Đoàn Quang Huy
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Sử dụng kết quả điều tra xã hội học 300 nông hộ sản xuất rau hữu cơ tại 6 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và mô hình logistics, nghiên cứu đã xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tín dụng của các nông hộ sản xuất rau hữu cơ. Kết quả phân tích đã chỉ ra có 6 yếu tố quan trọng ảnh hưởng, bao gồm: chính sách tín dụng, lịch sử tín dụng, tài sản thế chấp, thu nhập của hộ, tuổi của chủ hộ và sự nhiệt tình tham gia các đoàn thể kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng của hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Từ khóa: Rau hữu cơ; tiếp cận tín dụng; logistics; nông dân; nông sản; trung du và miền núi phía Bắc; chính sách kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Tín dụng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tín dụng cung cấp nguồn vốn để các nhà nông có thể đầu tư vào các yếu tố sản xuất, như: máy móc, hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hệ thống tưới tiêu và các công nghệ mới. Điều này giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu suất sản xuất. Tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp, từ việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ đến việc quản lý rủi ro và mở rộng sản xuất. Tiếp cận tín dụng giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế của từng địa phương, vùng và quốc gia. Mặt khác, các hộ nông dân thường phải đối mặt với các rủi ro, như: thời tiết xấu, sâu bệnh hoặc giảm giá sản phẩm nông sản nên việc tiếp cận tín dụng giúp họ có thêm nguồn lực để đối phó với các tình huống không lường trước này. Các khoản vay có thể được sử dụng để mở rộng sản xuất và phân phối, từ đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường và tăng thu nhập. Tiếp cận tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống và cải thiện điều kiện kinh doanh của các hộ nông dân.
Hiện nay, việc chuyển đổi sản xuất rau từ phương thức truyền thống sang phương thức hữu cơ là một hướng đi tất yếu đối với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tiếp cận được tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng đối với loại hình sản xuất này do đặc thù cần nhiều vốn và thời gian thu hồi vốn lâu. Nhưng trên thực tế, việc tiếp cận tín dụng của hộ nông dân khu vực trung du và miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế, khó khăn. Do vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc tiếp cận tín dụng của các hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển một cách toàn diện và bền vững nhất.
2. Tổng quan nghiên cứu
Feng, Zeng và Hu (2023)1 đã sử dụng dữ liệu kết quả khảo sát tài chính hộ gia đình Trung Quốc nhằm mục đích kiểm tra tác động của việc tiếp cận thẻ tín dụng đối với sự tham gia lao động hộ gia đình ở Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ tích cực đáng kể giữa việc sử dụng thẻ tín dụng và quyết định trên thị trường lao động. Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chính sách của chính phủ, kế hoạch kinh doanh, tài sản thế chấp, cũng như các đặc điểm của hộ gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ.
Salima và các tác giả (2023)2 đã nghiên cứu tác động của việc tiếp cận tín dụng chính thức hoặc không chính thức đối với an ninh lương thực hộ gia đình trong bối cảnh quốc gia đang phát triển bị hạn chế về tín dụng như Malawi. Kết quả phân tích cho thấy, các yếu tố chính quyết định khả năng tiếp cận tín dụng chính thức bao gồm trình độ học vấn và quy mô hộ gia đình, trong khi các yếu tố quyết định khả năng tiếp cận tín dụng phi chính thức bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, quy mô sở hữu đất, quy mô hộ gia đình và lịch sử tín dụng.
Dong và cộng sự (2021)3 đã nghiên cứu tác động của vấn đề đất đai đối với tiếp cận tín dụng của Trung Quốc. Các tác giả đã nghiên cứu sự sẵn lòng của hộ gia đình trong việc tiếp cận tín dụng chính thức và những hạn chế về mặt thể chế trong việc tiếp cận tín dụng chính thức. Các kết quả cho thấy, các loại tài sản thế chấp như đất đai có tác động tích cực đáng kể đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ gia đình. Đất lâm nghiệp của hộ gia đình có tác động tích cực đáng kể đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức. Sự sẵn sàng tiếp cận tín dụng của hộ gia đình bị ảnh hưởng đáng kể và tích cực bởi tài sản thế chấp đất đai. Điều này cho thấy, tài sản thế chấp là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ.
3. Phương pháp nghiên cứu
Mô hình hàm logistics có dạng như sau:

Trong đó, Y = 1 nếu hộ đang vay vốn; Y = 0 nếu hộ không vay vốn.
Nghiên cứu này sử dụng kết quả điều tra xã hội học của 300 hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại 6 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang) thông qua bảng hỏi soạn sẵn. Việc lựa chọn 6 tỉnh này căn cứ trên phân vùng địa lý, đại diện cho những khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cụ thể: vùng trung tâm (Thái Nguyên, Bắc Kạn), Tây Bắc Bộ (Yên Bái), Đông Bắc Bộ (Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng). Tác giả sử dụng phương pháp lựa chọn mẫu ngẫu nhiên khả dụng.
Sau khi thu thập số liệu, tác giả tiến hành phân loại, thống kê và phân tích các yếu tố ảnh hưởng bằng mô hình logistics. Đây là lựa chọn tối ưu để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

Sử dụng thang đo Likert 5 bậc. Tài sản thế chấp (TS), thu nhập của hộ (TN) và tuổi của hộ (TH) là các biến giá trị liên tục. Biến tham gia đoàn thể (TG) là biến nhị phân.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Chính sách tín dụng và thực trạng tiếp cận tín dụng của nông hộ sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Để phân tích thực trạng về tiếp cận tín dụng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tác giả đã điều tra 300 hộ nông dân. Thông tin xã hội học của các hộ điều tra được thể hiện qua bảng dưới đây:

Qua nghiên cứu cho thấy, hiện nay, Chính phủ đã xây dựng rất nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này bao gồm các biện pháp, chính sách của Nhà nước nhằm mục đích khuyến khích các ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, từ đó từng bước xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của Nhân dân. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 để hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Tiếp đến là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn. Để thực hiện Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 để hướng dẫn. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2018. Nghị định số 17/VBHN-NHNN ngày 25/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại có thể được vay tiền từ các tổ chức tín dụng mà không yêu cầu tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nông hộ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn

Như vậy có thể thấy, yêu cầu thủ tục quá phức tạp, thiếu tài sản thế chấp đang là những khó khăn mà tất cả các hộ muốn tiếp cận vốn đều gặp phải. Liên quan tới thủ tục vay vốn, quy trình vay vốn có thể phức tạp và đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý, tài liệu và thông tin kinh doanh. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho những người không có kinh nghiệm trong các giao dịch tài chính. Trên thực tế nông hộ khó có đủ năng lực để lập dự án sản xuất hoặc phương án kinh doanh, trong khi đây là những loại giấy tờ mà ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào cũng yêu cầu. Đối với việc vay mua sắm máy móc thiết bị, ngân hàng thường yêu cầu lập kế hoạch sử dụng máy móc, vật tư, mua hàng tại các điểm bán cố định mà doanh nghiệp đã đăng ký, hoá đơn giá trị gia tăng… Tất nhiên ngân hàng cũng có lý do để yêu cầu các loại giấy tờ này, vì họ muốn bảo đảm khách hàng có đủ khả năng để trả nợ. Tuy nhiên, điều này lại là một thách thức đối với nông hộ. Bên cạnh đó, ngân hàng không quá “mặn mà” với các khách hàng nông hộ vì thường số lượng vốn vay thấp, tốn nhiều công sức và chi phí để thẩm định, đặc biệt là khó thu hồi vốn do rủi ro trong đầu tư nông nghiệp khá cao.
Thiếu tài sản thế chấp cũng là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Mặc dù Nghị định số 17/VBHN-NHNN đã đưa ra các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng không tài sản bảo đảm, tuy nhiên trên thực tế, nếu không có tài sản bảo đảm thì nông hộ sẽ vay được rất ít, chỉ vài chục triệu đồng, không đủ để mở rộng sản xuất – kinh doanh, đặc biệt đầu tư rau hữu cơ lại cần rất nhiều vốn. Thậm chí tại nhiều tổ chức tín dụng, nông hộ không vay được nếu không có tài sản bảo đảm vì rủi ro cao và quyền cho vay phụ thuộc ở phía tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, có 63,3% hộ thiếu thông tin, chưa được hướng dẫn để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Chính phủ và các tổ chức tín dụng có nhiều chương trình vốn vay ưu đãi dành cho nông hộ, nhưng trên thực tế không phải nông hộ nào cũng nắm bắt được các thông tin này. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này: (1) Nông hộ không thường xuyên xem tivi, đọc báo để cập nhật thông tin dẫn tới không biết thông tin; (2) Các kênh thông tin của chính quyền địa phương chưa được hiệu quả, chưa truyền tải được tới nông hộ; (3) Nông hộ có thông tin nhưng không biết tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thế nào; (4) Điều kiện để nhận được vốn vay ưu đãi rất ngặt nghèo khiến các nông hộ không vay được.
Thêm vào đó, có một số nguyên nhân khác gây khó khăn trong việc vay vốn, như: (1) Lãi suất cao (41,3%). Tỷ lệ lãi suất có thể được áp dụng cho vay vốn nông nghiệp thường cao hơn so với các ngành công nghiệp khác, điều này làm tăng chi phí vốn và làm giảm lợi ích kinh tế từ việc vay; (2) Thiếu hỗ trợ kỹ thuật và quản lý đồng bộ (38,7%). Nhiều nông hộ cần hỗ trợ kỹ thuật và kiến thức quản lý để sử dụng hiệu quả vốn vay, nhưng những hỗ trợ này thường không có; trong khi nhiều nông hộ không có đủ kiến thức và hiểu biết về các sản phẩm tài chính và cách quản lý tài chính, điều này có thể làm giảm khả năng họ tìm kiếm và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả; (3) Rủi ro cao, không dám vay (32,7%). So với các lĩnh vực khác thì sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất – kinh doanh có rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Do vậy, nhiều hộ có ý tưởng kinh doanh, nhưng không dám vay để mở rộng sản xuất vì lo không đủ khả năng trả nợ.
(2) Phân tích các yếu tố tác động tới tiếp cận tín dụng của hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng, tác giả đã sử dụng mô hình logistics dựa trên kết quả điều tra xã hội học 300 hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại 6 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Kết quả xác suất kiểm định Log Likelihood ratio (Prob>Chi2) < 0,05 chứng tỏ mô hình có ý nghĩa thống kê. Hệ số xác định R2 thể hiện rằng 62,2% sự thay đổi khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ sản xuất rau hữu cơ tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là do các yếu tố có trong mô hình. Kết quả kiểm định và phân tích cho thấy, tất cả các yếu tố đề xuất đều có ảnh hưởng tích cực tới khả năng tiếp cận vốn của nông hộ. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, chính sách tín dụng có ảnh hưởng mạnh mẽ tới khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ theo nhiều cách khác nhau. Chính sách về lãi suất tín dụng có thể ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của việc vay vốn cho nông hộ. Lãi suất cao có thể làm tăng chi phí vay vốn và làm cho việc tiếp cận vốn trở nên khó khăn hơn đối với nông hộ, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Chính sách về yêu cầu bảo đảm (tài sản bảo đảm) có thể ảnh hưởng đến khả năng của nông hộ tiếp cận vốn. Nếu các yêu cầu bảo đảm quá cao, các nông hộ có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này, đặc biệt là đối với những nông hộ nghèo đang sở hữu ít tài sản.
Chính sách về cơ cấu dịch vụ tài chính cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của nông hộ. Nếu hạ tầng tài chính không được phát triển đầy đủ ở khu vực nông thôn, nông hộ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Các chính sách về thị trường tín dụng có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự đa dạng trong ngành tài chính, từ đó ảnh hưởng đến sự lựa chọn và khả năng tiếp cận vốn của nông hộ. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp các sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc điều kiện vay vốn linh hoạt hơn cho nông hộ, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận vốn của họ.
Thứ hai, lịch sử tín dụng có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận vốn của nông hộ. Lịch sử tín dụng cá nhân của mỗi nông hộ có thể ảnh hưởng đến khả năng họ được duyệt vay vốn. Nếu một nông hộ đã có lịch sử vay và trả nợ đúng hạn, họ có thể dễ dàng hơn trong việc được cấp tín dụng hơn là những người không có lịch sử tín dụng tốt. Nếu một nông hộ từng trải qua khó khăn trong việc trả nợ hay có các khoản vay không được giải quyết, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận vốn trong tương lai. Đặc biệt, thị trường tín dụng địa phương có thể bị ảnh hưởng bởi lịch sử kinh tế – xã hội của khu vực đó. Nếu thị trường tín dụng trước đây không ổn định hoặc có các vấn đề về tín dụng, các ngân hàng có thể cảm thấy ngần ngại trong việc cung cấp vốn cho nông hộ trong khu vực đó. Thêm vào đó, những quy định và chính sách tín dụng quy định bởi các tổ chức tài chính và Chính phủ cũng có thể được định hình bởi lịch sử tín dụng và kinh nghiệm trước đó. Nếu có lịch sử rủi ro trong việc cấp tín dụng cho nông hộ, các tổ chức tài chính có thể áp đặt các biện pháp cẩn trọng hơn trong việc đánh giá và duyệt vay vốn.
Thứ ba, tài sản thế chấp có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận vốn của nông hộ. Ngân hàng thường yêu cầu một loại tài sản, như: đất đai, nhà ở hoặc các tài sản có giá trị tương đương để bảo đảm khoản vay. Do đó, nếu nông hộ không có tài sản thế chấp hoặc tài sản này không đủ giá trị, họ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Có tài sản thế chấp thường giúp nông hộ có thể đàm phán được lãi suất thấp hơn và điều kiện vay linh hoạt hơn từ các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, nếu nông hộ không có tài sản thế chấp, họ có thể phải chấp nhận lãi suất cao hơn hoặc các điều kiện vay khắt khe hơn. Tài sản thế chấp cũng có thể ảnh hưởng đến phạm vi và số lượng vốn mà nông hộ có thể tiếp cận. Những nông hộ có tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn thường có thể vay được số tiền lớn hơn và với điều kiện tốt hơn so với những người không có tài sản thế chấp.
Thứ tư, thu nhập của nông hộ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận tín dụng. Ngân hàng và tổ chức tài chính thường đánh giá khả năng trả nợ của một hộ nông dân dựa trên thu nhập của họ. Nếu một hộ nông dân có thu nhập ổn định và đủ để trả nợ hằng tháng, họ có khả năng cao để được duyệt vay vốn. Một số tổ chức tài chính có thể yêu cầu các hộ nông dân cung cấp tài sản thế chấp như bảo đảm cho khoản vay. Trong trường hợp này, thu nhập của hộ nông dân có thể ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc cung cấp tài sản thế chấp có giá trị đủ để bảo đảm khoản vay. Mức độ rủi ro của một hộ nông dân được xác định dựa trên thu nhập của họ và điều này có thể ảnh hưởng đến lãi suất và điều kiện vay. Những hộ nông dân có thu nhập ổn định và cao hơn có thể được cung cấp lãi suất thấp hơn và điều kiện vay linh hoạt hơn. Mức độ thu nhập của hộ nông dân cũng có thể ảnh hưởng đến phạm vi và số lượng vốn mà họ có thể tiếp cận. Những hộ nông dân có thu nhập cao hơn thường có khả năng vay được số tiền lớn hơn với lãi suất tốt hơn.
Thứ năm, tuổi của chủ nông hộ ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn. Nếu chủ hộ còn trẻ, họ có khả năng trả nợ lâu dài hơn và do đó có thể được xem xét cho các khoản vay vốn dài hạn hơn. Tuổi của chủ hộ có thể ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc cung cấp tài sản thế chấp có giá trị đủ để bảo đảm khoản vay, cũng như lãi suất và điều kiện vay. Những chủ hộ trẻ tuổi có thể được coi là có tiềm năng kinh doanh lớn hơn và sẽ được vay với mức lãi suất thấp hơn, linh hoạt hơn. Tuổi tác cũng thường liên quan đến kinh nghiệm và khả năng quản lý kinh doanh. Những chủ hộ có tuổi tác lớn có thể có kinh nghiệm và kỹ năng quản lý tốt hơn, điều này có thể là một yếu tố thuận lợi khi xin vay vốn.
Thứ sáu, việc tích cực tham gia các đoàn thể tăng khả năng vay vốn của nông hộ. Cụ thể, tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp có thể giúp nông hộ dễ dàng vay vốn hơn. Hợp tác xã thường có thể tiếp cận các nguồn vốn lớn hơn từ các tổ chức tài chính do có quy mô lớn và có khả năng bảo đảm trả nợ hiệu quả hơn. Tham gia vào hội nông dân có thể giúp nông hộ có tiếng nói chung và có sức ảnh hưởng khi đòi hỏi các chính sách và chương trình hỗ trợ tài chính cho nông dân từ chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Tham gia vào các liên minh và mạng lưới nông nghiệp có thể giúp nông hộ tiếp cận thông tin, nguồn lực và cơ hội vay vốn. Các tổ chức này thường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính và giúp kết nối nông hộ với các nguồn vốn khác nhau.
Do vậy, để có thể hỗ trợ nông hộ trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất rau hữu cơ, điều rất quan trọng là Chính phủ cần phải liên kết với các ngân hàng và các tổ chức kinh tế – xã hội xây dựng các chính sách, cũng như các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế bền vững của các hộ nông dân.
5. Giải pháp
Để có thể nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Chính phủ cần phải kết hợp với các ngân hàng và các tổ chức kinh tế – xã hội thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Chính phủ có thể tăng cường các chương trình và chính sách hỗ trợ tài chính cho nông hộ, bao gồm cung cấp các khoản vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ cho các dự án nông nghiệp và cung cấp các khoản tín dụng mục tiêu để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hai là, phát triển các cơ chế tài chính địa phương, như: ngân hàng địa phương, các tổ chức tín dụng cộng đồng và các hợp tác xã tín dụng có thể giúp nông hộ tiếp cận vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.
Ba là, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật song song với hỗ trợ tài chính có thể giúp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của nông hộ bằng cách cải thiện hiệu suất và khả năng trả nợ.
Bốn là, phát triển các thị trường tài chính nông nghiệp có thể giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn cho nông hộ thông qua các sản phẩm tài chính mới, như: bảo hiểm mùa vụ, các công cụ tài chính dự trữ và quỹ hỗ trợ.
Năm là, cung cấp chương trình giáo dục và hỗ trợ tài chính cho nông hộ về quản lý tài chính, kế hoạch kinh doanh và quản lý rủi ro có thể giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của họ thông qua việc cải thiện sự hiểu biết và kỹ năng quản lý.
Sáu là, khuyến khích các tổ chức tài chính, như: ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tham gia vào các dự án, chương trình hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp. Điều này có thể tạo ra các nguồn vốn mới cho nông hộ.
Chú thích:
1. Feng, D., Zeng, B. và Hu, H. (2023). Access to credit cards and household labor participation: Evidence from China. Finance Research Letters, 58(D), 104684.
2. Salima, W., Manja, L.P., Chiwaula, L.S. và Chirwa, G.C. (2023). The impact of credit access on household food security in Malawi. Journal of Agriculture and Food Research, 11, 100490.
3. Dong, J., Liang, W., Fu, Y., Liu, W. và Managi, S. (2021). Impact of devolved forest tenure reform on formal credit access for households: Evidence from Fujian, China. Economic Analysis and Policy, 71, 486 – 498.
Tài liệu tham khảo:
1. Hà Thị Việt Thúy (2021). Nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/04/13/nang-cao-hieu-qua-tiep-can-tin-dung-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam/
2. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (2023). Quy định mới về vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quy-dinh-moi-ve-vay-von-tu-quy-ho-tro-nong-dan-119230627165431552.htm