Giải pháp để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông không chỉ đơn giản là đưa lên môi trường số một cách cơ học mà chuyển đổi số là việc xử lý thông tin thu được từ hệ sinh thái số để làm cơ sở đưa ra quyết định đúng đắn, hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức nghề báo. Dữ liệu lớn cùng với chuyển đổi số là một loại tài sản mới của các cơ quan báo chí, truyền thông bên cạnh những tài sản truyền thống, hữu hình, như: trụ sở, trang thiết bị, vốn tài chính, nhân lực… Bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển cơ quan báo chí – truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.
Một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi số

Chuyển đổi được sử dụng để biểu thị sự thay đổi, nỗ lực hiện đại hóa hoặc đổi mới, giới thiệu công nghệ kỹ thuật số trong các quy trình nghiệp vụ, mô hình cung cấp dịch vụ và văn hóa của cơ quan, tổ chức, chính phủ, cơ cấu lại cách cơ quan, tổ chức, chính phủ điều hành, thực hiện các chức năng cơ bản. Vì vậy, chuyển đổi là kết quả của việc “không chỉ làm mọi thứ tốt hơn một cách từng bước, mà về cơ bản là bằng cách làm mọi thứ trở nên khác đi”1. Do đó, một yếu tố quan trọng để phân biệt chuyển đổi với các loại thay đổi dần dần là việc từ bỏ các mô hình vận hành tương tự (thủ công, giấy tờ) để chuyển sang các hệ thống kỹ thuật số mới.

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến chuyển đổi số (CĐS). Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã và đang kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân số, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp (DN), đất đai, nhà ở… phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân. Từ đó, tạo tiền đề rõ ràng và thuận lợi cho công cuộc CĐS cả về mặt hạ tầng công nghệ và xử lý thông tin dữ liệu.

Chỉ thị số 01/2020/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số (CNS) Việt Nam, từ đó đã đưa ra nhận định dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là CNS (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,…), CĐS đang tạo ra không gian phát triển mới – kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang đứng trước cả thời cơ và thách thức, đó là: hoặc vượt lên trong cuộc cách mạng này, hoặc tụt hậu, bị bỏ lại nếu không kịp thời nắm bắt và triển khai quá trình CĐS.

Trong công cuộc CĐS, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn song hành, theo đó, CNS, CĐS và báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện sự chuyển đổi này. Chính vì vậy, CĐS trong lĩnh vực báo chí – truyền thông là lấy công nghệ làm trung tâm. Những người tham gia CĐS chú trọng đầu tư vào lắp đặt các thiết bị, hệ thống máy tính, internet tốc độ cao, kết nối internet vạn vật, xử lý và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, phát triển phần mềm và hệ thống tự động việc sử dụng CNS để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh… nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí (CQBC); tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông – cơ hội và thách thức
Cơ hội của cơ quan báo chí – truyền thông trong quá trình chuyển đổi số

Hiện nay, các CQBC Việt Nam có những lợi thế nhất định trong công cuộc CĐS. Cụ thể:

Thứ nhất, nền tảng CNS hiện nay đã và đang xóa nhòa ranh giới giữa báo chí với công nghệ. Công nghệ thực sự đã lôi kéo người tiêu dùng bằng những sản phẩm đa dạng, ở mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng và thuận tiện. Chính vì vậy, để phát triển, các CQBC không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn, tăng tính hấp dẫn và có thể tự sống được nhờ vào sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. Ở khía cạnh này, thì CNS phát triển đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho các CQBC chuyển mình, thích ứng để giành giật được đối tượng người dùng là bạn đọc, các nhà quảng cáo, phát triển kinh tế báo chí,… CĐS hiện nay đang là xu thế tất yếu của các CQBC để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu trong năm 2021, tỷ lệ CĐS CQBC – truyền thông đạt 75% theo mô hình hội tụ, đa phương tiện và đến năm 2025 đạt 90%2.

Thứ hai, với nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội sẽ giúp các CQBC nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó, nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Mỗi CQBC sẽ được thông tin và truyền thông cung cấp một tài khoản để khai thác nền tảng phân tích thông tin này.

Thứ ba, nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các CQBC, nền tảng này nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho CQBC. Nền tảng này sẽ hỗ trợ các CQBC giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các CQBC gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ CQBC để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.

