TS. Vũ Thị Hải Anh
ThS. Nguyễn Thị Dung
ThS. Nguyễn Ngọc Thuyên
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển khu thương mại tự do hiện nay được kỳ vọng sẽ là động lực mới để phát triển logistics ở Việt Nam. Bài viết hệ thống hóa khái niệm, vai trò của khu thương mại tự do đối với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng; phân tích định hướng phát triển khu thương mại tự do ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, phân tích cơ hội và thách thức làm cơ sở đề xuất và khuyến nghị giải pháp phát triển khu thương mại tự do ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Khu thương mại tự do; khu kinh tế; logistics; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài tới kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế đang phát triển nói riêng; từ suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng và việc làm. Cụ thể: GDP toàn cầu giảm hơn 4,9%, thương mại toàn cầu giảm 3,5% do cung và cầu yếu, thế giới mất gần 300 triệu việc làm trong quý 2/20201. Tuy diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp do các biến thể virus mới nhưng kinh tế thế giới bắt đầu có những dấu hiệu tích cực trong năm 2021: tăng trưởng kinh tế thế giới đạt khoảng 5,9%, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 9,7%2.
Khi tìm kiếm giải pháp đổi mới để phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhiều quốc gia đã hướng tới giải pháp phát triển các khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) như một phương tiện để kích thích tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế. Khu vực này cung cấp các ưu đãi về nhiều mặt để thu hút đầu tư và thúc đẩy hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu và sản xuất. Ngoài ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức từ môi trường hiện nay, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế thì các FTZ còn được sử dụng như một phương thức tối ưu hóa cho phát triển bền vững trong khi giải quyết các thách thức như bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường.
2. Khái niệm, vai trò của khu thương mại tự do
Thứ nhất, khu thương mại tự do (FTZ).
Toàn cầu hóa và tự do thương mại là xu thế tất yếu của kinh tế thế giới, kèm theo đó là những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế của từng quốc gia. Đề cập đến khái niệm FTZ, rất nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức đã đưa ra các khái niệm khác nhau, trong đó Harrison, J., & Lee, J. (2004) định nghĩa FTZ là những khu vực đặc biệt mà ở đó mà hàng hóa từ nước ngoài có thể được xử lý, chế biến hoặc đóng gói lại mà không phải chịu thuế xuất, nhập khẩu. Những khu vực này thường được đặt ở các vị trí chiến lược gần cảng biển, sân bay để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại toàn cầu3.
Ngân hàng Thế giới (WB) sử dụng định nghĩa FTZ là khu vực có kiểm soát, miễn thuế, cung cấp các cơ sở lưu trữ, kho bãi và phân phối cho các hoạt động thương mại, chuyển tải và tái xuất khẩu4. FTZ là những trung tâm của thương mại quốc tế nhờ vào bản chất của các hoạt động, như: chuyển tải, tái xuất khẩu, thương mại quốc tế. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), FTZ được định nghĩa là các khu vực được chỉ định, trong đó phần lớn nằm ngoài phạm vi quyền hạn hải quan của các nền kinh tế liên quan và không phải chịu thuế hoặc hầu hết các thủ tục hải quan khác áp dụng với các hàng hóa nhập khẩu5.
Như vậy, FTZ là khu vực được Nhà nước chỉ định, nơi hàng hóa có thể được xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công với các quy định hải quan đặc thù, thông thường là được miễn thuế. Ngoài ra, hiện nay các FTZ không chỉ thực hiện các hoạt động xuất – nhập khẩu hay sản xuất hàng hóa mà còn tập trung vào các dịch vụ tài chính, nghiên cứu, du lịch…
Thứ hai, vai trò của FTZ đối với nền kinh tế và lĩnh vực logistics.
FTZ thường nằm trong hoặc gần các cảng biển, sân bay, khu vực biên giới hoặc dọc theo các trục giao thông chính kết nối đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành lang kinh tế. Khu vực này được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài không bị địa phương cấm bằng cách loại bỏ các hạn chế hải quan thông thường. Khu vực này được mô tả là những khu vực cụ thể mang lại cho các doanh nghiệp một số lợi ích như miễn thuế, hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp ở đây tập trung vào các hoạt động công nghiệp như lưu trữ và chế biến.
FTZ là khu vực được Nhà nước chỉ định, đồng ý loại bỏ các rào cản thương mại như: thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa và dịch vụ giữa các bên tham gia. Một trong những mục tiêu chính của FTZ là giảm hoặc loại bỏ thuế quan, giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia dễ dàng và thuận lợi hơn, giúp giảm chi phí nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. FTZ được hình thành khi các quốc gia tham gia vào đó thì doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng, tối thiểu hóa chi phí. Bên cạnh đó, việc các FTZ được thiết lập giúp các doanh nghiệp tham gia khu vực này có thể tiếp cận một thị trường lớn hơn mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản thương mại.
FTZ giúp thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhờ tạo ra môi trường hấp dẫn và thuận lợi với các nhà đầu tư nước ngoài. Những hấp dẫn này chủ yếu từ thuế, quy trình xuất, nhập khẩu đơn giản và giảm thiểu các rào cản trong việc thiết lập và vận hành doanh nghiệp. Ưu đãi về thuế được triển khai đối với thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT). Một trong những lợi ích nổi bật của các FTZ là miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu để sản xuất hàng hóa trong khu vực này. Ngoài ra, các FTZ thường cung cấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi, giảm thuế hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp trong khu vực trong một khoảng thời gian nhất định (thường là từ 5 – 10 năm tùy thuộc vào quy định từng khu vực).
FTZ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các hoạt động logistics, thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa, FTZ không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tăng tính linh hoạt và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa. Vì vậy, FTZ là công cụ quan trọng để phát triển nền kinh tế quốc gia và còn đóng góp vào sự hình thành, phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu.
3. Định hướng phát triển khu thương mại tự do ở các tỉnh, thành phố
Việt Nam hiện chưa có FTZ nào được thành lập, tuy nhiên trong quy hoạch và một số nghị quyết về tổ chức chính quyền một số tỉnh, thành phố có đề cập đến FTZ, cụ thể:
(1) Đà Nẵng
Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 17/7/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng được ban hành. Trong đó, Điều 13 về thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu có các khu chức năng: khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác6. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục thành lập được quy định chi tiết tại khoản 3, Điều 13. Ngoài ra, trong Nghị quyết còn quy định rõ chính sách về đất đai, chính sách ưu đãi trong đầu tư, chế độ ưu tiên theo quy định pháp luật về hải quan, thuế, tài chính và pháp luật có liên quan về thuế đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc FTZ Đà Nẵng.
(2) Hải Phòng
Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất Việt Nam với hệ thống cảng biển lớn, cảng nước sâu cho phép tàu container lớn nhất thế giới cập cảng, đóng vai trò quan trọng trong việc xuất – nhập khẩu hàng hóa. Hệ thống giao thông kết nối thuận tiện gồm cả đường sắt, đường bộ, đường không. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn là trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Bắc Việt Nam với nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tính đến hết năm 2023, Hải Phòng có 904 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 30 tỷ USD, trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có 520 dự án với tổng số vốn đạt 25,98 tỷ USD7. Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại mục 4 các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển về cảng biển và dịch vụ logistics: xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại, cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu FTZ với những cơ chế chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng thành công tại các FTZ trên thế giới8.
(3) Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2024, tổng thu ngân sách của vùng đạt 733.000 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng thu quốc gia, vượt dự toán 3,6%, xuất khẩu tăng trưởng mạnh đạt 115,7 tỷ USD chiếm 31% kim ngạch cả nước, tăng 11% so với năm trước9. Với nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng với TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành FTZ gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ10.
