Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh phát triển công nghệ số

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu tác động của công nghệ mạng trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân và tìm hiểu một hình thức mới sử dụng công nghệ số để mở rộng các hình thức tham gia của người dân trong xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ số giúp người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Đặt vấn đề

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nền kinh tế thế giới đã có những bước chuyển quan trọng với những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thay đổi trong hoạt động kinh tế đã tác động trực tiếp tới phương thức hoạt động của Chính phủ. Chính phủ đứng trước thách thức tự đổi mới, chuyển đổi sang chính phủ số nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch với khách hàng, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ số chính là sử dụng các công nghệ số để kết nối, chia sẻ dữ liệu với người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động cơ quan nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan nhà nước; phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Do đó, việc mở rộng các hình thức tham gia của người dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh công nghệ sốlà rất cần thiết.

Tác động của công nghệ số tới sự tham gia của người dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Sự tham gia của người dân được định nghĩa là một quá trình xã hội; trong đó người dân thể hiện các nhu cầu kinh tế, xã hội, chính trị của cá nhân hoặc của cộng đồng và nỗ lực tham gia vào các tiến trình tại cộng đồng, địa phương, quốc gia để hiện thực hóa các nhu cầu đó. Trong tiến trình dân chủ và dân chủ hóa đời sống xã hội, sự tham gia của người dân thực sự cần thiết, là yêu cầu khách quan, yêu cầu của một nhà nước dân chủ và là yêu cầu pháp luật1.

Thế giới đang ngày càng thay đổi nhanh chóng và khó lường, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống xã hội ngày càng trở nên phức tạp, khó đoán định và các cơ quan nhà nước không thể là chủ thể duy nhất có thể giải quyết được mà cần có sự tham gia của các chủ thể khác, đặc biệt là người dân. Sự tham gia của người dân phát huy vai trò làm chủ và là chủ của người dân trong xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ.

Người dân có thể tham gia trực tiếp và tham gia gián tiếp. Tham gia trực tiếp thể hiện trong việc người dân trực tiếp tham gia trưng cầu dân ý, đề xuất sáng kiến, ý tưởng; trực tiếp tham gia trong các hội nghị toàn dân, các cuộc họp tham vấn, đối thoại, họp dân; trực tiếp thể hiện ý kiến qua phiếu ý kiến, hộp thư (thư bưu điện, thư điện tử), gọi điện, nhắn tin. Người dân tham gia gián tiếp thông qua đóng góp ý kiến với các đại biểu dân bầu và thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Bên cạnh các hình thức tham gia mang tính vật lý, dưới tác động của khoa học công nghệ, người dân bắt đầu tham gia với các hình thức điện tử và số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ số (như sử dụng mạng xã hội, diễn đàn trên mạng, nền tảng trực tuyến) đã khiến cho sự tham gia của người dân trở nên nhanh hơn, sâu hơn, rộng hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn.

Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số. Chính phủ số sử dụng công nghệ số gồm internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ và thiết bị di động cũng như dữ liệu và phân tích dữ liệu để hiện đại hóa quá trình điều hành và quản lý của các cơ quan nhà nước. Chính phủ số dựa trên hệ sinh thái số gồm các chủ thể nhà nước và các chủ thể ngoài nhà nước như doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân; trong đó các chủ thể ngoài nhà nước tiếp cận và cùng tham gia tạo ra dữ liệu, dịch vụ của các cơ quan nhà nước thông qua tương tác trực tiếp với cơ quan nhà nước.

Tham gia của người dân trong bối cảnh công nghệ số là sự tham gia của người dân có sử dụng công nghệ số, từ sử dụng ở mức đơn giản như tương tác với cơ quan nhà nước, tham gia mạng lưới để trao đổi, thảo luận các vấn đề công đến đề xuất, phản ánh và kết nối các mạng lướitrong quá trình chính sách và ra quyết định. Tham gia số được hiểu là bất cứ sự tương tác nào (tiếp cận thông tin, đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị hoặc bình chọn) cho phép người dân có tham gia, ảnh hưởng đến quá trình cung ứng dịch vụ, ra quyết định giải quyết vấn đề, ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người dân và lợi ích công. Với ý nghĩa đó, cần có những nghiên cứu về cơ chế, phương thức thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và xã hội với sự hỗ trợ của công nghệ số trong xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường sự tham gia của nhân dân vào quá trình ra quyết định, giải quyết vấn đề công, hoạch định và thực thi chính sách sẽ góp phần nâng cao quản trị quốc gia.

