Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia đã có những đóng góp quan trọng, góp phần cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện Hành chính Quốc gia

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai chức năng cơ bản của Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện). Hoạt động NCKH có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Học viện, trực tiếp tạo lập vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Học viện với tư cách trung tâm quốc gia về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Đồng thời, NCKH có chất lượng là nền tảng để thực hiện các chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính và lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; NCKH hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Những năm gần đây, công tác NCKH của Học viện đã có những đóng góp quan trọng, góp phần cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Đặc biệt, hoạt động NCKH ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD của Học viện.

Thứ nhất, NCKH đóng vai trò nền tảng, nhân tố quan trọng, quyết định việc đổi mới nội dung, chương trình ĐTBD. Việc thực hiện các nhiệm vụ NCKH sẽ góp phần hình thành ý tưởng khoa học, chuẩn hoá và cập nhật những vấn đề lý luận mới và thực tiễn khách quan vào nội dung giáo trình, giáo án, bài giảng của giảng viên.

Thứ hai, từ thực tiễn nghiên cứu khoa học, đã xây dựng được một hệ thống tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên. Từ những nhiệm vụ NCKH được triển khai hằng năm, đã hình thành một hệ thống các tài liệu tham khảo, bao gồm: các bản kỷ yếu, báo cáo nghiên cứu, sách chuyên khảo và tham khảo, bài báo khoa học đăng tải trên nhiều loại hình khác nhau. Những tài liệu này rất có giá trị tham khảo đối với công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên, sinh viên.

Thứ ba, kết quả NCKH góp phần quan trọng vào việc tổ chức, quản lý đào tạo của Học viện. Các hoạt động nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học và nhiều giải pháp quản lý hữu ích cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác ĐTBD.

Thứ tư, NCKH góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Thông qua việc chủ trì, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên đã được nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp và kỹ năng nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu còn giúp rèn luyện tư duy khoa học, phát huy tinh thần say mê nghiên cứu, giảng dạy. Đồng thời, giúp đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn, phương pháp giảng dạy tích cực để họ có đủ hành trang và sự tự tin trong quá trình giảng dạy tại Học viện.

Hoạt động NCKH tại Học viện bên cạnh những mặt đạt được nêu trên vẫn còn một số hạn chế nhất định như: nguồn kinh phí cho NCKH phục vụ công tác ĐTBD rất thấp, thậm chí nhiều đề tài NCKH do chính tác giả chủ nhiệm đề tài “tự túc” kinh phí (bằng nguồn vốn xã hội hoá). Điều đó làm cho hoạt động nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, thậm chí phần nào làm giảm đi tâm huyết nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, do kinh phí hạn chế nên không có được những đề tài nghiên cứu mang tính trọng tâm, trọng điểm, không khuyến khích được các nhà khoa học đam mê nghiên cứu, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng NCKH tại Học viện.

Hội thảo khoa học: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của viên chức, người lao động Học viện Hành chính Quốc gia”
Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học

Để công tác NCKH thật sự là nền tảng, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng nhiệm vụ ĐTBD cán bộ của Học viện trong thời đại mới, thiết nghĩ Học viện cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần phân định rõ, chú trọng các hoạt động NCKH phục vụ công tác ĐTBD cán bộ trong kế hoạch hoạt động khoa học 5 năm và hằng năm.

Căn cứ kế hoạch hoạt động khoa học của Học viện giai đoạn 2021 – 2030 và hằng năm, trên cơ sở “phân luồng” các nhiệm vụ khoa học theo loại hình, nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác ĐTBD CBCCVC.

Về lý thuyết, mọi hoạt động NCKH của Học viện đều có vai trò tích cực đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD của Học viện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không “phân luồng” các nhiệm vụ khoa học, rất dễ dẫn tới tình trạng có nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu không rõ mục tiêu, hoặc không phù hợp giữa quy mô, nguồn lực và mục tiêu, dẫn tới hiệu quả ứng dụng vào công tác ĐTBD rất thấp. Bởi vậy, trong kế hoạch hoạt động khoa học cần xác định rõ những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu phát triển lý luận, những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu tư vấn chính sách, những nhiệm vụ khoa học có mục tiêu phục vụ công tác ĐTBD và có thể có những nhiệm vụ khoa học có “mục tiêu kép”. Xác định rõ các loại hình nhiệm vụ khoa học theo mục tiêu đồng thời căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực kinh phí để bố trí các nhiệm vụ cho phù hợp, trong đó cần lưu ý ưu tiên cho các nhiệm vụ phục vụ công tác ĐTBD của Học viện.

Hai là, Học viện cần chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoài hoạt động phân bổ ngân sách NCKH trên cơ sở số lượng nhân sự của đơn vị (đối với các khoa chuyên môn) về cho các đơn vị, khoa, ban như hiện nay. Học viện cần tăng đầu tư kinh phí cho các đề tài NCKH cấp cơ sở, bên cạnh đó, đổi mới việc xác định nhiệm vụ, thực hiện hình thức đấu thầu công khai đối với nguồn kinh phí NCKH nhằm lựa chọn được những đề tài khoa học cấp thiết, có chất lượng, phục vụ công tác ĐTBD tại Học viện.

Đối với việc xác định nhiệm vụ khoa học, một mặt, cần dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng chương trình, giáo trình hiện có để xác định rõ những hạn chế, bất cập nhằm hoàn thiện, xây dựng mới. Mặt khác, cần có sự nghiên cứu đánh giá thực tiễn và những yêu cầu mới đặt ra để có những định hướng nghiên cứu mới, trực tiếp phục vụ cho hoạt động tư vấn về chính sách, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cho phù hợp.

Ba là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý để khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Trên cơ sở quy định về định mức giờ chuẩn giảng dạy và quy định về NCKH của giảng viên, lượng hóa các sản phẩm khoa học thành giờ chuẩn nghiên cứu, chẳng hạn: hoàn thành một đề tài cấp cơ sở được tính 60 giờ, nếu đạt loại xuất sắc được tính thêm 15 giờ chuẩn; một bài báo khoa học được tính 15 giờ, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín được tính thêm 20 giờ,… Số giờ NCKH không những được sử dụng để bù vào sự thiếu hụt giờ giảng như quy định hiện hành, mà còn có thể được quy đổi thành giờ giảng để phục vụ đánh giá, xếp loại giảng viên, tính thu nhập tăng thêm, bình xét thi đua khen thưởng,…Tổ chức xét và định kỳ trao giải thưởng cho các công trình khoa học xuất sắc để động viên, khuyến khích cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Để tiếp tục khẳng định Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm ĐTBD của quốc gia, có uy tín cao về ĐTBD cán bộ và NCKH lý luận hành chính, khẳng định vị thế là trung tâm ĐTBD cán bộ có chất lượng cao, hiện đại, uy tín, Học viện cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. Cần xác định NCKH vừa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hiện thực hóa một trong hai chức năng cơ bản của Học viện, vừa là nhân tố hàng đầu quyết định việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD CBCCVC, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo, đổi mới trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia