ThS. Dương Thị Hòa
Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng
(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với quản trị công và hoạt động của bộ máy nhà nước, yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ công chức vì thế cũng đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển, bài viết sẽ đề xuất một số bài học tham khảo phù hợp với bối cảnh Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng hiện đại, linh hoạt và thích ứng với chuyển đổi số.
Từ khóa: Kinh nghiệm bồi dưỡng công chức; bồi dưỡng công chức; cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao năng lực đội ngũ công chức trở thành yêu cầu cấp thiết. Đội ngũ này không chỉ cần vững chuyên môn, phẩm chất đạo đức mà còn phải thành thạo các kỹ năng số, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong quản lý nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu đó, công chức cần được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung các kiến thức và kỹ năng phù hợp với thời đại số. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong công tác bồi dưỡng công chức là cơ sở quan trọng giúp các bộ, ngành ở Việt Nam xây dựng mô hình bồi dưỡng hiệu quả, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số.
2. Kinh nghiệm của một số nước về bồi dưỡng công chức
a. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, như: AI, Big Data, Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa. Thông qua các chiến lược quốc gia như “Made in China 2025”, “Kế hoạch phát triển AI Quốc gia” và “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025)”, Trung Quốc đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc bồi dưỡng đội ngũ công chức, đặc biệt là công chức cấp bộ, trở thành một ưu tiên chiến lược nhằm thích ứng với mô hình quản lý hiện đại.
Từ năm 2018, Trung Quốc triển khai đồng bộ chuyển đổi số trên toàn quốc, chú trọng đến nâng cao năng lực số cho công chức. Các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng công nghệ số, tư duy đổi mới và ứng dụng các nền tảng số trong quản lý hành chính. Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc (CAG) đóng vai trò trung tâm trong tổ chức các khóa bồi dưỡng, kết hợp cả nội dung lý luận chính trị truyền thống, như chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Đặng Tiểu Bình và lý luận phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc – với các kiến thức và kỹ năng hiện đại, ứng dụng AI, blockchain, Big Data, an ninh mạng, chính phủ điện tử và tư duy sáng tạo trong môi trường số.
Về hình thức, Trung Quốc áp dụng các mô hình bồi dưỡng đa dạng: đào tạo trực tiếp tại các học viện; đào tạo trực tuyến trên nền tảng công nghệ; và hợp tác thực tiễn với các tập đoàn công nghệ, như:Huawei, Alibaba, Tencent. Đồng thời, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng cách mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy và cử công chức ra nước ngoài học tập kinh nghiệm.
Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng xây dựng các trung tâm nghiên cứu – đào tạo chuyên sâu về cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy hợp tác giữa các bộ và doanh nghiệp công nghệ để phát triển nội dung đào tạo thực tiễn, đồng thời ban hành hệ thống tiêu chuẩn đánh giá năng lực số cho công chức làm cơ sở điều chỉnh chương trình bồi dưỡng.
Đội ngũ giảng viên gồm giảng viên chuyên trách được đào tạo bài bản, cùng đội ngũ kiêm chức là các công chức có chuyên môn cao, chuyên gia, học giả và cả quan chức cao cấp, trong nước và quốc tế. Kết quả bồi dưỡng được đánh giá thông qua thái độ học tập, mức độ tuân thủ kỷ luật, bài kiểm tra, tiểu luận và nghiên cứu chuyên đề. Đặc biệt, Trung Quốc thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và cơ quan cử công chức, bảo đảm gắn kết việc học tập với đánh giá cán bộ một cách hiệu quả.
b. Kinh nghiệm của Singapore
Là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng công nghệ số, Singapore đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm, với hơn 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến từ năm 2000. Đến năm 2010, các dịch vụ này đã được tích hợp nhằm loại bỏ tình trạng phân mảnh giữa các cơ quan. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Singapore tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện thông qua các chiến lược như Sáng kiến Quốc gia thông minh và SkillsFuture nhằm nâng cao năng lực số cho toàn bộ lực lượng lao động, đặc biệt là khu vực công.