4. Cơ hội và thách thức trong phát triển khu thương mại tự do ở Việt Nam
4.1. Cơ hội
Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh nghiệm thành công của các quốc gia đã phát triển FTZ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Khu thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc được thành lập tại Thượng Hải năm 2013, sau hơn 10 năm quốc gia này đã có 22 FTZ trải dài từ các khu vực ven biển cho đến các tỉnh biên giới và cả trong nội địa11. Khi mới thành lập, FTZ Thượng Hải chỉ có 4 đặc khu: công viên logistics Waigaojiao, FTZ Waigaojiao, cảng hàng không thương mại tự do Pudong và khu cảng biển tự do Yangshan. Sau này FTZ Thượng Hải được bổ sung thêm khu chế xuất Jinqiao, khu tài chính Lujiazui, khu công nghệ cao Zhangjiang12.
Thiên Tân có vị trí thuận lợi vì nằm ở giao điểm ở khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc và vành đai kinh tế Bột Hải, đồng thời là một trong những điểm khởi đầu của hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ – Nga13. Sau 10 năm phát triển, FTZ Thiên Tân đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và các ngành công nghiệp chế tạo, thành công thu hút các công ty quốc tế đầu tư vào lĩnh vực logistics và vận tải.
Hàn Quốc có khu kinh tế tự do đầu tiên được thành lập vào năm 2003 ở Incheon (IFEZ -Incheon Free Economics Zone) thành phố cảng chiến lược ở bờ biển phía Tây Hàn Quốc, gần thủ đô Seoul, sân bay quốc tế Incheon, cảng biển, hệ thống giao thông phát triển, giúp dễ dàng kết nối với quốc gia khác. Đây là trung tâm logistics, kinh doanh quốc tế, giải trí và du lịch cho khu vực Đông Bắc Á14. Ngoài ra, khu vực này còn được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng phát triển các ngành công nghiệp xanh và công nghệ cao.
Khu kinh tế tự do Busan – Jinhae (BJFEZ) là một trong những khu kinh tế tự do quan trọng của Hàn Quốc tại thành phố Busan và khu vực Jinhae thuộc tỉnh Gyeongsangnam-do nằm ở phía đông của Hàn Quốc. BJFEZ được chia thành 5 khu vực và 19 tiểu khu – Cảng Mới, gồm: khu kinh doanh quốc tế, khu công nghệ cao và sản xuất, khu cơ điện tử, khu giáo dục và nghiên cứu, khu du lịch và giải trí15.
FTZ Jebel Ali (JAFZA) là một trong những khu FTZ lớn nhất và lâu đời nhất tại Trung Đông, nằm ở Dubai, UAE. Được thành lập từ năm 1985, khu này nằm cạnh cảng Jebel Ali, một trong những cảng container lớn nhất Trung Đông và là một trong những cảng biển quan trọng nhất thế giới. Kết nối với hệ thống cảng biển này có sân bay quốc tế Al Maktoum giúp tối ưu hóa hoạt động hàng không cùng với hệ thống đường bộ hiện đại, dễ dàng tiếp cận các tiểu vương quốc khác và thị trường khu vực vùng vịnh. JAFZA có hơn 8.600 doanh nghiệp đến từ 140 quốc gia trên thế giới. Năm 2023, JAFZA đã mang lại giá trị hàng hóa luân chuyển lên tới 168 tỷ16.
FTZ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để cải thiện môi trường đầu tư với các ưu đãi về thuế: miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị cho sản xuất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định (thường từ 5 – 10 năm) tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp mới, như: công nghệ cao, điện tử, tự động hóa. Môi trường đầu tư được cải thiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, điều này giúp gia tăng các hoạt động xuất, nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này được thể hiện thông qua 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và 2 FTA đang tham gia đàm phán. Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA với hơn 60 đối tác FTA khắp nơi trên thế giới17. Những FTA này mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc giảm thuế quan, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; hiệp định này không chỉ giúp thúc đẩy thương mại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong các FTZ.
Vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển hạ tầng giao thông và logistics đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở cửa và hội nhập sâu rộng với các thị trường quốc tế. Nằm ở cửa ngõ khu vực Đông Nam Á, có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia cùng với đường bờ biển dài hơn 3.000 km hướng ra Biển Đông, vị trí này giúp Việt Nam trở thành trung tâm giao thương quan trọng nối liền các nước trong khu vực và trên thế giới. Các tuyến đường cao tốc, cảng biển, sân bay và hệ thống kho bãi được nâng cấp sẽ tăng cường khả năng kết nối và giao thương, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Với lợi thế về hạ tầng giao thông và logistics như hiện nay, đây là cơ hội tiền đề để phát triển các FTZ ở Việt Nam tại những khu vực kinh tế trọng điểm.
4.2. Thách thức
Mặc dù các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế và đường cao tốc nhưng một số khu vực khác hệ thống giao thông kết nối với các khu công nghiệp, cảng biển hoặc tuyến đường quốc tế vẫn chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Việc thiếu kho bãi, cơ sở lưu trữ hàng hóa và hệ thống logistics tiên tiến ở một số khu vực cũng là một trong những yếu tố hạn chế thu hút đầu tư và phát triển các FTZ.
Khó khăn trong việc cải cách thủ tục hành chính là một trong những thách thức lớn trong việc phát triển các FTZ ở Việt Nam. Nhà nước đã có những nỗ lực trong cải cách hành chính nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục hải quan phức tạp và mất nhiều thời gian.
Việt Nam đã triển khai hệ thống hải quan điện tử nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuân thủ các yêu cầu giấy tờ, kiểm tra thủ tục nhập, xuất khẩu và chứng từ có liên quan. Thời gian thông quan hàng hóa tại cảng biển, cửa khẩu đôi lúc còn kéo dài gây lãng phí và tốn kém về mặt chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tục kiểm tra phức tạp làm tăng chi phí và thời gian xử lý hàng hóa. Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa phát triển đầy đủ khiến các thủ tục hành chính không được giải quyết nhanh chóng và thuận lợi làm giảm hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đôi khi còn khó sử dụng, thiếu sự hỗ trợ đầy đủ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến khó khan và lãng phí thời gian.
Sự gia tăng sản xuất và nhập khẩu có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nếu không có những biện pháp bảo vệ môi trường chặt chẽ. Các FTZ có thể tạo ra áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm nếu không được quản lý tốt. Một thách thức lớn khi nữa phát triển FTZ là bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm an ninh kinh tế, đặc biệt trong các ngành nhạy cảm, như: công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, sản xuất quân sự. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này có thể tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát đối với một số ngành chiến lược của đất nước.
5. Giải pháp phát triển khu thương mại tự do ở Việt Nam
Căn cứ vào định hướng phát triển và trên cơ sở phân tích các cơ hội, thách thức trong phát triển FTZ ở Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển FTZ ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế đặc thù cho phát triển các FTZ. Đây là điều kiện tiên quyết để các FTZ có thể được thành lập và đi vào vận hành. Việt Nam cần sớm xây dựng quy định riêng cho các FTZ, trong đó có đầy đủ các nội dung, như: khái niệm và phạm vi áp dụng, mục tiêu và định hướng phát triển các FTZ, cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy định về xuất nhập khẩu, hải quan, hoạt động sản xuất – kinh doanh và dịch vụ trong FTZ, cơ chế tài chính và trách nhiệm của các bên liên quan.
Thứ hai, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối logistics. Việt Nam cần quy hoạch các FTZ nằm tại những vị trí chiến lược về giao thông, như: gần cảng nước sâu, sân bay quốc tế, trục đường bộ cao tốc, ga đường sắt liên vận quốc tế. Bên cạnh hệ thống giao thông được kết nối đa phương thức thì Việt Nam cần đầu tư hạ tầng kho bãi đi kèm: kho ngoại quan, kho lạnh, trung tâm phân phối, hệ thống cảng cạn. Việc hình thành các trung tâm logistics tích hợp giúp giảm thời gian lưu kho, tối ưu hóa vận chuyển.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ số trong quản lý hạ tầng và chuỗi cung ứng. Sử dụng công nghệ IoT, AI cho phép quản lý hạ tầng FTZ một cách đồng bộ và hiệu quả. IoT giúp giám sát tình trạng vận hành của thiết bị kho bãi, phương tiện vận tải, container; AI giúp hỗ trợ dự báo nhu cầu vận tải, tối ưu hóa luồng hàng. Nền tảng số trong quản lý chuỗi cung ứng cũng giúp quản lý toàn bộ quá trình hàng hóa từ xuất – nhập kho, lưu trữ, vận chuyển đến giao nhận cho khách hàng, người tiêu dùng. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý hạ tầng và chuỗi cung ứng không chỉ là xu hướng mà còn mang tính chất quyết định hiệu quả hoạt động của các FTZ.
Thứ tư, có chính sách thu hút đầu tư chiến lược, Chính phủ cần có chính sách thu hút đầu tư chiến lược cho các ngành, nghề ưu tiên, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường liên kết vùng và kết nối quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống quản trị của các doanh nghiệp. Các giải pháp này phải được thực hiện một cách đồng bộ để có thể hình thành và phát triển các FTZ ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
6. Kết luận
Việc phát triển các FTZ ở Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu. Các FTZ không chỉ là công cụ quan trọng giúp thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển công nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTZ, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít các thách thức về quản lý pháp lý, cạnh tranh quốc tế và các vấn đề về môi trường. Nghiên cứu đã làm rõ khái niệm, vai trò của FTZ đối với nền kinh tế và logistics, kinh nghiệm phát triển FTZ của một số quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc và Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do được ký kết đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thời để vượt qua các thách thức, Việt Nam cần tập trung vào hoàn thiện hạ tầng giao thông, kho bãi, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm phát triển bền vững trong quá trình phát triển FTZ.
Chú thích:
1. Rakesh Padhan, K.P. Prabheesh (2021). The economics of Covid-19 pandemic: A survey. Economic Analysis and Policy Volume 70, Pages 220 – 237, https://doi.org/10.1016/j.eap.2021.02.012.
2. Kinh thế thế giới năm 2021 và triển vọng năm 2022. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM226334&utm=
3. Harrison, J., & Lee, J. (2004). Globalizing Free Trade Zones: The Implications for the International Economy. International Economic Review, 45(2), 163-187.
4. FIAS (2008). Special economic zones a p r i l 2 0 0 8 performance, lessons learned, and implications for zone development. https://documents1.worldbank.org/curated/en.pdf.
5. Omar Sharaf-addeen Alansary, Tareq Al-Ansari (2023). Defining ‘free zones’: A systematic review of literature. Heliyon, Volume 9 https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2023.e15344
6. Quốc hội (2024). Nghị quyết số 136/2024/QH15về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
7. Bộ Công Thương (2024). Báo cáo Logistics Việt Nam 2024. H. NXB Công thương.
8. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 về phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
9. Gỡ “điểm nghẽn” để khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng hai con số trong năm 2025.https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-diem-nghen-de-khu-vuc-dong-nam-bo-tang-truong-hai-con-so-trong-nam-2025-168689-168689.html
10. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính Trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
11. Nhiều cơ hội phát triển kinh tế từ khu thương mại tự do. https://daibieunhandan.vn/nhieu-co-hoi-phat-trien-kinh-te-tu-khu-thuong-mai-tu-do-post379465.html
12. Samdershi, A., Gupta, V., & Dharwal, M. (2020). The Strategic Role of Special Economic Zones in Economic Development: A Special Case of Shanghai Free Trade Zone. In e-journal-First Pan IIT International Management Conference–2018
13. Thiên Tân – siêu đô thị phương bắc Trung Quốc. https://www.vietnam.vn/thien-tan-sieu-do-thi-phuong-bac-trung-quoc
14. McCarty, D., & Park, J. M. (2018). A critical analysis of the Incheon Free Economic Zone: Can Incheon move beyond being a gateway to Seoul?. Journal of Urban Science, 7(2), p. 61 – 70.
15. Lee, J. W. (2022). Strategic Approaches to Free Economic Zones for the Digital Economy: Lessons from a Comparative Study. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=4035115
16. Việt Nam cần khu thương mại tự do để bứt phá kinh tế? https://vietstock.vn/2025/01/viet-nam-can-khu-thuong-mai-tu-do-de-but-pha-kinh-te-768-1261207.htm?utm
17. Khởi sắc thương mại Việt Nam năm 2024. https://consosukien.vn/khoi-sac-thuong-mai-viet-nam-nam-2024.htm.