Thiếu tá Nguyễn Xuân Bách
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Bồi dưỡng, phát triển năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên quân đội nói chung và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nói riêng hiện nay. Yêu cầu này vừa là vấn đề cơ bản, lâu dài song vô cùng cấp thiết, đòi hỏi các chủ thể phải nắm chắc những yêu cầu bồi dưỡng, làm cơ sở để xác định các chủ trương, biện pháp, nội dung, hình thức bồi dưỡng phù hợp theo năng lực của mỗi giảng viên tại các học viện, các trường sĩ quan quân đội.
Từ khóa: Yêu cầu; bồi dưỡng, phát triển năng lực; quan điểm sai trái, thù địch; giảng viên khoa học xã hội và nhân văn; học viện, trường sĩ quan quân đội.
1. Đặt vấn đề
Năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là yếu tố quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường sĩ quan quân đội, nhất là đối với giảng viên khoa học xã hội và nhân văn. Đây là lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, giảng dạy, truyền thụ tri thức khoa học xã hội và nhân văn, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, năng lực sáng tạo cho người học – những người sẽ trực tiếp đấu tranh tư tưởng, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong quân đội; đồng thời trực tiếp đấu tranh với các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nói chung, bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên này là vấn đề đặc biệt quan trọng, trực tiếp quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ này.
2. Một số vấn đề về bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn
Năng lực cốt lõi của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội có thể được chia thành năng lực chung và năng lực chuyên môn.
(1) Năng lực chung bao gồm: kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, các phẩm chất tâm sinh lý của người giảng viên để giải quyết các vấn đề theo các cách khác nhau một cách chủ động, sáng tạo.
(2) Năng lực chuyên môn: được hình thành và phát triển trên cơ sở các năng lực chung và được bồi dưỡng một cách chuyên sâu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức quân sự và những kiến thức cơ bản trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác trên cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao.
Từ những đặc điểm nêu trên, có thể hiểu: Năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội là tổng hòa những khả năng có thể huy động được của toàn bộ đội ngũ vào việc phát hiện, nhận diện, phê phán, ngăn chặn, vô hiệu hóa, loại bỏ và khắc phục ảnh hưởng sự tác động tiêu cực của các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, phản động, thông qua đó góp phần làm sáng tỏ bản chất cách mạng, khoa học, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo vệ và phát huy bản chất, truyền thống của quân đội, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, xây dựng các đảng bộ học viện, trường sĩ quan vững mạnh, nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội là tổng thể các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các chủ thể, lực lượng, đối tượng tham gia kết hợp với quá trình tự bồi dưỡng, rèn luyện của đội ngũ giảng viên này nhằm trang bị, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ nhất, về nội dung bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch rất toàn diện song có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là: (1) Bồi dưỡng những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; (2) Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (4) Nhận thức rõ các biểu hiện, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; (5) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (6) Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, về tự phê bình và phê bình; (7) Kiến thức chuyên ngành, tổng hợp và kinh nghiệm phát hiện, thu thập, xử lý thông tin; (8) Kỹ năng tư duykhoa học, sự nhạy bén về chính trị; năng lực tổ chức thực tiễn và phương pháp đấu tranh.
Thứ hai, về hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, gồm: (1) Bồi dưỡng thông qua tổ chức thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (2) Tăng cường đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; (3) Thông qua tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học,sinh hoạt học thuật, nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, tài liệu dạy học, viết báo khoa học trên các tạp chí; (4) Thông qua học tập chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật; thông qua tập huấn, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, khuyến khích và phát huy tinh thần tự giác học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, trình độ lý luận và năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Như vậy, qua nội dung và hình thức bồi dưỡng cho thấy, mục đích bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn để nhằm bổ sung, phát triển, nâng cao trình độ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, trau dồi kinh nghiệm và tố chất cá nhân cần thiết cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao; góp phần bảo vệ, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng các đảng bộ học viện, trường sĩ quan trong sạch vững mạnh, nhà trường vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”. Chủ thể bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn là hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp, các khoa khoa học xã hội và nhân văn, đội ngũ cán bộ chuyên trách, các nhà khoa học ở các học viện, trường sĩ quan quân đội. Đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn vừa là đối tượng bồi dưỡng, vừa là chủ thể của quá trình tự bồi dưỡng. Lực lượng tham gia bồi dưỡng là các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, các nhà khoa học, cán bộ chuyên trách, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối tượng bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là toàn bộ đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội.
Các học viện, trường sĩ quan quân đội là những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của quân đội. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn của các nhà trường không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Quán triệt và nhận thức sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội này đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng tốt so với yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáodục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng các học viện, trường sĩ quan quân đội vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn còn những hạn chế nhất định, “trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn nhiều bất cập; một số giảng viên chưa hoàn thiện các tiêu chí, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, năng lực sư phạm, chất lượng giảng dạy chưa đáp ứng yêu, cầu nhiệm vụ”1, điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ở các học viện, trường sĩ quan trong thời gian qua.
