Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE)

ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE) là một trung tâm độc lập, danh tiếng và nơi cung cấp thông tin chính về bình đẳng giới tại Liên minh châu Âu (EU). EIGE có sứ mệnh góp phần xây dựng EU trở thành một Liên minh bình đẳng, nơi phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, được tự do theo đuổi con đường đã chọn trong cuộc sống, có cơ hội để phát triển như nhau, có thể tham gia và lãnh đạo xã hội một cách bình đẳng. Bài viết giới thiệu cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của EIGE để từ đó nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới tại EU ngày càng hiệu quả.

Từ khóa: Viện châu Âu về bình đẳng giới; tổ chức hoạt động; nghiên cứu; nâng cao nhận thức; lồng ghép giới.

1. Vài nét về Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE)        

EIGE được thành lập theo Quyết định số 1922/2006 ngày 20/12/2006 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, trong đó nêu rõ nhiệm vụ và mục tiêu chung của EIGE là đóng góp và tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm: lồng ghép giới vào tất cả các chính sách của Cộng đồng và chính sách quốc gia liên quan, đấu tranh chống phân biệt đối xử về giới và nâng cao nhận thức của công dân Liên minh châu Âu (EU) về bình đẳng giới bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức của cộng đồng, đặc biệt là Ủy ban và các cơ quan chức năng của các quốc gia thành viên…

Kiến thức chuyên môn, nghiên cứu, dữ liệu và công cụ độc đáo của EIGE đã giúp cho các nhà hoạch định chính sách thiết kế các biện pháp bao trùm, mang tính chuyển đổi và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống; đồng thời truyền đạt những kiến thức chuyên môn và nghiên cứu của mình một cách hiệu quả. 

EIGE hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nâng cao nhận thức ở cấp độ EU và quốc gia cũng như với các quốc gia ứng cử viên và ứng cử viên tiềm năng của EU. Chính vì vậy, để hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới tại EU, EIGE tập trung vào:

(1) Thực hiện nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu về bình đẳng giới theo quan điểm giao thoa;

(2) Phát triển các phương pháp để cải thiện số liệu thống kê về giới và thu thập dữ liệu;

(3) Truyền đạt dữ liệu và thông tin đáng tin cậy và có thể so sánh được của mình theo cách tiếp cận dựa trên hy vọng;

(4) Đánh giá tình trạng bình đẳng giới ở cả cấp độ EU và cấp độ quốc gia thành viên;

(5) Phát triển các công cụ phương pháp luận và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đưa vấn đề vấn đề bình đẳng giới vào tất cả các chính sách của EU cũng như các quốc gia khác;

(6) Hợp tác với các viện, học viện khác của EU, các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức về quyền bình đẳng, các trường đại học và chuyên gia, các trung tâm nghiên cứu, các đối tác xã hội và các cơ quan liên quan, phương tiện truyền thông và các cơ quan khác trong đại gia đình EU.

2. Về cơ cấu tổ chức của EIGE

Hiện nay, EIGE bao gồm: Ban Quản lý (cơ quan ra quyết định), Ban Cố vấn (Diễn đàn của các chuyên gia đồng thời là cơ quan tham vấn) và bộ phận Hành chính và kế toán, trong đó có giám đốc các bộ phận và nhân viên.

2.1. Ban Quản lý

Ban Quản lý có nhiệm vụ thông qua chương trình làm việc hằng năm, chương trình làm việc trung hạn cũng như ngân sách của Viện.

Ban gồm 18 đại diện từ các quốc gia thành viên hoạt động theo cơ chế luân phiên nhằm bảo đảm tính đại diện toàn diện kết hợp với hiệu quả hoạt động. Mỗi  thành viên của Ban cũng đại diện cho EU. Nhiệm kỳ của mỗi người đại diện là 3 năm. Đối với mỗi nhiệm kỳ, các thành viên do Hội đồng bổ nhiệm sẽ đại diện cho 18 quốc gia thành viên theo thứ tự luân phiên, mỗi quốc gia liên quan chỉ định một thành viên; đồng thời Ban Quản lý bầu trưởng ban và phó trưởng ban cho nhiệm kỳ 3 năm.

2.2. Ban Cố vấn (Diễn đàn của các chuyên gia)

Chức năng chính của diễn đàn là cung cấp kiến ​​thức chuyên môn trong lĩnh vực bình đẳng giới. Diễn đàn bao gồm các thành viên đến từ các cơ quan có thẩm quyền chuyên trách về bình đẳng giới từ mọi quốc gia thành viên của EU. Mỗi quốc gia có một thành viên chính thức và một thành viên thay thế. Có hai thành viên do Nghị viện châu Âu chỉ định, ba thành viên do EU chỉ định và đại diện cho các bên liên quan ở cấp độ châu Âu, với một đại diện từ: (1) Tổ chức phi chính phủ phù hợp ở cấp độ cộng đồng, có lợi ích hợp pháp trong việc đóng góp vào cuộc chiến chống phân biệt đối xử về giới và thúc đẩy bình đẳng giới; (2) Các tổ chức của người sử dụng lao động ở cấp độ cộng đồng; (3) Các tổ chức của người lao động ở cấp độ cộng đồng.

