Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Bùi Thanh Tùng
Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng các công nghệ số tiên tiến vào sản xuất và quản trị không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động mà còn là chìa khóa để kiến tạo những giá trị gia tăng đột phá, mang tính cạnh tranh cao. Năm 2024, GDP của Việt Nam đã đạt 476,3 tỷ USD với mức tăng trưởng 7.09%1. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn FDI cũng ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bài viết làm rõ thực trạng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang gắn với nền tảng số để phát triển kinh tế số ra sao? Từ đó đưa ra các giải pháp góp phần xây dựng một nền kinh tế số vững mạnh, có khả năng thích ứng cao và nâng tầm vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Từ khóa: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự “chuyển mình” ngoạn mục, từ một nền kinh tế nông nghiệp thuần túy sang một nền kinh tế công nghiệp – dịch vụ năng động, hiện đại. Quá trình này không chỉ dừng lại ở việc tăng trưởng GDP hay các chỉ số kinh tế đơn thuần mà còn mở ra những cơ hội để thay đổi toàn diện diện mạo xã hội, từ cơ cấu lao động, hệ thống quản trị quốc gia cho đến việc cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng và sự “chiếm lĩnh” mạnh mẽ của công nghệ số trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề, Việt Nam đang tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn – giai đoạn chuyển đổi số toàn diện. Các công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT) và chuỗi khối (Blockchain) đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng quản trị một cách rõ rệt.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, coi đây là động lực then chốt cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường.

2. Cơ sở lý luận

Với xu hướng toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, khái niệm công nghiệp hóa không còn mang ý nghĩa đơn thuần là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp mà đã trở thành một cuộc “cách mạng” toàn diện, một cuộc chuyển giao sâu sắc từ phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất công nghiệp hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm mục đích tối ưu hóa năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Song song với đó, hiện đại hóa được hiểu là quá trình ứng dụng một cách sáng tạo và hiệu quả các thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất và quản trị, từ đó hiện đại hóa quy trình làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân một cách bền vững2.

Kinh tế số có thể được định nghĩa là một nền kinh tế mà ở đó, các công nghệ số “thế hệ mới” như: AI, Big Data, Cloud Computing, IoT và Blockchain đóng vai trò là những “hạt nhân” trung tâm, chi phối toàn bộ quá trình sản xuất – kinh doanh và quản trị. Việc tích hợp các công nghệ số vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã mang lại những kết quả đáng kể. Theo báo cáo, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số đã cải thiện hiệu suất đáng kể, với nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng năng suất từ 10% đến 20% hàng năm3. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và toàn diện, đây là minh chứng rõ nét cho thấy tác động tích cực của các giải pháp công nghệ tiên tiến trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

3. Thực trạng phát triển kinh tế gắn với nền tảng công nghệ số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam

Thứ nhất, tác động đến ngành thương mại điện tử, kinh tế số và sản xuất.

Trong quá trình triển khai chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với công cuộc chuyển đổi số, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chủ động đi trước, đón đầu, đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật số hiện đại với việc triển khai mạng 5G tốc độ cao, phủ sóng wifi công cộng và xây dựng các trung tâm dữ liệu tiên tiến, tạo ra một môi trường số hóa thuận lợi cho cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Các dự án chuyển đổi số do Chính phủ khởi xướng và triển khai, điển hình là các ứng dụng quản lý điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống giám sát thông minh đã góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả quản trị, tăng cường tính minh bạch và thu hút nguồn vốn FDI.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng và phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, như: triển khai mạng 5G tốc độ cao, phủ sóng internet đến mọi vùng, miền của đất nước và xây dựng các trung tâm dữ liệu tiên tiến có khả năng lưu trữ và xử lý lượng thông tin khổng lồ, cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số một cách minh bạch, rõ ràng và hiệu quả là những tiền đề tiên quyết, là “bệ phóng” vững chắc để nền kinh tế số phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện dại hóa toàn diện.

Bảng 1: Số liệu kinh tế tăng trưởng của tế Việt Nam (2020 – 2024)

NămTăng trưởng GDP (%)Đóng góp kinh tế số (% GDP)Xuất khẩu (tỷ USD)FDI (tỷ USD)
20202.9111.7281.515.8
20212.5811.91336.2519.73
20228.021436422.4
20235.0516.540523.18
20247.09Dự kiến tăngDự kiến tăngDự kiến tăng
Nguồn: Tổng cục Thống kê từ năm 2020 – 2024.

Chuyển đổi số đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP thông qua việc thúc đẩy kinh tế số. Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số đóng góp khoảng 16,5% GDP vào năm 2023, tăng từ mức thấp hơn trong các năm trước, và dự kiến đạt 20% vào năm 20254. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số với mức trung bình trên 20% hằng năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP tổng thể khoảng 5 – 8% theo bảng số liệu5. Điều này cho thấy, nhờ áp dụng công nghệ số mà các ngành thương mại điện tử, tài chính số và sản xuất đã cải thiện năng suất, đổi mới phương thức hoạt động và đạt mức tăng trưởng cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước nhanh, bền vững. Một nghiên cứu từ ScienceDirect chỉ ra rằng, quy mô kinh tế số cốt lõi của Việt Nam tăng từ 1,45% GDP vào năm 2007 lên 7,08% vào năm 2019 và kinh tế số hóa tăng từ 4,90% (giai đoạn từ năm 2007 – 2011) lên 11,56% (giai đoạn từ năm 2016 – 2019)6. Dù số liệu này không bao quát toàn bộ giai đoạn 2020 – 2024, song cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự gia tăng GDP qua các năm. 

Thứ hai, tác động đến xuất khẩu.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng đều từ 281,5 tỷ USD (năm 2020) lên 355,5 tỷ USD (năm 2023)7, điều này phản ánh lĩnh vực xuất khẩu có sự cải thiện trong khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong hoạt động này, đặc biệt thông qua việc áp dụng thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng số hóa. Báo cáo từ Source of Asia nhấn mạnh, dưới tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường châu Âu, chẳng hạn như sử dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu8. Ngoài ra, sự phát triển của hạ tầng số trong đó có mục tiêu phủ sóng internet quang cáp đến 80% hộ gia đình vào năm 20259 đã hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường trực tuyến, góp phần tăng xuất khẩu (ví dụ: ngành bán lẻ, với công ty như ACFC là minh chứng cụ thể trong tăng doanh thu nhờ hệ thống thương mại điện tử và ứng dụng di động, mở rộng thị trường và nâng cao uy tín thương hiệu). Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình sản xuất mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, quản lý hiệu quả tồn kho và tối ưu hóa lịch trình giao hàng, từ đó giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phân tích dữ liệu lớn cũng giúp các doanh nghiệp dự báo chính xác nhu cầu thị trường, từ đó điều chỉnh chiến lược xuất khẩu kịp thời. Theo báo cáo, khoảng 47% doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai các sáng kiến chuyển đổi số năm 2023, điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động mà còn cải thiện đáng kể năng lực dự báo và ra quyết định, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế10.​

Thứ ba, tác động đến thu hút vốn đầu tư FDI.

FDI tại Việt Nam cũng tăng từ 15,8 tỷ USD (2020) lên 23,18 tỷ USD (2023), với ngành sản xuất chiếm 64,2% tổng FDI vào năm 202311. Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành sản xuất công nghệ cao đã làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các công ty đa quốc gia như các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam để tận dụng hạ tầng số hiện đại và lực lượng lao động trẻ, kỹ thuật số12. Hiện đại hóa ngành sản xuất với đầu tư vào công nghệ 4.0 và tự động hóa đã thu hút FDI vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, góp phần vào sự gia tăng FDI trong bảng số liệu. Chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA giúp Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược cho doanh nghiệp toàn cầu. Các khu công nghiệp được xây dựng đồng bộ với hạ tầng hiện đại, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt trong ngành chế biến, chế tạo. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, nhằm thu hút dự án đầu tư vào những lĩnh vực này. Ngoài ra, các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kỹ thuật số góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việc kết hợp chuyển đổi số với đầu tư vào công nghệ tiên tiến đã tạo bước đột phá trong nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời thu hút ngày càng nhiều dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.         

Thứ tư, tác động đến lĩnh vực nông nghiệp.

