Nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quân quân đội

Trung tá, ThS. Nguyễn Thế Hanh
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Huy Điểm 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp  nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của đảng ủy các học viện, trường sĩ quan quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Từ khóa: Nâng cao chất lượng, lãnh đạo, đấu tranh, quan điểm sai trái, thù địch; không gian mạng; đảng ủy; học viện, trường sĩ quan quân đội.

1. Đặt vấn đề

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các học viện, trường sĩ quan quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo mọi mặt của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan, sự lãnh đạo của đảng ủy là yếu tố quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ. Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi phải làm rõ một số vấn đề về chất lượng lãnh đạo, thực trạng chất lượng lãnh đạo, từ đó xác định nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội.

2. Thực trạng chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội

Chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội được quy định bởi những yếu tố như: sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan cấp trên về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia vào hoạt động lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; điều kiện cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật, tài liệu, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định bảo đảm cho đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là “nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”1. Những năm qua, các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đạt được kết quả quan trọng, chất lượng lãnh đạo từng bước được nâng lên. Thông qua hoạt động lãnh đạo của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng ủy học viện, trường sĩ quan, các tổ chức, lực lượng ở nhà trường về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng và các văn bản có liên quan, nhất là vị trí, ý nghĩa của nhiệm vụ. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ các học viện, trường sĩ quan quân đội thường xuyên quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên vào hoạt động đấu tranh trên không gian mạng. Các tổ chức, lực lượng ở nhà trường ngày càng xác định rõ trách nhiệm, tích cực, chủ động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đánh giá về vấn đề này, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: “Cấp ủy, chỉ huy, Ban Chỉ đạo 35 các cơ quan đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 47 vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy”2.

Đảng ủy các học viện, trường sĩ quan quân đội đã xác định đúng, phù hợp nội dung lãnh đạođấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, kịp thời lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục, phổ biến các văn bản liên quan; bước đầu xây dựng được quy chế, quy định, cơ chế, chính sách, cơ sở, vật chất bảo đảm cho hoạt động đấu tranh trên không gian mạng; từng bước xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47; thường xuyên quan tâm xây dựng kế hoạch và triển khai đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng tương đối chặt chẽ. Học viện Hải quân đánh giá: “Hằng năm xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công tham gia viết bài chuyên sâu đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng”3. Các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội đã vận dụng tương đối linh hoạt, hiệu quả các phương thức lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, nhất là phương thức lãnh đạo thông qua phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ chính trị, cơ quan thường trực.

Kết quả đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các học viện, trường sĩ quan quân đội từng bước được nâng lên, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu lãnh đạo, góp phần tuyên truyền, lan tỏa những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vạch trần, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Chỉ tính riêng Học viện Chính trị, từ năm 2018 – 2023 có: “291 bài trên Website, 116 bài trên Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gửi hơn 2000 bài trên các tạp chí, báo; tham gia 136 chương trình “nhận diện sự thật”, “phòng, chống diễn biến hòa bình” của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội”4. Qua khảo sát trực tiếp của tác giả về số lượng lượt thích, theo dõi, số lượng thành viên, thời điểm (16 giờ 00 giờ ngày 12/11/2024) trên một số trang facebook do các học viện, trường sĩ quan quân đội xây dựng, quản lý phục vụ hoạt động đấu tranh trên không gian mạng như: trang facebook “ĐẦU SÓNG NGỌN GIÓ” có 95.000 lượt thích, 11.313 người theo dõi; trang “SỨC MẠNH VIỆT NAM” có 91.287 lượt thích, 109.929 người theo dõi; trang “Trường Sĩ quan Chính trị – Đại học Chính trị” có 76.115 lượt thích, 112.081 lượt theo dõi; trang “Xây dựng Đảng” có 67.828 thành viên. Kết quả trên khẳng định sức thu hút, lan tỏa, kết quả tích cực trong hoạt động đấu tranh trên không gian mạng của các học viện, trường sĩ quan quân đội.

Bên cạnh những nội dung đã đạt được, chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng còn hạn chế tại một số đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân độicó mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, biểu hiện, như: quá trình lãnh đạo chưa làm thay đổi sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của một số chủ thể, lực lượng về nhiệm vụ, đặc biệt là việc nắm nội dung các văn bản, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan cấp trên có liên quan chưa chắc; nhận thức tính cấp thiết của nhiệm vụ ở một bộ phận lực lượng còn hạn chế; trách nhiệm trong tổ chức, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của một bộ phận cấp ủy, tổ chức, lực lượng chưa cao. Quân ủy Trung ương đánh giá: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của một số cấp ủy, tổ chức đảng có lúc, có nơi còn hình thức, Lực lượng 47 của một số đơn vị có số lượng đông nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đồng đều. Báo cáo của Tổng cục Chính trị cũng chỉ rõ hạn chế: “Cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35 một số cơ quan, đơn vị có nhận thức chưa đầy đủ, còn “coi không gian mạng là môi trường ảo” không liên quan đến môi trường thực, nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo”5.

Nội dung lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở một số cấp ủy chưa toàn diện, còn chung chung, chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ, thiếu tính đột phá, hiệu quả tổ chức thực hiện có mặt còn thấp. Đặc biệt, chưa xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn thiện nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, các lực lượng tham gia đấu tranh trên không gian mạng; việc đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiệnbảo đảm cho hoạt động lãnh đạo và đấu tranh trên không gian mạng ở một số học viện, trường sĩ quan còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ; việc xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách, nòng cốt, vai trò của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong đấu tranh trên không gian mạng chưa thực sự hiệu quả. Phương thức lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ít có sự đổi mới, có mặt chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động tác chiến trên không gian mạng. Kết quả đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của học viện, trường sĩ quan quân đội có mặt chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, nguồn lực ở các nhà trường. Tuy lực lượng ở các học viện, trường sĩ quan có số lượng đông đảo, trình độ cao, nhưng số lượng, chất lượng các bài đấu tranh trên không gian mạng chưa tương xứng. Đánh giá về vấn đề này Quân ủy Trung ương chỉ rõ: một số bài đấu tranh phản bác còn dài, tính thuyết phục chưa cao; tuyến bài “xây” và tuyến bài “chống” chưa cân đối. Đảng ủy Trường sĩ quan Công binh chỉ rõ: “Số lượng các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chất lượng cao chưa nhiều”6. Kết quả khảo sát của tác giả về lượt thích, theo dõi trên các trang Facebook do học viện, trường sĩ quan quân đội xây dựng, quản lý thời điểm (16 giờ 15 phút ngày 14/11/2014) cho thấy một số trang có lượng người theo dõi, lượt thích còn thấp như: trang “Sáng mãi niềm tin 25.10” với 4.997 lượt thích, 7.469 người theo dõi; trang “Đại học Ngô Quyền” với 8.700 lượt thích, 12.315 người theo dõi. Điều đó cho thấy hiệu quả, sức lan tỏa của các hoạt động đấu tranh trên không gian mạng của một số học viện, trường sĩ quan còn có mặt hạn chế, chưa thu hút được đông đảo cộng đồng người dùng.

3Một số giải pháp

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia vào hoạt động lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. 

Đây là giải pháp có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đảng ủy các quân chủng, binh chủng, tổng cục, Bộ đội Biên phòng, cơ quan chức năng và đảng ủy các học viện, trường sĩ quan quân đội cần căn cứ vào thực tiễn, đối tượng cụ thể, tập trung giáo dục, quán triệt, tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các tổ chức, lực lượng về: chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh trên không gian mạng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Luật An ninh mạng năm 2018; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Làm cho các tổ chức, lực lượng thấy rõ yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng lãnh đạo; thấy rõ những khó khăn, thách thức, vướng mắc, những vấn đề đặt ra trong nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Tập trung nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong quá trình lãnh đạo, tổ chức, thực hiện đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cơ quan chức năng cấp trên đối với các đảng ủy học viện, trường sĩ quan trong thực hiện nhiệm vụ