Những nền tảng cơ bản có tính quyết định đến sự thành công của công cuộc CĐS đối với báo chí – truyền thông đã được xây dựng và xác lập. Điều còn lại là mỗi CQBC, căn cứ vào điều kiện thực tế ở đơn vị để tiến hành triển khai CĐS nhằm thúc đẩy phát triển, khẳng định vị trí, thương hiệu, uy tín cũng như nguồn thu nhập và tạo lập các giá trị mới của riêng mình. CĐS rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính CQBC3.

Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Quá trình CĐS ở nước ta xuất hiện nhiều vấn đề mới, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, giải đáp, như: vấn đề chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về tính cấp bách của CĐS; yêu cầu đổi mới và kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới; vấn đề phát triển hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; phát triển DN số; phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số; phát triển công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, ứng dụng CNS trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập hoặc quản trị xã hội; vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả và những thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin,… Có thể kể đến những thách thức sau:

Một là, nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có thể tổn hại lớn. Báo chí cũng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Đó còn là xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao.

Hai là, thông tin báo chí luôn bị “chậm chân” so với các tin tức trên internet, mạng xã hội… Do đó, đã có tình trạng lợi dụng “khoảng trống”, “độ trễ” thông tin về dịch bệnh, các đối tượng thường dùng thủ đoạn là lồng ghép thật – giả, sử dụng thông tin về những sự việc, hiện tượng có thật để thêu dệt, thêm thắt những thông tin bịa đặt hoặc bình luận xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc. Hoặc các đối tượng dùng thông tin xác thực, tin chính thống làm “bệ đỡ” cho những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, ngụy biện nhằm lấy được lòng tin của người đọc vào những thông tin sai lệch mà các đối tượng đưa ra4.

Ba là, các đối tượng tập trung xuyên tạc, chống phá vào các nhóm vấn đề chính, như: tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch Covid-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Nhóm vấn đề khác các đối tượng tập trung xuyên tạc là: bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm. Các đối tượng còn kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”; kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng; trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng; lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước…5. Thậm chí, để đối phó với cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động phát tán tin giả, tin xuyên tạc, sai lệch của mình, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như: sử dụng các trang mạng ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài; sử dụng các tài khoản nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt của người khác… để phát tán thông tin xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Bốn là, chiến tranh thông tin giữa các tổ chức và cá nhân được thực hiện ở mọi cơ hội. Hiện nay, các lực lượng thù địch lan truyền thông tin xấu độc, sử dụng mọi chiêu trò thêu dệt lý lịch và hành động, suy diễn phát ngôn của cán bộ, công chức, mượn lời hay cắt ghép hình ảnh và phát ngôn của người dân để kích động chống phá Đảng, Nhà nước và bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm quyền riêng tư, đe dọa và xâm phạm an ninh xã hội. Ở cấp độ cá nhân, xuất phát từ những mục tiêu cụ thể, như do thù hận cá nhân, các bên tham gia cuộc chiến lên mạng xã hội để dựng chuyện, đả kích, chê bai, hạ bệ người khác; do thiếu thông tin, vô tình mù quáng lan truyền tin thất thiệt, “đổ thêm dầu vào lửa”; do thiếu kiểm soát được hành vi cá nhân (như một số người đã “hung hãn” tấn công trang facebook); hay những hạn chế về khả năng diễn đạt thông điệp, đôi khi cũng đơn giản chỉ là gây hấn để câu view… Thực tiễn phức tạp này đòi hỏi báo chí cần tham gia tích cực, chủ động và cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các vấn đề một cách đúng đắn, phân tích có lý, có tình, có giá trị định hướng dư luận và nhất là phải kịp thời, đúng lúc để không rơi vào thế bị động trước tốc độ của mạng xã hội.

Năm là, đại dịch Covid-19 đã mang đến một mối đe dọa hiện hữu đối với các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới và buộc các tổ chức truyền thông phải suy nghĩ lại về cách họ vận hành. Các tòa soạn truyền thống nói riêng đã phải đương đầu với sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc phát hành báo in, sự kiện và doanh số bán quảng cáo. Rõ ràng, thay đổi là điều cấp thiết ngay từ bây giờ nếu chúng ta muốn tồn tại.

