TS. Nguyễn Thị Linh Giang
Học viện Chính trị khu vực III
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực tiễn đã khẳng định, người có uy tín, nhất là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt và luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao vị trí, vai trò trong quá trình lãnh đạo, tham xây dựng, gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương; góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; cải thiện đời sống người dân; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội… Bài viết tập trung phản ánh thực trạng vai trò và đóng góp của người có uy tín trong xây dựng chính quyền cơ sở tại tỉnh Gia Lai hiện nay, đề xuất một số giải pháp.
Từ khóa: Vai trò, người có uy tín, xây dựng chính quyền cơ sở, tỉnh Gia Lai.
1. Đặt vấn đề
Năm 1996, tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề cập đến cụm từ “người có uy tín” và trở thành căn cứ chính trị cho các văn kiện khác sau này chính thức sử dụng. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc có đề cập: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.
Có thể khẳng định, người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng trên nhiều phương diện, như: (1) Đi đầu và nêu gương trong việc thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giữ gìn an ninh trật tự; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự đổi mới của địa phương; (2) Góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, tham gia đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới; tham gia và vận động thực hiện bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; (3) Tích cực đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển địa phương;…
2. Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong hoạt động của chính quyền cơ sở tại tỉnh Gia Lai
Gia Lai là tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2, gồm 46 dân tộc cùng sinh sống, với dân số hơn 1,56 triệu người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46,2%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar1. Với đặc thù về dân số, thành phần dân tộc, người có uy tín tại Gia Lai luôn đóng vị trí, vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, gắn kết “ý Đảng” với “lòng dân”. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Gia Lai hiện có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giảm so với một số năm trước đó do sự sáp nhập thôn, làng. Trong đó, nam 941 người, nữ 14 người; về dân tộc có: dân tộc Jrai (609 người), dân tộc Bahnar (299 người) và dân tộc khác (47 người)2. Đây là những cá nhân có sự tín nhiệm của cộng đồng, có phạm vi ảnh hưởng lớn cùng khả năng tập hợp, dẫn dắt, tạo niềm tin trong nhân dân.

Triển khai nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có uy tín, đồng thời, nhận thức rõ yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, tỉnh Gia Lai trong quá trình thực hiện các chính sách đối với người có uy tín với những hoạt động, như: Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh cấp 148.980 tờ báo cho đội ngũ già làng, người có uy tín; phối hợp với Ủy ban Dân tộc cấp 97 chiếc điện thoại cho người có uy tín; tổ chức đưa đoàn đại biểu người có uy tín học hỏi mô hình phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức hội thảo phát huy vai trò của người có uy tín; đồng thời, tổ chức 5 lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, kiến thức quốc phòng – an ninh, môi trường, y tế, giáo dục… cho gần 500 bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín và các ban, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh… Qua đó, đội ngũ người có uy tín đã phát huy vai trò và có những đóng góp quan trọng trong xây dựng chính quyền cơ sở trên nhiều phương diện3.
Thứ nhất, người có uy tín đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Bằng kinh nghiệm, sự gương mẫu đi đầu người có uy tín là tấm gương để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản noi theo; NCUT là chức sắc, cốt cán tôn giáo vận động tín đồ chấp hành tốt đường lối của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, người có uy tín vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; không nghe, không tin những luận điệu tuyên truyền dụ dỗ của kẻ xấu vượt biên trái phép. Người có uy tín tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động quần chúng thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”,… Qua đó, người có uy tín góp phần xây dựng chính quyền cơ sở.
Thứ hai, là cầu nối quan trọng giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.
Với vai trò này, trong các buổi sinh hoạt cùng chi bộ, các ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các hội nghị toàn dân, người có uy tín đã đóng góp nhiều ý kiến trong xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, chủ động, mạnh dạn góp ý cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên trong chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị của thôn bản trong sạch vững mạnh. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp có thẩm quyền. Trong nhiều trường hợp, người có uy tín đã kịp thời nắm bắt đời sống, tư tưởng của nhân dân, phản ánh tình hình, sự việc với cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết cũng như kịp thời phát hiện, thông báo đến chính quyền để cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh và ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật trong cộng đồng,…
Thứ ba, trong phát triển kinh tế – xã hội.
Với vai trò và trách nhiệm của mình trước cộng đồng, người có uy tín đã đóng góp một phần quan trọng khi tích cực vận động con em, gia đình, dòng họ đi đầu trong các phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn, bản ngày càng lành mạnh, tiến bộ 5, tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội… hướng đến xây dựng buôn làng xanh, sạch, đẹp. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Người có uy tín tích cực và thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin theo thông tin bịa đặt, kích động, lôi kéo, gây mất đoàn kết và chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; tuyên truyền bà con nơi có đạo sống tốt đời, đẹp đạo; tích cực tham gia các tổ hòa giải để vận động bà con sống hòa thuận, đoàn kết, giữ gìn đời sống văn hóa tốt đẹp trong buôn, làng; phối hợp tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; cùng chính quyền giữ gìn an ninh biên giới, phát hiện và xử lý những hoạt động phá hoại, xâm lấn chủ quyền, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc…
Đặc biệt, đa số người có uy tín là thành viên ban công tác Mặt trận ở thôn, buôn, tổ dân phố, có người có uy tín là đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn… nên càng phát huy được vai trò của mình, tích cực vận động con em chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền cơ sở; tham gia hưởng ứng phong trào thi đua của các hội, đoàn thể ở cơ sở, xây dựng các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi… ở địa phương ngày càng vững mạnh.
Thứ năm, người có uy tín đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương luôn nêu gương sáng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền, người có uy tín đã tích cực, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương luôn phát huy vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống, phát huy những giá trị tốt đẹp trong xây dựng nếp sống văn hóa mới ở các buôn, làng, khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hòa giải, xử lý tốt các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhất là các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Nhờ đó, nhiều tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, tổ chức lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư… góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, tạo sự đồng thuận, xây dựng xóm làng đoàn kết, bình yên, phát triển và tăng cường niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng người có uy tín vẫn còn một số hạn chế, như: chưa chủ động, tích cực trong việc phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; còn bị động trong nắm bắt thông tin về tình hình thực tiễn tại địa phương; trình độ văn hóa chuyên môn còn thấp, với đại đa số ở bậc học tiểu học và trung học cơ sở; một số người có uy tín tuổi cao, sức khỏe hạn chế, chưa thông thạo tiếng phổ thông; chưa có đủ phẩm chất để xứng đáng là tấm gương sáng trong cộng đồng, dẫn đến việc gây dựng niềm tin, sự thuyết phục trong nhân dân bị hạn chế…
3. Một số giải pháp nâng cần thực hiện trong thời gian tới
Để phát huy hơn nữa vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng và địa phương, cần tiếp tục chú trọng thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc vận động và phát huy vai trò của người có uy tín.
Đây được coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, nhất là cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số biên giới, vùng địa bàn phức tạp. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết, cần quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về: (1) Công tác bình chọn người có uy tín phải có sự tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra sát sao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để thôn/bản và người dân lựa chọn được người thật sự xứng đáng là chỗ dựa để gửi gắm tâm tư nguyện vọng hoặc hỏi ý kiến xử lý, giải quyết những vụ việc tại nơi cư trú; (2) Chú trọng tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự ảnh hưởng của cá nhân trong cộng đồng, có sức khỏe và độ tuổi hợp lý để bảo đảm người có uy tín hoạt động hiệu quả; (3) Tổ chức và duy trì gặp mặt định kỳ đối với người có uy tín, thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách với người có uy tín; (4) Kịp thời động viên, khen thưởng những người có uy tín có thành tích xuất sắc,…
Hai là, chú trọng công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, nhất là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, nhất là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, trong đó cơ quan công an, dân tộc, dân vận, mặt trận làm nòng cốt. Tại mỗi địa phương cơ sở, tùy theo yêu cầu cụ thể và đặc thù của vùng, đặc điểm của cộng đồng dân cư và đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành cần sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín.
Ba là, bảo đảm các điều kiện về cơ chế, chính sách để người có uy tín tham gia hoạt động thuận lợi.
Thống nhất phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín, bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo và thuận lợi cho quá trình theo dõi, đánh giá và phát huy vai trò, trách nhiệm của người có uy tín. Kịp thời đưa ra khỏi danh sách người có uy tín khi không bảo đảm các tiêu chí theo quy định. Tạo điều kiện cho người có uy tín được tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, qua đó rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả công tác của mình. Quan tâm động viên cả về vật chất, tinh thần đối với người có uy tín. Cung cấp thông tin thời sự về tình hình địa phương cần được tăng cường; thường xuyên, liên tục tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và vận động cho người có uy tín;… Theo đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có kế hoạch truyền tải thông tin kịp thời, đầy đủ, có định hướng cũng như nghiên cứu để kịp thời khắc phục những bất cập về chính sách đối với người có uy tín, bổ sung chính sách cần thiết phù hợp và thiết lập môi trường, tăng cường điều kiện để người có uy tín thuận lợi trong thực hiện hoạt động của mình. Đồng thời, không ngừng trao đổi, định hướng để người có uy tín luôn nhận thức rõ vai trò của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức theo sự vận động của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình với cộng đồng.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của người có uy tín. Kịp thời đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương. Nghiên cứu việc thành lập “Câu lạc bộ Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” ở mỗi cơ sở để họ có điều kiện cập nhật, bổ sung kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, xây dựng nông thôn mới.
Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, tổng kết và khen thưởng kịp thời.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình người có uy tín thực hiện các chức trách của mình cũng như tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín; thực hiện tốt công tác tổng kết năm tại chính quyền cơ sở với thành phần tham gia là toàn bộ người có uy tín ở địa bàn, việc tổ chức tổng kết cần mời đại diện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, những đơn vị trực tiếp theo dõi và thực hiện chính sách của huyện và xã để đánh giá, rút kinh nghiệm. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác thi đua, biểu dương và khen thưởng (định kỳ, đột xuất) người có uy tín có thành tích xuất sắc, tạo động lực cho người có uy tín tâm huyết, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4. Kết luận
Quan tâm và phát huy tốt vai trò của người có uy tín, nhất là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền núi, biên giới với miền xuôi,… Người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động cộng đồng và đồng bào các dân tộc thiểu số noi theo, làm theo, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Người có uy tín là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương.
Chú thích:
1. Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (2022). Báo cáo số 350/BC-BDT ngày 06/4/2022 về kết quả thực hiện biểu dương, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 – 2021.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2023). Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 03/7/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2027.
3. Gia Lai phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong cộng đồng. https://baodantoc.vn/gia-lai-phat-huy-hieu-qua-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-cong-dong-1685266826113.htm.
4. Tỉnh ủy Gia Lai (2018). Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai (2023). Báo cáo số 1958/BC-BDT ngày 29/12/2023 kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến tháng 12/2023.
2. Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205255.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập I, II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2022). Kế hoạch số 1602/KH-UBND ngày 21/7/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn I từ 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.