Một số giải pháp tăng cường hiệu lực thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chế độ ưu đãi người có công luôn được chú trọng thực thi, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng. Việc hoàn thiện, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, bài viết đưa ra một số giải pháp tăng cường hiệu lực thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vào Lăng viếng Bác. Ảnh: http://baobaohiemxahoi.vn.
Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội

Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công (NCC) nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC với cách mạng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho NCC, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để NCC xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Chính sách NCC lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/02/1947 quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ đó đến nay đã có hàng nghìn văn bản pháp quy được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với NCC, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với NCC, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh nêu trên, tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi NCC.

Sau gần 30 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của NCC và thân nhân NCC với cách mạng và được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1998, 2000, 2001, 2005 và năm 2012. Với 12 nhóm đối tượng được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, đến nay, cả nước đã có trên 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ, phụ cấp ưu đãi đối với NCC được điều chỉnh hằng năm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước và bảo đảm công bằng về trợ cấp, phụ cấp giữa các diện đối tượng. Mức chuẩn trợ cấp được xác định năm 2012 là: 1.110.000 đồng và qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay, mức chuẩn là: 1.624.000 đồng1.

Cùng với chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với NCC và thân nhân NCC với cách mạng, nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với NCC và gia đình NCC với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục – đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất – kinh doanh của thương bệnh binh và NCC với cách mạng… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ có hiệu quả: hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân và thân nhân liệt sĩ truy cập với hàng nghìn lượt truy cập/ngày, qua đó hàng trăm thân nhân liệt sĩ có thể tìm được mộ liệt sĩ và thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ ngay tại gia đình (qua trang website về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ).

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC và gia đình NCC với cách mạng. Theo số liệu thống kê, đến nay,100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tập thể, cá nhân nhận phụng dưỡng; 99% NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 98,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi cũng luôn được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng trong việc xem xét xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC được thường xuyên chú trọng đã ngăn chặn tiêu cực trong việc xác nhận và thực hiện chế độ đối với NCC và thân nhân NCC.

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, ngay từ năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và các địa phương tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2012, nghiên cứu xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020, với mục tiêu sửa đổi căn bản, toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi NCC với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2020, đã bổ sung một số chế độ ưu đãi NCC với cách mạng, thân nhân NCC với cách mạng và được xác định theo nguyên tắc: tùy từng đối tượng NCC và thân nhân NCC với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi, đồng thời điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của NCC với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; bổ sung, mở rộng một số đối tượng NCC với cách mạng; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét, công nhận NCC với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập sau đây:

Một là, Pháp lệnh chưa quy định rõ thẩm quyền hướng dẫn về thủ tục xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (cán bộ lão thành cách mạng), người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa); một số khái niệm, thuật ngữ và tiêu chí trong Pháp lệnh còn chưa được giải thích rõ ràng, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng việc xác nhận NCC với cách mạng. Chẳng hạn như: “hoạt động cách mạng”, “hoạt động kháng chiến”, “tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “làm nhiệm vụ hoặc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh”, “dũng cảm cứu người cứu tài sản…”, “ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”, “ thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm…”2.

Do một số quy định còn chưa rõ nên thời gian qua đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ NCC để “trục lợi” chính sách ưu đãi; những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách, những người đúng đối tượng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Một số quy định của pháp luật đã tạo “kẽ hở” cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi hối lộ, tham nhũng, làm sai, làm giả hồ sơ, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong Nhân dân. Cá biệt có trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái, thậm chí còn tiếp tay cho đối tượng làm giả hồ sơ hưởng chế độ không đúng quy định (như vụ án tại Quân khu 1, vụ án tại thành phố Quảng Ngãi)3.

Hai là, một số quy định của Pháp lệnh về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận “Liệt sĩ, Thương binh” trong thời chiến và trong thời bình còn chưa tương xứng, chưa bảo đảm công bằng sự cống hiến giữa các đối tượng và bảo đảm ý nghĩa tôn vinh NCC với cách mạng. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận “Liệt sĩ, Thương binh” trong thời bình đang còn có những luồng ý kiến khác nhau, cách hiểu khác nhau nên lúng túng trong tổ chức thực hiện, áp dụng thiếu nhất quán, tùy thuộc vào vụ việc và bối cảnh cụ thể. Ví dụ như: cách hiểu, xác định và áp dụng “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân…”; Quy định về điều kiện tiêu chuẩn của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa thực sự bình đẳng với bệnh binh: người bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến bị mắc một trong 17 bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trong khi bệnh binh cũng bị bệnh dẫn đến bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì mới được hưởng trợ cấp hàng tháng4.

Ba là, một số quy định về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của NCC chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng, như: chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi đó thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 61% trở lên đã được hưởng); chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, NCC giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi; quy định thân nhân của liệt sĩ có từ 4 liệt sĩ trở lên cũng chỉ được hưởng tối đa 3 định suất tuất là không phù hợp5.

Bốn là, vấn đề huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc NCC (tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực xã hội) và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” những năm gần đây có xu hướng giảm. Nhà nước chưa có chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện huy động nguồn lực; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chưa thực sự phát triển6.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; bảo đảm chính sách ưu đãi NCC với cách mạng phù hợp với các quy định của Hiến phápvà thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi NCC và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, quan tâm cùng chăm lo, giúp đỡ gia đình NCC. Đồng thời, phát huy và luôn tạo điều kiện để đối tượng chính sách nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn, tính nhân văn của việc thực hiện công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, NCC nói riêng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà là đạo lý của mỗi người dân và đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh; tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm cho các chủ trương, chính sách đối với các đối tượng chính sách, người có công được thực hiện đầy đủ trong thực tế. Đồng thời, khắc phục những biểu hiện nhận thức không đúng, tinh thần, thái độ phục vụ thiếu sự nhiệt tình, chu đáo, thực hiện không đúng chế độ, tiêu chuẩn mà các đối tượng được thụ hưởng… Đổi mới việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Thứ hai, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn về chế độ, chính sách và cơ chế, chức năng nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành trung ương và của các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Tăng cường phối hợp đồng bộ, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác NCC với cách mạng, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, khoa học, chặt chẽ, chu đáo, công khai, minh bạch.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với NCC; đẩy mạnh công tác quản lý hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng NCC ở các đơn vị, địa phương.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; tiếp tục nghiên cứu đề xuất xã hội hóa sâu rộng, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề liên quan để bảo đảm quyền lợi của NCC với cách mạng.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với NCC với cách mạng; tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm không để sai sót, tiêu cực; kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách NCC với cách mạng.

Thứ sáu, nghiên cứu đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, lưu trữ, giải quyết chế độ, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công nhận NCC và thân nhân của họ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác NCC.

Chú thích:
1. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ Quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
2,4. Báo cáo số 107/BC-LĐTBXH ngày 24/9/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
3. Bị bắt vì lập danh sách thương binh giả, ăn chặn tiền nhà nước. http://thanhnien.vn, ngày 12/9/2019.
5,6. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 08/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.
Đào Ngọc Lợi
   Cục trưởng Cục Người có công – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội