Suy tư của C.Mác khi lựa chọn nghề nghiệp và ý nghĩa đối với học viên sĩ quan về nâng cao ý thức nghề nghiệp 

Trung tá, ThS. Lê Quốc Việt
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Tác phẩm “Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp” (1835) là bài luận mà C.Mác viết khi mới 17 tuổi, đánh dấu những suy ngẫm ban đầu của ông về nghề nghiệp và ý nghĩa đối với con người. Những tư tưởng trong bài luận đã phản ánh sâu sắc quan điểm nhân sinh của C.Mác về vai trò của con người trong xã hội cũng như những trăn trở về trách nhiệm cá nhân khi lựa chọn nghề nghiệp. Tư tưởng, quan điểm của C.Mác về lựa chọn nghề nghiệp vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, đặc biệt đối với đội ngũ học viên sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 207 năm ngày sinh C.Mác (05/5/1818 – 05/5/2025), bài viết sẽ làm rõ những tư tưởng, quan điểm của ông khi lựa chọn nghề nghiệp, từ đó rút ra ý nghĩa đối với việc nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chủ nghĩa Mác; ý thức nghề nghiệp; đào tạo; học viên sĩ quan.

1. Đặt vấn đề

Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những quyết định có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời mỗi con người, quyết định này không chỉ định hình sự phát triển cá nhân mà còn góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội. Ngay từ khi còn trẻ, C. Mác đã thể hiện những suy tư sâu sắc về vấn đề này trong tác phẩm “Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp”. Ông nhấn mạnh rằng việc lựa chọn nghề nghiệp không chỉ dựa trên mục tiêu, lợi ích cá nhân mà còn phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, lý tưởng cống hiến và hạnh phúc của con người. Một nghề nghiệp đúng đắn không chỉ giúp cá nhân phát huy năng lực của bản thân, mà còn mang lại ý nghĩa cho cuộc đời thông qua sự đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Trong môi trường quân đội, đặc biệt là đối với các học viên sĩ quan – những người đang trên hành trình rèn luyện để trở thành lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam – việc xác định đúng đắn ý thức nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khác với nhiều ngành nghề khác, quân nhân – trong đó có học viên sĩ quan – không chỉ làm việc vì bản thân mà còn vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì lợi ích chung của đất nước và Nhân dân. Do đó, việc nâng cao ý thức về nghề nghiệp sẽ giúp học viên sĩ quan củng cố lý tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến hết mình cho nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”1, việc rèn luyện và nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên sĩ quan càng trở nên cấp thiết. Những tư tưởng, quan điểm của C. Mác về lựa chọn nghề nghiệp trong tác phẩm: “Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, giúp học viên sĩ quan hiểu rõ hơn về vai trò, sứ mệnh của bản thân trong quân đội, từ đó xây dựng ý chí quyết tâm, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

2. Những suy tư của C. Mác khi lựa chọn nghề nghiệp

Tác phẩm “Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp” được C. Mác viết vào năm 1835, khi ông mới 17 tuổi. Đây là bài luận tốt nghiệp trung học của C. Mác tại trường Friedrich-Wilhelm Gymnasium (Trier, Đức). Khi ấy, C. Mác cũng như bao người thanh niên khác đang đứng trước việc phải đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời – lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Bài luận không chỉ thể hiện khả năng nghị luận xuất sắc của C. Mác mà còn phản ánh tư duy triết học sơ khởi của ông về con người, cá nhân, xã hội và ý nghĩa nghề nghiệp. Đồng thời, bài luận đã phần nào bộc lộ quan điểm của C. Mác về giá trị của lao động, vai trò của nghề nghiệp đối với sự phát triển cá nhân và trách nhiệm của con người đối với xã hội. Những suy tư sau này trở thành nền tảng cho các lý luận về lao động, sự tha hóa lao động và sứ mệnh của giai cấp công nhân trong hệ thống triết học mácxít.

Nội dung tư tưởng về nghề nghiệp của C. Mác có thể được khái quát trên những nét cơ bản sau:

Thứ nhất, C. Mác khẳng định vai trò hết sức quan trọng của nghề nghiệp đối với sự phát triển của con người.

C. Mác đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa con người và các loài động vật khác trong hoạt động của mình. Ông chỉ ra rằng, trong khi động vật chỉ hoạt động theo bản năng sinh tồn trong khuôn khổ tự nhiên đã định sẵn, con người lại có ý thức về mục tiêu, lý tưởng sống, đặc biệt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Ông viết: “con người đã được thượng đế chỉ ra mục tiêu chung – hoàn thiện loài người và chính bản thân mình, song thượng đế đã dành cho chính họ tự mình tìm kiếm những phương tiện mà con người có thể dùng để đạt được mục tiêu ấy; thượng đế dành cho con người cơ hội có được trong xã hội một địa vị phù hợp nhất với người đó và đem lại cho người đó khả năng tốt nhất để đề cao bản thân và xã hội”2

C. Mác chỉ ra rằng, lựa chọn nghề nghiệp là một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mỗi con người. Một nghề nghiệp phù hợp có thể mang đến hạnh phúc, giúp con người cảm thấy có ý nghĩa và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Ngược lại, nếu chọn sai nghề, con người có thể phải đối mặt với sự bất hạnh, mất phương hướng và thậm chí bị biến thành “nô lệ” của chính công việc mà họ không yêu thích. C.Mác viết: “Khả năng có được sự lựa chọn ấy là ưu việt to lớn của con người so với những sinh vật khác của tạo hóa, nhưng đồng thời sự lựa chọn ấy là hành động có thể thủ tiêu toàn bộ cuộc sống của con người, làm hỏng tất cả mọi kế hoạch của con người và biến con người trở thành bất hạnh”3. Quan điểm này cho thấy, chàng thanh niên C. Mác đã nhận thức rất sâu sắc về tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp và những hệ quả lâu dài mà sự lựa chọn đó mang lại.

Thứ hai, C. Mác cho rằng con người phải có trách nhiệm với chính mình khi chọn nghề.

C. Mác nhấn mạnh rằng, đối với một thanh niên, việc lựa chọn nghề nghiệp một cách nghiêm túc là trách nhiệm quan trọng hàng đầu khi bước vào đời. Nếu không suy nghĩ cẩn trọng, con người sẽ dễ dàng để cuộc đời mình bị cuốn theo dòng chảy của sự may rủi và số phận. C. Mác viết: “nghiêm túc cân nhắc sự lựa chọn ấy là bổn phận trước nhất của một chàng trai bắt đầu bước vào đường đời của mình và không muốn phó mặc cho may rủi quyết định những công việc hệ trọng nhất của mình”4. Theo C. Mác, khi chọn nghề, mỗi người trẻ cần đặt ra cho mình một mục tiêu lớn lao, một lý tưởng mà họ thực sự tin tưởng và sẵn sàng theo đuổi. Điều quan trọng là phải tự hỏi bản thân rằng liệu công việc đó có thực sự truyền cảm hứng cho mình hay không, liệu tiếng nói nội tâm có đồng tình với lựa chọn ấy hay không: “chúng ta phải nghiêm túc cân nhắc xem nghề nghiệp được lựa chọn có thật sự cổ vũ chúng ta không, tiếng nói nội tâm của ta có tán đồng nghề đó hay không”5.

Song, C. Mác cũng chỉ ra rằng, đối với một người thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp không bao giờ là điều dễ dàng, bởi cái họ thiếu chính là kiến thức, kinh nghiệm, sự trải nghiệm. Họ rất dễ bị đánh lừa bởi niềm hư danh, hay bởi sự tưởng tượng, sự tự huyễn hoặc bản thân về nghề nghiệp dự định theo đuổi. C. Mác viết: “Có thể, chúng ta đã tô vẽ nghề đó trong trí tưởng tượng của mình, – đã tô vẽ nghề đó đến mức là nghề đó đã biến thành phúc lợi cao cả nhất mà cuộc sống có thể đem lại. Chúng ta đã không phân tách nghề nghiệp đó trong suy tư, đã không đem cân đo tất cả sức nặng của nó, trách nhiệm vĩ đại mà nghề đó trút lên chúng ta; chúng ta xem xét nó chỉ từ xa, mà khoảng cách thì lại đánh lừa con mắt”6. Không chỉ có vậy, C. Mác cũng đã chỉ ra sự chế ước của điều kiện, hoàn cảnh sống của mỗi người đối với sự lựa chọn nghề nghiệp của bản thân họ: “Nhưng chúng ta không phải bao giờ cũng có thể lựa chọn cái nghề mà chúng ta gắn bó; những quan hệ của chúng ta trong xã hội, ở chừng mực nào đó, đã bắt đầu được xác lập trước khi chúng ta có thể tác động ở mức độ nào đó vào những quan hệ ấy”7.

Theo C. Mác, việc lựa chọn nghề nghiệp cần dựa trên lý trí và lý tưởng, xuất phát từ đam mê cống hiến, chứ không phải chạy theo danh vọng hay địa vị xã hội một cách mù quáng. Đồng thời, con người phải chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân, bởi nếu không có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, họ sẽ khó có thể hoàn thành nó một cách trọn vẹn, thậm chí còn mang lại sự tự ti, dằn vặt cho con người. C. Mác nhấn mạnh: “Nếu chúng ta lựa chọn một nghề mà chúng ta không có năng lực cần thiết để làm nghề ấy thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện nó một cách xứng đáng và ta sẽ mau chóng nhận ra, với những nỗi hổ thẹn, rằng bản thân ta bất lực và phải tự nhủ rằng chúng ta là những sinh vật vô dụng của tạo hóa, rằng trong xã hội chúng ta là những thành viên không có khả năng thực hiện sứ mệnh của mình. Khi đó hậu quả tự nhiên nhất sẽ là sự khinh bỉ đối với chính bản thân mình”8.

Thứ ba, khi lựa chọn nghề nghiệp, con người không thể chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội.

Trong tác phẩm này, C. Mác không chỉ bàn về việc lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích và năng lực cá nhân mà còn nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân khi đưa ra quyết định quan trọng này. Theo C. Mác, một nghề nghiệp thực sự có ý nghĩa không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn phải phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và xã hội. C. Mác viết: “…kim chỉ nam định hướng cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp chính là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta”9. C. Mác khẳng định, sự hoàn thiện cá nhân và phúc lợi loài người không hề mâu thuẫn nhau, bởi “bản chất con người được cấu tạo khiến cho con người chỉ có thể đạt được sự hoàn thiện của mình bằng hoạt động cho sự hoàn thiện của những người cùng thời với mình và vì phúc lợi của họ”10

Ông khẳng định, thành công cá nhân, dù lớn đến đâu cũng không đủ để làm nên một con người vĩ đại nếu thiếu đi trách nhiệm với cộng đồng và nhân loại. C. Mác chỉ ra rằng, lao động là yếu tố cơ bản trong cuộc sống con người, nhưng nếu một người chỉ lao động vì lợi ích cá nhân mà không có đóng góp cho xã hội thì giá trị của họ vẫn còn hạn chế. Một cá nhân có thể đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, như trở thành một nhà khoa học xuất chúng, một triết gia lỗi lạc hay một nhà thơ tài hoa. Tuy nhiên, nếu mục đích cuối cùng của họ chỉ là phục vụ bản thân thì họ chỉ đơn thuần là một người tài giỏi chứ không thể đạt đến sự vĩ đại thực sự. Một người thực sự là vĩ đại khi họ không chỉ sử dụng tài năng cho riêng mình mà còn dùng nó để phục vụ nhân loại, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. C. Mác viết: “Nếu con người chỉ lao động cho bản thân mình thì người đó có thể trở thành nhà khoa học nổi tiếng, một triết gia vĩ đại, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng không bao giờ người đó có thể trở thành một người thật sự và vĩ đại”11.

C. Mác nhấn mạnh, một sự nghiệp chân chính không cần phải ồn ào, khoa trương mà vẫn có tác động vĩnh hằng. Những con người cống hiến thật sự cho xã hội loài người có thể sống một cuộc đời thầm lặng, nhưng giá trị mà họ để lại cho thế hệ sau là vô cùng to lớn, khi mất đi, họ sẽ không bị lãng quên mà luôn được những thế hệ sau tưởng nhớ và biết ơn. Ông kết luận: “Nếu chúng ta đã lựa chọn một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người thì chúng ta sẽ không cúi đầu vằn lưng dưới gánh nặng của nó, bởi gánh nặng ấy là sự hy sinh vì mọi người; khi ấy điều chúng ta cảm nhận được không phải là một niềm vui thảm hại, hạn hẹp, vị kỷ, mà niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, lúc đó sự nghiệp của chúng ta sẽ có một cuộc sống thầm lặng nhưng có hiệu lực vĩnh hằng và những con người cao thượng sẽ rơi những giọt lệ cháy bỏng trước thi hài của chúng ta”12. Tư tưởng của C. Mác trong đoạn trích này không chỉ có ý nghĩa triết học mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, là kim chỉ nam cho mọi người – nhất là đối với thanh niên – khi lựa chọn nghề nghiệp và sống một cuộc đời có ý nghĩa.

3. Ý nghĩa đối với nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong quân đội hiện nay

Học viên sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam là những quân nhân đang được học tập, rèn luyện ở các học viện, trường sĩ quan quân đội theo một chương trình cơ bản – hệ thống – thống nhất – chuyên sâu để trở thành những cán bộ của Đảng, phục vụ lâu dài trong quân đội theo hệ thống cấp bậc sĩ quan, khởi đầu và thấp nhất là cấp phân đội. Nếu như sinh viên ở ngoài quân đội bước vào môi trường học tập đại học chỉ mới dừng lại ở việc học một nghề nhất định, thì đối với học viên sĩ quan quân đội, khi vào học tập ở các học viện, trường sĩ quan cũng chính là lúc họ bắt đầu với hoạt động nghề nghiệp quân sự. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, học viên được tuyển chọn hết sức kỹ càng, chặt chẽ về sức khỏe, trình độ và phẩm chất chính trị; tính chất của nghề nghiệp là sự gắn bó suốt đời của người tham gia (đối với sinh viên ở các cơ sở đào tạo bên ngoài quân đội, sau khi ra trường có thể hoạt động đúng với nghề được đào tạo hoặc không, nhưng với học viên sĩ quan quân đội thì phải chịu sự phân công của tổ chức đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì); quá trình học tập, rèn luyện đặt ra yêu cầu rất cao, nếu học viên không đáp ứng được sẽ bị thải loại; nghề nghiệp quân sự luôn phải đương đầu với những khó khăn, thử thách, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng khi thực hiện nhiệm vụ. Với tính chất đặc biệt của nghề nghiệp như vậy, trong quá trình đào tạo, việc nâng cao nhận thức, thái độ, ý chí và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của học viên là đòi hỏi thường xuyên và mang tính cấp thiết.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế; những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng; đặc biệt là trước yêu cầu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân… cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”13 đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao và toàn diện đối với quân đội, nhất là về chất lượng giáo dục, đào tạo ở các học viện, trường sĩ quan được giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan trong quân đội. Để nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên sĩ quan quân đội, cần nhận thức và thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị, ý nghĩa của nghề nghiệp quân sự từ đó hình thành động cơ, mục đích, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn cho học viênsĩ quan.

Công tác giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa nghề nghiệp quân sự đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, hình thành động cơ, mục đích và thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn cho học viên sĩ quan. Nghề nghiệp quân sự không chỉ là một công việc đơn thuần mà còn là sứ mệnh thiêng liêng, gắn liền với trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định đất nước. Học viên sĩ quan trong các trường quân đội là những thanh niên trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hòa bình, độc lập của đất nước, được thừa hưởng những thành quả quý báu mà các thế hệ cha anh đã để lại. Tuy nhiên, do tác động đa chiều từ các điều kiện kinh tế – xã hội mà một bộ phận học viên sĩ quan có thể chưa thực sự thấu hiểu và trân trọng giá trị nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vì vậy, việc giáo dục về giá trị và ý nghĩa nghề nghiệp quân sự cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần làm cho học viên củng cố thêm niềm tin, lòng tự hào và trách nhiệm đối với con đường mình đã chọn, từ đó xác định động cơ, mục đích, thái độ học tập và rèn luyện một cách đúng đắn.

Theo đó, các học viện, trường sĩ quan cần đưa nội dung giáo dục về giá trị, ý nghĩa nghề nghiệp quân sự vào các môn học, bài giảng, sinh hoạt chính trị để học viên thấm nhuần tư tưởng ngay từ khi nhập học. Học viên cần hiểu rằng người sĩ quan không chỉ là một nhà lãnh đạo, chỉ huy trong môi trường quân đội, mà còn là một người chiến sĩ trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Họ phải là tấm gương về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, ý chí kiên cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Công tác giáo dục cần hướng đến việc khơi dậy lòng tự hào, niềm vinh dự khi trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, giúp học viên xác định rõ trách nhiệm của mình, từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì nhiệm vụ chung của đơn vị, quân đội. Đồng thời, công tác giáo dục cần giúp học viên hiểu rõ cơ hội và thách thức trong nghề quân sự. Nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn, thử thách nhưng với quân đội, đó còn là những gian khổ, hy sinh đòi hỏi sự bền bỉ, kiên cường. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường mang lại nhiều cơ hội để rèn luyện bản lĩnh, phát triển năng lực lãnh đạo, chỉ huy có điều kiện học tập, trưởng thành và cống hiến. Giáo dục đúng đắn sẽ giúp học viên sẵn sàng đón nhận và vượt qua những thử thách trong sự nghiệp quân ngũ.

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào nhận thức của người học viên sĩ quan.

Giáo dục lý luận chính trị là nền tảng quan trọng giúp học viên sĩ quan hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, củng cố bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường cách mạng. Trong bối cảnh quân đội đang đẩy mạnh xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, việc đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao ý thức nghề nghiệp, giúp học viên sĩ quan nhận thức sâu sắc về sứ mệnh, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, Nhân dân. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hành động của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng là cơ sở hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, tạo cho học viên có khả năng tự phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong nhận thức, tư tưởng, từ đó góp phần từng bước củng cố, phát triển lý tưởng cộng sản ở mỗi học viên. Những nguyên lý, tư tưởng này không chỉ giúp học viên xác định động cơ phấn đấu đúng đắn mà còn tạo nền tảng vững chắc để họ giữ vững lập trường, không bị dao động trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị nói chung, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng phải phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp cho từng đối tượng người học, từng học viện, nhà trường. Tập trung giáo dục những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng không máy móc, giáo điều, khô cứng, đảm bảo sát thực tiễn, gắn với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giải đáp thuyết phục những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra. 

Đổi mới phương pháp giáo dục, phổ biến lý luận theo hướng hiện đại, phù hợp với từng đối tượng; chú trọng phát huy tính sáng tạo, chủ động và nâng cao trình độ, năng lực, rèn luyện phong cách, trau dồi bản lĩnh chính trị của người học. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, mềm dẻo, phù hợp với đối tượng, tạo được hứng thú và trách nhiệm của người học. Chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy lý luận làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng thấm sâu vào tâm trí, góp phần tích cực vào quá trình định hướng nhận thức và hoạt động thực tiễn đúng đắn cho người học. Từ đó làm cho học viên có nhận thức đúng đắn, sâu sắc những vấn đề lý luận, thực tiễn xã hội đặt ra, củng cố niềm tin khoa học vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác học tập và rèn luyện của học viên trong quá trình đào tạo.

Trong môi trường quân đội, học viên sĩ quan không chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn mà còn phải rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, bản lĩnh, tác phong chỉ huy. Quá trình này đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực cá nhân rất lớn. Tính tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện chính là động lực giúp học viên nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng và ý thức nghề nghiệp, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi ra trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quân đội đang hiện đại hóa, yêu cầu đặt ra đối với sĩ quan tương lai ngày càng cao. Nếu học viên không có tinh thần tự học, tự rèn luyện mà chỉ trông chờ vào sự hướng dẫn từ giảng viên, chỉ huy thì khó có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu và công tác. Vì vậy, phát huy tính tích cực, tự giác là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và ý thức nghề nghiệp của học viên sĩ quan.

