Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hiện nay

Thượng tá, TS. Ngô Minh Tuấn
Trường Đại học Chính trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là một trong những nội dung căn bản của đường lối đổi mới ở nước ta hiện nay. Giải quyết tốt mối quan hệ này là vấn đề đặt ra cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội hướng đến sự phát triển bền vững. Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta thời gian qua; từ đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

Từ khoá: Mối quan hệ, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

1. Đặt vấn đề

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai chứ không phải để khai, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”1. Vì thế, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Kinh tế phát triển mà môi trường bị ô nhiễm, sức khoẻ của con người bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, sự phát triển đó cũng không có giá trị. Do đó, phát triển kinh tế luôn gắn liền với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đem lại những điều kiện sống tốt nhất cho con người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Vai trò của việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm: “Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”2. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn có ý nghĩa đối với tương lai. Thông qua việc giải quyết mối quan hệ này sẽ góp phần tạo ra những nguồn lực căn bản vốn có trong tự nhiên, xã hội để cung cấp nguyên vật liệu cho các ngành kinh tế phát triển, nhất là những ngành công nghiệp nhẹ, du lịch sinh thái.

Sự phong phú, đa dạng của nguồn tài nguyên thiên nhiên như: khoáng sản, nước, rừng… là cơ sở, tiền đề quan trọng để các ngành kinh tế có thể khai thác, sử dụng vào các mục đích xã hội khác nhau, qua đó, tạo ra năng suất chất lượng sản phẩm tốt hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, mục đích của người dân. Việc khai thác, sử dụng có mục đích, có kế hoạch của các ngành kinh tế đối với các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực xã hội sẽ là một lợi thế quan trọng không những bảo vệ môi trường mà còn có ý trong việc phòng, chống những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, hạn hán, lũ lụt, đe doạ trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Do đó, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau từ mục tiêu, nội dung đến các biện pháp thực hiện.

Phát triển của kinh tế là sự phản ánh trình độ, năng lực nhận thức và xử lý tốt môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường sống của con người. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”3.

Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường còn có tác dụng quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế vào Việt Nam, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Một trong yếu tố hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam, ngoài việc bảo đảm chính trị ổn định, môi trường an toàn, hài hoà với thiên nhiên được xem là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững ở nước ta hiện nay.

Môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm bởi khí thải, thân thiện với môi trường sẽ mở ra những cơ hội, triển vọng để các nhà đầu tư bên ngoài tìm đến, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế. Ngược lại, nếu môi trường bị ô nhiễm, không thu hút được các nhà đầu tư, kinh tế sẽ không phát triển, ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Kinh tế phát triển, sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao khoa học công nghệ theo hướng hiện đại và môi trường được xử lý ngày càng tốt hơn. Vì vậy, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là sự chủ động của con người trong khai thác, sử dụng các nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái.

Đảng ta đã khẳng định: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho sự hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội”4.

3. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian vừa qua

Để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, như: Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020… là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương khi phát triển kinh tế phải quan tâm, chú trọng đến bảo vệ môi trường.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) của Đảng xác định: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”5. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) của Đảng chỉ rõ: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế…. thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường”7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân là mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”8.

Cụ thể hoá những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, các địa phương, các ngành đã chú trọng đến việc bảo đảm môi trường cho từng lĩnh vực, hoạt động kinh tế trong nội bộ mỗi ngành. Trong quá trình xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, nhà sản xuất đều xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm an toàn cho người dân, thân thiện với môi trường.

Các cơ quan, chức năng, ban, ngành liên quan đã kiểm tra, đánh giá chất lượng tiêu chuẩn của việc xây dựng xử lý chất thải ra bên ngoài, đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật mới đưa vào sản xuất – kinh doanh. Kiên quyết không cho sản xuất – kinh doanh và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những nhà máy, xí nghiệp, công ty không chấp hành nghiêm luật bảo vệ môi trường, sản xuất – kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ô nhiễm môi trường. Hiện nay, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp, công ty đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất – kinh doanh, có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm an toàn cho người lao động, người dân, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường còn một số hạn chế, như: một số ngành, lĩnh vực ở địa phương chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Việc xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp, công ty để sản xuất – kinh doanh không tính đến yếu tố về môi trường để xây dựng hệ thống xử lý chất thải bài bản, sử dụng lâu dài; hệ thống xử lý chất thải ra môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp, công ty chưa được đầu tư xây dựng cơ bản, tuổi thọ sử dụng còn ngắn; chưa áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào xử lý chất thải; một số ngành kinh tế, nhất là công nghiệp nhẹ, thủ công còn khai thác, sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, tàn phá rừng, xả chất thải ra biển, sông, xây dựng nhà máy, xí nghiệp ngay trong khu dân cư… Tính đến tháng 9/2023 cả nước còn 27/293 khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là ở những đô thị lớn9.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ thách thức; đặc biệt những thách thức an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ đe doạ nghiêm trọng đến đời sống của con người, phát triển kinh tế – xã hội, ô nhiễm môi trường. Đảng ta khẳng định: “các thách thức lớn về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông, thiên tai, dịch bệnh và thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách về tăng cường hợp tác, xử lý, đặt ra nhiều vấn đề, thách thức lớn chưa từng có cho phát triển nhanh và bền vững”10.

4. Một số biện pháp giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới

Một là, quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia phát triển kinh tế phải tuân thủ đúng quy định về Luật Bảo vệ môi trường.

Các cơ quan, ban, ngành và chủ doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, luật bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và khai thác các nguồn lực để phát triển kinh tế. Phổ biến, tuyên truyền đến từng cơ sở sản xuất những yêu cầu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng đến việc xử lý chất thải, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Không vì lợi nhuận, lợi ích kinh tế khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bằng mọi giá; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm sức khoẻ và trạng thái tinh thần của người lao động.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất – kinh doanh của các công ty, xí nghiệp, nhà máy, đánh giá một cách căn cơ, toàn diện quá trình sản xuất có đúng với cam kết, quy định không; nếu phát hiện sai phạm phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, bỏ qua những vi phạm về mặt kỹ thuật trong xử lý chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các chủ thể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế phải luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết, lấy sự hài lòng của người dân là mục đích của sản xuất, kinh doanh. Khi có sự cố xảy ra về môi trường trong sản xuất – kinh doanh cần có phương án khắc phục và xử lý nhanh nhất, tuyệt đối không có hành động xả ra bên ngoài. Nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội bảo vệ môi trường của nhà máy, xí nghiệp, công ty và hộ sản xuất – kinh doanh.

Đảng ta khẳng định: “Nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và mọi người dân. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên. Hình thành các thiết chế văn hoá, đạo đức môi trường trong xã hội. Thực hiện đánh giá, phân hạng về môi trường đối với các ngành và địa phương”11.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-  công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế – xã hội.

Các cơ quan, ban, ngành có liên quan và chủ thể sản xuất – kinh doanh tích cực, chủ động ứng dụng khoa học – công nghệ vào phát triển kinh tế. Những máy móc đã cũ, lạc hậu, kém chất lượng cần được thay thế bằng máy móc hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, không ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ của con người. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất – kinh doanh tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thực hiện liên doanh, liên kết giữa các chủ thể sản xuất – kinh doanh với các tập đoàn sản xuất công nghệ trong và ngoài nước; từng bước tiến hành chuyển giao công nghệ, lắp giáp, ứng dụng vào từng lĩnh vực, hoạt động sản xuất – kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, nâng cao năng lực sử dụng, vận hành các kỹ thuật máy móc trong quá trình sản xuất – kinh doanh phát triển kinh tế, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thị trường. Trong từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế có sự điều chỉnh phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, chú trọng đến những ngành, lĩnh vực ít khai thác, sử dụng nguyên vật liệu trong tự nhiên, thay vào đó, sử dụng vật liệu tái chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động của con người vào nguồn lực tự nhiên. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế – xã hội phải hướng đến bền vững, lâu dài, tạo ra năng xuất, chất lượng cao, tạo động lực cho các chủ thể sản xuất – kinh doanh phát triển.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Các chủ thể sản xuất – kinh doanh, nhất là nhà máy, xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường nếu để xảy ra sai phạm. Cơ chế, chính sách quy định một cách chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; sản xuất – kinh doanh những mặt hàng nằm trong danh mục theo quy định của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, không gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động và nhân dân sinh sống ở gần nhà máy, xí nghiệp, công ty.

Ưu tiên sản xuất – kinh doanh những lĩnh vực, mặt hàng ít ô nhiễm môi trường, không gây tiếng ồn, thân thiện với môi trường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc nghiên cứu, đánh giá tác động của việc mở rộng, thành lập công ty, xí nghiệp, nhà máy mới; của các chủ thể gia đình, hộ sản xuất – kinh doanh mới. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với những chủ thể sản xuất – kinh doanh có cách thức, phương pháp xử lý môi trường hiệu quả trong phát triển kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho người lao động. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ những nhà máy, xí nghiệp, công ty phục vụ dân sinh trong bảo vệ môi trường.

5. Kết luận

Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước, thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của chiến lược phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ này là cơ sở, động lực trong thực hiện các đột phá chiến lược. Vì vậy, các chủ thể, lực lượng tham gia vào sản xuất – kinh doanh phải hướng đến phát triển bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không chờ đến khi kinh tế đạt trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”12.

Chú thích:
1, 3, 12. Nguyễn Phú Trọng (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 21, 27, 92.
2, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 52, 116 – 117.
4, 11. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) (2013). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 162.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 38.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 103.
9. Giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. https://daibieunhandan.vn, ngày 17/11/2023.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 89 – 90.