Hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 

Phoumma Senekham 
NCS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng, góp phần vào việc bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận về giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, trên cơ sở phân tích một số kết quả cũng như hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở Lào hiện nay.

Từ khóa: Hoạt động giám sát; giám sát của Ngân hàng nhà nước; tổ chức tín dụng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng nhà nước Lào được ghi nhận có nhiều đổi mới, ngày càng hoàn thiện về hệ thống pháp lý, tăng cường về số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra, giám sát, đóng góp vào công cuộc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển của ngành Ngân hàng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống hệ thống các ngân hàng và hệ thống tài chính. Từ việc phân tích và làm rõ những tiêu chí đánh giá hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng, đánh giá kết quả và hạn chế về hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở Lào, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp.

2. Về tiêu chí đánh giá hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng

Hoạt động giám sát ngân hàng được hiểu theo nghĩa rộng là các hoạt động nhằm bảo đảm cho sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tài chính, bao gồm: xây dựng các quy định pháp lý, cấp phép, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, cưỡng chế thực thi các yêu cầu chỉnh sửa. Theo nghĩa hẹp, hoạt động giám sát ngân hàng có thể chỉ được hiểu là các hoạt động thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa.

Giám sát ngân hàng là hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục, thông qua giám sát an toàn vĩ mô, giám sát an toàn vi mô và sử dụng các phương pháp, tiêu chuẩn, công cụ giám sát và hệ thống thông tin, báo cáo do Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định. Chính vì vậy, tiêu chí đánh giá giám sát của Ngân hàng nhà nước ở Lào đối với hệ thống các ngân hàng, bao gồm:

Thứ nhất, tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện các nội dung giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống được thể hiện bằng các chỉ tiêu phản ánh kết quả của hoạt động giám sát cụ thể như sau:

(1) Số lượng các ngân hàng được giám sát càng nhiều thì hoạt động của toàn hệ thống càng được bảo đảm an toàn. Khi những diễn biến bất thường của từng ngân hàng riêng lẻ hoặc của một nhóm các ngân hàng được phát hiện, các ngân hàng có thể có những biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn hoặc xử lý trước khi những biến động này gây ra những tác động tiêu cực cho hoạt động của toàn hệ thống. 

(2) Số lượng các vi phạm quy chế an toàn được phát hiện đúng nếu các vi phạm chỉ mang tính đơn lẻ trong một số ngân hàng thì việc xử lý vi phạm sẽ chỉ đơn thuần trong phạm vi hệ thống các ngân hàng đó mà có thể chưa tác động đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, khi các quy chế an toàn về vốn, về dự phòng, về giới hạn tín dụng bị vi phạm với số lượng lớn và xảy ra ở nhiều ngân hàng thì cũng là nguy cơ gây ra mất an toàn hệ thống. Phát hiện các vi phạm quy chế an toàn đòi hỏi phải chính xác, phản ánh đúng số lượng vi phạm, trong đó hoạt động giám sát các ngân hàng bảo đảm mục tiêu an toàn hệ thống.

(3) Số lượng các ngân hàng được cảnh báo rủi ro nhằm ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho các ngân hàng cũng như cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, khi số lượng các ngân hàng được cảnh báo tăng, đó cũng có thể coi là một dấu hiệu ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

(4) Số lượng các ngân hàng bị đổ vỡ, giải thể, phá sản gia tăng là nguy cơ mất an toàn hệ thống, đặc biệt là các ngân hàng bị đổ vỡ, giải thể hay phá sản lại là các ngân hàng chiếm thị phần lớn. Ngoài ra, gây ra tâm lý không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng của người gửi tiền, điều này cũng là nguy cơ gây mất an toàn hệ thống khi tâm lý rút tiền có thể bị lan truyền.

Thứ hai, bảo đảm hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế được thể hiện bằng các chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động giám sát ngân hàng, bao gồm:

(1)  Tốc độ tăng trưởng vốn huy động và tốc độ tăng trưởng tín dụng biến động cùng chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế là dấu hiệu cho thấy hoạt động ngân hàng có vai trò nhất định trong sự phát triển kinh tế, hay nói một cách khác là ngân hàng được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả trong nền kinh tế.

(2) Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản, như: nợ xấu/tổng dư nợ, chỉ tiêu này cũng cần được xác định theo từng ngân hàng, nhóm ngân hàng và toàn hệ thống ngân hàng. Với việc quy định một ngưỡng giá trị thấp (khoảng 3%), ngân hàng trung ương sẽ giám sát được chất lượng hoạt động cho vay, đầu tư của ngân hàng.

(3) Các chỉ tiêu phản ánh thanh khoản: dư nợ/huy động, chỉ tiêu này cho thấy ngân hàng vẫn bảo đảm khả năng chi trả, giữ được sự tin tưởng của những người gửi tiền, bảo đảm khả năng huy động vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. 

3Kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở Lào

Một là, mức độ thực hiện các nội dung giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng, bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Về số cuộc thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng ở Lào giai đoạn năm 2017 – 2021 có xu hướng tăng, số lượng cuộc thanh tra, giám sát được thực hiện đạt 100%. Trong giai đoạn này, các cuộc thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng Lào tăng 67 cuộc (tăng tương ứng 171,8%). Số lượng các vi phạm quy chế an toàn được phát hiện đúng đã giúp hệ thống các ngân hàng hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và Nhà nước về hoạt động của hệ thống các ngân hàng. 

Hiệu quả hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước Lào đối với hệ thống các ngân hàng qua số lượng các ngân hàng được cảnh báo rủi ro cho thấy, số ngân hàng được cảnh báo rủi ro tăng 3 ngân hàng, tương ứng tăng 25% và trong giai đoạn 2020 – 2021 có 8 ngân hàng bị phá sản1.

Hai là, bảo đảm hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế thể hiện bằng các chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động giám sát ngân hàng, bao gồm:

Tốc độ tăng trưởng vốn huy động và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong giai đoạn 2017 – 2022, hệ thống các ngân hàng Lào có tốc độ tăng trưởng vốn huy động và tăng trưởng tín dụng biến động cùng chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào, đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng của Lào bảo đảm là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng doanh số cho vay của hệ thống các ngân hàng có xu hướng giảm, trong giai đoạn này do những tác động của đại dịch Covid – 19 cũng như bối cảnh kinh tế – chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp nên tốc độ tăng trưởng doanh số cho vay cũng có những biến động thất thường: năm 2018, tốc độ tăng trưởng là 18,57%; lần lượt năm 2019 (7%), năm 2020 (23%), năm 2021 (8,6%), năm 2022 (8,82%)2. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn cùng với đà phục hồi kinh tế của thế giới và Lào thì doanh số cho vay của hệ thống các ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng ổn định.

Theo số liệu báo cáo của Thanh tra ngân hàng và Thanh tra nhà nước năm 2018 – 2022 cho thấy: tổng dư nợ cho vay theo thời hạn của hệ thống các ngân hàng Lào giai đoạn 2017 – 2022 tăng 10.198,2 tỷ kíp, tương ứng năm 2022 tăng 149,3% so với năm 2017. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng dư nợ của hệ thống các ngân hàng Lào trong giai đoạn 2017 – 2022 có xu hướng giảm 18,91%3

Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản được phản ánh thông qua tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ. Với việc quy định một ngưỡng giá trị tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ thấp khoảng 3%, ngân hàng trung ương sẽ giám sát được chất lượng hoạt động cho vay, đầu tư của ngân hàng.

Bảng 1. Chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản của hệ thống các ngân hàng

Chỉ tiêuĐơn vị20172018202020212022
Nợ xấuTỷ Kíp3.7694.9056.7419.01113.689
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ TD<%1,001,121,021,141,58
CAR-Tỷ lệ an toàn vốn<%13,210,410,410,0>9%
Nguồn: tác giả tổng hợp từ báo cáo thường niên của các ngân hàng Lào từ năm 2017 – 20224.

Trong giai đoạn 2017 – 2022, hệ thống các ngân hàng Lào có nợ xấu tăng 9.920 tỷ kíp, tương ứng 263,2%; tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ tăng 0,14%; tỷ lệ an toàn vốn (Car) giảm 3,2%. Các chỉ tiêu này phản ánh chất lượng tài sản của hệ thống các ngân hàng Lào giai đoạn 2017 – 2022 là bảo đảm vốn và chức năng ngân hàng là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế Lào hiện nay.

Các chỉ tiêu phản ánh thanh khoản (dư nợ/huy động) cho thấy, hệ thống các ngân hàng vẫn bảo đảm khả năng chi trả, giữ được sự tin tưởng của những người gửi tiền, từ đó, bảo đảm khả năng huy động vốn cho nền kinh . Một ngưỡng giá trị cụ thể cho từng chỉ tiêu được xác định tùy theo từng ngânhàng trung ương, từ đó làm căn cứ đánh giá tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và so sánh giữa các nhóm ngân hàng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tại cuộc họp thường kỳ thứ 5 Quốc hội (khóa IX) ngày 26/6/2023, tình hình sản xuất và dịch vụ của Lào 6 tháng đầu năm có những tín hiệu hồi phục khả quan, đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm tăng trưởng 4,8%, quý I đạt 4,8% và quý II đạt 4,9% (vượt dự báo cả năm là 4,5%). Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,8%, chiếm 14,6% GDP (nghị quyết Quốc hội đề ra mục tiêu cả năm tăng 2,5%, chiếm 17,2% GDP); ngành Công nghiệp tăng 4,7%, chiếm 36,6% GDP; ngành Dịch vụ tăng 5,6%, chiếm 37,6% GDP; ngành Hải quan – thuế tăng 3,7%, chiếm 11,2% GDP5.

Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế khác như: thu ngân sách, quản lý chi ngân sách, đầu tư nhà nước, dự trữ ngoại tệ, xuất – nhập khẩu, cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản thực hiện theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng Lào còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác thanh tra tuy đã được bổ sung và hoàn thiện nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ; đội ngũ cán bộ thanh tra làm công tác giám sát phân tích và thanh tra tại chỗ vừa hạn chế về số lượng và còn bất cập về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn; tần suất thanh tra tại chỗ đối với hệ thống các ngân hàng còn thưa; phương thức giám sát từ xa còn hạn chế nên hiệu quả giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng Lào còn chưa cao trong việc cảnh báo sớm, nhận diện, đo lường và xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng ở Lào hiện nay.

4. Giải pháp đề ra cho hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước

Chính phủ Lào đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách nhằm phát triển đất nước, nổi bật là Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021  2025. Để thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước Lào thì hệ thống các ngân hàng cần bảo đảm an toàn vốn và là kênh dẫn vốn hiệu quả cho phát triển nền kinh tế của đất nước. 

Một là, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021  2025.

Mục tiêu phát triển nông – lâm nghiệp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào gắn chặt với công nghiệp, dịch vụ một cách mạnh mẽ và có trọng điểm đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2021, tăng trưởng GDP của Lào đạt 8%, năm 2022: 7,7%. Trong năm tài khóa giai đoạn 2021 – 2025, GDP của Lào tăng đều, năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 1.700 USD. Chính phủ Lào xác định mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, với GDP bình quân đầu người tăng khoảng 7,5% – 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.700 – 1.800 USD6, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều chính sách đã được triển khai tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế, trong đó nổi bật là các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng các đặc khu kinh tế, thúc đẩy toàn diện 6 chiến lược phát triển giao dịch thương mại, bao gồm: ngoại thương, sản xuất và quản lý xuất – nhập khẩu; dịch vụ thương mại quá cảnh; phát triển thị trường và quản lý hàng hóa; phát triển nguồn nhân lực và quản lý hành chính; tăng cường hợp tác kinh tế khu vực; tích cực phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước Lào.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra Nhà nước gắn với đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước Lào. Cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu thanh tra, giám sát liên thông với dữ liệu của Ngân hàng nhà nước Lào và các ngân hàng khác trong hệ thống quốc dân. Ban hành quy định, quy chế hướng dẫn công tác lập, nộp lưu hồ sơ điện tử cùng với việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện cần và đủ để đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng một cách khoa học, đồng bộ; giúp xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn thông qua hoạt động kiểm soát quy trình, phương pháp; đẩy nhanh các hoạt động trao đổi thông tin trong quá trình thanh tra.

Ba là, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đội ngũ thanh tra làm công tác giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng Lào.

Cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của từng cán bộ, nhân viên trong Ngân hàng nhà nước Lào nói chung, cán bộ thanh tra làm công tác giám sát phân tích và thanh tra nói riêng. Bởi vì, chính đội ngũ cán bộ thanh tra là những người “cầm cân, nảy mực”, những người giữ gìn và bảo vệ kỷ cương phép nước. 

Yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát hoạt động ở Ngân hàng nhà nước Lào trong bối cảnh hội nhập quốc tế phải có năng lực tổng kết thực tiễn và dự báo, định hướng sự phát triển; tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật, thuyết phục, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; mẫu mực về đạo đức, lối sống, có tác phong làm việc tận tụy phục vụ Nhân dân.

Ngoài ra, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng được quy chế hoạt động đặc thù phù hợp với tính chất và tầm quan trọng của đội ngũ chuyên trách trong công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng.

Bốn là, có sự đầu tư về cơ sở trang thiết bị hiện đại, các chính sách hỗ trợ cho việc nhận diện, đo lường và xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng nhà nước Lào.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, cơ sở trang thiết bị hiện đại, các chính sách hỗ trợ cho việc nhận diện, đo lường và xử lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng nhà nước Lào hiện nay còn không ít những khó khăn, trở ngại. Do đó, cần tăng cường mở rộng quy mô hệ thống ngân hàng nhà nước cho vay vốn đối với doanh nghiệp, người dân để nhằm tạo sức bật mới đối với sản xuất và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, hiện đại hóa hệ thống tài chính, tiền tệ trên cơ sở vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động kiểm tra giám sát, xử lý rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng nhà nước. Nâng cao trình độ khoa học – công nghệ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

5. Kết luận

Thời gian qua hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng Lào đã đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng Lào. Từ kết quả giám sát, Ngân hàng nhà nước Lào đã phát hiện những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật, yếu kém về tài chính, tổ chức, quản trị và hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng Lào. Với kết quả của hoạt động giám sát của Ngân hàng nhà nước Lào đối với hệ thống các ngân hàng đã giúp các ngân hàng tìm hiểu các nguyên nhân và có những biện pháp nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng nhằm ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho các ngân hàng cũng như cho toàn hệ thống ngân hàng.

Chú thích:
1. Báo cáo Thanh tra ngân hàng và Thanh tra Nhà nước Lào giai đoạn 2017 – 2022.
2. Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Báo cáo Ngân hàng nhà nước các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.
3, 4. Tác giả tổng hợp từ báo cáo thường niên của Ngân hàng nhà nước Lào các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.
5. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tại cuộc họp thường kỳ thứ 5 Quốc hội khóa IX ngày 26/6 – 18/7/2023 tại Thủ đô Viêng Chăn. 
6. Kinh tế Lào 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực. https://qltt.vn/kinh-te-lao-6-thang-dau-nam-co-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-96069.html