3. Yêu cầu mới về bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phức tạp. Trong khi đó, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của các học viện, trường sĩ quan tiếp tục có sự bổ sung, phát triển; yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng đảng bộ học viện, trường sĩ quan trong sạch, vững mạnh tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” đã và đang đặt ra cho các học viện, trường sĩ quan quân đội những nội dung, yêu cầu mới về xây dựng bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Một là, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Đây là yêu cầu rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến phương hướng, mục tiêu của quá trình bồi dưỡng. Bởi, mục đích trước mắt của bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nâng cao trình độ và khả năng của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong phát hiện, nhận diện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, song đích đến cuối cùng của hoạt động này là nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu này đòi hỏi quá trình bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nắm chắc các nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những tri thức mới liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự; những vấn đề mới về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; về tự phê bình và phê bình; về tính chất, mức độ nguy hại của các quan điểm sai trái, thù địch;… Qua đó, giúp đội ngũ giảng viên “nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội”2, khơi dậy lòng nhiệt huyết, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và khả năng vận dụng tri thức lý luận của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong phê phán, đấu tranh vạch trần bản chất phi lý, phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chân lý của thời đại, lẽ phải, cái đúng, cái tốt đẹp.
Hai là, cần tiếp tục phát huy tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng trong bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng khoa học xã hội và nhân văn.
Đây là yêu cầu mang tính lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng hoạt động bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng trong bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn là yêu cầu mang tính khách quan. Do đó, trên cơ sở đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên và tình hình thực tiễn của các nhà trường, đảng ủy các học viện, trường sĩ quan quân đội, cấp ủy đảng trực thuộc cần xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, “phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp”3, trước hết là đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu), chỉ huy các khoa, các cơ quan của nhà trường trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn; chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, điều chỉnh những hạn chế về nhận thức, hành động, đồng thời bổ sung những nội dung, biện pháp bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Cấp ủy, tổ chức đảng ở các khoa, bộ môn cần thường xuyên đánh giá chính xác tình hình, thực trạng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn để xác định chủ trương, biện pháp đúng đắn trong bồi dưỡng. Cán bộ chủ trì khoa, bộ môn phải cụ thể hóa chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng thành chương trình, kế hoạch cụ thể trong tiến hành bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện về mọi mặt để khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nỗ lực, cố gắng trong tự bồi dưỡng, hoàn thiện năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của bản thân.
Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp.
Yêu cầu này nhằm để bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả trong bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, theo đó phải “kết hợp chặt chẽ giữa vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng vi phạm”4 và “vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác…”5. Do vậy, các chủ thể bồi dưỡng phải luôn nêu cao tính chủ động tìm tòi sáng tạo trong việc xác định nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng cho phù hợp mang lại chất lượng, hiệu quả. Việc lựa chọn các hình thức phải bám sát thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo ở các nhà trường và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, phù hợp với khả năng của đơn vị; đồng thời, phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp trong quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn.
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ giữa phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia với sự tích cực, chủ động, tự giác.
Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn đạt kết quả cao. Do vậy, yêu cầu này đòi hỏi các tổ chức, các lực lượng phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chủ thể, lực lượng trong bồi dưỡng trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng, từng cấp, từng ngành, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong quá trình bồi dưỡng. Các chủ thể, lực lượng bồi dưỡng cần thường xuyên tuyên truyền giáo dục để đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng các học viện, trường sĩ quan quân đội vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, từ đó có động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn, tinh thần ham học hỏi để nâng cao trình độ năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời có kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở những biểu hiện thiếu tích cực và động viên khuyến khích những cá nhân tiêu biểu; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch với kết quả phân tích chất lượng đảng viên, đánh giá cán bộ tạo động lực thúc đẩy và điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn tự rèn luyện, tự bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của bản thân.
4. Kết luận
Bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn là nội dung quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ở các học viện trường sĩ quan quân đội hiện nay. Để hoạt động bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có chất lượng, hiệu quả, cần nhận thức đầy đủ và xác định đúng các yêu cầu cơ bản, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp có tính khả thi góp phần nâng cao năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn. Có như vậy, chất lượng, hiệu quả của việc bồi dưỡng mới được nâng lên, năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Chú thích:
1. Quân ủy Trung ương (2022). Báo cáo số 1650-BC/QUTW ngày 20/12/2022 tổng kết thực hiện Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình.
2, 3, 4, 5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng (2023). Quyết định số 3525 ngày 03/8/2023 về
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXBVăn phòng Trung ương Đảng.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Quân ủy Trung ương (2021). Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
5. Quân ủy Trung ương (2019). Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.