Đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, hoạch định và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của phòng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, để phát huy hiệu quả đội ngũ này, cần có những giải pháp đa chiều, không chỉ từ bản thân đội ngũ công chức này mà còn từ phía lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

 

Lễ khai giảng 01 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên khóa 3/2021, 03 lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: napa.vn
Vị trí của cấp phòng và vai trò của công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Về lý thuyết, phòng hay các đơn vị tổ chức cấp phòng thực hiện vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan thông qua tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể và tạo ra các sản phẩm, kết quả cụ thể theo từng mảng hoạt động.

Ở cấp địa phương, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn (CQCM) thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ cấu tổ chức của sở thuộc UBND cấp tỉnh, ngoài bộ phận văn phòng, thanh tra,… có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Cấp phòng trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh được hiểu là một tổ chức gắn với chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của một sở hoặc tương đương sở. Cấp trên trực tiếp của phòng trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh ở địa phương là sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cấp phòng có chức năng chung là chuyển tải và tổ chức thực hiện các quyết định của cấp trên trực tiếp và phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng, đề xuất của công chức trong đơn vị tới lãnh đạo cấp trên. Đặc biệt, phòng còn có chức năng tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý các lĩnh vực công tác chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ được phân công.

Số lượng, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng (LĐQLCP) và tương đương được quy định cụ thể tại các quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan đơn vị đó. Đội ngũ công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh ở địa phương, gồm: trưởng phòng và các phó trưởng phòng của các sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Với vai trò là người tổ chức, hướng dẫn công việc chuyên môn do lãnh đạo cấp trên trực tiếp phân công, công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh là những người có vai trò “đầu tàu” của phòng. Yêu cầu được đặt ra đối với vị trí này là có tâm, có tầm nhìn chiến lược, khả năng bao quát để lãnh đạo công chức dưới quyền thực thi nhiệm vụ chung của phòng. Họ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác chuyên môn được giao và có trách nhiệm quản lý, điều hành, trực tiếp tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác được cấp trên trực tiếp phân công. Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm phân công nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các công chức trong phòng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh phát huy tốt vị trí, vai trò nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu của bản thân trong quá trình công tác, đòi hỏi cần phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) một cách bài bản, chính quy về các kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và các kỹ năng tổ chức, điều hành.

Thực trạng về đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Những căn cứ pháp lý về đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Những năm qua, Nhà nước ta đã quan tâm, chú trọng tới công tác ĐTBD nhằm không ngừng phát huy tốt vai trò của công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh. Cụ thể, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về ĐTBD đối với công chức LĐQLCP cũng như công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh ở các địa phương. Trong đó, có các nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 về ĐTBD công chức; Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định những người là công chức, trong đó có đội ngũ công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP (Nghị định số 101/2017/NĐ-CP cụ thể hóa thành 7 loại chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đặc biệt có các chương trình bồi dưỡng cụ thể theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cấp phòng và tương đương nói chung cũng như LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh nói riêng).

Các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành, như: Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 về việc phê duyệt Đề án “ĐTBD nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp, giai đoạn 2010 – 2015”; Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 phê duyệt kế hoạch ĐTBD cán bộ, công chức (CBCC) giai đoạn 2011 – 2015, trong đó mục tiêu cụ thể là: đến năm 2015 đặt ra đối với cán bộ LĐQLCP được ĐTBD trước khi bổ nhiệm là 90%; Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 về việc phê duyệt Đề án ĐTBD CBCCVC giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có đề cập đối tượng là CBCC đang công tác trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh). Với cấp tỉnh, mục tiêu được đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, 100% CBCC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, bảo đảm hằng năm ít nhất 80% CBCC được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với CBCCVC. Theo đó, bảo đảm đến hết năm 2020, 100% CBCCVC lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định; đồng thời, bảo đảm đến hết năm 2021, 100% CBCCVC phải được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, trong đó không loại trừ đội ngũ công chức LĐQLCP ở các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh.

