, đã kiện toàn 16/19 cơ quan, đơn vị hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đã giảm 51 phòng chuyên môn; giảm 150 lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các sở, ban, ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2015 toàn tỉnh có 444 đơn vị sự nghiệp (cấp tỉnh 121, cấp huyện 323), qua rà soát, sắp xếp, kiện toàn hiện nay còn 396 đơn vị (cấp tỉnh 99, cấp huyện 297), giảm 48 đơn vị4.

Tỉnh đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Các chỉ số được cải thiện thứ hạng: năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 37/63, tăng 6 bậc; chỉ số công nghệ thông tin (ICT) đứng thứ 14/63, tăng 7 bậc; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 32/63, tăng 3 bậc5. Tuy nhiên, các chỉ số PAPI thiếu ổn định, thứ hạng bị sụt giảm. Công tác thi đua – khen thưởng thực hiện tốt, đặc biệt kịp thời với các nhân tố mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác cải cách tư pháp được tập trung chỉ đạo, chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp. Công tác thanh tra đã ban hành kịp thời, đồng bộ các kế hoạch thanh tra. Trong năm 2020, thanh tra các cấp đã thực hiện 270/246 cuộc, đạt 110% kế hoạch năm 2020.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm kiến nghị xử lý, thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính 6.963,6 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính, kiểm điểm trách nhiệm 12 tập thể và 36 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra làm rõ 2 vụ việc (năm trước chuyển sang); tiến hành kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kết luận sau thanh tra đối với 6 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi 318,9/1.404,7 triệu đồng6.  Công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, cơ bản ổn định tình hình, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội

Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai thực hiện nghiêm túc gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19; tổ chức giao quân đạt 100% chỉ tiêu giao, bảo đảm an toàn. Các lực lượng vũ trang của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng trọng điểm, phức tạp, nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra. Bên cạnh đó, về an toàn giao thông luôn được quan tâm. Tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, tuần tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhất là bị tác động của đại dịch Covid-19 và hạn hán gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng lớn và toàn diện đến KTXH của tỉnh. Tuy vậy, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chuyển hướng linh hoạt kịp thời, khai thác có hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột, các dự án động lực thay thế, vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19 và ứng phó hiệu quả hạn hán, vừa tập trung phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội. Đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Nguyên nhân đạt được những kết quả trên là do được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò ngườii đứng đầu, cùng với sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần vượt khó vươn lên của Nhân dân. Công tác phối hợp tham mưu của các cấp, các ngành và các địa phương chủ động, có trách nhiệm hơn, bám sát và triển khai kịp thời các chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân tốt hơn.

Tuy vậy, trong triển khai thực hiện kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận gặp không ít khó khăn, hạn chế: hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục giảm mạnh; một số ngành hàng công nghiệp chế biến tiếp tục gặp khó khăn; nguồn thu tiền đất không đạt kế hoạch, tổ chức đấu giá một số khu đất và tài sản công còn chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp; một số nhiệm vụ trọng tâm được giao triển khai thực hiện còn chậm; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng một số dự án còn khó khăn, chậm trễ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tụt giảm thứ hạng. Đời sống một bộ phận dân cư vùng hạn hán, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu đó là: tình hình dịch bệnh Covid-19, hạn hán đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống KTXH của tỉnh, nhất là các ngành thương mại, dịch vụ, nông nghiệp; trách nhiệm và hiệu suất công tác người đứng đầu ở một số đơn vị trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa cao, chưa đề xuất biện pháp, cách làm cụ thể để xử lý kịp thời hiệu quả những vấn đề mới, khó, phức tạp phát sinh; công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công một số chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đúng mức; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa chủ động, tích cực trong tham mưu và tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, xử lý có trường hợp chưa kịp thời.

Giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận một cách bền vững

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 – 2025) làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt; tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ. Kinh tế trong nước đang phục hồi và phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, thế và lực của đất nước, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao; hội nhập quốc tế, xu hướng chuyển dịch đầu tư, thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đẩy mạnh hơn, sâu rộng hơn, tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho phát triển.

Phát huy những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án quốc gia đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh sẽ triển khai, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận tập trung một số giải pháp sau:

Một là, tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, Quy hoạch 10 năm và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 của tỉnh.

Hai là, tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo các chuyên đề về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế đô thị, cải cách hành chính, phát triển năng lượng, tăng thu tiền đất; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.

Ba là, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kịp thời các chủ trương, quyết sách lớn, các kế hoạch triển khai của trung ương, của tỉnh về phát triển KTXH nhằm tạo đồng thuận cao và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021.

Bốn là, tạo cơ chế thu hút nguồn lực thông qua công tác quản lý và huy động tốt nhất nguồn lực đất đai, nguồn lực các thành phần kinh tế để khai thác hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, hội họp; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử.

Sáu là, thực hiện tốt các chương trình, đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với các nhóm ngành trụ cột, đột phá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.

Bảy là, tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp, gắn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, thanh tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Báo cáo số 380/BC-UBND ngày 03/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/08/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
3. Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc ban hành kế hoạch triển khai những giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
4. Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận (khóa X) về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm (2021 – 2025).

Ths. Nguyễn Trung Thành
 Học viện Hành chính Quốc gia