ThS. Phan Thanh Vịnh
Trường Đại học Tài chính – Marketing
NCS của Trường Du lịch, Đại học Huế
Lê Thanh An
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
Đặng Văn Mỹ
Trường Đại học Tài chính – Marketing
(Quanlynhanuoc.vn) – Du lịch bền vững là chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi, phần lớn nghiên cứu hiện nay vẫn tập trung đơn lẻ vào phía cầu, chủ yếu xoay quanh hành vi và nhận thức của du khách. Trong khi đó, các yếu tố phía cung như vai trò của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tổ chức, cung ứng dịch vụ bền vững lại chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống. Đặc biệt, thiếu vắng các nghiên cứu tiếp cận tích hợp cung – cầu, làm rõ cơ chế tương tác giữa cung và cầu trong quản lý điểm đến đã tạo ra khoảng trống lý luận đáng kể. Sự thiếu hụt này cản trở việc xây dựng các mô hình và chính sách quản lý phù hợp, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giữa kỳ vọng thị trường và năng lực đáp ứng của điểm đến. Bài viết phân tích mối liên kết hai chiều giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng dịch vụ du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển điểm đến một cách hài hòa, hiệu quả và thích ứng trong bối cảnh biến động của thế kỷ XXI.
Từ khóa: Cung – cầu du lịch; du lịch bền vững; phát triển điểm đến; nghiên cứu khoảng trống.
1. Đặt vấn đề
Du lịch bền vững đã trở thành một xu hướng toàn cầu, phản ánh nhu cầu cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên và duy trì lợi ích xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và áp lực xã hội, phát triển du lịch bền vững được xem là hướng tiếp cận tất yếu để bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và duy trì giá trị văn hóa.
Điểm đến du lịch, với vai trò là đơn vị không gian cơ bản, là trọng tâm trong các chiến lược phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại vẫn chưa thực sự hội nhập được đầy đủ các yếu tố địa phương, tâm lý du khách hay sự tham gia thực chất của cộng đồng địa phương, đặc biệt là yếu tố cung và cầu.
2. Cơ sở lý thuyết về phát triển điểm đến du lịch bền vững
2.1. Khái niệm du lịch bền vững và phát triển điểm đến du lịch bền vững
Du lịch bền vững tiếp tục được tái định nghĩa và mở rộng trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, chịu tác động từ các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, 2021), du lịch bền vững được định nghĩa là “du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và điểm đến, đồng thời bảo vệ và tăng cường các cơ hội cho tương lai. Nó góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tích cực, bảo đảm tính toàn vẹn văn hóa và công bằng phân phối lợi ích”. Từ sau năm 2020, trọng tâm chính của các chiến lược ngành là phục hồi theo hướng bao trùm và giảm phát thải carbon.
Gössling và Hall (2021) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang du lịch bền vững, trong đó công nghệ số và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Đồng thời, Lenzen và cộng sự (2022)cung cấp bằng chứng cập nhật về dấu chân carbon của ngành Du lịch, cho thấy lĩnh vực này chiếm khoảng 8 -10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, từ đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các chiến lược khử carbon toàn diện.
Ở góc độ công nghệ, Buhalis và Leung (2023) đề xuất mô hình “điểm đến thông minh” (smart destinations), trong đó việc ứng dụng blockchain và phân tích dữ liệu lớn có thể tối ưu hóa mối quan hệ cung – cầu, cải thiện hiệu quả quản lý tài nguyên, đồng thời nâng cao trải nghiệm du khách một cách bền vững. Những phát triển học thuật này cho thấy, du lịch bền vững không còn bị giới hạn trong khuôn khổ bảo tồn môi trường mà đang dần chuyển hóa thành một khung tiếp cận thích ứng, định hình lại toàn bộ ngành Du lịch trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu.
Theo UNWTO (2021), phát triển điểm đến du lịch bền vững được hiểu là quá trình thiết kế, tổ chức và quản lý một điểm đến du lịch theo cách thức đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Cốt lõi của khái niệm này là bảo đảm sự cân bằng giữa ba trụ cột chính: kinh tế (tạo việc làm và thu nhập), xã hội (hỗ trợ và nâng cao phúc lợi cộng đồng địa phương), và môi trường (bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực). Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, phát triển điểm đến theo hướng bền vững còn được mở rộng để bao hàm các chiến lược thích ứng, phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu trước khủng hoảng.
