Một số biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Lào hiện nay 

Somsavanh Douangsavanh
NCS. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng ở Lào là hướng đi đúng đắn, tất yếu khách quan để khơi dậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Lào trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay. Bài viết giới thiệu một số biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Lào.

Từ khóa: Biện pháp, tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng, CHDCND Lào.

1. Đặt vấn đề

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Lào đã thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, phát huy tính năng động, sáng tạo của các ngành kinh tế. Sau khi tái cấu trúc,hệ thống ngân hàng thương mại đã phát triển, tăng trưởng và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn góp phần quan trọng vào sự phát triển và ổn định hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và đạt được những mục tiêu phát triển toàn diện đề ra trong từng giai đoạn.

2. Thực tiễn kinh nghiệm quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Lào

Từ năm 1975 – 1986, nền kinh tế Lào phát triển theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung và được sự hỗ trợ từ các khối nước xã hội chủ nghĩa cũ, đặc biệt là Liên Xô. Để triển khai Nghị quyết của Đảng, Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định số 11/CP ngày 12/3/1988 về việc định hướng hệ thống ngân hàng theo con đường kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chuyển từ hệ thống ngân hàng cấp một sang hệ thống ngân hàng hai cấp, xóa bỏ toàn diện cơ chế quản lý bao cấp, trợ cấp tại hệ thống ngân hàng trước đây sang cơ chế thị trường và có tính kinh tế. 

Căn cứ vào nghị quyết của Đảng, nghị định Chính phủ, Hội nghị ngân hàng toàn quốc lần thứ I đã được khai mạc vào ngày 22/7/1989, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Kaysone Phomvihan. Theo đó, hệ thống ngân hàng Lào tập trung cải cách bộ máy tổ chức ngân hàng nhà nước, ban hành Luật Ngân hàng và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật liên quan đến ngành Ngân hàng và tổ chức thí điểm hoạt động ngân hàng thương mại tại một số tỉnh. Đây là dấu mốc lịch sử đầu tiên sự trưởng thành và phát triển của hệ thống ngân hàng Lào cũng là bước đi đầu tiên và cơ sở của sự cải cách hệ thống ngân hàng, tạo tiền đề nâng cao tính cạnh tranh và phát triển của hệ thống ngân hàng.  

Để cải cách hệ thống ngân hàng từ chế độ ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp, như: ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại, năm 1990, là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển hệ thống ngân hàng Lào, hệ thống ngân hàng hai cấp đã thực sự hoàn thiện, sau đó cũng chuyển 19 chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các tỉnh sáp nhập chỉ còn 7 ngân hàng để thực hiện chức năng ngân hàng thương mại và trở thành ngân hàng quốc doanh đến nay. Hiện nay, chỉ còn 3 ngân hàng quốc doanh và thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tín dụng, dịch vụ ngân hàng. 

Hệ thống ngân hàng Lào đã có bước trưởng thành đột phá cả số lượng và chất lượng từ sau 2006 do sự hiện diện của nhiều ngân hàng nước ngoài. Căn cứ vào nội dung ghi nhận từ Quyển sách 50 năm Ngân hàng CHDCND Lào thì lịch sử phát triển của Ngân hàng CHDCND Lào được chia thành 3 giai đoạn chính, như: giai đoạn 1968 – 1975; giai đoạn 1975 – 1990; giai đoạn 1990 – 2018. Mỗi giai đoạn, Ngân hàng CHDCND Lào được cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi và mục tiêu hoạt động theo định hướng và chủ trương của Đảng từng thời kỳ cụ thể.

Năm 1990, Luật Ngân hàng Trung ương được ban hành và đã thay đổi tên Ngân hàng Nhà nước Lào (SBL) thành Ngân hàng CHDCND Lào (BOL). Ngân hàng nhà nước Lào không thực hiện hai chức năng (chức năng quản lý và chức năng ngân hàng thương mại), sáp nhập các chi nhánh ngân hàng nhà nước ở các tỉnh, thành phố, thành lập ngân hàng quốc doanh có tư cách pháp nhân độc lập. Ngân hàng nhà nước chỉ có một chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ – ngân hàng và phát hành tiền. Đến năm 1995 đã điều chỉnh, bổ sung và ban hành Luật Ngân hàng CHDCND Lào, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động ngân hàng. Theo đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy tổ chức cũng như cơ chế hoạt động cơ bản của Ngân hàng CHDCND Lào. 

Năm 2013, Lào trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và đã cam kết dần dần tự do hóa tài chính trong 5 năm sau khi gia nhập. Năm 2015, để bảo đảm hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh, Ngân hàng trung ương Lào đã theo dõi và giám sát chặt chẽ các ngânhàng thương mại dưới khung giám sát các nguyên tắc CAMELs và Basel I nhằm phát triển hệ thống tổ chức tín dụng – tiền tệ của Lào trong tương lai và bảo đảm hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động có hiệu quả, có tính an toàn, hội nhập với khu vực và thế giới, không ngừng góp phần tăng trưởng kinh tế. 

Năm 2016, BOL đã ban hành chiến lược phát triển hệ thống tổ chức tín dụng -tiền tệ của Lào từ giai đoạn 2016 – 2025 và tầm nhìn 2030. Tiếp tục tăng cường quản lý dựa trên rủi ro và hiệu quả thanh tra, giám sát cũng như quản trị doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Năm 2017, BOL chính thức ban hành chiến lược áp dụng Basel II tại hệ thống ngân hàng thương mại Lào.

Chiến lược áp dụng Basel II được chia thành 3 giai đoạn: 

(1) Giai đoạn 2017 – 2020, chuẩn bị thực hiện Basel II: các ngân hàng tự đánh giá, chuẩn bị phương pháp đo mức độ rủi ro, thực hiện tiêu chuẩn thấp nhất để tính toán vốn khả dụng.

(2) Giai đoạn năm 2021-2023, các ngân hàng thương mại ít nhất phải thực hiện tiêu chuẩn thấp nhất của Basel II, quy định về việc quản trị ngân hàng, bắt đầu thực hiện đánh giá ICAAP. Ngân hàng thí điểm phải thực hiện mức tín nhiệm theo FIRB đối với rủi ro tín dụng và đánh giá bằng ICAAP đối với rủi ro thị trường và hoạt động.

(3) Tất cả hệ thống ngân hàng có thể sử dụng tổ chức tín nhiệm nội bộ (FIRB) đối với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Ngân hàng thí điểm có thể thực hiện tính toán vốn khả dụng theo phương pháp tín nhiệm tiên tiến đối với mọi rủi ro, phải thực hiện ICAAP và công bố thông tin toàn diện (Chiến lược áp dụng Basel II, 2017). Ngân hàng CHDCND Lào đã hoàn thiện chức năng và vị trí cơ bản, trở thành cơ quan chính trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý các tổ chức tín dụng quốc gia. Chủ động thực hiện chính sách tiền tệ nhằm mục đích ổn định giá trị đồng nội tệ và góp phần tăng trưởng kinh tế. Hệ thống pháp lý và bộ máy tổ chức liên quan đến hoạt động ngân hàng CHDCND Lào được hoàn thiện cơ bản, như: có hội đồng quản trị, ban giám đốc, lãnh đạo các vụ. Trong đó bao gồm: 5 chi nhánh, 21 vụ và tương đương vụ. 

Mặc dù, việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn một số hạn chế, như: từ năm 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào có xu hướng giảm, tăng trưởng trong khoảng 4-6%. Đặc biệt nhất là năm 2019 do sự bùng phát của Covid -19 đã để lại hậu quả rất lớn tới tăng trưởng kinh tế các nước trên thế giới, tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm nguyên nhân chính là do một số ngân hàng quốc doanh (SOCBs) và một số ngân hàng nước ngoài đang đối phó với khó khăn tài chính; chính sách tài khóa thắt chặt nhằm giảm thâm hụt ngân sách; việc điều hành chính sách tiền tệ chưa có hiệu quả cao; hệ thống thanh tra, giám sát chưa hoàn thiện; quá trình xử lý nợ xấu còn chậm…

3. Một số biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Lào hiện nay

Một là, cổ phần hóa và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.

Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại ngân hàng còn lại (trừ ngân hàng công thương (BCEL)) vì ngân hàng này đã cổ phần hóa và niêm yết trên sở giao dịch vào năm 2011. Cổ phần hóa và niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán là một giải pháp có hiệu quả cao để góp phần tăng cường hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và góp phần minh bạch và công khai thông tin hoạt động ngân hàng (do tính bắt buộc khi niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại nhà nước tiếp cận nhà đầu tư chiến lược dễ dàng hơn và ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thuận lợi trong việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu cho quần chúng. Giải pháp này không chỉ củng cố và phát triển các ngân hàng thương mại nhà nước mà còn giúp nhà nước thoái vốn song vẫn giữ cổ phần chi phối hoạt động ngân hàng (Nhà nước giữ vốn cổ phần > 50%). 

Hai là, tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính

Dựa vào tính khách quan và nhu cầu cấp bách về tình hình hạn mức tài chính của một số ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục duy trì tính chủ lực và đầu tàu của hệ thống ngân hàng thương mại Lào, theo đó Chính phủ cần xem xét phương án tái cấp vốn cho một số ngân hàng thương mại tại thời điểm thích hợp. Đặc biệt là ngân hàng phát triển nông nghiệp (APB) và ngân hàng phát triển Lào (LDB) nhằm tạo điều kiện để 2 ngân hàng này ổn định và trở thành động lực cho hệ thống ngân hàng thương mại, như: mua lại, sáp nhập, mở rộng vốn huy động.

