Phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường Đại học ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác-Lênin hiện nay

TS. Lại Văn Nam
Trường Đại học Tài chính Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường Đại học ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác -Lênin là nội dung, biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho sinh viên. Bài viết làm rõ vai trò của học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin cho sinh viên, thực trạng học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin của sinh viên thời gian qua; từ đó, đề xuất một số biện pháp phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường Đại học ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin thời gian tới.

Từ khoá: Nhân tố chủ quan, sinh viên, trường Đại học, ngành Tài chính, môn chủ nghĩa Mác – Lênin.

1. Đặt vấn đề

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với đất nước, đối với xã hội”1. Để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đó, một trong nội dung, biện pháp quan trọng phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên nói chung và ngành Tài chính nói riêng trong học tập môn chủ nghĩa Mác-Lênin; qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp tình cảm, niềm tin cho sinh viên các trường Đại học ngành Tài chính vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tận tâm, tận lực cống hiến tài năng, sức trẻ cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Tầm quan trọng của việc phát huy nhân tố chủ quan trong học tập môn chủ nghĩa Mác-Lênin của sinh viên ngành Tài chính

Sinh viên ngành Tài chính là một bộ phận của thanh niên Việt Nam, ngoài những đặc chung là trẻ, khoẻ, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn phát huy tính xung kích, sáng tạo trong mọi hoạt động, nhất là tiếp thu, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào học tập, đời sống, sinh viên ngành Tài chính còn một số đặc đặc điểm riêng: sinh viên ngành Tài chính tuyệt đại đa số xuất thân từ khối tự nhiên. Môi trường học tập, rèn luyện của sinh viên ngành Tài chính là những doanh nghiệp, công ty. Sinh viên ngành Tài chính phải có kỹ năng, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Môn học chủ nghĩa Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính bao gồm: Triết học Mác – Lênin; Kinh tế chính trị học Mác – Lênin; chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, nhân tố chủ quan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động nhận thức của mỗi con người ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Điều kiện khách quan chỉ là yếu tố bên ngoài tác động vào nhận thức của mỗi chủ thể, việc hành động, quyết định một việc cụ thể lại phụ thuộc vào nhân tố chủ quân bên trong của con người. Vì vậy, vai trò của nhân tố chủ quan đối với hoạt động thực tiễn của con người vô cùng quan trọng.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, chủ quan là “cái thuộc về bản thân mình, về cái vốn có của mình”2, tuy nhiên, vai trò của nhân tố chủ quan luôn đặt trong mối quan hệ biện chứng với điều kiện khách quan, không tách rời điều kiện, yếu tố bên ngoài tác động đến. Theo đó, trong quá trình phát huy vai trò nhân tố chủ quan, mỗi chủ thể cần gắn với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, giải quyết hài hoà các mối quan hệ đem lại kết quả cao nhất.

Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của sinh viên ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin là hoạt động tích cực, chủ động của sinh viên trong lĩnh hội tri thức, hình thành phương pháp, tác phong học tập, rèn luyện đúng đắn để trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần vào thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mở cửa, hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Như vậy, phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên ngành Tài chính trong học tập chủ nghĩa Mác -Lênin về thực chất là nâng cao chất lượng tự học, tự bồi dưỡng, lĩnh hội tri thức tạo sự hứng thú với môn học, bồi dưỡng niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Thông qua việc học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin giúp cho sinh viên ngành Tài chính nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn tầm quan trọng của lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc; lòng yêu nước nồng nàn, không sợ khó khăn, giản khổ, hiểm nguy, hy sinh cả tính mạng cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân của ông cha. Qua đó, góp phần quan trọng vào giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện học tập trở thành công dân có ích cho xã hội, tiếp tục vững bước đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.

Cũng thông qua học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin để sinh viên ngành Tài chính hiểu rõ hơn về tính cách mạng, khoa học của những nguyên lý, quy luật, phạm trù trong từng chủ đề được hình thành, phát triển từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động; lý giải được tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản, đi theo chủ nghĩa Mác -Lênin và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin về Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, cách mạng nhất”3.

Học tập môn chủ nghĩa Mác -Lênin để sinh viên ngành Tài chính thêm vững tin vào tương lai, cuộc sống, không mơ hồ, ảo tưởng mục tiêu, lý tưởng con đường cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang tiến hành phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó, giúp sinh viên ngành Tài chính có bản lĩnh vững vàng, có động cơ, ý chí phấn đấu đúng đắn, không nản lòng, nhụt ý chí, có kế hoạch học tập, rèn luyện rõ ràng, cụ thể để đạt được mục đích, nguyện vọng đề ra; sống có tình, có nghĩa, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, người thân và quê hương đất nước; đồng cam, cộng khổ, chia sẻ và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức chính trị cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Học chủ nghĩa Mác – Lênin là để sống với nhau có nghĩa, có tình. Nếu thuộc bao nhiêu sách sống với nhau không có nghĩa có tình thì làm sao coi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”4.

Học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin cung cấp những luận cứ cách mạng, khoa học để  sinh viên ngành Tài chính có kiến thức, phương pháp đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ra sức đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ, chống tâm lý ngại khó, ngại khổ”5. Đó chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để các chủ thể, lực lượng tiến hành công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện sinh viên nói chung và sinh viên ngành Tài chính nói riêng luôn vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của mình trong các hoạt động thực tiễn của nhà trường và của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

2. Thực tiễn nhân tố chủ quan của sinh viên các trường Đại học ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin thời gian qua

Thời gian qua, công tác quán triệt và tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước được các chủ thể, lực lượng quản lý, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường thuộc ngành Tài chính quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là những văn bản: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Đã triển khai Chương trình số 642/CTr-BGDĐT-TWĐTN ngày 01/9/2016 về chương trình phối hợp công tác giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 và chương trình phối hợp cụ thể trong các năm. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030,…

Một số kết luận đánh giá, như: Kết luận số 94-NQ/TW ngày 28/3/2014 về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, khoa giáo viên đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn thanh niên xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để sinh viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn của nhà trường và xã hội.

Thông qua các hoạt động đó góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sinh viên trong học tập chủ nghĩa Mác – Lênin. Kết quả điều tra xã hội học với 145 sinh viên ngành Tài chính ngày 20/5/2024 (Khoa Tài chính ngân hàng thuộc Học viện Tài chính; Khoa Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Tài chính – Kế toán; Khoa Quản trị khách sạn trường Đại học Tài chính -Marketing) có 68 ý kiến, chiếm 46,9% cho rằng học tập môn chủ nghĩa Mác -Lênin có vai trò rất quan trọng; có 37 ý kiến, chiếm 25,5% cho rằng, học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin có vai trò quan trọng; có 25 ý kiến, chiếm 17,2% cho rằng học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin bình thường; có 15 ý kiến, chiếm 10,3% cho rằng học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin ít quan trọng.

Như vậy, tuyệt đại đa số sinh viên ngành Tài chính đều nhận thức rất sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời gian giáo dục, đào tạo tại nhà trường; đây sẽ là cơ sở, tiền đề cần thiết để các chủ thể, lực lượng tiến hành giáo dục lý tưởng cách mạng, niềm tin của sinh viên ngành Tài chính vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng với số lượng phiếu, thời gian và đối tượng như trên, với câu hỏi: giảng viên có thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn chủ nghĩa Mác – Lênin không, có 68 ý kiến, chiếm 46,9% cho rằng, giảng viên tích cực, chủ động đổi mới; có 47 ý kiến, chiếm 32,4% cho rằng, giảng viên thường xuyên đổi mới; có 12 ý kiến, chiến 8,27% cho rằng, chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt; có 8 ý kiến, chiếm 5,51% cho rằng, giảng viên ít đổi mới.

Trong quá trình lên lớp, giảng viên các trường Đại học ngành Tài chính đã thường xuyên cập nhật thông tin, nội dung mới của tình hình thế giới, khu vực, bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng tình huống học tập thiết thực, cụ thể với từng chuyên ngành đào tạo; đặt sinh viên vào trung tâm để trao đổi, chất vấn những vấn đề, nội dung mà sinh viên quan tâm. Giảng viên thường xuyên sử dụng công nghệ hiện đại để bổ trợ, luận giải làm rõ hơn sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua hình ảnh, video clip, phóng sự ngắn về những thành tựu của đất nước đạt được gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

Trong quá trình học tập, các trường Đại học ngành Tài chính đều dành thời gian để sinh viên trải nghiệm, thăm các di tích lịch sử cách mạng, mời các nhân chứng lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nói chuyện; tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, cuộc thi tìm hiểu về truyền thống vẻ vang của Đảng, các chiến thắng của lịch sử dân tộc; tổ chức chiến dịch tình nguyện… Nhờ vậy, tuyệt đại đa số sinh viên ngành Tài chính đều hứng thú với môn học chủ nghĩa Mác – Lênin, góp phần bồi dưỡng động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn cho sinh viên trong thời gian học tập, công tác tại nhà trường và sau khi tốt nghiệp ra trường.

