ThS. Nguyễn Thị Nguyệt
Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp
(Quanlynhanuoc.vn) – Thuế carbon là một công cụ chính sách kinh tế nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc đánh thuế trực tiếp vào lượng khí CO₂ phát sinh từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và các cam kết giảm phát thải toàn cầu, việc áp dụng thuế carbon trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia. Bài viết trình bày tổng quan về thuế carbon, phân tích tác động của nó đối với kinh tế và môi trường, đồng thời thảo luận về những thách thức trong quá trình triển khai tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung chính sách về thuế carbon, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Từ khóa: Thuế carbon, biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, chính sách môi trường, phát triển bền vững, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, khi các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng và thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và sức khỏe của hàng tỷ người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do sự gia tăng nồng độ khí nhà kính, đặc biệt là khí CO₂ phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, năng lượng và tiêu dùng. Trước thực trạng đó, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris và cam kết tại COP26.
Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ qua chủ yếu dựa vào mô hình phát triển truyền thống – khai thác tài nguyên và sử dụng năng lượng hóa thạch, dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính tăng nhanh. Trong khi đó, các công cụ chính sách nhằm điều tiết hành vi gây ô nhiễm môi trường còn chưa hiệu quả và thiếu tính thị trường. Để hiện thực hóa cam kết giảm phát thải, cần thiết phải áp dụng các công cụ tài chính và kinh tế nhằm khuyến khích chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng. Một trong những công cụ được nhiều nhà kinh tế và môi trường đề xuất là thuế carbon – một hình thức đánh thuế trực tiếp lên lượng khí CO₂ phát sinh từ các hoạt động gây ô nhiễm.
Thuế carbon có vai trò quan trọng trong việc “nội hóa” chi phí môi trường – tức là buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải gánh chịu chi phí tương ứng với tác động tiêu cực mà họ gây ra cho xã hội. Đây là một biện pháp mang tính thị trường giúp định hướng hành vi sản xuất và tiêu dùng theo hướng ít phát thải, thúc đẩy đổi mới công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết là sự thiếu hụt về hệ thống dữ liệu phát thải, chưa có khung pháp lý cụ thể cho thuế carbon, trong khi nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp phát thải cao. Ngoài ra, vẫn tồn tại lo ngại về tác động của thuế này đến chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa và người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận của thuế carbon, phân tích tác động của nó đối với môi trường và kinh tế là cần thiết, nhằm chuẩn bị nền tảng khoa học và thực tiễn cho việc thiết kế chính sách thuế carbon phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, vừa đảm bảo mục tiêu giảm phát thải, vừa không gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội.
2. Cơ sở lý luận
Thuế carbon (Carbon tax) là một công cụ chính sách môi trường có tính thị trường, được thiết kế để đánh thuế trực tiếp vào lượng khí thải carbon dioxide (CO₂) – loại khí nhà kính chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu. Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thuế carbon là “một loại thuế môi trường được áp dụng trên hàm lượng carbon của nhiên liệu hóa thạch” (OECD, 2019. Taxing Energy Use 2019). Đây là hình thức đánh thuế dựa trên mức phát thải CO₂ ước tính từ việc đốt các loại nhiên liệu như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cách hiểu tương tự, khi định nghĩa thuế carbon là một công cụ đánh thuế theo mỗi tấn CO₂ được phát thải ra môi trường từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng (IMF, 2019. Fiscal Policies for Paris Climate Strategies – From Principle to Practice). Mức thuế có thể được ấn định trực tiếp (đơn giá cố định cho mỗi tấn CO₂) hoặc gián tiếp thông qua thuế nhiên liệu dựa trên hàm lượng carbon. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2023 có 23 quốc gia đang áp dụng thuế carbon, với mức thu dao động từ 1 đến hơn 100 USD/tấn CO₂, tùy thuộc vào điều kiện và mục tiêu chính sách từng nước (World Bank, 2023. Carbon Pricing Dashboard).
Về mặt lý luận, cơ sở hình thành thuế carbon xuất phát từ học thuyết ngoại tác (externalities) trong kinh tế học phúc lợi. Theo lý thuyết này, khi một hoạt động sản xuất gây tác động tiêu cực đến bên thứ ba – như việc phát thải khí CO₂ gây biến đổi khí hậu – thì chi phí xã hội vượt quá chi phí cá nhân, dẫn đến thất bại thị trường. Nhà kinh tế học A.C. Pigou (1920) đã đề xuất giải pháp đánh thuế vào các hoạt động gây ngoại tác tiêu cực để buộc các chủ thể phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí đầy đủ của hành vi của mình. Thuế Pigou chính là nền tảng lý thuyết cho các loại thuế môi trường hiện đại, trong đó có thuế carbon (Pigou, A.C., The Economics of Welfare).
Tại Việt Nam, khái niệm “thuế carbon” chưa được áp dụng chính thức trong hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số văn bản đã đề cập đến công cụ này như một hướng đi trong tương lai. Cụ thể, trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022), Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu “nghiên cứu, thiết lập và từng bước triển khai công cụ tài chính về môi trường như thuế carbon, phí phát thải khí nhà kính”. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 139) quy định việc “phát triển thị trường carbon trong nước” và “nghiên cứu, đề xuất các công cụ kinh tế để kiểm soát phát thải”, mở ra cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thuế carbon trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay mới chỉ áp dụng một số loại thuế và phí có liên quan gián tiếp đến phát thải CO₂, như thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, phí xả thải công nghiệp nhưng các công cụ này chưa thực sự phản ánh đúng mức độ tác động của từng loại phát thải khí nhà kính. Thuế carbon vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thiết kế và đánh giá khả năng triển khai thử nghiệm tại một số ngành phát thải cao, như: năng lượng, xi măng và thép.
3. Thực trạng phát triển cơ chế định giá Carbon tại Việt Nam
Để có nền tảng áp thuế Carbon, Việt Nam đang tích cực xây dựng và triển khai các cơ chế định giá carbon nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quá trình này bao gồm việc thiết lập thị trường carbon trong nước và áp dụng các công cụ tài chính liên quan đến môi trường.
3.1. Khung pháp lý và lộ trình phát triển thị trường carbon
Năm 2021, Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập Hệ thống Mua bán Phát thải (ETS) và cơ chế tín chỉ carbon trong nước. Luật này giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính thiết kế và triển khai các cơ chế này, bao gồm việc xác định hạn ngạch phát thải và phương thức phân bổ. Ngoài ra, luật cũng cho phép sử dụng các tín chỉ carbon từ cả nguồn trong nước và quốc tế trong hệ thống ETS. ETS là hệ thống giao dịch phát thải, là một công cụ thị trường được chính phủ sử dụng để kiểm soát và giảm dần lượng phát thải khí nhà kính trong một số ngành, lĩnh vực hoặc trên toàn bộ nền kinh tế.
Tháng 7/2022, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 được phê duyệt, khẳng định cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 43,5% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Chiến lược này nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường carbon trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 thiết lập khung phát triển thị trường carbon và hệ thống ETS. Theo Quyết định này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ vận hành sàn giao dịch carbon. Giai đoạn thử nghiệm ETS dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2025 và kéo dài đến tháng 12/2028, với việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải cho các cơ sở trong các ngành phát thải cao.
3.2. Thuế bảo vệ môi trường và các công cụ tài chính liên quan
Thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính được Việt Nam áp dụng từ năm 2012 nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và sản xuất gây tác động xấu đến môi trường. Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , theo đó các đối tượng chịu thuế bao gồm xăng, dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông khó phân hủy và một số sản phẩm hóa chất độc hại khác. Đây là loại thuế gián thu, đánh trực tiếp vào mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm, từ đó phản ánh chi phí môi trường vào giá thành hàng hóa.
Năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước biến động giá năng lượng toàn cầu và ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 và tiếp tục điều chỉnh tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đến năm 2024, Nghị quyết số 60/2024/UBTVQH15 ngày 30/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 06/7/2022 tiếp tục kéo dài chính sách này đến hết năm 2025, theo đó mức thuế đối với xăng chỉ còn 2.000 đồng/lít, dầu diesel 1.000 đồng/lít và nhiên liệu bay 1.000 đồng/lít. Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế này làm giảm thu ngân sách ước tính hơn 44.000 tỷ đồng trong năm 2025, nhưng lại có tác dụng hỗ trợ ổn định giá và kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, Việt Nam cũng đang thử nghiệm và triển khai một số công cụ tài chính khác như tín chỉ carbon (carbon credits) và hệ thống phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính (GHG cap and trade). Trong giai đoạn từ 2025 đến 2028, thị trường carbon thí điểm sẽ vận hành theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ và Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025. Cơ quan vận hành sàn giao dịch carbon là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Các công cụ tài chính mới này sẽ bổ trợ cho thuế bảo vệ môi trường truyền thống nhằm tăng hiệu quả quản lý phát thải và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.
3.3. Tham gia vào các cơ chế carbon quốc tế
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển tích cực tham gia vào các cơ chế carbon quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn trước, Việt Nam đã triển khai thành công nhiều dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) thuộc Nghị định thư Kyoto. Tính đến năm 2020, Việt Nam có 256 dự án CDM được đăng ký, xếp thứ tư thế giới về số lượng, với tổng lượng giảm phát thải đạt trên 140 triệu tấn CO₂ tương đương, theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021.
Bên cạnh CDM, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào các cơ chế carbon mới theo Thỏa thuận Paris. Đáng chú ý là các hoạt động chuyển nhượng tín chỉ carbon theo Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Trong năm 2023, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Ngân hàng Thế giới thông qua Quỹ Đối tác Carbon Forest (FCPF). Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO₂ giảm phát thải tại khu vực Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 – 2024 với tổng trị giá 51,5 triệu USD – đây là khoản chi trả đầu tiên Việt Nam nhận được cho kết quả giảm phát thải rừng được xác minh. Sự kiện này đánh dấu Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được khoản chi trả theo kết quả giảm phát thải rừng từ FCPF.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên tham gia Hệ thống Thương mại Khí thải châu Á (ACX) từ năm 2023 và đang tích cực thử nghiệm mua bán tín chỉ carbon theo hình thức thị trường tự nguyện (voluntary carbon market). Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện, hàng không, chế biến gỗ đã bắt đầu giao dịch tín chỉ carbon với các đối tác quốc tế. Điều này không chỉ tạo ra nguồn thu mà còn mở đường cho việc phát triển thị trường carbon trong nước trong thời gian tới.
Việc tham gia vào các cơ chế carbon quốc tế không chỉ góp phần hỗ trợ tài chính cho các chương trình giảm phát thải của Việt Nam mà còn nâng cao năng lực thể chế, kỹ thuật trong giám sát, đo lường và thẩm định lượng phát thải. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam hòa nhập với các chuẩn mực toàn cầu về định giá carbon và hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
4. Thách thức
Quá trình thiết kế và áp dụng thuế carbon tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản mang tính hệ thống, đòi hỏi phải được đánh giá một cách toàn diện và thực tế.
Một trong những thách thức rõ ràng nhất hiện nay là nguy cơ chồng chéo giữa các chính sách thuế và phí hiện hành. Cụ thể, Việt Nam đang triển khai thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng như xăng dầu, than đá – vốn cũng là những đối tượng phát thải chính. Nếu chính sách thuế carbon được xây dựng mà không có sự điều chỉnh tương thích với hệ thống thuế bảo vệ môi trường hiện có, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đánh thuế trùng lặp. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng tài chính không đáng có cho doanh nghiệp mà còn gây hoang mang trong quá trình thực thi do thiếu sự minh bạch, nhất quán trong chính sách. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế phân định rõ ràng giữa các loại thuế môi trường cũng làm giảm tính hiệu quả của công cụ thuế carbon với tư cách là một tín hiệu thị trường định hướng hành vi giảm phát thải.
Một thách thức kỹ thuật đáng kể khác là khả năng giám sát, đo lường và xác minh phát thải khí nhà kính (MRV – Monitoring, Reporting and Verification) còn hạn chế. Để có thể tính toán và áp dụng thuế carbon một cách chính xác, cần thiết phải có hệ thống dữ liệu phát thải cụ thể, đồng bộ và tin cậy từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nhiều ngành công nghiệp – đặc biệt là các ngành thâm dụng năng lượng như xi măng, sắt thép – vẫn chưa triển khai được hệ thống MRV bài bản theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, các báo cáo về phát thải hiện tại chủ yếu mang tính định tính hoặc mang tính nội bộ, chưa đủ độ tin cậy để làm cơ sở thu thuế. Điều này không chỉ cản trở việc thực thi chính sách mà còn làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp và người dân đối với sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ tài chính môi trường.
Về mặt kinh tế, khả năng hấp thụ chi phí gia tăng do thuế carbon cũng là một vấn đề không nhỏ. Đối với nhiều doanh nghiệp trong nước – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất truyền thống – việc phải gánh thêm một khoản thuế mới sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sản xuất. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế và nội địa, việc này có thể khiến giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, cũng như làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu có hàm lượng phát thải cao. Đây là nguy cơ hiện hữu khi nhiều thị trường lớn, như: Liên minh châu Âu (EU) đã và đang áp dụng các rào cản thương mại liên quan đến carbon, chẳng hạn, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Một yếu tố khác đóng vai trò rào cản quan trọng chính là trình độ công nghệ hiện tại của nền công nghiệp trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang vận hành trên nền tảng công nghệ tương đối cũ, hiệu suất năng lượng thấp và phát thải cao. Việc áp dụng thuế carbon sẽ đặt ra sức ép rất lớn trong việc đổi mới công nghệ, tuy nhiên việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và thời gian dài. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi tài chính cho công nghệ xanh còn hạn chế, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến từ quốc tế cũng chưa mạnh do những rào cản về năng lực tiếp nhận, đào tạo và ứng dụng. Điều này khiến cho áp lực chuyển đổi xanh trở nên chậm chạp và nguy cơ doanh nghiệp bị “gạt ra bên lề” trong cuộc chơi toàn cầu ngày càng rõ rệt.
Ngoài ra, một thách thức mang tính nền tảng chính là sự thiếu hụt của một khung pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ dành riêng cho thuế carbon. Mặc dù đã có một số văn bản chiến lược đề cập đến việc xây dựng thị trường carbon và nghiên cứu thuế carbon, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, hay Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, nhưng thực tế vẫn chưa có một hệ thống quy định pháp luật rõ ràng, chi tiết về cơ chế vận hành, cách tính thuế, phạm vi áp dụng và các nghĩa vụ liên quan đến loại thuế này. Sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản cùng với khoảng trống thể chế ở cấp luật và dưới luật, khiến việc triển khai trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn, dễ dẫn đến tranh cãi, chồng chéo và gây tâm lý hoài nghi từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
5. Giải pháp áp dụng thuế carbon tại Việt Nam
Để khắc phục các thách thức trong việc áp dụng thuế carbon tại Việt Nam, cần phải triển khai một số giải pháp đồng bộ, bao gồm: cải cách thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng giám sát phát thải, cải thiện công nghệ và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp; đồng thời, phát triển các cơ chế hỗ trợ tài chính bền vững.
5.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ và minh bạch
Việc thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và đồng bộ cho thuế carbon là điều kiện tiên quyết để triển khai chính sách này hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các quy định chi tiết về thuế carbon, bao gồm: phương thức tính toán lượng phát thải, phạm vi áp dụng thuế, các ngành nghề chịu tác động và cơ chế điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế. Đặc biệt, cần phải làm rõ mối quan hệ giữa thuế carbon và các loại thuế bảo vệ môi trường hiện hành, tránh tình trạng đánh thuế chồng chéo, đồng thời, tạo ra một hệ thống thuế công bằng và dễ dàng thực hiện cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi, giúp họ đáp ứng các yêu cầu mới về phát thải.
5.2. Cải thiện hệ thống giám sát và báo cáo phát thải (MRV)
Để thuế carbon có thể được áp dụng chính xác, cần phải phát triển và hoàn thiện hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh (MRV) phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp cần phải thiết lập các hệ thống đo lường phát thải chuẩn hóa, được giám sát chặt chẽ và có tính minh bạch cao giúp chính phủ có thể theo dõi chính xác mức độ phát thải của các ngành công nghiệp. Chính phủ có thể xây dựng các công cụ giám sát điện tử, tạo thuận lợi cho việc thu thập và phân tích dữ liệu, đồng thời giảm thiểu chi phí và sai sót trong quá trình kiểm tra. Một hệ thống MRV mạnh mẽ không chỉ giúp thu thuế chính xác mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
5.3. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và giảm phát thải
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là thiếu nguồn lực để chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường. Chính phủ cần thiết lập các chương trình tài trợ, vay vốn ưu đãi và các cơ chế hỗ trợ đầu tư vào công nghệ sạch và hiệu quả năng lượng. Các ưu đãi này có thể bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí chuyển đổi công nghệ hoặc tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ xanh. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng các chính sách để tạo ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và ít phát thải hơn.
5.4. Tăng cường nhận thức cộng đồng và năng lực quản lý của các doanh nghiệp
Việc áp dụng thuế carbon thành công không thể thiếu sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc giảm phát thải và chuyển sang nền sản xuất sạch hơn. Chính phủ có thể tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo về công nghệ xanh, chiến lược giảm phát thải và lợi ích của thuế carbon, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cơ hội và thách thức mà thuế carbon mang lại. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cần được triển khai để doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực trong việc tuân thủ các yêu cầu về phát thải.
5.5. Cung cấp các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp
Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh và ít carbon đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính. Chính phủ cần phải thiết lập các cơ chế tài chính hỗ trợ, bao gồm các quỹ phát triển công nghệ xanh, các chương trình vay vốn với lãi suất thấp hoặc dài hạn cho các dự án xanh. Đồng thời, có thể kết hợp với các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ và giảm phát thải.
5.6. Tạo sự hợp tác và kết nối với các thị trường quốc tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tham gia vào các cơ chế carbon quốc tế là một cơ hội quan trọng để Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn có thể hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển xanh của quốc tế. Chính phủ có thể chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính và môi trường lớn, để đẩy mạnh hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển và thực hiện các chính sách giảm phát thải. Cùng với đó, cần tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU và các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
6. Kết luận
Việt Nam đang từng bước xây dựng và triển khai các cơ chế định giá carbon, bao gồm thị trường carbon trong nước và các công cụ tài chính liên quan nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác, cùng với việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công các công cụ định giá carbon.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Báo cáo đánh giá công cụ tài chính về môi trường phục vụ phát triển kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
3. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2024). Nghị quyết số 60/2024/UBTVQH15 ngày 24/12/2024 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
5. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.
6. Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (2024). “Thị trường tín chỉ carbon và sự tham gia của Việt Nam”. https://trungtamwto.vn/xuat-khau-xanh.
7. OECD (2019). Taxing Energy Use 2019: Using Taxes for Climate Action. https://www.oecd.org/tax/tax-policy/taxing-energy-use-2019-059b706e-en.htm.
8. IMF (2019). Fiscal Policies for Paris Climate Strategies-From Principle to Practice. https://www.imf.org/en/Publications/Policy-Papers/Issues/2019/05/01/Fiscal-Policies-for-Paris-Climate-Strategies-From-Principle-to-Practice-46826.
9. World Bank (2023). Carbon Pricing Dashboard. https://carbonpricingdashboard.worldbank.org.
10. Pigou, A.C. (1920). The Economics of Welfare.
11. International Carbon Action Partnership (ICAP) (2021). https://icapcarbonaction.com/system/files/ets_pdfs/icap-etsmap-factsheet-83.pdf.
12. ICAP (2025). Vietnam approves carbon market roadmap, pilot ETS to launch in June 2025. https://icapcarbonaction.com/en/news/vietnam-approves-carbon-market-roadmap-pilot-ets-launch-june-2025.