Dịch vụ công Singapore được định hướng trở thành tổ chức “sẵn sàng cho tương lai”, với trọng tâm là phát triển tư duy đổi mới và năng lực công nghệ. Chính phủ đã thành lập Học viện Kỹ thuật số (Digital Academy) vào năm 2021, do Nhóm Chính phủ Thông minh và Kỹ thuật số (Smart Nation and Digital Government Group) điều hành. Học viện đã triển khai hơn 55 chương trình đào tạo về phát triển ứng dụng, phân tích dữ liệu, an ninh mạng… với mục tiêu đào tạo trên 6.000 công chức trong năm đầu tiên và tiếp tục mở rộng thêm 40 chương trình trong năm tiếp theo.
Singapore cũng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống đào tạo mở và linh hoạt. Trường Cao đẳng Dịch vụ Công (Civil Service College – CSC) hợp tác với các trường đại học, nền tảng học trực tuyến như Udemy for Government, cung cấp hơn 2.500 khóa học cho công chức. Nội dung đào tạo bao gồm: Big Data, AI, an ninh mạng và kỹ năng lãnh đạo số, kết hợp giữa lý thuyết và ứng dụng thực tiễn, trong đó sử dụng AI trong tối ưu hóa dịch vụ công.
Một điểm nổi bật trong mô hình đào tạo của Singapore là sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu, như: Amazon Web Services, Google và Microsoft. Nội dung các chương trình được xây dựng theo Khung Năng lực Kỹ thuật số của GovTech (GovTech Competency Framework – GTCF), bảo đảm phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai của khu vực công. Đặc biệt, các công chức cấp cao được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo số nhằm dẫn dắt quá trình chuyển đổi trong từng tổ chức. Chính phủ Singapore cũng duy trì hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế để cập nhật xu hướng toàn cầu và chuẩn hóa nội dung đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo Bộ trưởng cấp cao Janil Puthucheary, mọi vị trí trong khu vực công đều cần có kỹ năng số cơ bản, trong khi đội ngũ chuyên gia công nghệ phải được đào tạo chuyên sâu và cập nhật thường xuyên. Do đó, công tác bồi dưỡng công chức, bao gồm cả công chức tại các bộ, luôn được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển năng lực khu vực công trong kỷ nguyên 4.0.
c. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Tại Nhật Bản, công chức được quản lý nghiêm ngặt theo Luật Công chức quốc gia và các quy định pháp lý liên quan. Hệ thống công vụ được phân thành hai nhóm: công chức đặc biệt (giữ các vị trí chính trị hoặc lãnh đạo cao cấp) và công chức phổ thông (được tuyển chọn thông qua kỳ thi quốc gia do Cơ quan Nhân sự Quốc gia – NPA tổ chức). Trong đó, công chức loại I – nhóm “tinh hoa” – thường đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao và được Chính phủ đặc biệt chú trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Sau khi trúng tuyển, công chức loại I phải trải qua các chương trình bồi dưỡng bắt buộc, bao gồm: khóa học định hướng chung, luân chuyển công tác qua nhiều vị trí, đơn vị và các khóa cập nhật kiến thức hành chính, kinh tế, chính trị – cả trong nước và quốc tế. Các chương trình này không chỉ trang bị năng lực quản lý mà còn thúc đẩy hợp tác liên cơ quan và chuẩn bị cho các nhiệm vụ chiến lược tương lai.
Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong ở châu Á trong việc tích hợp nội dung Cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình bồi dưỡng công chức. Các khóa học chú trọng phát triển năng lực số, bao gồm: AI, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và quản trị thông minh. Trường Đại học Chính sách Công Quốc gia (GRIPS) là đơn vị điển hình tổ chức các chuyên đề về lãnh đạo thời đại số, quản lý dữ liệu và cải cách hành chính dựa trên công nghệ.
Chương trình bồi dưỡng ở Nhật được thiết kế linh hoạt, cập nhật hằng năm để phù hợp với tiến bộ công nghệ và thực tiễn quản lý. Công chức được lựa chọn chuyên đề phù hợp với vị trí công tác, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, qua các hoạt động khảo sát thực địa, tham quan doanh nghiệp công nghệ (như Fujitsu, SoftBank) và thảo luận chia sẻ kinh nghiệm. Đây là điểm nổi bật giúp công chức vận dụng được kiến thức công nghệ vào thực tiễn quản lý hành chính.
Đội ngũ giảng viên bao gồm: giáo sư từ các đại học uy tín (GRIPS, Đại học Tokyo), quan chức cấp cao đương nhiệm hoặc nghỉ hưu và các chuyên gia công nghệ, giúp chương trình bồi dưỡng kết hợp hài hòa giữa lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, công chức cấp cao như Thứ trưởng, Cục trưởng được đào tạo về năng lực lãnh đạo trong môi trường công nghệ số và hợp tác quốc tế – nhằm chuẩn bị cho vai trò dẫn dắt cải cách hành chính và thích ứng hiệu quả với Cách mạng công nghiệp 4.0.
d. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Chính sách bồi dưỡng công chức của Hàn Quốc, đặc biệt là công chức tại các Bộ, được xây dựng trên nền tảng chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Hàn Quốc chú trọng nâng cao năng lực công nghệ và quản trị số cho đội ngũ công chức nhằm xây dựng nền hành chính công hiện đại, hiệu quả.
Thứ nhất, Hàn Quốc tập trung phát triển năng lực công nghệ cao. Ngay từ những năm 2000, Chính phủ đã triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI, Big Data, Internet vạn vật (IoT), blockchain… cho công chức cấp Bộ. Các dự án như G7 – hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp -đã thúc đẩy mạnh mẽ sự tích hợp công nghệ vào hành chính công.
Thứ hai, hệ thống đào tạo được thiết kế theo hướng đổi mới linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển công nghệ. Công chức được trang bị kỹ năng thực tiễn như phân tích chính sách dựa trên dữ liệu, triển khai dự án chuyển đổi số và quản lý tài nguyên công bằng công nghệ hiện đại. Các chương trình hướng tới khả năng thích ứng nhanh với đổi mới công nghệ trong khu vực công.
Thứ ba, Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác công – tư trong đào tạo. Các bộ phối hợp với doanh nghiệp thiết kế khóa học ứng dụng công nghệ thực tiễn vào quản lý hành chính, như sử dụng AI để tối ưu hóa dịch vụ công hoặc triển khai IoT trong hạ tầng đô thị. Điều này giúp công chức chuyển hóa kiến thức lý thuyết thành giải pháp cụ thể cho công việc.
Thứ tư, chính phủ thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia với vai trò trung tâm của công chức cấp Bộ trong hoạch định và triển khai chính sách. Các chương trình đào tạo tập trung vào năng lực số, an ninh mạng, sử dụng dữ liệu lớn trong ra quyết định và xây dựng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
Thứ năm, Hàn Quốc đầu tư mạnh vào phát triển nguồn nhân lực công. Công chức tại các Bộ được tham gia các khóa học trong và ngoài nước, hợp tác với tổ chức quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ toàn cầu. Chính phủ cũng áp dụng các cơ chế khuyến khích học tập như hỗ trợ tài chính, cơ hội thăng tiến và ghi nhận đổi mới sáng tạo trong công việc.
Trung tâm của hệ thống đào tạo là Viện Phát triển Nhân lực Quốc gia (NHI) – đơn vị chuyên trách bồi dưỡng công chức các cấp, bao gồm cả cấp Bộ. Các khóa học do NHI tổ chức thường xoay quanh các chủ đề về AI, phân tích dữ liệu, quản lý công nghệ và chính phủ thông minh. Viện cũng ứng dụng nền tảng học tập trực tuyến (e-learning), công nghệ mô phỏng thực tế ảo (VR) để nâng cao hiệu quả đào tạo và tiết kiệm thời gian cho công chức đang công tác.
Chương trình đào tạo tại Hàn Quốc được cá nhân hóa theo từng vị trí công tác, bảo đảm công chức nắm vững các kỹ năng chuyên biệt phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, Hàn Quốc duy trì hợp tác chặt chẽ với các quốc gia phát triển (Mỹ, Nhật Bản, EU) và các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, mở rộng năng lực quản trị công thời đại số.
Nhờ nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến và cam kết chính trị mạnh mẽ, Hàn Quốc đang xây dựng thành công mô hình “Chính phủ thông minh” (Smart Government). Công chức tại các Bộ được trang bị tốt về kiến thức và kỹ năng để triển khai các chính sách trọng điểm như phát triển thành phố thông minh, kinh tế số, và cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao.
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong bồi dưỡng công chức thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, AI, Big Data và tự động hóa đặt ra yêu cầu mới về năng lực đối với đội ngũ công chức, đặc biệt là công chức tại các bộ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giá trị từ các quốc gia trong khu vực châu Á nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng công chức theo hướng hiện đại và thích ứng với môi trường số.
Thứ nhất, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở đào tạo chuyên sâu, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, AI, công nghệ nano, Big Data, tự động hóa… mà Hàn Quốc đã triển khai thông qua các trung tâm đào tạo chuyên biệt, như: Viện Phát triển Nhân lực Quốc gia. Bên cạnh đó, cần phát triển các nền tảng đào tạo trực tuyến, E-learning, B-learning, mô phỏng thực tế (VR) và xây dựng hệ thống học liệu mở có chất lượng cao, liên kết với các kho dữ liệu chuyên ngành, phục vụ quá trình tự học và cập nhật kiến thức thường xuyên cho công chức.
Thứ hai, cần áp dụng mô hình đào tạo theo khung năng lực và vị trí việc làm, tương tự như kinh nghiệm của Singapore. Việc xây dựng khung năng lực chi tiết cho từng vị trí tại các Bộ (ví dụ công chức Bộ Công Thương cần kỹ năng về thương mại điện tử, công chức Bộ Khoa học và Công nghệ cần năng lực quản lý đổi mới sáng tạo…) sẽ giúp đào tạo có trọng tâm, sát yêu cầu thực tiễn và tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ ba, cần tăng cường hợp tác công – tư và hợp tác quốc tế trong thiết kế và tổ chức chương trình bồi dưỡng. Việt Nam có thể hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, FPT hoặc các đối tác quốc tế như cách làm của Hàn Quốc để cùng phát triển các khóa học về tự động hóa, an ninh mạng, blockchain hoặc chuyển đổi số. Việc kết hợp đào tạo kỹ thuật với giáo dục đạo đức công vụ là cần thiết,nhằm bảo đảm công chức không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có trách nhiệm xã hội trong môi trường quản trị số.
Thứ tư, cần xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong đội ngũ công chức, như cách Nhật Bản thực hiện thông qua các khóa học định kỳ, khuyến khích tự học và chính sách khen thưởng phù hợp. Việt Nam nên tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, chuyên đề về tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề trong môi trường số, kết hợp với các hoạt động thực tiễn như khảo sát, mô phỏng tình huống và diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ năm, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên bồi dưỡng, kết hợp giữa giảng viên cơ hữu trong nước với chuyên gia quốc tế, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm, đồng thời thường xuyên cập nhật nội dung đào tạo theo xu hướng công nghệ mới như chính phủ số, dữ liệu mở và nền tảng số hóa hành chính công.
3. Kết luận
Trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc bồi dưỡng công chức ở nước ta cần được xem là nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực quản trị hiện đại, thích ứng với môi trường số và thúc đẩy cải cách hành chính hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế của Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, thành công trong bồi dưỡng công chức gắn liền với các yếu tố: đào tạo theo khung năng lực, ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, tăng cường thực hành và hợp tác công – tư.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và vận dụng linh hoạt kinh nghiệm của các nước để xây dựng một chiến lược bồi dưỡng công chức phù hợp với điều kiện quốc gia, trong đó trọng tâm là đào tạo theo khung năng lực, ứng dụng nền tảng số trong giảng dạy, tăng cường hợp tác công – tư và thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong khu vực công.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) (2018). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Bộ Chính trị (2024). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
3. Hoàng Mai. Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay. Đề tài khoa học cấp Bộ, Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2023.
4. Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ một số quốc gia.https://www.xaydungdang.org.vn/quoc-te/kinh-nghiem-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-tu-mot-so-quoc-gia-15300
5. Kinh nghiệm một số nước châu Á về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước và bài học cho Việt Nam. https://kinhtevadubao.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-chau-a-ve-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-quan-ly-nha-nuoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-28496.html
6. Tuyển chọn cạnh tranh công chức ở Nhật Bản và hàm ý cho Việt Nam. https://tcnn.vn/news/detail/48355/Boi-duong-cong-chuc-cap-cao-o-Nhat-Ban-va-nhung-goi-mo-doi-voi-Viet-Nam.html