Trung tâm hành chính công Nanyang – Đại học Công nghệ Nanyang (Xinh-ga-po)

(Quanlynhanuoc.vn) – Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University – viết tắt là NTU) được thành lập vào năm 1991. Đây là một trong ba trường đại học công lập danh tiếng nhất tại Xinh-ga-po. Đến năm 2006, NTU chính thức trở thành một trong những trường đại học tự chủ và là một trong hai trường đại học công lập lớn nhất tại quốc đảo sư tử này1.
Đại học Công nghệ Nanyang. Ảnh: giaoduc.net.vn.
Tổng quan về Trung tâm Hành chính công Nanyang

NTU nổi tiếng về một số chuyên ngành, như: Hành chính công, Chính sách công, Kinh tế, Tài chính, Giáo dục, Công nghệ thông tin và Luật… Hiện Trường có khoảng 25.000 sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. NTU có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trên toàn cầu, như: Đại học Hoàng gia London (Anh), Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)2.

Trung tâm Hành chính công Nanyang (Nanyang Centre for Public Administration – viết tắt là NCPA) trực thuộc NTU được thành lập năm 2009. Trung tâm này được thành lập trên cơ sở tiếp nối thành công từ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) lãnh đạo, điều hành của NTU cho các quan chức của Chính phủ Trung Quốc (năm 1992), tiếp đó là Chương trình đào tạo thạc sỹ khoa học chuyên ngành Kinh tế học quản lý (MME) năm 1988 và Chương trình đào tạo thạc sỹ Hành chính công (MPA) năm 2005.

Tuy mới chính thức được thành lập được hơn một thập kỷ, song đến nay, NCPA đã được biết đến là cơ sở hàng đầu của châu Á trong việc cung cấp các chương trình nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao về quản trị công và hành chính phát triển, thúc đẩy sự phát triển nền quản trị tốt trong khu vực cũng như trên thế giới. NCPA hiện là một trong những đơn vị đào tạo bậc nhất của Xinh-ga-po được cơ quan quản lý nhà nước về chuyên gia nước ngoài của Trung Quốc lựa chọn để triển khai các chương trình phát triển năng lực điều hành cho công chức và chuyên gia của Chính phủ.

NCPA có sứ mệnh thúc đẩy và quảng bá những giá trị của nền quản trị tốt và dịch vụ công chất lượng; đồng thời, góp phần trao đổi kiến thức và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các chính phủ ở khu vực châu Á nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung. Trong quá trình phát triển, NCPA luôn thể hiện được những cam kết về tiêu chuẩn trong nghiên cứu học thuật cũng như ĐTBD.

Mục tiêu của NCPA trong giai đoạn hiện nay là phấn đấu xây dựng nền tảng và duy trì vị thế của một cơ sở nghiên cứu và đào tạo về hành chính công mang tầm quốc tế.

NCPA luôn bảo đảm sự nhất quán về phương pháp giảng dạy chất lượng cao theo tiêu chuẩn của NTU; đồng thời, luôn sáng tạo trong các định hướng nghiên cứu và bảo đảm sự bình đẳng, tự do học thuật. NCPA đã và đang hợp tác chiến lược với nhiều chính phủ và tổ chức có uy tín trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực mang tính toàn cầu. Các lĩnh vực nghiên cứu nổi bật tại NCPA, gồm: quản trị và hành chính công châu Á; sáng kiến Vành đai và con đường; quản lý xã hội; chuyển giao tri thức xuyên quốc gia và quản trị năng động.

NCPA hiện đã thiết lập được mạng lưới hợp tác vững chắc với các tổ chức nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực hành chính công, như: Viện Khoa học Hành chính Quốc tế (IIAS), Mạng lưới các trường công vụ, chính sách và hành chính công (NASPAA), Trung tâm toàn cầu về dịch vụ công xuất sắc (GCPSE) của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và vòng tròn từ thiện châu Á (Asia Philanthropy Circle)… NCPA cũng hợp tác với nhiều trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc, như: Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Nhân dân, Đại học quốc gia Tôn Trung Sơn…, nhằm tiến hành nghiên cứu chung về Trung Quốc đương đại cũng như các vấn đề chính sách có liên quan tác động sâu rộng tới Trung Quốc và châu Á.

Hiện nay, mạng lưới cựu học viên của NCPA đã lên tới gần 20.000 người, trong đó có nhiều người đã và đang giữ các vị trí quan trọng ở tất cả các cấp chính quyền ở các quốc gia, gồm từ lãnh đạo cấp bộ, thị trưởng và người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp. Các cựu học viên đến từ nhiều quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, My-an-ma, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Lào, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Ấn Độ và U-crai-na. Mạng lưới cựu sinh viên rộng khắp không chỉ thúc đẩy trao đổi và nâng cao sự nghiệp của các thành viên mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho NCPA mở rộng quy mô, sức ảnh hưởng và sự phát triển của mình lên tầm cao mới trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về quản trị, chính sách và hành chính công.

Các chương trình đào tạo

Các chương trình đào tạo thạc sỹ

NCPA hiện triển khai đào tạo 6 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, trong đó có 3 chương trình đào tạo dạy bằng tiếng Trung, Quốc, cụ thể: thạc sỹ khoa học (chuyên ngành Kinh tế học quản lý), thạc sỹ Kinh tế quản lý nâng cao và thạc sỹ Hành chính công. Còn lại 3 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, gồm: thạc sỹ khoa học xã hội (chuyên ngành Nghiên cứu Trung Quốc và Quản trị toàn cầu), thạc sỹ Hành chính công, thạc sỹ khoa học (chuyên ngành Kinh tế học quản lý).

Các chương trình đào tạo thạc sỹ tập trung vào việc cung cấp các kỹ năng lãnh đạo, quản lý (LĐQL), kỹ năng hoạch định và phân tích chính sách. Thông qua đó, học viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực tế sinh động nhằm áp dụng một cách hiệu quả nhất vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của quản lý nhà nước ở bộ, ngành, địa phương nơi họ đang công tác. Trong quá trình học tập, học viên có nhiều cơ hội được tham gia vào các hội thảo chuyên môn với các diễn giả là các chính trị gia, các nhà LĐQL đương chức cũng như các cựu lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm, (trong đó có các bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, các giáo sư nổi tiếng và các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao). Qua đó, giúp chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu với các góc nhìn so sánh đa chiều hữu ích. Đồng thời, học viên cũng được tham quan, học tập kinh nghiệm tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân tại “đảo quốc sư tử” này. Đây là điều kiện quan trọng giúp học viên nhìn nhận, đánh giá khách quan những kiến thức lý luận với thực tiễn, gợi mở những cách thức giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải trong quá trình công tác, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về hiệu quả quản lý của ngành, lĩnh vực.

Chương trình thạc sỹ khoa học chuyên ngành Kinh tế học quản lý và chương trình đào tạo thạc sỹ Hành chính công được biết đến là chương trình đào tạo cấp thị trưởng, chủ tịch tỉnh. Chương trình này đã được nhận giải thưởng doanh nghiệp Trung Quốc (Business China Enterprise Award) vào năm 2011 vì những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ đối tác song phương Xinh-ga-po – Trung Quốc.

Chương trình phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý

Một trong số các chương trình nổi bật tại NCPA là Chương trình đào tạo phát triển năng lực điều hành cho các công chức LĐQL (đào tạo bằng tiếng Anh). Chương trình này đã được triển khai tại NCPA dành cho các quan chức cao cấp của Chính phủ, cán bộ quản lý tại các trường đại học và các tập đoàn tư nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình này, cung cấp nền tảng kiến thức về hành chính công, chính sách công, quản lý xã hội, quản lý giáo dục đại học và phát triển quốc tế. Đồng thời, nội dung học tập cũng được điều chỉnh theo chủ đề cụ thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: quản lý công và chính sách công, quy hoạch và quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý xã hội, hợp tác công – tư, quản lý giáo dục đại học và quốc tế hóa phát triển (internationalisation development). Một trong những nội dung của chương trình đào tạo này là cung cấp các nghiên cứu đánh giá tác động của sáng kiến “Vành đai và con đường” (Belt and Road Initiative – BRI)3 và tham khảo định vị chiến lược của Xinh-ga-po trong việc kết nối Trung Quốc với thế giới. Học viên được chia sẻ những bài học thành công của nền hành chính công Xinh-ga-po trong hơn 5 thập kỷ qua.

Mặt khác, NCPA cũng đã và đang triển khai chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo cho các đối tác ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Đến nay, NCPA đã đào tạo được hơn 1.000 cán bộ, công chức cao cấp của một số nước, như: Thái Lan, Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Ấn Độ và U-crai-na. Với mỗi nhóm đối tượng học viên của mỗi quốc gia, đội ngũ chuyên gia và giảng viên của NCPA đều phải nghiên cứu cặn kẽ về nhu cầu, đặc trưng văn hóa để thiết kế và cung cấp các chương trình ĐTBD chuyên biệt, phù hợp với nhu cầu và mục tiêu cụ thể.

Trong quá trình học tập, học viên được tổ chức tham quan kinh nghiệm thực tiễn tại các tập đoàn, khu công nghiệp, các cơ quan chính phủ và các tổ chức hữu quan của Xinh-ga-po. Đây là một trong những học phần bắt buộc không thể thiếu trong chương trình ĐTBD. Những chuyến tham quan này được đánh giá là rất hữu ích, giúp học viên có kiến thức và thông tin thực tế thông qua các cuộc trao đổi và thảo luận tương tác. Các học viên cũng được khuyến khích tận dụng các cơ hội để tiếp xúc với các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp nhằm chia sẻ quan điểm cũng như tích lũy kinh nghiệm thực tế một cách trực tiếp.

Ngoài các chương trình ĐTBD, NCPA còn triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và cấp học bổng tập trung cho các lĩnh vực: hành chính công, chính sách phát triển kinh tế, chính sách môi trường, y tế và phúc lợi xã hội.

Hoạt động hợp tác với Việt Nam

Từ năm 2012, Việt Nam đã hợp tác với NTU nói chung và NCPA nói riêng về ĐTBD cán bộ LĐQL thông qua Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 165). Theo đó, từ tháng 6/2012, Văn phòng Đề án 165 đã ký kết thỏa thuận hợp tác với NTU tổ chức chương trình ĐTBD cho cán bộ LĐQL thuộc hệ thống chính trị của Việt Nam tại Xinh-ga-po với sự tài trợ kinh phí đào tạo của Quỹ Temasek. Thông qua thỏa thuận hợp tác, 4 khóa ngắn hạn đã được tổ chức cho 100 cán bộ là LĐQL cấp vụ hoặc quy hoạch cấp vụ trở lên với các chủ đề khác nhau. Nội dung bồi dưỡng gồm: kinh nghiệm của Chính phủ Xinh-ga-po trong cải cách hành chính công; cơ chế ba bên trong quan hệ lao động và hoạt động công đoàn; quản lý công hiện đại hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử4.

Đội ngũ giảng viên của các khóa học này đều đã trải qua cương vị lãnh đạo, như: cựu bộ trưởng, thành viên Quốc hội, giáo sư giảng dạy nghiên cứu đầu ngành, giảng viên có trình độ cao, hiểu biết thực tế và nền tảng lý luận, có tầm nhìn và năng lực dự báo tốt. Những kiến thức, kinh nghiệm tiếp nhận từ khóa học bước đầu đã được học viên áp dụng vào quá trình xây dựng chính sách, tham mưu cho lãnh đạo và sau đó đã được chia sẻ với hơn 2.000 đồng nghiệp khác.

Nối tiếp thành công đó, năm 2013, Đề án 165 tiếp tục tổ chức 6 khóa bồi dưỡng cho khoảng 150 cán bộ LĐQL về “hoạt động lãnh đạo, quản lý nguồn nhân lực” tại NTU. Đối tượng tham gia các lớp học là các bí thư huyện ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các đoàn do một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (cấp thứ trưởng) làm trưởng đoàn. Các khóa học đã góp phần nâng cao năng lực LĐQL cho cán bộ trong hệ thống chính trị của Việt Nam5.

Năm 2015, Đề án 165 tiếp tục cử đoàn học viên Việt Nam gồm 25 thành viên là cán bộ cấp thứ trưởng và quy hoạch thứ trưởng đã tham gia khóa học trao đổi kinh nghiệm về hành chính, chính sách công và quản trị công của Xinh-ga-po tại NCPA6.

Không chỉ hợp tác đào tạo theo Đề án 165, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam sau đó cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương về ĐTBD cán bộ lãnh đạo cấp sở, huyện của địa phương với NCPA, như: Quảng Ninh, Bắc Ninh,… Đến nay đã có hàng trăm cán bộ, công chức LĐQL cấp tỉnh của Việt Nam tham gia các khóa ĐTBD tại NCPA7.

Hiệu quả của các khóa học không chỉ dừng lại ở các kiến thức, thông tin được truyền tải qua các buổi học, nghiên cứu thực tế mà còn được ghi nhận là cơ hội để cán bộ “mở rộng tầm nhìn, thay đổi tư duy”. Chương trình hợp tác góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng thiết thực cho đội ngũ cán bộ LĐQL của Việt Nam, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn thời kỳ hội nhập, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Xinh-ga-po ngày càng hiệu quả.

Chú thích:
1. Giới thiệu đại học công nghệ Nanyang – Xinh-ga-po. https://singapore.net.vn, ngày 02/7/2021.
2. Năm đại học dưới 50 tuổi tốt nhất thế giới. https://vnexpress.net, ngày 14/7/2021.
3. Tính đến cuối năm 2020, đã có 125 quốc gia ký kết thỏa thuận hợp tác sáng kiến “Vành đai và con đường”, bao gồm cả một số quốc gia châu Âu. Đây là “sáng kiến” kết nối cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường biển và đường không giữa Trung Quốc với thế giới được Trung Quốc đề xướng vào năm 2013 và công bố chính thức ngày 28/3/2015.
4, 5.  Hợp tác Việt Nam – Xinh-ga-po về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. https://dangcongsan.vn, ngày 12/7/2013.
6. Xinh-ga-po chia sẻ kinh nghiệm hành chính công với Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 05/01/2015.
7. Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về hành chính công của Xinh-ga-po. https://www.vietnamplus.vn, ngày 13/10/2014.
Tài liệu tham khảo:
1. Thông tin tổng quan về NCPA. https://www.ntu.edu.sg/ncpa, ngày 20/10/2021.
2. Việt Nam – Xinh-ga-po tăng hợp tác trong bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo. https://tuyengiao.vn, ngày 31/10/2014.
ThS. Lại Thu Thủy
Học viện Cảnh sát nhân dân