Kinh nghiệm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của một số địa phương và bài học cho tỉnh Hưng Yên

Chu Mạnh Côn
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao năng lực sản xuất cho địa phương. Ở Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã đạt được thành công trong việc phát triển các doanh nghiệp ngành này và trở thành trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển từ những địa phương, như: Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc sẽ giúp tỉnh Hưng Yên có những kinh nghiệm cụ thể, thiết thực, từ đó áp dụng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ khóa: Doanh nghiệp công nghiệp; chế biến; chế tạo; kinh nghiệm; Hải Dương; Bắc Ninh; Vĩnh Phúc; Hưng Yên.

1. Đặt vấn đề

Công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp rất lớn vào xuất khẩu, thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm qua đã thúc đẩy tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ngành vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức một phần là do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, môi trường đầu tư chưa minh bạch, hạn chế trong huy động vốn và đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, để các địa phương đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, rất cần học hỏi kinh nghiệm và cách làm sáng tạo để Hưng Yên, có được những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung .

2. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số địa phương

2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Hải Dương

Hải Dương, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đã phát huy lợi thế để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn và có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực phía Bắc. Năm 2024, tỉnh ước đạt tăng trưởng kinh tế 10,2%, xếp thứ 6/63 cả nước và thứ 3/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 212.386 tỷ đồng, với GRDP bình quân đầu người 107,4 triệu đồng (4.456 USD/người). Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 13,14%, đóng góp 7,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,17%, đóng góp 5,88 điểm phần trăm vào GRDP chung1. Từ kết quả của tỉnh Hải Dương cho thấy:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.

Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Hải Dương đã ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp từng giai đoạn, đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2024, Hải Dương đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2024 ước đạt 64.615 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2023. Trong đó, vốn nhà nước đạt 10.300 tỷ đồng, tăng 11,0%; vốn ngoài nhà nước đạt 38.135 tỷ đồng, tăng 5,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16.180 tỷ đồng, tăng 35,8% 2. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ công. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. 

Với những cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương đã tạo một môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở “Mở cửa chào đón các nhà đầu tư” từ cơ chế, chính sách của chính quyền tỉnh Hải Dương. Những biện pháp này đã cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhận được sự ghi nhận từ nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ haiđầu tư hạ tầng giao thông, nâng cao tính kết nối cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thức được điều này, Hải Dương đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng. Với trên 12.000 km đường bộ, hơn 400 km đường thủy và 60 km đường sắt, tỉnh phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng không gian và tối ưu hóa lợi thế địa lý. Năm 2024, quy mô ngành xây dựng (giá trị tăng thêm theo giá hiện hành) ước đạt 9.657 tỷ đồng. Trong năm, tỉnh tập trung nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Phúc Điền mở rộng, Gia Lộc, Đại An mở rộng – giai đoạn 2, Tân Trường mở rộng, Kim Thành, Lương Điền – Ngọc Liên; hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh, kết nối liên vùng như: đường trục Đông – tây; Nam – Bắc3.

Xác định, hạ tầng giao thông là nền tảng góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, Hải Dương đã quyết liệt triển khai các dự án giao thông, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới. Các dự án giao thông này không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách về an toàn giao thông mà còn tạo nền tảng thu hút đầu tư, thúc đẩy thông thương kinh tế trong và ngoài tỉnh. Việc nâng cấp các tuyến đường trọng yếu giúp giảm chi phí vận chuyển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc kết nối với thị trường và đối tác.

Thứ ba, tập trung phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Sau Đại hội, tỉnh ban hành Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, góp phần xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại. UBND tỉnh thành lập Hội đồng Điều hành công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020 – 2025, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ đào tạo, thu hút giáo viên, bác sĩ giỏi.

Mạng lưới trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập và thị trường lao động. Tỉnh đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động, đồng thời thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hoặc thừa việc làm và mất cân đối cung – cầu lao động. Bên cạnh đó, phát triển giao dịch việc làm hiện đại trên nền tảng công nghệ số, thu hút lao động tại chỗ và đào tạo lại cho lực lượng lao động thích ứng với biến động thị trường. Nhờ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hải Dương đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và nâng cao đời sống người dân.

2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh 

Là tỉnh có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền với các trung tâm kinh tế, thương mại và ăn hóa của miền Bắc. Những năm qua, với sự quan tâm cao của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Bắc Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, toàn tỉnh tập trung, quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế và đạt nhiều chuyển biến tích cực; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước 232,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,03% so với năm 2023; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,6%4. Theo đó cho thấy:

Một là, xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.

Công nghiệp chế tạo, chế biến là yếu tố then chốt để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bắc Ninh đã tận dụng tiềm năng sẵn có và tiếp tục tăng cường động lực phát triển bền vững bằng cách đẩy mạnh đầu tư giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, triển khai khu công nghiệp và liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Tỉnh đã hoàn thành các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng vùng, đô thị, nông thôn mới và các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ngoài ra, Bắc Ninh tiếp tục nghiên cứu và áp dụng chính sách ưu đãi thu hút FDI vào ngành công nghiệp, bao gồm quỹ đất, phát triển hạ tầng, ưu đãi thuế, tiếp cận vốn và đào tạo lao động; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Các chính sách riêng của tỉnh như hỗ trợ pháp lý, mô hình bác sĩ doanh nghiệp, Trung tâm Hành chính công và Bộ Chỉ số DDCI Bắc Ninh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các chương trình này giúp phát triển thị trường khoa học – công nghệ, tăng tỷ trọng nguồn cung công nghệ trong nước, và đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động, tài chính. Tỉnh tập trung chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị và nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đổi mới sản xuất và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường khai thác tài sản trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động.

Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, nghị quyết, chương trình và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho doanh nghiệp. Hệ thống các cơ sở này được tổ chức lại, nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 13 trường cao đẳng, 19 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục và 9 cơ sở khác. Nhiều trường được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị để giảng dạy 11 nghề trọng điểm cấp quốc gia, ASEAN và quốc tế. Nhờ nỗ lực của các cấp, ngành trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

2.3. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc 

Vĩnh Phúc sở hữu vị trí chiến lược then chốt trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc ba vùng quy hoạch trọng yếu của miền Bắc, bao gồm: vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vàvVùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 7,52%, xếp hạng thứ 8 trên tổng số 11 tỉnh trong đồng bằng sông Hồng và thứ 28 trên 63 tỉnh cả nước5. Theo giá hiện hành, quy mô GRDP đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,67 nghìn tỷ đồng so với năm 2023, tương đương mức tăng 9,95%6. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,19%, góp 4,94 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, trong đó các doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ bản và chế tạo giữ vai trò chủ chốt7. Để đạt được những thành tựu này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện tỉnh có 17 khu công nghiệp, trong đó 9 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao. Hệ thống hạ tầng hiện đại giúp tỉnh thu hút được 80 dự án FDI, bao gồm 37 dự án cấp mới và 43 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 636,1 triệu USD; tăng 2,56% về số dự án và tăng 5,27% về vốn đăng ký so với cùng kỳ, vượt 59,02% so với kế hoạch năm (400 triệu USD); vốn DDI thu hút được 30 dự án (17 dự án cấp mới, 13 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 5.303,6 tỷ đồng, bằng 96,43% kế hoạch giao đầu năm (5.500 tỷ đồng)8.

Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đầu tư giao thông, đặc biệt là các tuyến trọng điểm, với nhiều công trình đã hoàn thành. Các tuyến cao tốc, quốc lộ, như: Nội Bài – Lào Cai, Vành đai 5, Quốc lộ 2, 2C được tích hợp vào quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Việc cải thiện hạ tầng giao thông đã tăng lợi thế cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, giúp Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp khu vực và cả nước.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, với nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án và chương trình hành động. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, giảm phiền hà và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hành chính công. Đến nay, phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối gần 750 dịch vụ mức độ 3 và 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ tiềm năng và chủ trương đúng đắn, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Vĩnh Phúc đã cải thiện đáng kể. Tính đến tháng 12/2024, tỉnh thu hút 80 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 636,1 triệu USD, tăng 2,56% về số dự án và 5,27% về vốn so với cùng kỳ, vượt 59,02% so với kế hoạch9.

3. Những kinh nghiệm được rút ra cho tỉnh Hưng Yên trong phát triển doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, khuyến khích đầu tư và nâng cao tính minh bạch trong thủ tục hành chính là yếu tố cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các hỗ trợ khác cần được điều chỉnh kịp thời để thu hút đầu tư. Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả việc này, giúp phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo và Hưng Yên có thể áp dụng những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Hai là, rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Hưng Yên cần rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là quy hoạch ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này sẽ giúp các kế hoạch phát triển phù hợp với thực tế, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông. Hưng Yên, giống như các tỉnh khác, cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, chế tạo tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực sản xuất.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vĩnh Phúc và Hải Dương là những ví dụ điển hình về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện môi trường đầu tư. Hưng Yên có thể học hỏi từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương trong việc đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu quả dịch vụ công, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục.

Năm là, hỗ trợ huy động vốn, tín dụng và thu hút đầu tư. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn, tỉnh Hưng Yên cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và có các chính sách hỗ trợ tín dụng. Đồng thời, thúc đẩy quảng bá địa phương, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sáu là, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng lao động, Hưng Yên cần chú trọng đào tạo nghề cho kỹ thuật viên, quản lý và nhân viên vận hành. Hợp tác với các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp là cần thiết. Cùng với đó, các chương trình đào tạo lại cho lao động hiện tại sẽ giúp nâng cao tay nghề và năng suất lao động.

Bảy là, đẩy mạnh hỗ trợ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hưng Yên có thể học hỏi từ Bắc Ninh trong việc ban hành các chương trình thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

4. Kết luận

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bài học kinh nghiệm từ các địa phương: Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc cho thấy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát quy hoạch, phát triển hạ tầng và kết nối giao thông, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ huy động vốn và thu hút đầu tư, chú trọng đào tạo nhân lực và đẩy mạnh khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Áp dụng những kinh nghiệm này sẽ giúp Hưng Yên xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển phù hợp, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ.

Chú thích:
1, 2, 3. Cục Thống kê tỉnh Hải Dương (2024). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh tháng 12 và năm 2024, tr. 2, 10, 7.
4. Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2024). Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh năm 2023. H. NXB Thống kê, 
5, 6, 7, 8, 9. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2024). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh tháng 12 và năm 2024, tr. 2, 3, 2, 12, 12.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (2022). Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2024). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh tháng 12 và năm 2024.
3. Cục Thống kê tỉnh Hải Dương (2024). Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2023. H. NXB Thống kê.
4. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2024). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh tháng 12 và năm 2024.
5. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2024). Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2023. H. NXB Thống kê.
6. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2024). Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023. H. NXB Thống kê.
7. Tổng cục Thống kê (2023). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2023. H. NXB Thống kê.