Việc tự giáo dục, tự rèn luyện, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và nâng cao trình độ, năng lực là một quá trình mang tính tự giác, đòi hỏi mỗi học viên phải chủ động và kiên trì. Đây là nền tảng giúp học viên củng cố bản lĩnh chính trị, phát triển tình cảm cách mạng và nuôi dưỡng ý chí quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, Quân đội và Nhân dân. Để đạt được kết quả cao trong học tập và rèn luyện ngay từ những ngày đầu nhập trường và xuyên suốt quá trình đào tạo, mỗi học viên cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện cụ thể, bám sát quy chế đào tạo, nội dung chương trình và kế hoạch của nhà trường. 

Việc xác định mục tiêu và lộ trình phấn đấu phải được thảo luận, thống nhất trong đơn vị như tiểu đội, trung đội, từ đó tạo động lực chung và khuyến khích tinh thần vượt khó để đạt thành tích cao.Môi trường học tập tại các học viện, nhà trường quân đội có sự khác biệt rõ rệt so với bậc phổ thông. Học viên không chỉ tiếp thu kiến thức qua bài giảng của giảng viên mà còn phải chủ động tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi tài liệu theo định hướng của giảng viên và cán bộ quản lý. Quá trình này không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn mà còn rèn luyện tác phong chỉ huy, kỹ năng tư duy độc lập và khả năng thích nghi với môi trường quân đội. Ngoài ra, học viên cần chủ động sắp xếp thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu tại thư viện, mở rộng hiểu biết về khoa học quân sự và các lĩnh vực liên quan. Việc kết hợp học tập cá nhân với các hình thức học nhóm, đôi bạn cùng tiến sẽ giúp củng cố kiến thức, nâng cao hiệu quả tự học, tự rèn luyện. Đồng thời, việc thường xuyên tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân theo từng môn học, từng tuần, từng tháng, từng quý sẽ giúp học viên nhận diện điểm mạnh, điểm yếu để có phương hướng điều chỉnh kịp thời. Sự nỗ lực không ngừng trong học tập và rèn luyện không chỉ giúp học viên nâng cao ý thức nghề nghiệp mà còn tạo điều kiện để họ sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành những sĩ quan ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

4. Kết luận

Những suy tư của C. Mác về lựa chọn nghề nghiệp không chỉ phản ánh quan điểm triết học sâu sắc mà còn mang giá trị thực tiễn đối với công tác giáo dục, nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên sĩ quan trong quân đội hiện nay. Khi xác định nghề nghiệp quân sự là con đường cống hiến cho Tổ quốc, học viên sĩ quan cần thấu hiểu ý nghĩa, trách nhiệm của mình, từ đó hình thành động cơ, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn. Khi mỗi học viên có nhận thức sâu sắc về giá trị của nghề nghiệp quân sự, họ sẽ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định với con đường mình đã chọn và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trong bối cảnh quân đội đang ngày càng tinh gọn, mạnh việc nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên sĩ quan không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là nền tảng vững chắc để xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức trong sáng. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa tư tưởng của C. Mác trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chú thích:

1, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 158, 158.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập (2000). Tập 40. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 11, 11, 12, 12, 13, 13, 15, 17 – 18, 18, 18, 18.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tuấn Anh (2019). Ý thức trách nhiệm xã hội của thanh niên. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Thân Trung Dũng (2017). Định hướng giá trị nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội khu vực phía Bắc hiện nay. Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Nguyễn Hùng Sơn (chủ biên, 2023). Nâng cao ý thức tôn trọng nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh của học viên trong nhà trường quân đội hiện nay. H. NXB Quân đội Nhân dân.

4. Nguyễn Duy Tuấn (2019). Giáo dục giá trị đạo đức quân nhân cho học viên ở các trường sĩ quan quân đội trong bối cảnh hiện nay. Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Học viện Chính trị, Hà Nội.

5. Lê Trọng Tuyến (2014). Tác động của biến đổi hệ thống giá trị đạo đức xã hội ở nước ta đến đạo đức thanh niên quân đội hiện nayH. NXB Quân đội nhân dân.