Quá trình học tập môn học chủ nghĩa Mác – Lênin tuyệt đại đa số sinh viên đều tự đề ra cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng đúng đắn, phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Với số lượng phiếu, đối tượng và thời gian như trên, khi được hỏi về ý thức tự giác học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính: có 62 ý kiến, chiếm 42,8% cho rằng sinh viên rất tự giác trong tự học; có 47 ý kiến, chiếm 32,4% cho rằng sinh viên luôn nêu cao tinh thần tự học; có 12 ý kiến, chiếm 8,27% cho rằng sinh viên chưa tích cực, chủ động tự học; có 8 ý kiến, chiếm 5,51% cho rằng, sinh viên ít khi tự học ở nhà.

Thực tiễn trên đã chứng minh tính tích cực, chủ động tự giác học tập các môn chủ nghĩa Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính khá tốt, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã xác định. Tuyệt đại đa số sinh viên nắm được những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, được biểu hiện cụ thể ở việc sinh viên tích cực hăng hái phát biểu ý kiến trên lớp, bày tỏ quan điểm, thái độ rõ ràng đối với những hiện tượng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, phản văn hoá, phi văn hoá, không đúng với phong tục truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, nhiều phong trào trong sinh viên như: Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc; Sinh viên Việt Nam – những câu chuyện đẹp; chương trình tiếp sức mùa thi… đã có sức lan toả sâu rộng trong toàn xã hội, khẳng định sinh viên đã, đang và sẽ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nhân tố chủ quan trong học tập các môn chủ nghĩa Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính có một số hạn chế, như: một số cấp uỷ, tổ chức đảng có thời điểm, giai đoạn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện sinh viên về trình độ, phương pháp học tập, phẩm chất đạo đức, lối sống; quán triệt chưa sâu sắc đầy đủ, toàn diện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Việc cụ thể hoá nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy của giảng viên vào từng bài giảng chưa rõ ràng, cụ thể, chưa cập nhật, bổ sung những kiến thức mới, thông tin mới. Một số sinh viên chưa thích thú với môn học, xem đó là môn học phụ, do đó, chất lượng học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin không cao; có sinh viên còn sợ học môn chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, đây chỉ là những môn cơ sở, nền tảng không phải chuyên ngành, chỉ cần nắm những ý chính, vấn đề cơ bản là có thể thi, kiểm tra trả bài được, cũng không cần phải điểm cao, chỉ cần đạt yêu cầu là đủ điều kiện.

Một số giảng viên chưa quyết liệt mạnh mẽ trong đổi mới phương pháp truyền tải cho sinh viên, phương pháp dạy học truyền thống vẫn chủ đạo, chưa lấy người học làm trung tâm. Trong quá trình giảng dạy, một số giảng viên còn nặng về trình bày kiến thức, nội dung đã có trong sách giáo khoa, giáo trình, chưa có sự tìm tòi, cập nhật thông tin, nội dung mới đưa vào bài giảng.

Một số bài giảng còn của giảng viên còn thiếu tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; một số sinh viên ngành tài chính chưa tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng về năng lực, phương pháp để nâng cao môn học chủ nghĩa Mác – Lênin.

3. Một số biện pháp phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên các trường Đại học ngành tài chính học tập môn chủ nghĩa Mác Lênin thời gian tới

(1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng của việc phát huy nhân tố chủ quan trong học tập môn lý luận Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng sẽ góp phần tích cực để mỗi bộ phận, lực lượng có liên quan thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên, từ đó, kích thích niềm đam mê, sự hứng khởi, thích thú với môn học của sinh viên. Nếu không đổi mới nội dung, phương pháp cứ duy trì phương pháp dạy học truyền thống, không cập nhật vấn đề thời sự, thực tiễn đặt ra, đặc biệt là những nội dung mới sẽ gây sự nhàm chán, buồn ngủ cho sinh viên.

Về nội dung giảng dạy môn lý luận Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính phải gắn với chuyên ngành đào tạo của sinh viên, trên cơ sở những nguyên lý, quy luật, phạm trù của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần bám sát đặc thù của chuyên ngành tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, Merketing; đặc biệt cập nhật vấn đề thị trường tài chính thế giới, khu vực vận dụng vào từng chủ đề khác nhau để liên hệ, cung cấp cho sinh viên thông tin mới, chính xác, tin cậy; lấy dẫn chứng thực tiễn nhiều hơn để bổ trợ, luận giải cho những mệnh đề, luận điểm, tư tưởng mà lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra trong các phần, mục của bài giảng.