Quân ủy Trung ương, các đảng ủy tổng cục, quân chủng, binh chủng, bộ đội biên phòng cần tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội không ngừng nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; thường xuyên nắm bắt tình hình, chất lượng lãnh đạo của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời, phù hợp; quan tâm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội, phát hiện vi phạm, hạn chế, khuyết điểm, từ đó, kịp thời chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội. Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, Tổng Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng và cơ quan chức năng của quân chủng, binh chủng, tổng cục, bộ đội biên phòng, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm và bảo đảm cơ sở, vật chất, phương tiện cho hoạt động lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Để phù hợp với sự phát triển, tính chất phức tạp, thay đổi nhanh chóng của hoạt động chống phá trên không gian mạng, hoạt động tác chiến trên không gian mạng, đòi hỏi đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội phải thường xuyên bám sát tình hình, tích cực, chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, nội dung lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cần tập trung vào những nội dung mới như: lãnh đạo việc nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng vào đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, khắc phục tình trạng đấu tranh chung chung, thiếu cơ sở khoa học; lãnh đạo xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học đầu ngành; lãnh đạo thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các phương thức đấu tranh trên không gian mạng; lãnh đạo bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kiến thức, kỹ năng đấu tranh trên không gian mạng cho cán bộ chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị; lãnh đạo việc xây dựng mở rộng mối quan hệ và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng trong đấu tranh trên không gian mạng. Đổi mới phương thức lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng tập trung vào: đổi mới cách thức ra quyết định, đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tính chất nhiệm vụ, theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân phụ trách, cơ quan chuyên trách; lãnh đạo thông qua phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47, các nhóm chuyên gia, các hội nhóm; lãnh đạo thông qua việc xây dựng các mô hình, cách làm mới hiệu quả.

Bốn là, tập trung lãnh đạo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở các học viện, trường sĩ quan.

Đảng ủy học viện, trường sĩ quan cần căn cứ vào thực tiễn của nhà trường, yêu cầu nhiệm vụ, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35, cơ quan thường trực đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; lãnh đạo xây dựng Lực lượng 47 ở cơ sở có chất lượng cao; lãnh đạo xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; xây dựng các nhóm chuyên gia đấu tranh trên từng lĩnh vực. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng bộ phận, đảng ủy học viện, trường sĩ quan cần quan tâm lãnh đạo phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35 và cơ quan thường trực trong công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất cho đảng ủy học viện, trường sĩ quan các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các lực lượng ở nhà trường tham gia đấu tranh trên không gian mạng. 

Lãnh đạo phát huy vai trò của Lực lượng 47 trong nghiên cứu, nắm và dự báo tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, kịp thời đề xuất với Ban Chỉ đạo 35, cấp ủy, người chỉ huy các nội dung, biện pháp, kế hoạch đấu tranh trên không gian mạng; phát huy tốt vai trò nòng cốt trực tiếp đấu tranh và định hướng, hướng dẫn các lực lượng trong đơn vị tham gia đấu tranh trên không gian mạng. Lãnh đạo phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, nhóm chuyên gia trong viết bài đấu tranh chính luận, bình luận, định hướng, dẫn dắt dư luận; nghiên cứu, viết báo khoa học, các công trình khoa học về đấu tranh tư tưởng, lý luận, đấu tranh trên không gian mạng; đưa nội dung đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch vào trong các bài giảng, hoạt động giảng dạy.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay.

Đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng để lãnh đạo phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, hệ thống chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên, nhân viên, chiến sỹ, các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân, các tổ chức, lực lượng ngoài đơn vị, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan báo chí, viện nghiên cứu và các nhà trường ngoài quân đội trong nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng uỷ học viện, trường sĩ quan quân đội. Tăng cường lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, huy động tối đa các nguồn lực tạo môi trường, điều kiện thuận lợi bảo đảm cho hoạt động nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các đảng ủyhọc viện, trường sĩ quan quân đội có hiệu quả cao.

Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
2, 5Tổng Cục Chính trị (2021). Báo cáo số 2031/BC-CT ngày 25/11/2021 về kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 47/CT-CT ngày 08/01/2016 của Tổng Cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội, tr. 2, 7.
3Ban Chỉ đạo 35 Học viện Hải quân (2023). Báo cáo số 1199-BC/BCĐ ngày 18/4/2023 về sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tr. 2, 5.
4. Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị (2023). Báo cáo số 107-BC/BCĐ ngày 05/7/2023 về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tr. 7.
6. Đảng ủy Trường Sĩ quan Công binh (2023). Báo cáo số 708-BC/ĐU ngày 06/6/2023 về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, tr. 6.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018). Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
2. Nguyễn Văn Yên (2021). Nâng cao chất lượng lãnh đạo đấu tranh tư tưởng, lý luận của các đảng ủy học viện, trường sĩ quan quân đội. Luận án Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Học viện Chính trị.