ThS. Lê Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Caiđặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 -2025 có thêm nhiều “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả ngay từ đầu năm 2024 với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của Nhân dân, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
Từ khóa: Tỉnh Lào Cai; Chương trình chuyên đề; Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng nông thôn mới.
1. Đặt vấn đề
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Tây Bắc Bộ của Việt Nam. Hiện nay, tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 151 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường, 9 thị trấn và 126 xã)1.
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lào Cai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ngay sau khi Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện Chương trình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, giám sát việc thực hiện ở các địa phương, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đặc biệt, Lào Cai triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới.
1. Thực trạng việc triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề
phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh. Để đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”… được đông đảo các tầng lớp tích cực hưởng ứng. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã rà soát, đánh giá, đôn đốc, kiểm tra theo dõi tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục, sát sao. Đặc biệt, triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Một là, Chương trình phát triển du lịch nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai các mô hình thí điểm. Trong đó, có 1 mô hình thí điểm cấp trung ương, 1 mô hình cấp tỉnh, cấp huyện cũng đăng ký thực hiện 7 mô hình thí điểm du lịch cộng đồng. Có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, có 457 cơ sở homestay, tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên2. Các nhà nghỉ lưu trú cơ bản đã bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch nông thôn với nhiều hình thức, như: du lịch chợ phiên; du lịch leo núi, du lịch tâm linh, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà, in ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch Lào Cai, sách ảnh du lịch Lào Cai,… Công tác truyền thông, quảng bá tập trung vào các chương trình liên kết hợp tác quốc tế, trong nước và phát triển các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện du lịch hấp dẫn.
Hai là, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được phân cấp và triển khai thực hiện hiệu quả theo hướng dẫn tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Hội đồng đánh giá sản phẩm, xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trìnhOCOP hằng năm, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Năm 2024 đánh giá được 57 sản phẩm, trong đó 49 sản phẩm mới và 8 sản phẩm đánh giá lại, lũy kế có 269 sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có 8 trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP3. Các sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, như: Hội nghị Quốc tế kết nối giao thương, giới thiệu nông sản Lâm Đồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; Hội chợ Kinh tế thương mại và Du lịch Biên giới Trung – Việt (Hồng Hà) năm 2024; tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại thành phố Hà Nội; tổ chức tuần hàng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố Nam Bộ… Thông qua các hội chợ tại các vùng miền, đã có nhiều loại hàng hóa là sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được tham gia giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu chuyên sâu về một số lĩnh vực, như: Chương trình OCOP và dịch vụ nông thôn; phát triển nông nghiệp số; phát triển kinh tế tập thể… Giải pháp phát huy các “nguồn lực mềm” cho xây dựng nông thôn mới bền vững qua các truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, đặc trưng bản địa, cảnh quan kiến trúc, di sản truyền thống làng xã, phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Cùng với đó, tỉnh tập trung nghiên cứu các mô hình tạo sinh kế, nông nghiệp bền vững thích ứng với các vùng đặc biệt khó khăn, khai thác tiềm năng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương. Hiện, tỉnh đang quản lý, kiểm tra theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện của 43 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 7 dự án khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; 2 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền địa phương quản lý4.
Bốn là, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn5
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 mô hình thí điểm, trong đó có 3 mô hình cải tạo cảnh quan gắn với du lịch nông thôn; 5 mô hình bảo vệ môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt. Đến nay, Chương trình đạt được một số kết quả cụ thể:
(1) Có 825 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 95,2%. Tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch khoảng 47%; 17% hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. (2) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 77%. (3) Tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt 82%. (4) Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 96%.
Năm là, Chương trình chuyển đổi số.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố từ năm 2023. Có 1 mô hình thí điểm cấp tỉnh về chuyển đổi số (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) và 8 mô hình cấp huyện về xã chuyển đổi số hướng tới xã nông thôn mới thông minh; các mô hình đều đã xây dựng kế hoạch triển khai, đang tiến hành thực hiện. Đến nay 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến một phần; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; 64% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến một phần và toàn trình đã tích hợp, công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia; 97% hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến một phần và toàn trình; 95% hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng6.
Sáu là, Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự.
