Nhận diện, phản bác luận điệu sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh
Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn– Công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn thường xuyên đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc nhằm phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bài viết nhận diện, phản bác một số luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Từ khóa: Nhận diện; phản bác; luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh; phòng, chống tham nhũng.

1. Đặt vấn đề

Nhận diện tệ nạn tham nhũng “là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”1, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể hóa bằng các chính sách và pháp luật để thực thi đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác này đã khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn bị các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng, xuyên tạc, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc nhận diện, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy trách nhiệm và quyết tâm chính trị với tầm nhìn toàn diện, đồng bộ và giải pháp khoa học, thiết thực.

2. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng 

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam với nhiều âm mưu và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Những chiêu trò xuyên tạc của chúng thường được biểu hiện thông qua các diễn đàn, trang blog, fanpage, facebook, Youtube, TikTok…; các trang phản động, như: Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA Viet Nam, BBC News Tiếng Việt… với những luận điệu thâm độc.

Thứ nhất, các thế lực thù địch rêu rao công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam bản chất là “đấu đá nội bộ hay thanh trừng phe nhóm”. Mục đích của chúng là làm suy yếu lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại sự đoàn kết, gây bất ổn chính trị và xã hội.

Thứ hai, các thế lực thù địch phủ nhận các thành tựu chống tham nhũng ở Việt Nam bằng luận điệu sai trái, chống phá: “Chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là hình thức, không hiệu quả”. Luận điệu này muốn phủ nhận tính thực chất của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, cho rằng đó chỉ là hành động mang tính trình diễn, đối phó, dù có thực hiện nhưng không đem lại kết quả tích cực, không có tác dụng làm trong sạch bộ máy nhà nước. 

Thứ ba, luận điệu “chỉ xử lý các vụ tham nhũng nhỏ, bảo kê cán bộ cấp cao”. Luận điệu này thể hiện sự nghi ngờ về tính hiệu quả và công bằng của công cuộc chống tham nhũng, chúng cho rằng các nỗ lực chống tham nhũng hiện tại chưa thực sự quyết liệt và triệt để, vẫn còn tồn tại những “vùng cấm” mà các cán bộ cấp cao được “ưu ái” không bị xử lý nghiêm minh. 

3. Phản bác luận điệu sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Một là, luận điệu “chống tham nhũng thực chất là đấu đá nội bộ, thanh trừng phe nhóm” là luận điệu phiến diện, sai trái và nguy hiểm, không chỉ sai về bản chất mà còn mang tính kích động, gây chia rẽ nội bộ, làm giảm niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam luôn được tiến hành chặt chẽ, thận trọng, từng bước cụ thể theo đúng quy định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mục tiêu cao nhất của công tác này là làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

Chống tham nhũng không phải là hiện tượng nhất thời mà là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội XII (2016) đến nay, công tác này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và “Công cuộc phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”3. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang4. Như vậy, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực4. Một số vụ án xảy ra tại: Cục Đăng kiểm Việt Nam,  Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn thịnh Phát… đã chứng minh rằng, những người bị xử lý không thuộc một “phe” mà trải rộng ở nhiều lĩnh vực, bộ ngành, địa phương. Điều này hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng “đó là sự thanh trừng chính trị”; bất kể ai vi phạm, dù ở vị trí nào thì trước pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh.

Hai là, luận điệu “Chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là hình thức, không hiệu quả” là một nhận định tiêu cực, sai lệch nhằm phủ nhận thành tựu, xuyên tạc nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Luận điệu này phiến diện, không khách quan, mang ý đồ chống phá, cần phải được phản bác một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua cho thấy không phải là hình thức mà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: 

(1) Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Trong năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên vi phạm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành Thanh tra, kiểm toán, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 104.042 tỷ đồng và 40 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.065 tập thể và 7.836 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển 344 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật5.

(2) Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 4.732 vụ án/10.430 bị can, truy tố 4.074 vụ/10.698 bị can, xét xử sơ thẩm 4.052 vụ/9.664 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó khởi tố mới 906 vụ án/2.068 bị can về các tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 174 bị can trong 13 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/449 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 06 vụ án/32 bị can; truy tố 12 vụ án/440 bị can; xét xử sơ thẩm 14 vụ án/536 bị cáo, xét xử phúc thẩm 16 vụ án/118 bị cáo, được dư luận, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao6.

(3) Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả; riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 19.000 tỷ đồng7.

Các kết quả trên khẳng định, luận điệu “Chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là hình thức, không hiệu quả” là võ đoán và xuyên tạc, không chính xác và thiếu cơ sở, phủ nhận mọi kết quả cụ thể và sự cố gắng nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua. 

Ba là, luận điệu “Việt Nam chỉ xử lý tham nhũng vụ nhỏ, bảo kê cán bộ cấp cao” là sai sự thật. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã và đang đấu tranh kiên quyết, công bằng với tham nhũng ở mọi cấp, được Nhân dân và quốc tế ghi nhận. Cụ thể: từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Trong số 47 cán bộ diện Trung ương quản lý bị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật từ đầu năm đến nay, có 14 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (gồm: 2 phó thủ tướng, nguyên phó thủ tướng; 3 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 18 chủ tịch, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 2 chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; 4 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh ủy8. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có ngoại lệ” trong xử lý tham nhũng. 

4. Giải pháp đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn, những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Một là, đẩy mạnh việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng một cách sâu rộng, thường xuyên và đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ở các cấp học, giúp thế hệ trẻ hình thành ý thức liêm chính, không tham nhũng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật, liêm khiết, trung thực, không tham nhũng, tiêu cực. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cần phải điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất giữa Luật phòng chống tham nhũngBộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan về cơ chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, như: quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư công, đấu thầu, thuế, hải quan…; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính độc lập, khách quan và tăng cường nguồn lực cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

Ba là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng”, vừa “chuyên” và tăng cường tính liêm chính trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ đổi mới cũng cần phải được đẩy mạnh. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự trau dồi, tự rèn giũa mình để luôn có lý tưởng và nhân cách của người cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. 

Bốn là, đấu tranh trực diện với các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đặc biệt, các cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt thông tin, phân tích sắc bén, đánh giá chính xác các âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng để kịp thời lên tiếng phản bác một cách chính xác, khách quan, có căn cứ. Đặc biệt, các cơ quan báo chí – truyền thông chủ động phát hiện, phê phán các thông tin sai trái, xuyên tạc, bảo vệ sự thật; khuyến khích người dân bày tỏ ý kiến, đóng góp vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm là, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng hiệu quả. Tăng cường hợp tác với các quốc gia trong việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng môi trường quốc tế minh bạch, liêm chính.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 213.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 25.
3, 4. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022. https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html, ngày 30/6/2022.
5, 6, 7. Kết quả phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ket-qua-phien-hop-thu-27-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-809562, ngày 31/12/2024.
8. Số liệu cán bộ cấp cao bị xử lý liên quan các đại án tham nhũng. https://dantri.com.vn/xa-hoi/so-lieu-can-bo-cap-cao-bi-xu-ly-lien-quan-cac-dai-an-tham-nhung-20240814171710148.htm, ngày 14/8/2024.