Do tính đặc thù của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khách hàng tín dụng phần lớn là doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư cho các dự án phát triển của nhà nước do đó khi ngân sách nhà nước gặp khó khăn đồng nghĩa với tình trạng chất lượng tài sản thấp và nợ xấu tăng. Như vậy, giải pháp nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và tập trung xử lý nợ xấu đặc biệt là khoản nợ tam giác (Chính phủ nợ các doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nợ ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ rất có ý nghĩa đối với tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng và nói chung đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Cần đưa mục tiêu tỷ lệ nợ xấu phải <3%.

Tiếp tục rà soát, củng cố các hoạt động chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, giảm các hoạt động kinh doanh có tiềm ẩn nhiều rủi ro, không có hiệu quả, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính hoặc đầu tư vào lĩnh vực có nhiều rủi ro. Phân tích, dự báo kỹ lưỡng các nhân tố để xây dựng chiến kinh doanh trong môi trường mới và đảm bảo kết quả kinh doanh có lãi. Ngân hàng thương mại nhà nước phải tiên phong đầu tư cho các ngành lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo chính sách phát triển chính phủ, như: phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, thúc đẩy xuất nhập – khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp sản xuất – chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế.

Ba là, tập trung phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển nhanh đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành ngân hàng có tinh thần trách nhiệm cao và có đạo đức kinh doanh và thu hút người tài giỏi vào ngân hàng. Do đó, ngân hàng thương mại nhà nước phải rà soát chính sách đãi ngộ, thu hút người có tài, có đạo đức vào ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng thương mại cần phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ trong dài, trung và ngắn hạn cả trong nước và quốc tế. 

Tiếp tục sắp xếp lại các ngân hàng liên doanh, ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài để bảo đảm tính an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đúng pháp luật và cùng với các ngân hàng thương mại nhà nước giữ được hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, phát triển vững chắc. Kiểm soát quy mô, tốc độ tăng trưởng và phạm vi hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại nhà nước phù hợp với điều kiện tài chính và năng lực quản trị.

Bốn là, cơ cấu lại tài chính và quản trị của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài.

Tiến hành đánh giá chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu. Đối với các khoản nợ xấu không có tài sản bảo đảm, không có khả năng thu hồi được do thực hiện cho vay thực hiện các dự án phát triển của chính phủ thì khoản nợ xấu đó sẽ bị xóa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với các tài sản bằng công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho hoạt động an sinh xã hội và hoạt động của chính phủ và chính quyền địa phương. Tăng vốn điều lệ các ngân hàng, theo hướng: phát hành cổ phiếu bổ sung, tăng vốn góp từ các cổ đông, thành viên góp vốn hiện hành và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của các ngân hàng thương mại được cơ cấu lại. Các ngân hàng liên doanh, ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài phải đạt vốn tự có đủ bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II trong cuối năm 2025.

Năm là, tiến hành cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng.

Tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của các ngân hàng thông qua việc ban hành các quy định bắt buộc các ngân hàng phải công bố thông tin về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh trên cổng điện tử của minh. Tiếp tục khuyến khích một số ngân hàng cổ phần niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán để góp phần tăng năng lực quản trị ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán của Lào.

Hạn chế các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo vốn nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản trị, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp đối với các chức danh ban lãnh đạo các ngân hàng thương mại (Ban hội đồng quản trị, ban điều hành ngân hàng). Xây dựng chiến lược kinh doanh của ngân hàng.

Phát triển các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Basel II, trong đó tập trung vào các hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động (rủi ro tác nghiệp), tiếp tục phát triển hệ thống tín nhiệm nội bộ. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống kiểm soát và kiểm soát nội bộ. Tiếp tục cơ cấu lại và sắp xếp lại các bộ phận đầu não của ngân hàng, như: lĩnh vực kinh doanh, quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro, điều hành phải điều hành, sắp xếp lại, bố trí hợp lý cán bộ và không ngừng phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

4. Kết luận

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, quá trình tái cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng đã diễn ra từng bước, đúng lộ trình, bước đi, góp phần tích cực vào thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã xác định. Vì vậy, trong mỗi bước đi, hoạt động cụ thể của hệ thống các ngân hàng ở Lào luôn quán triệt sâu sắc quan điểm đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, sự điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ tộc Lào để hệ thống các ngân hàng phát huy tiềm năng, lợi thế góp phần đưa đất nước Lào phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Chheang, V. and Wong, Y (2012). Cambodia-Laos-Vietnam: Economic Reform and Regional Integration. The International Foundation for Arts and Culture, IFAC.
2. Chowdhury, A (2003). Banking reform in Russia: Winds of change? Bank of Finland, Institute for Economies in Transition (BOFIT).
3. Jaffee, D. and Levonian, M (2001). The structure of the banking system in the developed and transition economies. European Financial Management. Số 2, Tập 7, tr. 161-181.
4. Keovongvichith, P. (2012). An Analysis of the Recent Financial Performance of the Laotian Banking Sector during 2005-2010. International Journal of Economics and FinanceSố 4, Tập 4, tr.148-162.
5. Laeven, L. and Valencia, F (2012). Systemic Banking Crises Database: An Update.