Công an các đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện: Kế hoạch số 1503/KH-CAT-PV01 ngày 16/4/2024 về công tác Công an thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024; Kế hoạch 1504/KH-CAT-PV01 ngày 16/4/2024 về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024; Kế hoạch số 1162/KH-CAT-PV01 ngày 22/3/2024 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Công an thuộc chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024; rà soát, bổ sung, đánh giá lại toàn bộ tiêu chí an ninh theo Hướng dẫn số 4426/HD-CAT-PV01 ngày 07/11/2024 về tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về ANTT đối với xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 – 2025.
Tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh với 750 người tham gia; 17 “điểm” cấp huyện với 2.919 người tham gia7. Tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, nhân rộng mô hình, duy trì hoạt động có hiệu quả các loại mô hình tổ chức quần chúng bảo đảm an ninh trật tự, như: “Cảm hóa giáo dục”, “Phòng chống ma túy”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”… thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế, như:
(1) Công tác truyền thông chưa tạo được điểm nhấn, do đó vai trò chủ thể của người dân chưa được thể hiện rõ qua các hoạt động cụ thể.
(2) Tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh còn chậm; công tác giải ngân nguồn vốn trực tiếp còn có những hạn chế.
(3) Việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản chưa tạo thành phong trào thi đuamạnh mẽ, chưa mang được nét đặc trưng riêng của địa phương. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản cũng mới đạt ở mức tối thiểu nên việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn cũng khó khăn.
(4) Việc phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư một số danh mục dự án, công trình còn gặp nhiều khó khăn do năng lực của cán bộ cấp xã còn hạn chế.
(5) Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn chưa rõ nét; một số nội dung công việc thuộc phần việc của người dân thực hiện còn chậm tiến độ, như: công tác giải phóng mặt bằng (hiến đất) để mở rộng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hoá… cải tạo, nâng cao nhà ở; vệ sinh môi trường khu dân cư, nơi ở; cải tạo cảnh quan, không gian sống; phân loại rác thải…
(6) Việc thực hiện chế độ báo cáo của một số cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí, một số huyện còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp.
3. Đề xuất một số giải pháp tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình. Thống nhất quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Chương trình.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới, tạo phong trào xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh, đổi mới cách thức, phương thức công tác truyền thông, tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân.
Thứ ba, tiếp tục sử dụng hiệu quả, linh hoạt các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn để thực hiện Chương trình. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, nguồn lực trong Nhân dân.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần của Chương trình. Tập trung chỉ đạo các xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đạt chuẩn. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Thôn Kiểu mẫu” và “Thôn Nông thôn mới”. Quan tâm triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới bảo đảm hiệu quả, thiết thực, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Cùng với đó, tăng cường củng cố hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu tại nông thôn; quan tâm đến đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải tạo môi trường nông thôn xây dựng cảnh quan môi trường sáng -xanh – sạch – đẹp – an toàn, nâng cao chất lượng môi trường sống; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nông thôn.
Thứ năm, nâng tiêu chí thu nhập, hộ nghèo đa chiều gắn với việc hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo mối liên kết bền vững giữa người nông dân với doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn hoặc xuất khẩu lao động. Đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm tín dụng để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức, sự chủ động của người dân trong xây dựng nông thôn mới thông qua các quy ước, hương ước tại thôn, bản để người dân tự giác tham gia các phần việc của người dân, như: sửa chữa, nâng cấp nhà ở; giữ gìn vệ sinh môi trường…
Thứ bảy, bảo vệ thành quả xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tính bền vững của các tiêu chí nông thôn mới trước các diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ngành chuyên môn và các địa phương để hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và thẩm định các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình thường xuyên, liên tục từ cấp tỉnh đến các cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc bảo đảm kế hoạch thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao.
Chú thích:
1. Lào Cai. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 06/12/2024.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai (2025). Báo cáo số 20/BC-BCĐ ngày 13/01/2025 về kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai (2020). Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
2. Chính phủ (2022). Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai (2024). Kế hoạch số 104/KH-BCĐ ngày 15/02/2024 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
4. Nâng cao chất lượng hoạt động của các chủ thể thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh – nghiên cứu trường hợp ở tỉnh Lào Cai. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/16/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-cac-chu-the-thuc-hien-chuc-nang-giam-sat-cua-hoi-dong-nhan-dan-tinh-nghien-cuu-truong-hop-o-tinh-lao-cai/