Về phương pháp giảng dạy mỗi giảng viên cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học, chú trọng đến phương pháp phát huy tính năng động, sáng tạo của người học, đặt ra những tình huống, câu hỏi để sinh viên khơi dậy tính năng động, sáng tạo, suy nghĩ độc lập của bản than; hoặc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên về một vấn đề xã hội có liên quan đến nội dung bài giảng để tạo sự kịch tính, sôi nổi trong lớp học; kết hợp nhuần nhuyễn giữa thiết kế bài giảng theo các slides với ngôn ngữ nói, động tác truyền cảm hứng đến cho sinh viên.

Trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão hiện nay, có tác động sâu sắc đến việc phát huy nhân tố chủ quan trong học tập môn lý luận Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính, giảng viên cần có sự tiết chế, tránh lạm dụng một cách thái quá, phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trình chiếu, cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với chủ đề, nội dung từng phần, mục của bài giảng, phương tiện dù có hiện đại đến bao nhiêu cũng không bao giờ thay thế được ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, điệu bộ của giảng viên.

(2) Nâng cao năng lực giảng dạy môn học chủ nghĩa Mác- Lênin của sinh viên ngành Tài chính.

Các trường Đại học ngành Tài chính đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên cơ hữu các môn lý luận chính trị nói chung và môn học chủ nghĩa Mác – Lênin nói riêng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, giáo trình mới và nhu cầu thực tế của cơ sở đào tạo.

Thực hiện chuẩn hoá trình độ, năng lực chuyên môn lãnh đạo, chỉ huy khoa giáo viên ở các trường thuộc ngành Tài chính (có trình độ PGS, TS); giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí của giảng viên Đại học ngành Tài chính có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; phải có khả năng thích ứng nhanh nhậy với những đổi thay của xã hội. Nếu như giảng viên hầu hết ở các trường đại học đang giảng dạy bằng máy chiếu, video, chia sẻ tài liệu trên mạng, thì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tất cả dữ liệu của người học từ mã số, điểm số, thông tin cá nhân đều được số hóa.

Giảng viên thay vì tập trung cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng trên lớp, phải định hướng cho sinh viên biết cách học tập sao cho thích hợp với nhu cầu, khả năng của mình, cách tư duy và xử lý các tình huống trong cuộc sống, qua đó hình thành năng lực tiếp cận và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, giảng viên phải là người hướng dẫn, điều phối, tổ chức hoạt động và đánh giá kết quả học tập, sáng tạo của sinh viên; giỏi về ngoại ngữ, tinh thông về công nghệ thông tin.

(3) Từng sinh viên đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình phát huy nhân tố chủ quan trong học tập môn chủ nghĩa Mác – Lênin.

Sinh viên vừa là chủ thể của học tập vừa là đối tượng của phát huy, do đó, phát huy yếu tố nội tại bên trong làm động lực thúc đẩy việc học tập môn lý luận Mác – Lênin cần phải được chuyển hoá bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong trả bài thi kiểm tra kết thúc môn học. Mỗi sinh viên phải kiên quyết thực hiện, làm theo kế hoạch đã xác định, có phương pháp, cách thức, biện pháp phát huy hiệu quả và có tinh thần vượt gian khó để học tập.

4. Kết luận

Phát huy nhân tố chủ quan của sinh viên ngành Tài chính trong học tập môn chủ nghĩa Mác -Lênin ở các trường Đại học ngành Tài chính hiện nay góp phần đào luyện ra những con người “vừa hồng”, “vừa chuyên” có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lòng trung thành, sự nhiệt tình cách mạng, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Các môn học chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ là hành trang, động lực để mỗi sinh viên ngành Tài chính phát huy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ để hiện thực hoá quan điểm, tư tưởng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta về xây dựng nước Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu thế giới. Mong ước và khát vọng đó đang đặt lên vai của sinh viên ngành Tài chính, hơn bao giờ hết mỗi sinh viên phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, không nghỉ, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, chủ động khắc phục hạn chế, khuyết điểm của bản thân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý của Nhà nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 168.
2. Đại từ điển Tiếng Việt (1999). H. NXB Văn hoá Thông tin, tr. 394.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 289.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 668.
5. Nguyễn Phú Trọng (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 312.