Một số hình thức mở rộng sự tham gia của người dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Người dân có thể tham gia với các hình thức khác nhau, từ khâu đề xuất chính sách đến xây dựng văn bản. Người dân tham gia theo từ mức độ thấp nhất là được cung cấp thông tin; tham vấn chính sách; đề xuất, thiết kế phương án chính sách và đồng quyết định. Người dân có thể tương tác trực tiếp với công chức thông qua tính năng “chat” để được cung cấp thông tin trong thời gian thực.

Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước đã sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với người dân và ngược lại người dân có thể tương tác với các cơ quan nhà nước thông qua các tính năng như gửi video clip, gửi tin nhắn, hình ảnh về những vấn đề liên quan đến lợi ích công. Người dân có thể tham gia các cuộc khảo sát ý kiến trực tuyến về một số vấn đề chính sách, phương án chính sách, dự thảo văn bản.

Một công cụ tham gia số khác đã và đang hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình đồng thiết kế và quyết định tính khả thi của chính sách đó là cơ chế phản ánh và kiến nghị trực tuyến do cơ quan nhà nước thiết lập và vận hành. Cơ chế này cho phép người dân phản ánh bất cứ mối quan tâm nào liên quan đến lợi ích công, chia sẻ ý kiến về những vấn đề trong dự thảo văn bản ảnh hưởng đến lợi ích công, hoặc gửi các đề xuất, kiến nghị, phương án giải quyết vấn đề, chính sách, dự thảo văn bản với các cơ quan nhà nước. Một hình thức tham gia số khác của người dân trong quản trị nhà nước là bình chọn trực tuyến các phương án hay sự đồng tình đối với dự thảo văn bản. Các công cụ số thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn về số lượng (nhiều người tham gia cùng lúc, nhiều lượt người tham gia) và về chất lượng, tham gia ở mức độ cao hơn, đó là tham vấn số và đồng thiết kế quyết định.

Thực tiễn xây dựng chính sách và văn bản pháp luật đã xuất hiện công nghệ mới tác động qua lại giữa chính quyền và xã hội trong quá trình thảo luận chính sách và ra quyết định, đó là “crowdsourcing” (Phát huy các nguồn lực công chúng: crowd – đám đông, công chúng và sourcing – sử dụng các nguồn lực). Đó là việc thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng nhằm khai thác khả năng sáng tạo, tri thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đổi mới hoạt động sản xuất với sự hỗ trợ của công nghệ mạng. Phương thức này đã được Chính phủ nhiều ứng dụng như là hình thức ra quyết định cùng nhau giữa chính quyền và xã hội.

Công nghệ “Phát huy các nguồn lực công chúng” tích cực áp dụng các công cụ mạng tạo thành diễn đàn đối thoại và mạng lưới xã hội, được ứng dụng trong cả xây dựng văn bản pháp luật và chương trình, chính sách nhà nước. Cụ thể, cuối năm 2011 ở Ailen người dân bằng việc tích cực sử dụng mạng xã hội đã tham gia xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 2011 và đã được quốc hội thông qua năm 2012. Tương tự như vậy ở Phần Lan, Nga, Anh, Mỹ, người dân có thể đề xuất sáng kiến, các dự thảo văn bản, thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình với dự thảo trên trang thông tin dự thảo văn bản.

Ở nhiều nước, dự án luật, dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được thảo luận trên mạng. Thông qua internet, người dân đánh giá và góp ý về quan điểm, nguyên tắc xây dựng, chỉnh sửa và đưa ra các ý kiến, ý tưởng  của mình. Khi đề xuất chính sách để xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết lập kênh trực tuyến để cho xã hội, công dân tham gia xây dựng và thẩm định dự thảo. Cộng đồng mạng tham gia khá sâu trong đề xuất ý tưởng, cách diễn đạt và hoàn thiện nội dung cho từng điều khoản. Thông thường, các đạo luật được tham gia thảo luận rộng rãi nhất khi liên quan đến những vấn đề mà đông đảo người dân quan tâm. Các vấn đề sát sườn, cấp bách nhất được đưa ra xem xét thảo luận. Bước góp ý chỉnh sửa trực tiếp trên internet đã được đưa vào quy trình chính thức xây dựng dự thảo nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm tính hiệu quả kinh tế. Người dân truy cập mạng có thể cho ý kiến đồng tình với các đề xuất và đưa ra quan điểm riêng của mình về vấn đề tranh luận3.

Ở Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã tách quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản4. Từ trước đó, Luật năm 2008 đã quy định về cơ chế lấy ý kiến dự thảo văn bản của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị, xã hội và đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản. Dự thảo văn bản phải được đăng trên Trang thông tin điện tử của cơ quan xây dựng dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi công dân và tổ chức. Việc ứng dụng phương thức mở rộng sự tham gia trên là một hướng hoàn thiện cho hoạt động này.

Điểm khác so với lấy ý kiến rộng rãi trên mạng theo cách thông thường là nguyên tắc hình thành cộng đồng mạng cho phép thu hút hiệu quả hơn các chuyên gia và tính đại diện của cộng đồng xã hội. Và, kết quả tham gia không phải là các nhận xét chung chung, thiếu luận cứ, cần dành thời gian nghiên cứu mà dựa trên thăm dò ý kiến rộng rãi và đề xuất cụ thể hoàn thiện từng khoản điểm của dự thảo. Dự thảo văn bản được thiết kế chia nhỏ theo từng điều khoản để có thể đóng góp cụ thể các ý kiến, đánh giá ý kiến, đề xuất chỉnh sửa và thống nhất cuối cùng. Mỗi điều khoản được tạo thành các blog riêng.

Việc tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến và thẩm định chính sách và dự thảo văn bản trên mạng tiến hành theo nguyên tắc: (1) Bất kỳ công dân nào cũng đều có thể đọc toàn bộ dự thảo. (2) Được tham gia đầy đủ vào quy trình (cho ý kiến, tạo nên các kênh ý kiến riêng, cung cấp đầy đủ dữ liệu thông tin cá nhân, bỏ phiếu thông qua từng điều khoản. Phương án có số lượng được cộng đồng mạng tán thành cao nhất có giá trị quan trọng để quyết định phương án cuối cùng.

Tóm lại, phương thức mở rộng sự tham gia của người dân thông qua công nghệ số có thể xem như là công cụ hiệu quả tham gia của người dân, nhờ đó có thể khai thác tiềm năng của các nguồn lực thông tin, tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động ban hành chính sách và ra quyết định, tạo các điều kiện để phát huy sáng kiến xã hội và ra quyết định chính trị. Đây không chỉ là khả năng về công nghệ, không chỉ là việc người dân được tiếp cận dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên mạng mà là sự quan tâm và sàn sàng của người dân tham gia vào xây dựng dự thảo, tạo nên diễn đàn xã hội. Mục tiêu của thảo luận trên mạng không chỉ là tập hợp ý kiến xã hội, hoàn thiện dự thảo văn bản, tạo nên văn bản đạt chuẩn mực và chất lượng cao hơn mà là hình thành cộng đồng mạng sẵn sàng, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao văn hóa tham gia trên mạng của người dân, hiện đại hóa hành vi cộng đồng, củng cố và nâng cao niềm tin của các tầng lớp xã hội đối với chính quyền và kết quả là nâng cao hiệu quả tác động xã hội thông qua mạng truyền thông.

Chú thích:
1. Nguyễn Thị Thu Cúc. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định ở địa phương. Tạp chí Cộng sản, số 922 (tháng 3/2019), tr. 66-70.
2. Helsper, E. (2008), Digital inclusion: an analysis of social disadvantage and the informationsociety, Department for Communities and Local Government, London, UK, ISBN 9781409806141.
3. Howe J. Crowdsourcing: Why the Power of the Crowd Is Driving the Future of Business. Crown Publishing Group, 2009.
4. Luật Ban hành văbản quy phạm pháluật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

   Nguyễn Trung Sơn
  Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên