TS. Biền Quốc Thắng
Học viện Chính trị khu vực II
(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường; yêu cầu phát triển nhanh và bền vững luôn đặt ra thường trực đối với mỗi quốc gia… Trước bối cảnh đó, đòi hỏi các quyết sách chính trị của các quốc gia, địa phương cần bảo đảm tính khách quan, khoa học, tính chính đáng để không chỉ hóa giải kịp thời các thách thức mà còn tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy quốc gia phát triển. Chính vì lẽ đó, phát huy vai trò, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phản biện xã hội nhằm hoàn thiện các quyết sách chính trị đang là xu thế tất yếu hiện nay ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Từ khóa: Phản biện xã hội; hoạt động; nâng cao chất lượng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế… Hằng năm, Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã ban hành hàng trăm quyết sách chính trị để chỉ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế – chính trị – xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua các quyết sách chính trị của Đảng bộ, chính quyền TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ quả của những hạn chế, đó là: “tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp”1.
Trước yêu cầu xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số… đòi hỏi đảng bộ, chính quyền Thành phố cần có các quyết sách chính trị kịp thời, khoa học, chính đáng để tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sự đồng lòng, đồng sức, thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và người dân Thành phố. Chính vậy, việc đi sâu nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện, có hệ thống thực trạng hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh thời gian qua; trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức này trong thời gian tới là yêu cầu có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh
a. Một số kết quả đạt được
Những năm qua, hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2013 – 2023, hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã tổ chức được 3.759 hội nghị phản biện xã hội (cấp thành phố: 54 hội nghị; cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức: 546 hội nghị; cấp phường, xã, thị trấn: 3.159 hội nghị); gửi 5.829 văn bản phản biện xã hội đến các cơ quan có liên quan (cấp thành phố: 517 văn bản; cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức: 489 văn bản; cấp phường, xã, thị trấn: 4.823 văn bản)2.
Hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện với các nội dung quan trọng, như: dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện “Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh”; “Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, “Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; “Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của Thành phố giai đoạn 2018 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”; Quận 5, tổ chức hội nghị phản biện xã hội về thực hiện sắp xếp khu phố trên địa bàn, ngày 05/8/2023. Quận 8, tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, ngày 30/5/2024…
Hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh diễn ra khá sôi nổi, đa dạng. Các báo cáo từ các hội nghị phản biện xã hội luôn được các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu và đánh giá cao; các góp ý, hiến kế từ các hội nghị phản biện xã hội đã trở thành một kênh quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền có thêm thông tin, cách tiếp cận đa chiều trước khi xem xét, ra các quyết định để lãnh đạo, quản lý, điều hành Thành phố. Kết quả trên, không chỉ góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền Thành phố mà còn tiết kiệm được công sức, tiền của của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận, thống nhất, là tiền đề, điều kiện để Thành phố ổn định và phát triển.
b. Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế:
Một là, Thành phố có số lượng hội viên, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học đông đảo hàng đầu của cả nước; song kết quả phản biện xã hội diễn ra thời gian qua đạt được là chưa tương xứng với số lượng, quy mô của các chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó, số lượng các hội nghị phản biện xã hội, các văn bản kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh các cấp chưa đồng đều; có quận, phường, xã tham gia thường xuyên, tích cực; ngược lại, có nơi tham gia rất ít, thậm chí không tham gia vào hoạt động này trong thời gian dài.
Hai là, về chất lượng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: “Công tác phản biện xã hội chưa thực sự rõ nét, chưa đúng bản chất và mức độ là phản biện xã hội; nhiều nơi chủ yếu vẫn chỉ là tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản, đề án, kỹ thuật soạn thảo văn bản. Một số nơi còn nhầm lẫn giữa phản biện xã hội với góp ý, còn bị động trong đề xuất các nội dung phản biện xã hội, chưa phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong hoạt động phản biện xã hội”3. Đặc biệt, với vị trí là “đầu tàu kinh tế” của cả nước, song phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh chưa mang tính chiến lược, đột phá lớn để thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Ba là, về phương thức tổ chức phản biện xã hội chưa thực sự linh hoạt, chủ yếu tổ chức hội nghị các cơ quan lãnh đạo trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị – xã hội từng cấp và phương thức tổ chức lấy ý kiến phản biện. Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện được thực hiện khá khiêm tốn. Chính vì thế nên trước các “nút thắt”, “điểm nghẽn”, các vấn đề phát sinh, nổi cộm chưa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại với chính quyền để tháo gỡ, giải quyết một cách triệt để. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ vào hoạt động phản biện xã hội vẫn còn khá khiêm tốn; hoạt động phản biện xã hội diễn ra khá đơn điệu, chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Đảng ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và bản thân Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh về vai trò và tầm quan trọng của phản biện xã hội thông qua việc học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về phản biện xã hội. Cần xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt một cách chi tiết, cụ thể, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề, các hội thi tìm hiểu về phản biện xã hội để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện hiểu biết thêm về tầm quan trọng cũng như các chủ thể, đối tượng, phạm vi, phương thức phản biện xã hội… Cách tổ chức đi sâu vào thực chất, hiệu quả để các cá nhân, tổ chức hiểu giá trị, ý nghĩa của hoạt động phản biện xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện các chế tài về hoạt động phản biện xã hội. Cụ thể:
(1) Thống nhất trong xác định đối tượng, trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đơn cử: đối tượng phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Đảng bao gồm cả chủ trương, đường lối của Đảng – rộng hơn so với “dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước” trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2013. Do đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2013 cần chỉnh sửa để tạo sự thống nhất giữa văn bản của Đảng và văn bản của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện… cũng chưa cụ thể. Theo đó, cần yêu cầu tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện phải cử người đứng đầu tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu; không nên quy định “người có trách nhiệm” một cách chung chung như khoản 2 Điều 36 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh lại điều khoản này.
(2) Có chế tài đủ mạnh về cung cấp kịp thời thông tin, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau phản biện xã hội. Điều này, giúp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động, nâng cao chất lượng trong phản biện xã hội góp phần xóa bỏ được “lợi ích nhóm”, “phòng, chống tham nhũng chính sách”, “lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”4; góp phần phát huy dân chủ, huy động được sức mạnh trí tuệ của toàn thể nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như tại các địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức phản biện xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cần tích cực, chủ động liên lạc, trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền và các tổ chức thành viên để nắm bắt sớm thông tin; tổ chức huy động lực lượng đông đủ để thực hiện phản biện xã hội một cách kịp thời khi có yêu cầu. Trong quá trình phối hợp cần ghi rõ nội dung, trách nhiệm, nghĩa vụ, từng giai đoạn, thời điểm cụ thể trong chương trình, kế hoạch phản biện xã hội hàng năm. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới nội dung phản biện xã hội. Chú ý đến tính trọng tâm, trọng điểm của nội dung phản biện; quan tâm, ưu tiên thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến đông đảo đời sống của người dân, những vấn đề đặt ra có tính cấp thiết đối với sự phát triển của Thành phố trước. Đồng thời, cần linh hoạt, đổi mới trong việc lựa chọn phương thức phản biện hiệu quả nhất, như: sử dụng hình thức lấy ý kiến; hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh với các cơ quan, tổ chức…
Thứ tư, xây dựng lực lượng, tạo môi trường, điều kiện, chính sách tốt nhằm nâng cao chất lượng phản biện xã hội. Cụ thể:
(1) Về lực lượng phản biện, tập hợp, thu hút sự tham gia tích cực, thường xuyên của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn tiêu biểu.
(2) Tạo lập môi trường dân chủ, văn minh trong phản biện xã hội, đó là nơi các chủ thể được tự do trình bày quan điểm khoa học của mình mà không bị chi phối, áp lực từ bên ngoài; các quan điểm khoa học đưa ra được tôn trọng, ghi nhận, tiếp thu; tạo điều kiện khuyến khích và bảo vệ các cá nhân, tổ chức dám nói thẳng, nói thật, đấu tranh quyết liệt với cái xấu, đối mặt với những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần tạo lập môi trường làm việc văn minh, nghĩa tình, ở đó có sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ nhau trong công việc và trong cuộc sống.
(3) Trang bị đầy đủ, hiện đại các trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng phản biện xã hội, như: phòng hội nghị, hệ thống âm thanh, ánh sáng, đường truyền internet, in ấn tài liệu, máy in, máy ảnh… Việc trang bị các phương tiện, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại không chỉ giúp cho các cá nhân, tổ chức phản ánh được chân thực, đầy đủ các nội dung mà còn làm cho phương thức phản biện xã hội thêm phong phú, đa dạng.
(4) Có chính sách chi trả tiền công, tuyên dương, khen thưởng phù hợp nhằm ghi nhận, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động phản biện xã hội.
4. Kết luận
Hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã góp phần to lớn trong việc hoàn thiện các quyết sách chính trị của đảng bộ và chính quyền Thành phố. Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phải không ngừng năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phản biện xã hội để có nhiều đóng góp tích cực, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2, 3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
4. Thiện Văn (2023). Phòng, chống tham nhũng chính sách – vấn đề hệ trọng, cấp bách hiện nay.https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 13/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2013). Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
2. Quốc hội (2017). Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
3. Đặng Thị Mai Dung (2023). Một số vấn đề về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 26/10/2023.
4. Phan Hải Hồ (2024). Giải pháp về phát triển TP. Hồ Chí Minh. https://www. quanlynhanuoc.vn, ngày 21/3/2024.