Theo Butler (1999), quá trình này cần được xem xét trong toàn bộ vòng đời phát triển của điểm đến, đặc biệt nhấn mạnh việc duy trì sức hấp dẫn lâu dài thông qua quản lý tài nguyên hiệu quả và kiểm soát sức tải du lịch. Bên cạnh đó, tiếp cận hiện đại nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông minh trong thúc đẩy tính bền vững.
Như vậy, phát triển điểm đến du lịch bền vững không chỉ là một chiến lược bảo tồn, mà còn là một tiến trình đổi mới và thích ứng toàn diện, nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế và chuyển đổi số.
2.2. Phát triển điểm đến du lịch bền vững
(1) Các nghiên cứu trên thế giới giai đoạn 2020 – 2025.
Du lịch toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, Gössling và Hall (2021) đã phân tích sự chuyển đổi trong phát triển điểm đến du lịch bền vững. Thông qua dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo ngành và khảo sát chuyên gia, nghiên cứu áp dụng khung lý thuyết “chuyển đổi hệ thống” để đánh giá những thay đổi trong cách quản lý điểm đến. Kết quả cho thấy, các điểm đến như New Zealand và Iceland đã áp dụng mô hình “du lịch chậm” nhằm khuyến khích trải nghiệm du lịch nội địa và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến vận tải hàng không vẫn là một thách thức lớn. Do đó, các tác giả nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm phụ thuộc vào hàng không, đồng thời khuyến khích du lịch nội địa và triển khai các chiến lược giảm phát thải carbon. Từ góc độ thực tiễn, nghiên cứu khuyến nghị các điểm đến xây dựng kế hoạch dài hạn dựa trên năng lực nội tại và các chỉ số hiệu suất môi trường.
Trong khi đó, Lenzen và cộng sự (2022) đã mở rộng các nghiên cứu về phát thải carbon của ngành Du lịch toàn cầu, làm nổi bật vai trò của việc giảm thiểu khí thải từ vận tải và lưu trú trong việc phát triển điểm đến bền vững. Bằng cách sử dụng mô hình phân tích đầu vào – đầu ra và dữ liệu từ 160 quốc gia trong giai đoạn 2019 – 2021, nghiên cứu cho thấy du lịch đóng góp khoảng 8 – 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, với vận tải chiếm 49% lượng phát thải liên quan đến du lịch. Đáng chú ý, các điểm đến như Maldives (Ấn Độ) và Santorini (Hy Lạp) đối mặt với rủi ro cao do phụ thuộc vào các chuyến bay đường dài. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở hạ tầng du lịch và thúc đẩy du lịch nội địa như một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động môi trường.
Không chỉ tập trung vào các giải pháp giảm thiểu phát thải, Buhalis và Leung (2023) còn nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông minh trong việc thúc đẩy du lịch bền vững. Thông qua nghiên cứu “Khách sạn thông minh: Từ thành phố thông minh đến điểm đến du lịch thông minh”, nhóm tác giả đã áp dụng phương pháp định lượng và định tính để phân tích dữ liệu từ 10 điểm đến thông minh như Singapore và Copenhagen, cũng như thông tin từ các nền tảng đặt phòng trực tuyến (Booking.com, Airbnb) trong giai đoạn 2020 – 2022. Kết quả chỉ ra rằng, việc quản lý tài nguyên theo thời gian thực giúp các điểm đến thông minh giảm từ 15 – 20% mức tiêu thụ năng lượng và nước. Hơn nữa, Singapore đã ứng dụng blockchain để theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm trong du lịch, qua đó, giảm thiểu lãng phí và tăng cường tính minh bạch. Theo đó, các tác giả đề xuất tăng cường đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa quản lý cung – cầu, giảm áp lực tài nguyên và nâng cao sự hài lòng của du khách.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ và giải pháp giảm phát thải, quản lý chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch bền vững. Jeelani và cộng sự (2024), trong nghiên cứu “Những góc nhìn chiến lược về phát triển du lịch bền vững tại Thung lũng Kashmir: Phân tích SWOT và QSPM”, đã đưa ra những định hướng cụ thể để cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế và lợi ích cộng đồng. Bằng cách kết hợp phân tích SWOT và Ma trận QSPM, nghiên cứu đã khảo sát ý kiến từ 150 bên liên quan gồm chính quyền, doanh nghiệp và cư dân địa phương trong năm 2023. Kết quả cho thấy, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa là những lợi thế cạnh tranh chính của Kashmir (Ấn Độ). Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển và công tác quản lý yếu kém tiếp tục là những rào cản. Để giải quyết vấn đề này, nhóm tác giả khuyến nghị thúc đẩy du lịch sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn môi trường. Ngoài ra, nhấn mạnh các khu vực đang phát triển có thể áp dụng khung chiến lược này như một mô hình tham chiếu trong quá trình xây dựng các chính sách phát triển du lịch bền vững.
Từ nghiên cứu của Surya và cộng sự (2025) mở rộng thêm góc nhìn về xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thập kỷ qua thông qua phân tích thư mục. Trong nghiên cứu “Xu hướng hiện tại tại các điểm đến du lịch bền vững trong thập kỷ qua: phân tích thư mục”, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích 200 bài báo từ cơ sở dữ liệu Scopus và bổ sung bằng đánh giá các nghiên cứu xu hướng liên quan. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng địa phương và các yếu tố “6A” (gồm: điểm hấp dẫn, khả năng tiếp cận, tiện nghi, hoạt động, gói dịch vụ sẵn có và dịch vụ bổ trợ) trong quá trình phát triển du lịch bền vững. Đáng chú ý, từ năm 2020, các điểm đến ngày càng tập trung vào việc gắn kết cộng đồng và ứng dụng công nghệ để bảo vệ tài nguyên và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, Bali (Indonesia) đã thành công trong việc tích hợp văn hóa địa phương vào sản phẩm du lịch, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm du khách. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả khuyến nghị xây dựng các mô hình quản lý dựa vào cộng đồng, đồng thời ứng dụng công nghệ để giám sát hoạt động du lịch, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Như vậy, qua các nghiên cứu trên đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh quan trọng trong phát triển điểm đến du lịch bền vững, từ việc giảm thiểu phát thải carbon và ứng dụng công nghệ thông minh đến các giải pháp quản lý chiến lược và sự tham gia của cộng đồng. Việc kết hợp các yếu tố này không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các điểm đến mà còn góp phần bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích bền vững cho các bên liên quan.
(2) Các nghiên cứu trong nước giai đoạn 2020 – 2025.
Trong bối cảnh du lịch bền vững ngày càng trở thành ưu tiên toàn cầu, nhiều nghiên cứu đã làm sáng tỏ các giải pháp và chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững tại các điểm đến du lịch ở Việt Nam. Vai trò của cộng đồng địa phương được nhấn mạnh trong việc thực hiện các chiến lược bền vững, đặc biệt thông qua việc cung cấp dịch vụ du lịch, bảo tồn văn hóa và giám sát môi trường. Tuy nhiên, hạn chế về kỹ năng và thiếu kênh phân phối công bằng đã làm giảm khả năng hưởng lợi trực tiếp của cộng đồng. Tương tự, Lê và cộng sự (2021) cũng chỉ ra rằng, mặc dù cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đáng kể vào các hoạt động du lịch sinh thái nhưng sự phân phối lợi nhuận không đồng đều và phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn đã làm suy giảm hiệu quả kinh tế cho cư dân địa phương.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường tiếp tục là một thách thức lớn. Phạm và cộng sự (2023) đã làm rõ cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn có thể góp phần giảm thiểu rác thải và thúc đẩy du lịch bền vững. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động tái chế tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã góp phần giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường sông Hương. Ngược lại, tại tỉnh Quảng Ninh, sự thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp lớn đã hạn chế sự tham gia của cộng đồng và làm gia tăng lượng rác thải chưa được xử lý. Điều này cho thấy, sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố quyết định trong việc thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Không dừng lại ở các giải pháp kinh tế và môi trường, các chính sách phát triển du lịch bền vững cũng cần được xem xét và điều chỉnh phù hợp. Thân (2024) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc trao quyền cho cộng đồng trong thực thi chính sách tại các điểm đến du lịch. Điển hình, mô hình “khách sạn không thải nhựa” tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho thấy, hiệu quả rõ rệt khi cộng đồng tham gia tích cực, giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa. Tuy nhiên, tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), sự thiếu phối hợp và thiếu cơ chế tham vấn cộng đồng đã dẫn đến việc 60% chính sách không đạt được kết quả như mong đợi. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các cơ chế tham vấn cộng đồng hiệu quả nhằm bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và cư dân địa phương.
Để tối ưu hóa hiệu quả các chính sách và sáng kiến du lịch bền vững, các nghiên cứu của Nguyễn (2022) đã đề xuất thành lập các tổ chức cộng đồng nhằm quản lý các tour du lịch và sản phẩm địa phương. Việc tăng cường năng lực cộng đồng thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý du lịch và kỹ năng mềm sẽ giúp nâng cao sự tham gia của cư dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, nhóm tác giả cũng khuyến nghị chính quyền cân nhắc hạn chế mở rộng các khu nghỉ dưỡng quy mô lớn tại các điểm đến như Nha Trang (Khánh Hòa) để giảm áp lực lên môi trường và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương hưởng lợi từ du lịch.
Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho thấy, cộng đồng địa phương đóng vai trò trung tâm trong phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cư dân, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp. Sự kết hợp giữa mô hình kinh tế tuần hoàn, chính sách trao quyền cho cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái sẽ là hướng đi hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo tồn môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng tại các điểm đến du lịch bền vững.
2.3. Mô hình phát triển điểm đến du lịch bền vững
Mô hình phát triển điểm đến du lịch bền vững đã được các học giả và tổ chức quốc tế nghiên cứu và đề xuất nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.
Theo mô hình của Butler (1980), được gọi là Tourism Area Life Cycle (TALC), các điểm đến du lịch trải qua các giai đoạn phát triển từ khám phá, tham gia, phát triển, bão hòa, suy giảm hoặc tái tạo. Mô hình này nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý điểm đến nhằm kiểm soát tác động tiêu cực từ du lịch và duy trì sự hấp dẫn lâu dài (Butler, 1980). Trong khi đó, mô hình phát triển bền vững của UNWTO (2019) tập trung vào ba trụ cột chính: kinh tế, xã hội và môi trường.
UNWTO đề xuất rằng các điểm đến cần thực hiện các chính sách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương và bảo đảm lợi ích kinh tế công bằng cho các bên liên quan. Ngoài ra, Dwyer và Kim (2003) giới thiệu mô hình “Integrated Destination Competitiveness Model”, trong đó khả năng cạnh tranh điểm đến không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên và văn hóa mà còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, chính sách quản lý và sự đổi mới sáng tạo. Các mô hình này đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc hợp tác thực hiện các giải pháp bền vững, từ đó hướng tới sự phát triển du lịch dài hạn và giảm thiểu các tác động tiêu cực.
3. Khoảng trống nghiên cứu
Dựa trên cơ sở lý thuyết, phần này phân tích các lỗ nghiên cứu hiện tại liên quan đến cung và cầu trong du lịch bền vững.
Thứ nhất, khoảng trống nghiên cứu từ phía cung trong phát triển du lịch bền vững. Mặc dù nghiên cứu về du lịch bền vững đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên, khoảng trống từ phía cung – đặc biệt liên quan đến việc triển khai chính sách và mô hình quản lý bền vững bởi chính quyền địa phương và doanh nghiệp – vẫn chưa được khai thác một cách đầy đủ. Trên thực tế, các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận quản lý điểm đến theo hướng toàn diện; dẫu vậy, việc đánh giá hiệu quả thực thi chính sách và năng lực phối hợp giữa các bên liên quan vẫn còn hạn chế (UNWTO, 2022; Hall và cộng sự, 2021). Hơn nữa, phần lớn các công trình vẫn tập trung vào khía cạnh môi trường và kinh tế, trong khi các yếu tố như năng lực quản trị, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp và vai trò hỗ trợ của công nghệ lại chưa được nghiên cứu sâu rộng.
Theo đó, Gössling và Higham (2022) cho rằng, công nghệ xanh và kỹ thuật số có thể đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong giám sát và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy nhiên, rào cản về chi phí, hạn chế về kiến thức công nghệ và khả năng tiếp cận nguồn vốn đã và đang làm chậm lại quá trình chuyển đổi xanh tại nhiều điểm đến. Thêm vào đó, Sharma và cộng sự (2021) cũng chỉ ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp bền vững thường thiếu tính đồng bộ và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả, dẫn đến hiệu quả thực hiện thấp hơn kỳ vọng.
Thời gian qua, tại Việt Nam, những thách thức này được thể hiện rõ tại các điểm đến nổi bật, như: Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Sa Pa (Lào Cai) – những nơi đang chịu áp lực nặng nề từ khai thác tài nguyên quá mức và ô nhiễm môi trường. Mặc dù một số mô hình như du lịch cộng đồng ở Hội An (Quảng Nam) hay khách sạn xanh đã được triển khai bước đầu, song khả năng nhân rộng vẫn còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính và năng lực quản lý (Nguyễn và Phạm, 2023). Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành du lịch – thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ xanh và áp dụng các quy trình vận hành thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tiếp tục là rào cản lớn trong thực thi chính sách du lịch bền vững. Theo Jeelani và cộng sự (2024), mô hình hợp tác công – tư kết hợp với sự tham gia chủ động của cộng đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả chính sách vẫn còn yếu, làm giảm hiệu lực của các sáng kiến bền vững.
Từ những phân tích trên, các nghiên cứu tương lai cần tập trung vào việc đánh giá thực chứng hiệu quả của các chính sách du lịch bền vững từ phía cung; đồng thời, xác định rõ các yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở quá trình thực thi. Ngoài ra, việc nghiên cứu, so sánh và học hỏi từ các mô hình thành công trong và ngoài nước sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chiến lược phát triển du lịch bền vững hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Thứ hai, khoảng trống nghiên cứu từ phía cầu trong phát triển du lịch bền vững. Các nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các nghiên cứu từ phía cầu – đặc biệt liên quan đến hành vi, động cơ, nhu cầu và nhận thức của du khách, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống đáng kể. Trong khi phần lớn các nghiên cứu hiện nay tập trung vào các biện pháp quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng từ phía cung thì mức độ sẵn sàng chi trả, thói quen tiêu dùng xanh và mức độ chấp nhận các sản phẩm du lịch bền vững từ phía du khách vẫn chưa được khai thác đầy đủ (UNWTO, 2022; Dolnicar, 2021). Theo UNWTO (2022), việc thấu hiểu hành vi tiêu dùng xanh đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.
Bổ sung thêm góc nhìn hành vi, Dolnicar (2021) chỉ ra rằng, mặc dù du khách ngày càng quan tâm đến các hoạt động thân thiện với môi trường, vẫn tồn tại khoảng cách rõ rệt giữa nhận thức và hành vi thực tế. Du khách có xu hướng ủng hộ sáng kiến xanh khi có sự khuyến khích từ điểm đến nhưng thường không sẵn lòng chi trả thêm nếu thiếu các chính sách hoặc ưu đãi phù hợp. Điều này đặt ra thách thức trong việc thiết kế sản phẩm và dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu vừa đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, Sharma và cộng sự (2023) nhấn mạnh mức độ nhận thức về môi trường không đồng đều giữa các nhóm du khách, đặc biệt là giữa khách quốc tế và nội địa. Tại các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, khách quốc tế thường ưu tiên lựa chọn dịch vụ thân thiện với môi trường, trong khi khách nội địa lại thể hiện mức độ gắn kết cao hơn với các hoạt động cộng đồng, nếu được truyền thông hiệu quả và mang lại lợi ích cụ thể.
Đáng chú ý, nghiên cứu của Kim và Lee (2023) cho thấy, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và điều chỉnh hành vi du khách. Các nền tảng số và ứng dụng di động có thể cung cấp thông tin minh bạch về du lịch xanh, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá hiệu quả của các công nghệ này tại điểm đến vẫn còn hạn chế.
Việc lấp đầy các khoảng trống nêu trên sẽ cung cấp cơ sở khoa học thiết thực cho việc xây dựng chính sách, phát triển sản phẩm và nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến. Quan trọng hơn, hiểu rõ hành vi và động cơ của du khách sẽ giúp ngành du lịch không chỉ tối ưu hóa trải nghiệm mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi hành vi theo hướng bền vững, góp phần xây dựng một ngành Du lịch Việt Nam có trách nhiệm hơn trong tương lai.
Thứ ba, khoảng trống nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế tương tác cung – cầu. Một trong những khoảng trống đáng chú ý nữa trong nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững là sự thiếu vắng các phân tích chuyên sâu về cơ chế tương tác giữa cung và cầu tại điểm đến. Phần lớn các nghiên cứu hiện nay vẫn tiếp cận hai phía một cách tách biệt: phía cung tập trung vào vai trò của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc cung ứng sản phẩm và thực thi chính sách; phía cầu chủ yếu xem xét hành vi, nhu cầu và nhận thức của du khách. Tuy nhiên, tính bền vững của một điểm đến không chỉ phụ thuộc vào từng yếu tố riêng lẻ mà còn được quyết định bởi mức độ tương thích, điều phối và phản hồi hai chiều giữa nhà cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.
Việc thiếu các nghiên cứu làm rõ động lực, phương thức và điều kiện tạo lập sự tương tác hiệu quả giữa hai phía đã hạn chế khả năng xây dựng mô hình quản lý điểm đến toàn diện. Bên cạnh đó, các yếu tố trung gian như công nghệ, truyền thông, cơ chế, chính sách hoặc niềm tin giữa các bên liên quan cũng chưa được lồng ghép đầy đủ trong các phân tích hiện có. Vì vậy, cần có những nghiên cứu tiếp cận tích hợp và liên ngành để khám phá sâu hơn về cơ chế tương tác cung – cầu, qua đó, đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc phát triển điểm đến du lịch theo hướng bền vững và thích ứng hơn trong bối cảnh toàn cầu đang biến đổi.
Điển hình như khi áp dụng khoảng trống vào nghiên cứu tại Quảng Ngãi cho thấy, các yếu tố từ phía cung và phía cầu trong phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn với các điểm đến, như: Lý Sơn, Sa Huỳnh và Khe Hai, du lịch Quảng Ngãi đang đối mặt với tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, ô nhiễm môi trường và sự tham gia hạn chế của cộng đồng địa phương. Từ phía cung, việc thiếu các chính sách quản lý đồng bộ, địa phương thiếu nguồn lực tài chính đối ứng, hạn chế trong áp dụng công nghệ xanh và sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các bên liên quan đã làm giảm hiệu quả của các sáng kiến bền vững. Trong khi đó, từ phía cầu, sự hiểu biết về nhận thức, hành vi và mức độ sẵn sàng chi trả của du khách đối với các sản phẩm du lịch bền vững còn rất hạn chế. Nghiên cứu này sẽ giúp xác định rõ những rào cản và cơ hội trong việc triển khai các chính sách bền vững; đồng thời, cung cấp các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành vi du lịch có trách nhiệm. Bằng cách tạo sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, Quảng Ngãi không chỉ có thể bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa mà còn nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch bền vững trong dài hạn.
4. Kết luận
Phát triển điểm đến du lịch bền vững đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ cung – cầu, dựa trên nền tảng lý thuyết bền vững. Tổng hợp lý thuyết cho thấy du lịch bền vững không chỉ là vấn đề bảo tồn tài nguyên mà còn là sự cân bằng giữa khả năng cung ứng của điểm đến và nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, các khoảng trống nghiên cứu về cung, cầu và sự tương tác giữa chúng vẫn tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và những tỉnh, thành phố đang trên đà phát triển như Quảng Ngãi. Các nghiên cứu trong tương lai cần tập trung vào việc thu hẹp những lỗ hổng này để hỗ trợ phát triển du lịch bền vững một cách hiệu quả.
Chú thích:
1. Butler, R. W. (1999). Sustainable tourism: A state‐of‐the‐art review. Tourism Geographies, 1(1), 7–25. https://doi.org/10.1080/14616689908721291
2. Butler, R. W. (1980). The concept of a tourist area cycle of evolution: Implications for management of resources. The Canadian Geographer / Le Géographe Canadien, 24(1), 5–12. https://doi.org/10.1111/j.1541-0064.1980.tb00970.x.
3. Buhalis, D., & Leung, D. (2023). Smart tourism destinations: Leveraging big data and blockchain for sustainability. Journal of Sustainable Tourism, 31(2), 245–263. https://doi.org/10.1080/09669582.2022.2145673
4. Dolnicar, S. (2021). Designing for more sustainable tourism. Annals of Tourism Research, 91, 103278. https://doi.org/10.1016/j.annals.2021.103278.
5. Dwyer, L., & Kim, C. (2003). Destination competitiveness: Determinants and indicators. Current Issues in Tourism, 6(5), 369–414. https://doi.org/10.1080/13683500308667962.
6. Gössling, S., & Hall, C. M. (2021). Sustainable tourism after COVID-19: A new paradigm? Journal of Sustainable Tourism, 29(11-12), 1855-1872.
7. Gössling, S., & Higham, J. (2022). Tourism and carbon emissions: Future pathways. Journal of Sustainable Tourism, 30(7), 1467–1486. Truy cập từ https://doi.org/10.1080/09669582.2022.2043214.
8. Hall, C. M., Scott, D., & Gössling, S. (2021). Pandemics, transformations and tourism: Be careful what you wish for. Tourism Geographies, 23(3), 1–22. Truy cập từ https://doi.org/10.1080/14616688.2020.1759131.
9. Jeelani, S., et al. (2024). Strategic Insights for Sustainable Tourism Development in Developing Regions. Journal of Tourism Policy.
10. Jeelani, P., et al. (2024). Strategic insights for sustainable tourism development in Kashmir Valley: SWOT and QSPM analysis. Journal of Hospitality and Tourism Management, In Press. Truy cập từ https://doi.org/10.1016/j.jhtm.2024.10.015
11. Kim, H., & Lee, J. (2023). The Role of Technology in Promoting Sustainable Tourist Behavior. Tourism Management.
12. Lenzen, M., Sun, Y.-Y., Faturay, F., Ting, Y.-P., Geschke, A., & Malik, A. (2022). The carbon footprint of global tourism. Nature Climate Change, 12(2), 112–120. Truy cập từ https://doi.org/10.1038/s41558-021-01236-6
13. Lê, T. M. L., & cộng sự. (2021). Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Công Thương, 21/4/2021.
14. Nguyễn, T. T. N., & Nguyễn, T. H. (2020). Trung tâm nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và các nhân tố hợp tác để phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, (16), tháng 7.
15. Nguyễn, T. T. L. (2022). Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, (5), 45-58.
16. Nguyen, T., Le, P., & Pham, H. (2023). Sustainable Tourism Management in Vietnam: Challenges and Solutions. Asia Pacific Journal of Tourism Research.
17. Phạm, H. L., & cộng sự. (2023). Kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính, (2), 45-58.
18. Sharma, R., et al. (2021). Sustainability Challenges in Tourism Development: A Policy Perspective. Journal of Environmental Management.
19. Sharma, R., et al. (2023). Consumer Perception and Sustainable Tourism: A Comparative Study. Journal of Sustainable Tourism.
20. Surya, H., Prabowo, H., Hamsal, M., & Simatupang, B. (2025). Current trends in sustainable tourism destinations over the past decade: A bibliometric analysis. In Smart Solutions for a Sustainable Future (pp. 1–23). Springer. https://doi.org/10.1007/978-3-031-34330-2_1
21. Thân, T. N. T. (2024). Chính sách về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Công Thương, (9), 56-69.
22. UNWTO. (2019). Tourism for Sustainable Development Goals: A Journey to 2030. World Tourism Organization. Truy cập từ https://www.unwto.org/publication/tourism-sustainable-development-goals-journey-2030.
23. UNWTO. (2021). Sustainable development of tourism. Truy cập từ https://www.unwto.org/sustainable-development
24. UNWTO. (2022). Tourism for Sustainable Development Goals: Progress and Outlook.