Nâng cao chất lượng bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu nền công vụ qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động đấu thầu về đào tạo, bồi dưỡng

TS. Nguyễn Thế Tài
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo, bồi dưỡng có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho công chức, viên chức để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu theo vị trí việc làm, theo ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, các quy định về đấu thầu, chào giá cạnh tranh trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng hiện nay bên cạnh mặt tích cực đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm suy giảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức. Bài viết nghiên cứu và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu của nền công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chất lượng bồi dưỡng, công chức, nền công vụ, hoạt động đấu thầu.

1. Khái quát chung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Là lĩnh vực quan trọng liên quan đến cán bộ, công chức, tuy nhiên đến nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này mới chỉ có Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức (đã được thay thể bởi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP đều không đưa ra các khái niệm về đào tạo, bồi dưỡng, như: Nghị định số 18/2010/NĐ-CP) và Quyết định số 273/QĐ-BTP ngày 12/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Theo đó, “đào tạo là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học”, “bồi dưỡng là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc1. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch là trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động theo chương trình quy định cho ngạch công chức. Bồi dưỡng theo vị trí việc làm là trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao. Như vậy, mục đích của hoạt động đào tào, bồi dưỡng làm nhằm giúp cho cán bộ, công chức đáp ứng được tốt nhất yêu cầu công việc theo vị trí việc làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là cách làm (hình thức) hay mục đích hướng tới nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng công chức trong thực thi nền công vụ là vấn đề chưa được tính đến, làm rõ trong các văn bản, quy định hiện hành, kể cả các thiết chế, thể chế về đào tạo, bồi dưỡng có liên quan.

Về thiết chế tham gia hoạt động bồi dưỡng: nghị định quy định phân công tổ chức bồi dưỡng, gồm có: Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính Quốc gia; Trường Chính trị các tỉnh, thành và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương2. Như vậy, các chủ thể tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được mở rộng, phân giao cho tất cả các bộ, ngành trung ương, trường chính trị của 63 tỉnh, thành.

Không chỉ dừng lại ở các chủ thể tham gia tổ chức bồi dưỡng nói trên, khoản 5 Điều 27, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP còn quy định “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ thuộc thẩm quyền quản lý cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có đủ điều kiện theo quy định và gửi danh sách về Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, quản lý”. Từ đây, các công ty trách nhiệm hữu hạn, các công ty cổ phần, các viện của tư nhân được thành lập có chức năng này được các bộ hoặc UBND cấp tỉnh cấp phép sẽ tham gia tổ chức thực hiện các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, tạo ra thị trường bồi dưỡng kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay trong cả nước.

Về thể chế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: theo Luật Đấu thầu năm 2023, đối tượng áp dụng đấu thầu là các hoạt động “Cung cấp hàng hóa, dịch vụ công”3 và các gói cung cấp hàng hóa, dịch vụ công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì cơ quan quản lý cán bộ, công chức phải thực hiện tổ chức đấu thầu4. Tiêu chí quan trọng, hầu như có tính chất quyết định để lựa chọn nhà thầu là “có giá chào thầu thấp nhất” trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và các doanh nghiệp, công ty tham gia đấu thầu.

Khác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các công ty, doanh nghiệp, các viện, trung tâm …được thành lập có chức năng tham gia hoạt động bồi dưỡng đấu thầu cạnh tranh với các cơ sơ đào tạo, bồi dưỡng nhưng bản thân các doanh nghiệp, công ty này không có đội ngũ giảng viên cơ hữu, không có kinh nghiệm chuyên môn, không có giảng đường, hội trường…mà mọi thứ đều phải thuê, mướn nếu trúng thầu thực hiện các gói bồi dưỡng. Điều này đã và đang đặt ra trong quản lý cán bộ công chức với yêu cầu nâng cao chất lượng bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của nền công vụ.

2. Những vấn đề đặt ra trong đấu thầu hoạt động bồi dưỡng công chức hiện nay

Từ thực tiễn quy định và thực hiện việc đấu thầu, chào giá cạnh tranh trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức đã và đang đặt ra một số vấn đề trong quản lý nhà nước về bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công chức cho nền công vụ.