Công nghệ số ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đặc biệt là thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh. Một trong những ứng dụng nổi bật là các hệ thống tưới tiên tiến như tưới nhỏ giọt và tưới phun, giúp tiết kiệm nước, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo nghiên cứu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các hệ thống tưới tiên tiến này có thể giảm lượng nước sử dụng từ 30% đến 50%, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, loại cây trồng và cách thức vận hành hệ thống13. Việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp tại Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản. Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp giữa phương thức canh tác truyền thống và các công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những ưu điểm lớn của nông nghiệp công nghệ cao là khả năng tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí sản xuất. Các giải pháp như hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà kính và tự động hóa trong canh tác giúp giảm lượng nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ví dụ, tại Hải Dương, mô hình nhà màng kết hợp với hệ thống tưới tự động đã đạt giá trị sản xuất khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Các vùng chuyên canh rau màu sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cũng đã nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10% – 30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền14. Công nghệ trong nông nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn mang lại sự chủ động cho nông dân trong sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và thời vụ. Việc sử dụng công nghệ giám sát và điều khiển từ xa thông qua Internet vạn vật (IoT) cho phép theo dõi và quản lý tình trạng cây trồng, dự báo sâu bệnh và điều chỉnh các yếu tố môi trường, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ và đạt được kết quả khả quan. Tại Hải Dương, diện tích nhà màng sản xuất dưa lưới, rau ăn lá và hoa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/15.

Thứ năm, tác động đến lĩnh vực dịch vụ.

Trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại điện tử và tài chính – ngân hàng, công nghệ số đã mang đến những thay đổi sâu rộng. Các nền tảng như mua sắm theo hình thức sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada hay Tiki sử dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, đưa ra gợi ý sản phẩm phù hợp và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Trong ngành tài chính – ngân hàng, các ngân hàng số và doanh nghiệp fintech tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) cùng các giải pháp tiên tiến để cung cấp dịch vụ trực tuyến tiện lợi, như: vay vốn, thanh toán điện tử hay tư vấn tài chính cá nhân. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh qua các năm. Năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng 56% so với năm 202216. Đến năm 2024, thanh toán qua mã QR tăng trưởng mạnh mẽ, với số lượng giao dịch tăng 846,41% và giá trị tăng 1.146,14% trong hai tháng đầu năm17. Ngoài ra, giá trị giao dịch trung bình của thanh toán QR tăng 20% so với năm 202318. Những con số này phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024 nhờ sự phổ biến của các giải pháp thanh toán số.

Qua phân tích những đóng góp của các công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế số cho thấy, mối quan hệ giữa chuyển đổi số và các chỉ số kinh tế (GDP, xuất khẩu, FDI, nông nghiệp, dịch vụ) từ 2020 – 2024 tại Việt Nam là tích cực và có tính bổ trợ rất lớn cho nhau. Các nỗ lực chuyển đổi số thông qua cải thiện hạ tầng, đổi mới doanh nghiệp và thu hút đầu tư đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Với mục tiêu kinh tế số đạt 30% GDP vào năm 2030, Việt Nam tiếp tục kỳ vọng vào vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và trong tương lai. 

4. Một số giải pháp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, định hướng phát triển kinh tế phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện, đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật số và hoàn thiện khung pháp lý, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau:

(1) Về hạ tầng số. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp mạng 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ và xử lý dữ liệu, đồng thời cải tiến hệ thống viễn thông, bảo đảm kết nối thông suốt trên toàn quốc. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc mở rộng hạ tầng số ở các vùng nông thôn và miền núi, tạo điều kiện cho người dân ở những vùng này được tiếp cận với công nghệ số, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài trợ vốn vay và hỗ trợ R&D dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm khuyến khích quá trình số hóa và cải thiện hiệu quả sản xuất.

(2) Về phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số, cần đầu tư một cách bài bản và có hệ thống cho giáo dục và đào tạo theo chuẩn quốc tế. Các trường đại học và trung tâm đào tạo cần nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, chú trọng đến các lĩnh vực mũi nhọn, như: AI, Big Data, IoT, Blockchain… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có được đội ngũ 1 triệu lao động có kỹ năng số, từ đó giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức và nhân viên doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực làm việc và khả năng thích ứng với công nghệ mới.

(3) Về khung pháp lý. Khung pháp lý phục vụ chuyển đổi số cần được rà soát và hoàn thiện một cách toàn diện, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, bảo mật thông tin và an ninh mạng là điều hết sức cần thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập các cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) có ý tưởng sáng tạo, đột phá và thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ các dự án công nghệ mới, có tiềm năng phát triển lớn. Điều này sẽ giúp kích thích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

(4) Về tăng cường hợp tác quốc tế. Đây là yếu tố không thể thiếu để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số toàn cầu và tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Việt Nam cần chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến có nền kinh tế số phát triển hàng đầu thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ số. Việc hợp tác quốc tế không chỉ giúp chuyển giao công nghệ mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác kinh doanh đa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Dựa trên xu hướng hiện tại, chúng ta có thể dự đoán rằng kim ngạch thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới nhưng có thể chậm lại do những thách thức từ kinh tế toàn cầu và biến động địa chính trị. Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn và tận dụng tối đa các cơ hội mà các FTA mang lại. Chính sách thu hút FDI cần tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động ứng phó với những thách thức từ bên ngoài.

5. Kết luận

Qua những phân tích, đánh giá thực trạng một cách khách quan có thể khẳng định, việc gắn kết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công cuộc chuyển đổi số không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là một yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù nền kinh tế đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây với GDP tăng trưởng ổn định, xuất khẩu và FDI tăng mạnh, các ngành nông nghiệp, dịch vụ đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức cần được giải quyết. Để khắc phục những hạn chế này, cần có sự chung tay của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội tập trung vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng số hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế. Những giải pháp này không chỉ tạo ra một nền kinh tế số bền vững, có khả năng thích ứng cao với những biến động của thế giới mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng, toàn diện và bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024. https://www.gso.gov.vn/bai-top/2025/01/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024.
2. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là gì? Vai trò của người lao động trong việc phát triển công nghiệp hóa. https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-la-gi-vai-tro-cua-nguoi-lao-dong-trong-viec-phat-trien-cong-nghiep-hoa-10591.html.
3. Nguyen Minh Trang. Impacts of Digital Transformation on Manufacture in Vietnam. Policy and Management Studies, Vol. 39, No. 2 (2023) 34-45  https://js.vnu.edu.vn/PaM/article/view/4375/4039.
4. Vietnam aims for ASEAN Top 3 with its digital economy. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-aims-for-asean-top-3-with-its-digital-economy-post298379.vnp.
5. Digital economy contributed 18.3% to GDP. https://vneconomy.vn/digital-economy-contributed-18-3-to-gdp.htm.
6. Measuring the digital economy in Vietnam. Telecommunications Policy, 48(3), 102683. https://doi.org/10.1016/j.telpol.2023.102683
7. Export of goods from 2013 to 2023. https://www.statista.com/statistics/444771/export-of-goods-to-vietnam.
8. Công nghệ giúp khắc phục điểm yếu của nông sản Việt Nam. https://vietnamnet.vn/cong-nghe-giup-khac-phuc-diem-yeu-cua-nong-san-viet-nam-2212634.html.
9. Thủ tướng Chính phủ (2022). Tiết a tiểu mục 2 Mục 3 Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 về phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
10. Vietnam’s Economic Outlook for 2025: Push for Digitalization and Sustainability  https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnams-economic-outlook-for-2025-push-for-digitalization-and-sustainability.html.
11. Distribution of foreign direct investment (FDI) inflows in Vietnam in 2023, by industry. https://www.statista.com/statistics/899889/vietnam-fdi-inflows-distribution-by-industry.
12. Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghệ cao. https://vioit.moit.gov.vn/vn/Printer.aspx?nId=5925
13. Water-Efficient Technology Opportunity: Advanced Irrigation Controls. https://www.energy.gov/femp/water-efficient-technology-opportunity-advanced-irrigation-controls.
14, 15. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-thong-minh-o-viet-nam.html.
16. Thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch trong năm 2023. https://vnbusiness.vn/ngan-hang/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-dat-khoang-11-ty-giao-dich-trong-nam-2023-1098153.html.
17. Mã QR dẫn đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. https://vov.vn/kinh-te/ma-qr-dan-dau-xu-huong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-post1093038.vov.
18. Giá trị giao dịch quét mã QR trung bình năm 2024 tăng 20%. https://doanhnghieptiepthi.vn/gia-tri-giao-dich-quet-ma-qr-trung-binh-nam-2024-tang-20-161250109152412023.htm.