Để triển khai kịp thời các văn bản nêu trên, Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ ĐTBD và biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu ĐTBD; tổ chức ĐTBD và quản lý chứng chỉ ĐTBD…; Quyết định số 1245/QĐ-BNV ngày 29/11/2012 ban hành chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình ĐTBD LĐQLCP với mục tiêu cụ thể là ĐTBD và rèn luyện những kỹ năng quản lý, lãnh đạo thiết yếu gắn với chức danh, yêu cầu vị trí việc làm của công chức lãnh đạo cấp phòng, góp phần xây dựng hành vi và thái độ làm việc phù hợp của lãnh đạo cấp phòng; Quyết định số 1045/QĐ-BNV ngày 18/9/2013 về việc ban hành tài liệu ĐTBD LĐQLCP. Theo đó, công chức LĐQLCP ở địa phương được ĐTBD tập trung với nhiều chuyên đề liên quan tới phần kiến thức, kỹ năng quản lý và lãnh đạo cấp phòng. Bên cạnh đó, trong phần kiến thức và kỹ năng quản lý theo lĩnh vực, đội ngũ này cũng được trang bị kiến thức quản lý về lĩnh vực nội chính; kinh tế – tài chính và văn hóa – xã hội.

Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản của các cấp, các ngành, địa phương có liên quan nhằm triển khai thực hiện các chủ trương ĐTBD đội ngũ CBCC ở các địa phương nói chung và ĐTBD nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh nói riêng.

Thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát huy vai trò của công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Thời gian qua, công tác ĐTBD công chức LĐQLCP ở địa phương nói chung và ĐTBD công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh nói riêng đã được các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố mở nhiều lớp và đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, riêng năm 2019, đã bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị cho 3.845 lượt người, trong đó cấp phòng và tương đương là 2.228 lượt người. Bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị cho 4.300 lượt người, trong đó cấp phòng và tương đương là 3.327 lượt người. Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương cho 4.442 lượt người. Bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng cho cấp phòng và tương đương là 6.861 lượt người. Bồi dưỡng ngoại ngữ cho cấp phòng và tương đương là 762 lượt người. Bồi dưỡng tin học cho cấp phòng và tương đương là 1.259 lượt người. Riêng Học viện Hành chính Quốc gia, trong năm 2019, đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ, công chức LĐQLCP là 11 lớp với 707 học viên1.

Thông qua các khóa ĐTBD, trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh ở các địa phương ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong tình hình mới. Về cơ bản, các kiến thức về chuyên môn – kỹ thuật, khoa học quản lý, chính trị, pháp luật, tâm lý xã hội, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, môi trường, hội nhập cùng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý chung dành cho công chức LĐQLCP, như: kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch; quản lý và phát triển nhân sự; áp dụng pháp luật; ra quyết định, kỹ năng tham mưu; tổ chức điều hành hội họp và tổ chức sự kiện; giao tiếp, ứng xử và quan hệ với truyền thông… ngày càng được nâng cao đối với đội ngũ này.

Công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh thường xuyên vận dụng có hiệu quả các kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ vào lãnh đạo, quản lý, điều hành và giải quyết công việc của cấp phòng một cách nhanh chóng, chính xác trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức khi đến giải quyết công việc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, nhìn chung công tác ĐTBD đối với đội ngũ này chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của đội ngũ này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác ĐTBD thời gian qua chưa gắn với quy hoạch cán bộ, chưa quan tâm đúng mức đến ĐTBD trước khi bổ nhiệm và ĐTBD cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức. Hệ thống cơ sở đào tạo còn bất cập; cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng cho hoạt động cập nhật trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc của CBCC. Năng lực đội ngũ giảng viên của một số cơ sở ĐTBD còn hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức tuy được chú trọng xây dựng, song chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy cho đối tượng người học. Chương trình, tài liệu giảng dạy cho đội ngũ LĐQLCP ở địa phương còn lạc hậu, chậm đổi mới. Nội dung trùng lặp, nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành và tổng kết thực tiễn. Hoạt động ĐTBD công chức LĐQLCP trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn trình độ mà chưa tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc.