Thứ nhất, theo nguyên lý, đấu thầu và chào giá cạnh tranh thì giá mỗi năm phải “ngày càng rẻ”, giá chào của năm sau phải thấp hơn hoặc cùng lắm là bằng với giá trúng thầu của năm trước. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng muốn trúng thầu phải “nghe ngóng”, “tìm hiểu”, so sánh giá của năm trước để chào giá thấp nhất với hy vọng là cơ sở đào tạo hoặc công ty, doanh nghiệp được chọn.

Khi là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (hoặc công ty, doanh nghiệp bồi dưỡng) được chọn với một lý do duy nhất “là đơn vị chào giá thấp nhất”, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc công ty, doanh nghiệp trúng thầu phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí (kể cả việc cắt xén thời lượng thực tế của của chương trình học, mời giảng viên không bảo đảm chất lượng, chuyên môn…) và sẵn sàng bỏ qua yếu tố chất lượng – yêu cầu cao nhất theo đơn đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức để thực hiện gói thầu phù hợp với “giá thấp nhất”.

Thứ hai, với quy định về đấu thầu và chào giá cạnh tranh trong hoạt động bồi dưỡng, cán bộ, công chức trở thành một loại hàng hóa thông thường để đấu thầu mua sắm, sửa chữa, trong khi hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức là hoạt động liên quan đến con người, là “hàng hóa” đặc biệt, với những yêu cầu đặc thù, gắn với việc nâng cao chất lượng của nền công vụ. Song song đó, khi tham gia đấu thầu và chào giá cạnh tranh, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tự biến và coi mình như là doanh nghiệp, tính toán thua lỗ, lời lãi, trở thành “Doanh nghiệp bồi dưỡng”. Điều này có nguy cơ làm biến dạng, méo mó các chuẩn mực và giá trị của các nhà trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay trong hoạt động bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội.

Thứ ba, khi căn cứ để chọn thầu là “cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chào giá thấp nhất”, tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy có thể xảy ra là chất lượng của dịch vụ khó đạt được mức “cao nhất” tương xứng với giá đã chào để cạnh tranh với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác. Tương tự như đấu thầu giá thuốc và vật tư y tế mà Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Nguyễn Tri Thức đã phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế về đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị ngành Y tế: “Trước đây, dùng dao mổ giá tốt chỉ cần rạch một đường nhưng vì trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”5.

3. Một số kiến nghị

Một là, trong nhận thức, quan điểm từ cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, công chức đến các cơ quan có liên quan, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng… cần coi đào tạo, bồi dưỡng không chỉ phương tiện, cách thức tiến hành mà là mục đích cần đạt, hướng tới. Lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu của nền công vụ trong giai đoạn hiện nay làm trọng tâm để triển khai tổ chức thực hiện hoạt động bồi dưỡng.

Hai là, không nên coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức như dịch vụ công bình thường để tiến hành thủ tục đấu thầu rộng rãi mà không có điều kiện như hiện nay. Bởi lẽ, cán bộ, công chức là con người chứ không phải là hàng hóa thông thường, cần có những điều kiện, yêu cầu nhất định đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong cung cấp các dịch vụ này. Đồng thời, cần tiếp cận, sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng đưa dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vào nhóm dịch vụ đặc thù của đối tượng đấu thầu, không thực hiện theo thủ tục đấu thầu rộng rãi như hiện nay.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện công tác bồi dưỡng của các chủ thể tham gia thực hiện công tác bồi dưỡng. Các cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức cần tiến hành kiểm tra theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất đối với các chủ thể tham gia thực hiện công tác bồi dưỡng, nhất là các doanh nghiệp, công ty tham gia trực tiếp đấu thầu bồi dưỡng hoặc báo giá cạnh tranh về dịch vụ bồi dưỡng. Bảo đảm các khâu trong bồi dưỡng theo đúng quy định hiện hành.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các cơ quan sử dụng cán bộ, công chức cần thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá chất lượng giảng viên, chất lượng khóa bồi dưỡng và hiệu quả sau bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức đã từng tham dự các khóa bồi dưỡng. Từ đó có biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc các công ty, doanh nghiệp tham gia thực hiện các lớp bồi dưỡng không bảo đảm yêu cầu của công tác bồi dưỡng.

Chú thích:
1. Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
2. Điều 27 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023.
4. Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023.
5. Phát biểu của TS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tại Hội nghị trực tuyến về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” ngày 21/8/2022 tại Hà Nội.