Tuy nhiên, quá trình CĐS đối với các tòa soạn báo, truyền thông truyền thống là vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và sự thay đổi trong tư duy. Điều này, bao gồm cả thay đổi văn hóa làm việc, cách tiếp cận báo chí và sự coi trọng các ấn phẩm, đa dạng hóa các mô hình phát triển, cập nhập tin tức,… mức độ sẵn sàng CĐS. Đặc biệt, thách thức rất lớn với báo chí, truyền thông trong CĐS là năng lực CĐS trong sáng tạo nội dung báo chí – truyền thông; sản xuất ra nội dung sản phẩm báo chí, truyền thông trong CĐS là phải có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng, do vậy, cần tạo cơ chế để các CQBC được kết nối với kho dữ liệu quốc gia. Đây là điều không dễ trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, còn những thách thức khác đối với các CQBC – truyền thông là kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức thực hiện tòa soạn điện tử phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc…

Một số giải pháp để cơ quan báo chí – truyền thông biến thách thức thành cơ hội trong công cuộc chuyển đổi số

Thứ nhất, trước tác động của CĐS, báo chí cần đặc biệt coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; mỗi tờ báo nên hướng tới phục vụ tốt nhất đối tượng công chúng chuyên biệt của mình, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, tránh trùng lắp thông tin. Những vấn đề cấp bách của xã hội được đề cập, phản ánh, giải đáp của báo chí phải tạo được sức thuyết phục, hấp dẫn, tạo được niềm tin ở người đọc. Đồng thời, thông tin, bài viết phải được viết bởi những nhà báo chân chính, trung thực, có uy tín trước Nhân dân và dư luận xã hội, gắn bó với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Thứ hai, CĐS thành công để có một xã hội số và một nền kinh tế số phát triển bền vững, cần giải quyết trọn vẹn 3 khâu: thể chế, nền tảng, đào tạo nguồn nhân lực nhưng trên hết là một nền truyền thông số công bằng, cân bằng, minh bạch, dân chủ, nhân văn6. Hiện tại, báo chí – truyền thông đã có được một hệ thống thể chế tương đối đồng bộ, chặt chẽ, đã xác định được một số nền tảng số quan trọng cho chuyển đổi phương thức hoạt động. Vấn đề còn lại nằm ở nguồn lực con người và các mối quan hệ phối hợp hiệu quả để có được những thông tin truyền thông minh bạch, kịp thời, dân chủ và nhân văn. Do đó, các CQBC cần quan tâm xây dựng tiềm lực con người – đội ngũ những người làm báo có tâm, có tầm, có tài. Lựa chọn, đề bạt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các CQBC có phẩm chất, đạo đức tốt, bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao; có kiến thức toàn diện, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, nhạy bén, sắc sảo về chính trị để đưa ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời, chính xác, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, phức tạp, nhất là trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Thứ ba, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động kết nối với các CQBC – truyền thông, thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí… bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Thứ tư, công nghệ là trọng tâm của  CĐS nhưng công nghệ không phải là tất cả. Do vậy, “quả bóng ngay dưới chân lãnh đạo các tòa soạn”, các lãnh đạo CQBC cần phải nuôi dưỡng văn hóa tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, linh hoạt, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông, coi trọng tất cả các nền tảng công nghệ, quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, coi trọng nhân tài. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng một cấu trúc điều hành hiệu quả cho tổ chức là điều cần thiết.

Như vậy, những yêu cầu mới trong bối cảnh CĐS hiện nay, đòi hỏi báo chí – truyền thông phải tiến hành CĐS ngay trong chính đơn vị mình, đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động, chất lượng nội dung của các CQBC… Đặc biệt, tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Đồng thời, cần có chiến lược CĐS của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng CQBC.

Chú thích:
1. Tham luận: “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới” của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Báo chí phải chuyển đổi số để thực hiện sứ mệnh vì một Việt Nam hùng cường. https://ictvietnam.vn, ngày 17/6/2021.
3. Chuyển đổi số trong báo chí: Quả bóng ngay dưới chân các lãnh đạo tòa soạn. https://ictvietnam.vn, ngày 17/6/2021.
4, 5. Thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng. https://baotintuc.vn, ngày 21/8/2021.
6. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và những vấn đề đặt ra cho báo chí Việt Nam. https://kinhtevadubao.vn, ngày 24/6/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
4. Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
5. Văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân – ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Học viện Hành chính Quốc gia
TS. Nguyễn Thị Thu Hòa
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh