Một số nội dung cần lưu ý khi khai thác và sử dụng thông tin trên mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, việc khai thác và sử dụng thông tin trên mạng (môi trường mạng, không gian mạng) đã trở nên thường xuyên và quen thuộc với tất cả mọi người, đem lại những lợi ích to lớn bởi sự thuận tiện, nhanh chóng trong việc tìm kiếm thông tin đa dạngphong phú. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, người dùng mạng nói chung, cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc trong các cơ quan nhà nước nói riêng cần lưu ý một số nội dung để bảo đảm việc khai thác tối đa thông tin phục vụ các nhu cầu chính đáng, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật.
Ảnh minh họa (internet).
Những loại hình thông tin trên mạng

Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin qua rất nhiều kênh thông tin trên mạng, có thể kể đến một số loại hình cơ bản sau:

Một là, trang thông tin điện tử (website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường internet (mạng) phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin; bao gồm báo: điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử (TTĐT), trang TTĐT tổng hợp, trang TTĐT nội bộ, trang TTĐT ứng dụng chuyên ngành, trang TTĐT cá nhân.

Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Trong đó, có chuyên trang của báo điện tử là trang thông tin về một chủ đề nhất định, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của báo điện tử, có tên miền cấp dưới của tên miền đã được quy định tại giấy phép hoạt động báo điện tử. Còn tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng.

Trang TTĐT tổng hợp theo nghĩa chuyên ngành là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trang TTĐT tổng hợp theo nghĩa chung là trang TTĐT của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.

Các chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân là các mạng xã hội của trang TTĐT nội bộ, trang TTĐT ứng dụng chuyên ngành, trang TTĐT tổng hợp được cấp phép; trang TTĐT cá nhân chia sẻ những thông tin không vi phạm các quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin được đăng tải, chia sẻ; không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.

Hai là, cổng TTĐT (portal) là điểm truy cập trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng, qua đó, người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.

Cổng TTĐT và trang TTĐT là kênh thông tin chính thống của các cơ quan, tổ chức. Cổng TTĐT là một bước phát triển của trang TTĐT. Bằng việc sử dụng các công nghệ cao, cổng TTĐT cập nhật số lượng thông tin, ứng dụng, dịch vụ lớn; các thông tin được tìm kiếm, xử lý nhanh chóng, có độ tin cậy và bảo mật cao. Ở Việt Nam hiện nay, nhờ vào tính ứng dụng cao, cổng TTĐT ngày càng phổ biến,tạo nhiều khả năng tương tác hai chiều giữa người sử dụng và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển đa dạng các kênh cung ứng hàng hóa, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các cơ quan nhà nước cũng đã thiết lập cổng TTĐT để xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công. Đây là kênh thông tin chính thống cung cấp các thông tin về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; về cơ chế, chính sách chung và về từng lĩnh vực; về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, đánh giá; về hoạt động cung cấp dịch vụ công của các cơ quan chức năng; về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và của từng lĩnh vực; về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của công dân; về trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước đối với xã hội, với Nhân dân…

Ngoài ra, trên các cổng TTĐT còn đăng tải nhiều loại thông tin khác, bao gồm cả thông tin mang tính nghiên cứu, trao đổi, tham khảo trong và ngoài cơ quan, ngành, lĩnh vực, trong nước và ngoài nước.

Trên các kênh thông tin, có hai nhóm thông tin cơ bản, đó là:

(1) Thông tin chính thức: là những thông tin mang tính chính thống, được đăng tải trên báo chí, cáccổng/ trang TTĐT của các cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; về báo chí, sở hữu trí tuệ. Thông tin chính thức bao gồm những thông tin có giá trị pháp lý và quản lý được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản chuyên ngành; những thông tin, dữ liệu, số liệu do cơ quan, tổ chức công bố một cách chính thống và chịu trách nhiệm theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

(2) Thông tin tham khảo: là các tin tức cập nhật thường xuyên về mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thông tin kết quả nghiên cứu, khảo sát, hội nghị, hội thảo; bài viết, bài phát biểu của cá nhân hoặc nhóm tác giả là lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên gia, nhà khoa học…

Những quy định về an toàn, an ninh, bảo mật thông tin trên mạng

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, không gian mạng (KGM) trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh… đã làm KGM thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. Với tính toàn cầu và khả năng kết nối vô hạn, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và bản chất xã hội của KGM cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng… Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng (ANM) đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào KGM toàn cầu. Hệ thống mạng viễn thông, internet của Việt Nam kết nối trực tiếp với mạng viễn thông, internet quốc tế, do đó, nước ta cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình, diễn biến phức tạp của ANM thế giới.

Để làm chủ và bảo vệ KGM, cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên KGM, bảo đảm ANM để xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều văn bản pháp luật được ban hành như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng, Luật ANM, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(1) Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng (ATTTM), quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTTM; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTTM; kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM; phát triển nguồn nhân lực ATTTM; quản lý nhà nước về ATTTM.