Các quốc gia thành viên và Ủy ban đặt mục tiêu đạt tạo sự cân bằng giữa nam và nữ trong Diễn đàn chuyên gia; đồng thời được chỉ định trong thời hạn 3 năm.

3. Các hoạt động nổi bật của EIGE

3.1. Kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2024 – 2026

Kế hoạch và những hoạt động của EIGE hiện nay và thời gian tới, bám sát chương trình, kế hoạch của Nghị viện châu Âu và dự báo xu hướng chính trị mới. Giai đoạn này cũng bao gồm Chiến lược bình đẳng giới của Ủy ban châu Âu (EU) hiện tại giai đoạn 2020 – 2025.

Các ưu tiên của EIGE liên quan đến vấn đề giới và động lực mới cho nền dân chủ châu Âu. EIGE sẽ tiếp tục thúc đẩy các phát hiện mới của chủ đề ưu tiên năm 2023, như: Thỏa thuận xanh châu Âu và hỗ trợ các Chủ tịch của Hội đồng Liên minh châu Âu giám sát các cam kết bình đẳng giới quốc tế của EU. 

Một lĩnh vực trọng tâm khác là cam kết của EU nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong chăm sóc và thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Cuộc khảo sát thứ hai của EIGE về khoảng cách giới trong các hoạt động chăm sóc không công, cá nhân và xã hội sẽ cung cấp dữ liệu độc đáo, rất cần thiết để theo dõi các cam kết của EU về việc thu hẹp khoảng cách giới trong việc chăm sóc và bảo đảm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chất lượng cao với giá cả phải chăng, như đã được chỉ rõ trong Trụ cột châu Âu về quyền xã hội, Chiến lược bình đẳng giới của EU giai đoạn 2020-2025 và Chiến lược chăm sóc châu Âu. 

Chỉ số bình đẳng giới của EIGE là công cụ đánh giá và giám sát của EU về bình đẳng giới sẽ tiếp tục đóng vai trò là thước đo về tình trạng bình đẳng giới tại EU. Công việc của EIGE về lồng ghép giới sẽ tập trung vào việc phát triển các nguồn lực và công cụ dựa trên bằng chứng để giúp các nhà hoạch định chính sách tích hợp quan điểm về giới vào mọi lĩnh vực chính sách và ở mọi giai đoạn của chu kỳ hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu thống kê giới của EIGE sẽ tiếp tục cung cấp cho EU dữ liệu phân tách theo giới tính và số liệu thống kê giới mới nhất cho nhiều lĩnh vực chính sách. 

Những năm qua, EIGE đã khẳng định mình là nguồn thông tin và công cụ chính để hỗ trợ các quốc gia thành viên EU ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ. Năm 2024, cùng với Cơ quan Liên minh châu Âu về quyền cơ bản và Eurostat, EIGE đã trình bày những phát hiện của cuộc khảo sát trên toàn EU về bạo lực giới cùng với các hoạt động sẽ triển khai bổ sung vào năm 2025. Năm 2024 cũng đã chứng kiến ​​Diễn đàn Bình đẳng giới thứ hai của EIGE. EIGE đã tăng cường năng lực sử dụng phương pháp dự báo chiến lược để trợ giúp các bên liên quan hiệu quả hơn. EIGE sẽ truyền đạt các thông điệp chính về bình đẳng giới thông qua các chiến dịch rõ ràng, kịp thời và hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. 

3.2. Nghiên cứu về Chỉ số bình đẳng giới năm 2024

Kết quả về chỉ số Bình đẳng giới năm 2024 cung cấp thông tin tổng quan về tình trạng bình đẳng giới tại EU. Theo đó, EU và các quốc gia thành viên sẽ được chấm điểm từ 1 đến 100 (trong đó: 1 là bất bình đẳng hoàn toàn và 100 là bình đẳng hoàn toàn).

Điểm số dựa trên khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới về mức độ đạt được trong 6 lĩnh vực cốt lõi: công việc, tiền bạc, kiến ​​thức, thời gian, quyền lực và sức khỏe cùng các yếu tố phụ tương ứng với mỗi lĩnh vực. Chỉ số này cũng có thêm hai lĩnh vực: bạo lực đối với phụ nữ và bất bình đẳng giao thoa. 

Trọng tâm mang tính chủ đề của nghiên cứu Chỉ số Bình đẳng giới năm 2024 là tìm cách đưa dữ liệu cập nhật về lĩnh vực bạo lực được phát triển vào năm 2017 cho 26 quốc gia thành viên EU (không có dữ liệu của Italia) với các tính toán cập nhật và phân tích thước đo tổng hợp của lĩnh vực bạo lực. Những báo cáo này dựa trên hai nguồn dữ liệu định lượng chính. Đầu tiên, dữ liệu của Eurostat về bạo lực giới và các hình thức bạo lực khác giữa các cá nhân (EU-GBV) tại 19 quốc gia thành viên EU và thứ hai, dữ liệu khảo sát về bạo lực đối với phụ nữ (VAW II) do EIGE và Cơ quan về Quyền cơ bản (FRA) thu thập tại 8 quốc gia thành viên EU. Việc sử dụng phương pháp thống nhất bảo đảm tính khả dụng của dữ liệu có thể so sánh được trên tất cả các quốc gia thành viên EU.

Chỉ số Bình đẳng giới năm 2024 cũng bao gồm các phân tích cập nhật cho các chỉ số bổ sung của dữ liệu sẵn có cũng như phân tích các yếu tố theo ngữ cảnh và cách chúng liên quan đến mức độ bạo lực giới chủ yếu dựa trên dữ liệu định tính. Một số nguồn thông tin bao gồm các báo cáo của Grevio bất cứ khi nào có thể, các báo cáo của WAVE, báo cáo của Bắc Kinh + 30, UNECE cũng như các tài liệu học thuật khác. 

Việc phân tích dữ liệu và thông tin của từng quốc gia tạo ra giá trị gia tăng liên quan đối với Chỉ số Bình đẳng giới. Phân tích dữ liệu được thiết kế riêng đã và sẽ giúp hỗ trợ việc diễn giải tiến trình bình đẳng giới tại các Quốc gia thành viên và có liên quan để thúc đẩy cuộc thảo luận về bình đẳng giới trong bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Các thông tin về Chỉ số Bình đẳng giới năm 2024 có thể được tìm thấy tại https://eige.europa.eu/gender-equality-index/2024.

Trong năm 2024, EIGE xuất bản một số ấn phẩm chính, gồm: 

– Tổng quan về ấn phẩm của EIGE năm 2023;

– Báo cáo về “Phụ nữ chạy trốn chiến tranh: tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản tại EU theo Hướng dẫn Bảo vệ Tạm thời”;

– Bộ Công cụ về “Kế hoạch hành động bình đẳng giới cho các Quốc hội: công cụ từng bước”;

– Bản Tóm tắt về phương pháp và công cụ cho “Kế hoạch Hành động Bình đẳng giới”;

– Báo cáo về “Bình đẳng giới trong Nghị viện châu Âu và trong các nghị viện quốc gia tại Liên minh châu Âu: tình hình hiện tại năm 2023”;

– Báo cáo kỹ thuật về “Những cân nhắc về chất lượng cho cơ sở dữ liệu thống kê giới của EIGE (ấn bản thứ 2): xu hướng phát triển trong việc tạo ra dữ liệu bình đẳng giới và quan điểm giao thoa”;

– Báo cáo phương pháp luận về “Phụ nữ và nam giới trong quá trình ra quyết định”;

– Báo cáo về “Nghiên cứu bạo lực giới ở EU: những kết quả chính” và nhiều ấn phẩm khác.

4. Kết luận 

Với vị thế là trung tâm tri thức về bình đẳng giới tại EU, EIGE đã, đang và sẽ cung cấp những dữ liệu và bằng chứng cần thiết để giúp các nhà lãnh đạo châu Âu thiết kế các biện pháp bao trùm và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi công nghệ và khí hậu với những thay đổi trong bản chất bản của công việc và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, cùng với ảnh hưởng ngày càng lớn của các hệ thống quản lý mới và một số phản ứng mạnh mẽ đối với tiến trình hướng tới bình đẳng giới, những thách thức an ninh mới và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. 

Trọng tâm hoạt động của EIGE trong giai đoạn hiện nay và sắp tới là đạt được các mục tiêu chiến lược, đó là: (1) Góp phần vào quá trình chính sách và ra quyết định một cách có hiệu quả dựa trên bằng chứng để đạt được bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử về giới; (2) Hỗ trợ việc lồng ghép quan điểm về giới vào các chính sách của Liên minh châu Âu và các chính sách quốc gia liên quan; (3) Thúc đẩy hiệu quả bình đẳng giới cho các bên liên quan trọng tâm và các nhóm mục tiêu.

Để đạt được các mục tiêu chiến lược này, chương trình hoạt động của EIGE bao gồm: (1) Cung cấp bằng chứng, nghiên cứu và thu thập dữ liệu; (2) Hỗ trợ các chính sách liên quan đến vấn đề giới: lồng ghép giới và các công cụ cụ thể; (3) Tuyên truyền về bình đẳng giới.

Tài liệu tham khảo: 
1. Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu (2006). Quyết định số 1922/2006 ngày 20/12/2006 về việc thành lập Viện Bình đẳng giới châu Âu, ngày 25/12/2024 tại ELI. https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2006/1922/oj
2. EIGE. https://eige.europa.eu/, ngày 20/11/2024
3. EIGE. https://eige.europa.eu/gender-equality-index/2024, ngày 20/11/2024.