Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Làm người, làm dân, làm nghề, làm giáo dục là những nội dung được đề cập trong cuốn sách “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” của tác giả Giản Tư Trung. Cuốn sách cho chúng ta thấy bức tranh tổng thể về vai trò của mỗi cá nhân trong cuộc đời chính họ và vị thế của họ trong mỗi gia đình, quốc gia và xã hội nơi họ đang tồn tại.

Các “công việc” quan trọng nhất mà ai cũng phải làm trong đời là: làm người, làm dân và làm việc. Khi mà những “công việc” này không được coi trọng và có quá nhiều người không làm đúng việc của mình (tức là làm sai việc) thì những gì mà chúng ta đang chứng kiến cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ, lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên chính họ, cũng như làm nên xã hội mà họ sinh sống. Con người khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; nghệ sĩ thì khác với chiến sĩ; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; sử gia thì khác với sử nô; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, gia đình, tổ chức và xã hội bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại “chân giá trị” của nó và cũng còn có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Vậy đâu là “chân giá trị” của mọi vấn đề, đâu là những “công việc” quan trọng nhất mà nếu được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và xã hội cũng sẽ được vận hành một cách văn minh?… Làm sao để lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “ đâu là mình”?… Đó chính là những trăn trở được đề cập trong nội dung của cuốn sách.

Ai trong chúng ta cũng gắn với một (hay một số) nghề nghiệp hay công việc và dành phần lớn cuộc đời của mình để làm nghề hay làm việc đó. Thời gian một ngày của chúng ta chủ yếu được dành cho công việc, chúng ta “sống” ở nơi làm việc có khi còn nhiều hơn ở nhà. Nhưng điều quan trọng hơn hết là: rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Hay nói cách khác, nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. Như vậy, “làm việc” cũng chính là “làm người”, và “làm người” thì không thể không “làm việc”.

Bản chất con người cũng sẽ được thể hiện rõ qua công việc, qua chất lượng công việc mà mình làm, qua lý tưởng công việc mà mình theo đuổi. Nếu ta nhìn vào cách mà mình làm việc, cách mà mình sống thì đó chính là “tấm gương” trung thực phản chiếu “con người” mình. Khi đó tự ta sẽ cảm thấy “thật sự tự hào về con người của mình” hay “mình không đáng được tôn trọng, thậm chí đáng bị khinh”.

Nếu như “đạo sống” (làm người) là những giá trị mà ta lựa chọn cho cuộc đời của mình thì “đạo nghề” (làm việc) chính là lý tưởng nghề nghiệp của công việc mà ta làm. Nói cách khác, “đạo nghề” là cách để hiện thực hóa “đạo sống” trong công việc và nghề nghiệp của bản thân, hay “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc mà không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống mà không có mục đích. Làm một nghề “vô đạo” thì không chỉ bản thân người làm nghề mà cả xã hội cũng có thể bị ảnh hưởng.

Cuốn sách gồm 4 phần:

Phần I, là những câu chuyện thú vị, đi kèm với triết lý của Plato về mục đích sống. Con người hơn loài vật ở chỗ biết phân định đâu là lẽ phải, bằng cách nghe theo tiếng gọi bên trong mỗi con người. Chính vì thế, chúng ta phải sống và chiến đấu vì nó. Để có được sự thức tỉnh từ bên trong, ta cần khai sáng trí óc, thấu hiểu trái tim và nuôi dưỡng văn hóa, tâm hồn. Khi đã thức tỉnh từ bên trong, ta sẽ trở thành con người tự do đúng nghĩa. Biết đâu là phải, trái, đúng, sai, không để bản thân trở thành nô lệ của công danh, bị đồng tiền thao túng hay làm việc cho vừa lòng xã hội.

Phần II, bàn về những vấn đề phức tạp và mang tầm vĩ mô hơn. Để lẽ phải được thực thi, bên cạnh một cơ chế tự do, chúng ta cần xây dựng một nhà nước có đầy đủ chức năng tam quyền phân lập.

Phần III, đưa ra những phân tích sâu sắc về vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Điều phân biệt vai trò của mỗi cá nhân trong các ngành nghề không phải là số tiền họ kiếm được, mà là những ảnh hưởng họ tạo ra cho xã hội thông qua công việc của mình.

Phần IV, tác giả bàn bạc đến vai trò của những nhà giáo dục trong xã hội. Họ có thể là bất cứ ai, từ nhà trường, thầy cô đến cha mẹ học sinh. Cuốn sách sẽ giúp ta trả lời câu hỏi: Thế nào là con người? Đâu là đích đến của giáo dục?… Vì công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể thực sự diễn ra khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời, biết dành lại quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác. Khi nào các chủ thể này còn chưa đúng việc, mà vẫn lẫn lộn, mơ hồ, ôm đồm, chối bỏ việc của mình hay giành việc của những chủ thể khác thì khi đó, e rằng dù có thay đổi bao nhiêu thì giáo dục cũng không thể “mới” được.

Ở cuốn sách “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” ta có thể cảm nhận được bầu nhiệt huyết và cái tâm sôi sục của một nhà giáo dục muốn mang đến những thay đổi tích cực trong cả xã hội.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc.

Thùy Dương