Một số giải pháp đặt ra

Trước hết, đối với bản thân công chức LĐQLCP: năng lực lãnh đạo, quản lý là một quá trình biện chứng có vận động, phát triển và liên quan đến sự không ngừng cập nhật thông tin, tri thức, nhận thức và nhận thức lại về lãnh đạo, quản lý. Để hình thành năng lực này thì bản thân đội ngũ LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh và các công chức thuộc diện quy hoạch ở vị trí này có ý thức tự giác và không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo quản lý. Đồng thời, phải thực sự thâm nhập vào thực tiễn, không ngừng phân tích, nhận diện bối cảnh, các bên liên quan, đánh giá lại mục tiêu và năng lực của mình để thực hành lãnh đạo, quản lý. Các trải nghiệm có từ hoạt động lãnh đạo, luân chuyển, các đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng khác nhau và có năng lực phản biện, giải quyết các tình huống thực tế của lãnh đạo chính là cơ sở để bản thân được rèn luyện, học hỏi và trưởng thành hơn trong tư duy và hành động lãnh đạo, quản lý.

Thứ hai, đối với chính quyền địa phương: cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, để từ đó xây dựng kế hoạch ĐTBD đội ngũ công chức LĐQLCP kế cận cho đội ngũ công chức đã đến tuổi nghỉ hưu. Về mặt nguyên tắc trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, các cơ quan, tổ chức chỉ bổ nhiệm những người đủ tiêu chuẩn theo quy định vào vị trí trưởng phòng và phó trưởng phòng có trong quy hoạch.

Thứ ba, đối với các cơ quan quản lý ĐTBD: xác định rõ mục tiêu ĐTBD đối với đối tượng công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh. Đó là nhằm trang bị kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, kỹ năng, thái độ cần thiết để thực thi công vụ với cương vị là người đứng đầu của một tổ chức, đơn vị. Do vậy, cần tập trung định hướng chỉ đạo việc xây dựng chương trình tổng quát, trang bị những kiến thức cơ bản và toàn diện về: lý luận chính trị, kiến thức về pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về khoa học quản lý… Đặc biệt là các kỹ năng quản lý và lãnh đạo như: lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra, giám sát và một số kỹ năng mềm khác gồm: kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán và thương lượng, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thực hành, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng hòa giải, kỹ năng khuyến khích nhân viên… Đây cũng là cơ sở để xây dựng khung chương trình ĐTBD phù hợp, thiết thực và sát với nhu cầu thực tế của đội ngũ công chức LĐQLCP ở các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh.

Thứ tư, đối với các cơ sở ĐTBD: cần đổi mới quy trình xây dựng và thực hiện chương trình, tài liệu ĐTBD đối với đối tượng là công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, tiến hành các bước như sau: (1) Khảo sát, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý về đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản mô tả công việc, phân nhóm lãnh đạo, quản lý có sự tương đồng về nội dung công việc của đối tượng học viên; (2) Phân tích vị trí chức danh LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnh để xác định đúng các nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn vị trí chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý. Từ đó, xác định nhu cầu kiến thức, kỹ năng cần ĐTBD là tiền đề thiết yếu cho việc xây dựng chương trình ĐTBD cho phù hợp; (3) Tiến hành xác định nội dung, kiến thức cần bồi dưỡng cho các nhóm chức danh, chức vụ LĐQLCP. Việc xác định chính xác và đầy đủ các nội dung sẽ giúp cho việc ĐTBD đạt được hiệu quả theo khung năng lực, đáp ứng được yêu cầu của vị trí chức danh này. Cùng với đó là chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp ĐTBD nhằm nâng cao hiệu quả ĐTBD đối với công chức LĐQLCP trong các CQCM thuộc UBND cấp tỉnhr

Chú thích:
1. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. https://tcnn.vn, ngày 14/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
3. Bộ Nội vụ. Tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng (ban hành kèm theo Quyết định số 1151/QĐ-BNV ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Hà Nội, 2019.
ThS. Lê Thị Thảo Linh
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa