Các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị địa phương

Bùi Thị Phương Lan
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu, đánh giá những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến quản trị địa phương, gồm: chính trị pháp lý, kinh tế xã hội, công nghệ và môi trường. Hệ thống pháp luật vững chắc, cơ chế phân cấp phân quyền, sự công khai, minh bạch tạo nền tảng cho sự tin cậy của người dân; yếu tố kinh tế cung cấp nguồn thu và đầu tư hạ tầng; các đặc điểm xã hội định hình nhu cầu và chính sách phù hợp; công nghệ và chuyển đổi số giúp tối ưu quản lý và yếu tố môi trường đòi hỏi sự chuẩn bị ứng phó kịp thời. Sự phối hợp đồng bộ các yếu tố, là chìa khóa để hoạt động quản trị địa phương hiệu quả và bền vững.

Từ khóa: Quản trị địa phương, yếu tố ảnh hưởng đến quản trị địa phương.

1. Đặt vấn đề

Quản trị địa phương được hiểu là quá trình thực thi quyền lực, quản lý và điều hành các hoạt động trong phạm vi một địa phương nhất định. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống quản trị quốc gia, bao gồm các hoạt động của ba thành phần cơ bản, đó là: chính quyền địa phương; các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

Quản trị địa phương không chỉ đơn thuần là việc thực thi các chính sách từ trung ương, mà còn là sự tương tác giữa các bên liên quan, bảo đảm quyền lợi và nhu cầu của người dân được đáp ứng một cách hiệu quả và công bằng. Cụ thể, đối với chính quyền địa phương (bao gồm các cấp chính quyền, như: xã, phường, huyện, quận và tỉnh) có vai trò lập kế hoạch, thực thi và giám sát các chính sách địa phương. Đối với cộng đồng dân cư thì người dân tham gia vào quá trình ra quyết định, giám sát và phản hồi đối với các chính sách và dự án của chính quyền. Và đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế và thực hiện các dự án xã hội thông qua các hoạt động hợp tác công tư.

Quản trị địa phương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của một quốc gia. Quản trị địa phương hiệu quả giúp tăng cường sự tham gia của người dân, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, nó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Sự hiệu quả của công tác quản trị địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

2. Yếu tố chính trị và pháp lý

(1) Hệ thống pháp luật.

Các chính sách và quy định của chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng và là cơ sở pháp lý cho hoạt động của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm pháp lý cho hoạt động quản trị, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

(2) Sự phân cấp và phân quyền.

Phân cấp, phân quyền là các cơ chế quan trọng trong quản trị địa phương giúp tối ưu hóa hiệu quả quản lý và tạo sự linh hoạt trong việc thực thi chính sách. Phân cấp gồm có phân cấp hành chính và phân cấp tài chính. Tức là, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong các văn bản pháp luật và được giao quyền quyết định cũng như quản lý các nguồn lực tài chính theo ngân sách nhà nước.

Phân quyền là việc trao quyền tự chủ cao hơn cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc ra quyết định và thực thi chính sách. Phân quyền giúp tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới tại địa phương.

Đối với phân quyền lập pháp và hành pháp,cho phép chính quyền địa phương ban hành các quy định và chính sách phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đối với phân quyền trong cung cấp dịch vụ công thì địa phương có quyền tự quyết trong việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu. Mức độ trao quyền cho chính quyền địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ra quyết định và thực thi chính sách.

(3) Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đây là hai nguyên tắc cốt lõi giúp bảo đảm hiệu quả và công bằng trong quản trị địa phương. Tính minh bạch được thể hiện ở việc công khai thông tin, các quyết định và quy trình ra quyết định của chính quyền địa phương. Điều này bao gồm: công bố ngân sách địa phương và các báo cáo tài chính; minh bạch trong đấu thầu, cấp phép và các hoạt động đầu tư công; tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin qua các cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác.

Tính trách nhiệm yêu cầu các quan chức và cơ quan chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước người dân và cơ quan cấp trên về các quyết định và hành động của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua các cơ chế, như: cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân và các tổ chức dân sự; quy trình kiểm toán độc lập và báo cáo công khai và tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến người dân về các vấn đề quan trọng. Việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình giúp địa phương hạn chế tham nhũng, nâng cao lòng tin của người dân vào chính quyền, thúc đẩy hiệu quả quản trị.

3. Yếu tố kinh tế

Đây là yếu tố có tác động lớn đến quản trị địa phương, bao gồm các khía cạnh, như: (1) Tác động lớn đến nguồn thu ngân sách địa phương, bởi nguồn này được địa phương thu từ thuế, phí và các nguồn thu khác. Một nền kinh tế phát triển sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách, từ đó có thể nâng cao khả năng đầu tư và cung cấp dịch vụ công của địa phương. (2) Tác động đến đầu tư công. Sự phát triển kinh tế là cơ sở tạo điều kiện cho việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, bệnh viện góp phần cải thiện chất lượng sống cũng như nâng cao dịch vụ công tại địa phương. (3) Tác động đến hoạt động kinh tế địa phương. Sự phát triển của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các ngành công nghiệp có tác động lớn đến nguồn thu ngân sách địa phương, cũng như thúc đẩy cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho những người lao động địa phương, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện mức sống.

4. Yếu tố xã hội

Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến quản trị địa phương bao gồm yếu tố về dân số và cơ cấu dân cư; trình độ dân trí và sự tham gia của cộng đồng; văn hóa và phong tục địa phương.

Một là, đối với yếu tố dân số và cơ cấu dân cư, cần chú trọng đến những khía cạnh về sự gia tăng dân số, cơ cấu độ tuổi, nhập cư – di cư và đặc điểm dân tộc – tôn giáo trong việc gây ảnh hưởng đến nhu cầu dịch vụ công. Nếu địa phương có tốc độ dân số tăng nhanh, quy mô dân số lớn thì sẽ tạo áp lực vô cùng lớn lên hệ thống dịch vụ công ở tất cả các lĩnh vực. Ví dụ, như: phải điều chỉnh chi tiêu ngân sách để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân; tăng thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội; xuất hiện tình trạng quá tải, gây ô nhiễm và tắc nghẽn trong vấn đề quy hoạch đô thị và hạ tầng tại các đô thị đông dân…

Xét về cơ cấu độ tuổi, dân số trẻ có nhu cầu về giáo dục, việc làm và đào tạo nghề tăng mạnh nên đây có thể là cơ hội lớn nếu được tận dụng đúng, tuy nhiên cũng là thách thức nếu thất nghiệp gia tăng. Còn với dân số già sẽ phải tăng chi phí y tế và lương hưu, kèm theo việc thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Về vấn đề phân bố dân cư giữa các đô thị và các vùng nông thôn, nếu dân cư tập trung quá mức ở đô thị sẽ gây quá tải, trong khi vùng nông thôn thiếu đầu tư dẫn đến sự chênh lệch trong phát triển cũng như các chính sách phân bổ nguồn lực gây nên vấn đềphân biệt vùng miền, tăng bất bình đẳng xã hội. Vấn đề về di cư, nhập cư và đặc điểm dân tộc, tôn giáo cũng là những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến quản trị địa phương. Cụ thể: tình trạng di cư và nhập cư sẽ làm thay đổi cơ cấu dân cư vùng, dẫn đến việc thay đổi nhu cầu dịch vụ công tại các địa phương, vì thế cần có hệ thống dữ liệu dân cư cập nhật và chính sách quản lý dân số hiệu quả. Ngoài ra, đặc điểm về dân tộc và tôn giáo cần phải có các chính sách đặc thù. Với những cộng đồng dân tộc thiểu số, chính quyền cần xây dựng chính sách phù hợp về giáo dục, ngôn ngữ và tín ngưỡng…

Hai là, trình độ dân trí và sự tham gia của cộng đồng cũng là một yếu tố xã hội có ảnh hưởng lớn đến quản trị địa phương. Người dân có trình độ học vấn cao và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ tạo điều kiện tốt cho việc quản trị địa phương minh bạch và hiệu quả hơn do sự hiểu rõ về pháp luật, tuân thủ pháp luật và thực hiện tốt các thủ tục hành chính. Ngoài ra, có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn so với nhóm có hạn chế về trình độ học vấn.

Ba là, văn hóa và phong tục địa phương cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị địa phương. Sự khác biệt văn hóa, tín ngưỡng giữa các cộng đồng dân cư có thể tác động ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách công do tính không nhất quán.

5.  Yếu tố công nghệ

Với sự bùng nổi về công nghệ và những lợi ích đáng kinh ngạc mang lại, đặc biệt là những vấn đề, như: chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ thông tin và sự đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công, nhất là trong bối cảnh chính quyền các cấp cần hoạt động minh bạch, nhanh nhạy và gần dân hơn. Cụ thể, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung giúp cập nhật thông tin về dân cư, đất đai, thuế, doanh nghiệp giúp chính quyền nắm rõ tình hình địa phương, đội ngũ quản lý quản trị địa phương có thể dự báo xu hướng, đánh giá chính sách và ra quyết định kịp thời, chính xác hơn khi dựa trên những phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Ngày nay, những ứng dụng công nghệ trong giao thông, môi trường, an ninh… giúp quản lý hạ tầng hiệu quả. Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến giúp đơn giản hoá những thủ tục hành chính. Điều này giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí khi nộp hồ sơ, đăng ký, xin giấy phép mà không cần đến cơ quan nhà nước, hạn chế được nạn tham nhũng, tiêu cực.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là nền tảng cốt lõi để triển khai chuyển đổi số và hiện đại hóa quản trị địa phương. Khi hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư và vận hành hiệu quả, sẽ nâng cao năng lực quản lý, tăng tính minh bạch và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, cụ thể là, hệ thống mạng, máy chủ, phần mềm quản lý nội bộ giúp cán bộ trao đổi, điều hành công việc nhanh chóng, giảm thời gian xử lý các vấn đề. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử thay thế văn bản giấy sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất làm việc. Hạ tầng công nghệ thông tin mạnh giúp triển khai ứng dụng di động chính quyền số, tiếp nhận phản ánh của người dân… Công nghệ thông tin không chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà là nền tảng sống còn cho quá trình số hóa quản trị địa phương. Không có hạ tầng tốt thì mọi nỗ lực chuyển đổi số hay cải cách hành chính đều sẽ gặp trở ngại, khó khăn.

Ngoài ta, yếu tố công nghệ còn mang đến sự đổi mới sángtạo trong cách vận hành và quản lý của chính quyền địa phương. Các nền tảng ứng dụng công nghệ có thể được thiết lập để cải tiến dịch vụ công và thúc đẩy kinh tế địa phương, ví dụ, hiện nay đã có một số nền tảng công nghệ được ứng dụng để phục vụ cho quản trị công như: hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID); Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp tỉnh; Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC).

6. Yếu tố môi trường

Trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả của quá trình quản trị địa phương.

Biến đổi khí hậu và thiên tai là những yếu tố môi trường tự nhiên có tác động trực tiếp đến quản trị địa phương. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất hay nước biển dâng cao không chỉ đe dọa đến đời sống người dân mà còn đặt ra thách thức lớn cho chính quyền địa phương trong việc ứng phó, tái thiết và bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền phải có khả năng dự báo, lập kế hoạch phòng chống và huy động nguồn lực hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Điều này đòi hỏi một hệ thống quản trị linh hoạt, nhạy bén và có tính thích ứng cao.

Bên cạnh đó, chất lượng môi trường sống như không khí, nước, đất cũng ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách địa phương. Ví dụ, ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao, chính quyền cần triển khai các chính sách kiểm soát môi trường, quy hoạch lại khu công nghiệp hoặc nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Những vấn đề môi trường như rác thải đô thị, xử lý nước thải, ô nhiễm tiếng ồn cũng đòi hỏi chính quyền địa phương phải phối hợp nhiều bên liên quan để đưa ra giải pháp bền vững, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.Việc nhận diện và phân tích đúng các yếu tố này sẽ giúp chính quyền đưa ra quyết sách phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

7. Yếu tố nhân sự và năng lực quản lý

Trong bối cảnh đổi mới hiện nay, quản trị địa phương đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng chính quyền gần dân, do đó, yếu tố nhân sự và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả quản trị.

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, công chức địa phương là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định, tổ chức và thực thi các chính sách. Chất lượng nhân sự ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của bộ máy nhà nước ở cấp cơ sở. Nếu cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu chuyên môn, tận tâm với công việc thì sẽ giúp quá trình quản trị diễn ra minh bạch, hiệu quả và gần dân hơn. Ngược lại, nếu bộ máy cán bộ còn yếu về năng lực, thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực như tham nhũng, quan liêu sẽ dẫn đến trì trệ, lãng phí nguồn lực và mất niềm tin của người dân.

Thứ hai, năng lực quản lý của chính quyền địa phương thể hiện qua khả năng lập kế hoạch, ra quyết định, điều hành và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển. Một chính quyền có năng lực quản lý tốt sẽ biết cách đánh giá đúng tình hình thực tiễn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc điểm địa phương và huy động hiệu quả các nguồn lực (cả bên trong và bên ngoài). Bên cạnh đó, năng lực quản lý còn thể hiện ở khả năng phối hợp liên ngành, xử lý khủng hoảng, thích ứng với các biến động xã hội và môi trường.

Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách hành chính, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ địa phương trở nên ngày càng quan trọng. Cán bộ cần được đào tạo bài bản về kỹ năng số, quản lý dữ liệu và giao tiếp trong môi trường điện tử để phục vụ người dân tốt hơn. Đây là một yêu cầu mới đặt ra cho đội ngũ nhân sự trong kỷ nguyên chính quyền số.

Ngoài ra, yếu tố nhân sự còn gắn liền với văn hóa tổ chức và tinh thần trách nhiệm. Một môi trường làm việc dân chủ, minh bạch, có cơ chế đánh giá, khen thưởng – kỷ luật rõ ràng sẽ thúc đẩy hiệu quả công việc và giảm thiểu các hành vi tiêu cực. Đặc biệt, việc chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luân chuyển và sử dụng nhân sự hợp lý sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ một cách bền vững. Nhân sự và năng lực quản lý là nền tảng quan trọng trong quản trị địa phương. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng năng lực quản lý hiện đại, hiệu quả sẽ góp phần tăng cường hiệu lực quản trị, phát triển địa phương một cách bền vững và toàn diện.

8. Kết luận

Quản trị địa phương là một hệ thống phức hợp, chịu tác động của nhiều yếu tố đa chiều, như: chính trị – pháp lý, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường cũng như yếu tố nhân sự và năng lực quản lý. Mỗi yếu tố đều có vai trò quyết định trong việc hình thành chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của công tác quản trị. Một hệ thống pháp luật vững chắc, sự phân cấp và phân quyền hợp lý cùng với nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình là những điều kiện tiên quyết giúp chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho cộng đồng.

Hơn nữa, sự phát triển kinh tế không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết mà còn tác động trực tiếp tới việc đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Bên cạnh đó, các yếu tố xã hội như cấu trúc dân số, trình độ dân trí và văn hóa địa phương định hình nhu cầu và yêu cầu đối với các chính sách phục vụ cộng đồng, từ đó đòi hỏi chính quyền phải có những chính sách thích ứng và kịp thời.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, việc hiện đại hóa hệ thống quản trị, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý trở nên vô cùng cần thiết. Đồng thời, các yếu tố môi trường tự nhiên đòi hỏi chính quyền phải có chiến lược dự phòng và ứng phó hiệu quả với các biến động khí hậu và thiên tai, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội luôn đi đôi với bảo vệ môi trường.

Để đạt được một hệ thống quản trị địa phương hiệu quả, việc tích hợp đồng bộ các yếu tố trên, từ nâng cao năng lực quản lý đến xây dựng một môi trường pháp lý, kinh tế và xã hội thuận lợi là điều không thể thiếu. Qua đó, chính quyền địa phương không chỉ góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế – xã hội mà còn bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và toàn diện.

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thanh Bình (2020). Quản trị địa phương và các yếu tố tác động. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Nguyễn Văn Nam (2022). Quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số. H. NXB Chính trị quốc gia.
3. Nguyễn Thị Lan (2018). Phân cấp và phân quyền trong quản trị địa phương ở Việt Nam. H. NXB Tư pháp.
4. Lê Thị Hồng (2021). Phát triển bền vững và vai trò của chính quyền địa phương. Tạp chí Kinh tế và Phát triển năm 2021.
5. Trần Minh Quang (2019). Sự tham gia của người dân trong quản trị công. Tạp chí Quản lý nhà nước.
6. Pierre, J. & Peters, B. G (2020). Governance, Politics, and the State. Palgrave Macmillan.