Về bảo vệ thông tin mạng, Luật quy định trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức sở hữu thông tin phải phân loại thông tin theo thuộc tính bí mật để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Về quản lý gửi thông tin, Luật quy định việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm các yêu cầu:Không giả mạo nguồn gốc gửi thông tin; tuân thủ quy định của Luật ATTTM năm 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm ATTTM: cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ATTTM có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm ATTTM; cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trên mạng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố khi phát hiện các hành vi phá hoại hoặc sự cố ATTTM.

(2) Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, bên cạnh vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, lần đầu tiên, Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (TCTT) của người dân một cách đầy đủ và tiến bộ, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người bằng việc ban hành Luật TCTT năm 2016. Luật quy định về việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, tổ chức cần tuân thủ các quy định của pháp luật về những thông tin phải được bảo mật, hạn chế phổ biến, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tạo lập, quản lý và sử dụng; đồng thời cần nắm vững và thực hiện các quy định của Luật TCTT.

Theo quy định của Luật TCTT, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ các thông tin công dân không được tiếp cận, bao gồm: thông tin thuộc bí mật nhà nước (BMNN) theo quy định của pháp luật mà chưa được giải mật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Đối với việc tiếp cận và cung cấp thông tin, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

(3) Luật Bảo vệ BMNN năm 2018 quy định 9 nhóm hành vi và đã cụ thể, rõ ràng từng hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ BMNN, trong đó nhiều hành vi mới quy định cho phù hợp với thực tiễn như: soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung BMNN trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ BMNN theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi BMNN khi chưa loại bỏ BMNN.

Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

Đăng tải, phát tán BMNN trên phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

(4) Luật ANM năm 2018 quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm ANM; triển khai hoạt động bảo vệ ANM và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bảo vệ ANM đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật ANM. Quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định ANM, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố ANM đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật ANM đã dành 01 chương (Chương III) quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên KGM có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin BMNN, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên KGM; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng KGM, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về ANM; đấu tranh bảo vệ ANM. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm có những hoạt động kinh doanh hay hoạt động trên KGM.

Một số lưu ý khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc dễ tiếp cận với thông tin không đồng nghĩa với việc tất cả thông tin tiếp cận được đều là thông tin có giá trị; nhiều thông tin tăng theo cấp số nhân không có nghĩa là mọi thông tin đều có tác động tích cực, mọi người đều sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề tốt hơn. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, nhu cầu tìm kiếm thông tin của người sử dụng đã thay đổi từ tài liệu in ấn sang tài liệu điện tử, tài liệu số; từ việc tiếp cận với tài liệu ở trạng thái vật lý đến truy cập trực tiếp toàn văn tài liệu qua mạng. Cũng chính trong bối cảnh của sự thay đổi từ trạng thái thông tin nghèo nàn, một chiều sang thông tin phong phú, đa chiều, người dùng cần sự hiểu biết cơ bản về thông tin, về công nghệ, về khai thác, xử lý, phân tích và sử dụng thông tin. Do vậy, chúng ta cần lưu ý những nội dung sau:

Thứ nhất, tìm kiếm, khai thác thông tin từ các kênh, nguồn chính thống. Phân biệt thông tin chính thức và thông tin tham khảo. Tra tìm văn bản quy phạm pháp luật được công bố trên các cổng TTĐT Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; sử dụng các văn bản ở dạng (pdf) hoặc có chữ ký số của cơ quan, tổ chức đăng tải; sử dụng các thông tin, số liệu, báo cáo chính thức của các cơ quan theo chức năng, thẩm quyền. Lưu ý một số tình trạng “báo hóa” mạng xã hội, trang TTĐT để xác định, sử dụng thông tin từ các kênh, nguồn chính thống.

Thứ hai, tìm kiếm, khai thác thông tin của các lưu trữ, thư viện, bảo tàng điện tử, số.

Thứ ba, trích dẫn nguồn thông tin, bối cảnh bảo đảm độ tin cậy, chính xác, cập nhật, có căn cứ đối chiếu.

Thứ tư, thận trọng với các thông tin trên các chuyên trang tiếng nước ngoài khi trích dẫn, sử dụng. Lưu ý cập nhật các văn bản, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia được đăng tải trên Công báo.

Thứ năm, có ý thức và thực hiện phòng ngừa lộ, lọt thông tin cá nhân; thông tin cơ quan không thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền, thời điểm; thông tin BMNN; đồng thời có các kiến thức, kỹ năng phòng. chống thông tin xấu độc, phòng ngừa tấn công mạng bằng các hành vi phát tán, cài mã độc. Thận trọng khi truy cập các đường link, mở các email lạ, chưa rõ nguồn gốc.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật An ninh mạng năm 2018.
2. Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
3. Luật Báo chí năm 2016.
4. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.
5. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
6. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
7. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
8. Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Công Giao, Nguyễn Trung Thành đồng chủ biên. Quyền tiếp cận thông tin – Lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo). H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh
Học viện Hành chính Quốc gia