Thực hiện chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

ThS. Danh Minh
Quận 5, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) –  Chính sách tôn giáo là một phần quan trọng trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số như Khmer Tây Nam Bộ. Bài viết tập trung phân tích thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ, chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, từ đó, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trong giai đoạn mới.

Từ khóa: Chính sách tôn giáo; Khmer; Tây Nam Bộ; Phật giáo Nam tông; dân tộc thiểu số.

1. Đặt vấn đề

Đồng bào dân tộc Khmer ở Việt Nam đã sinh sống lâu đời trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân số người Khmer đạt 1.319.652 người, với khoảng 330.000 hộ gia đình. Đồng bào sinh sống tập trung chủ yếu tại 488 trong tổng số 691 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực Tây Nam Bộ. So với năm 2009 (1.260.640 người), dân số Khmer tăng bình quân 0,46% mỗi năm trong giai đoạn 2009 – 20191.

Trong các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ, người Khmer tập trung đông nhất tại các tỉnh: Sóc Trăng (hơn 404.000 người), Trà Vinh (hơn 328.000 người), Kiên Giang (khoảng 238.000 người), An Giang (trên 93.000 người), Bạc Liêu (hơn 68.000 người), Cà Mau (khoảng 42.000 người), Vĩnh Long (khoảng 26.000 người) và Cần Thơ (khoảng 22.700 người). Ngoài khu vực Tây Nam Bộ, đồng bào Khmer còn cư trú rải rác tại một số địa phương khác trên cả nước như: Trung du và miền núi phía Bắc (642 người), đồng bằng sông Hồng (479 người), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (1.851 người), Tây Nguyên (2.962 người) và khu vực Đông Nam Bộ (172.477 người)2

Đồng bào Khmer có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, trong đó tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam tông giữ vai trò trung tâm trong đời sống cộng đồng. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, việc nghiên cứu chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer trở nên cấp thiết nhằm (1) Bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân; (2) Thông qua chính sách tôn giáo góp phần củng cố niềm tin của đồng bào Khmer vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) Chính sách tôn giáo phù hợp còn góp phần ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự tại khu vực Tây Nam Bộ – nơi có vị trí chiến lược quan trọng; đồng thời, giúp phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, góp phần phát triển bền vững khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống.

2. Kết quả thực hiện chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đời sống và giảm nghèo. Trong những năm gần đây, việc thực hiện chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế – xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Các chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong đời sống của cộng đồng Khmer.

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2019 –  2024, đã có 1.923 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 249 hộ được hỗ trợ đất ở và 4.607 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Tỉnh Trà Vinh cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó có việc hỗ trợ nhà ở cho 767 hộ, đất ở cho 34 hộ và chuyển đổi nghề cho 261 hộ trong năm 20233. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 320 hộ, đất ở cho hơn 1.100 hộ và đào tạo nghề cho trên 800 lao động trong 5 năm qua. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 628 hộ và xây dựng nhà ở cho 379 hộ dân tộc Khmer4

Thực hiện chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2007 – 2018, theo thống kê tỷ lệ hộ nghèo người Khmer giảm bình quân 3%/năm. Tại Trà Vinh, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,87%, cơ bản giải quyết xong vấn đề nhà ở cho hộ khó khăn. Tỉnh Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1% trong năm 2024, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer là 2%. Hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo cũng được chú trọng, tại tỉnh Trà Vinh, từ năm 2023 đến tháng 01/2024, đã hỗ trợ xây dựng 767 căn nhà cho hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ đất ở cho 34 hộ dân tộc thiểu số. Tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng 1.923 căn nhà và cấp đất ở cho 249 hộ dân tộc Khmer5

Về chuyển đổi nghề nghiệp cũng cho thấy những kết quả đáng ghi nhận, tại Trà Vinh, trong năm 2023, đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 261 hộ dân tộc thiểu số. Tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ dân tộc Khmer, triển khai 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững6.

Thứ hai, phát triển hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Giai đoạn 2021 – 2025, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước đã tập trung phân bổ nguồn lực thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, các địa phương vùng Tây Nam Bộ được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở y tế… góp phần cải thiện điều kiện sống, tạo điều kiện phát triển sản xuất và nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân. Tiêu biểu như tỉnh Sóc Trăng được phân bổ gần 800 tỷ đồng cho các dự án phát triển hạ tầng và xã hội; Trà Vinh triển khai 10 dự án với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng; An Giang được bố trí 183,5 tỷ đồng; Cà Mau nhận nguồn vốn hơn 374,6 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu. Những con số này thể hiện rõ cam kết của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa các vùng, miền về kinh tế – xã hội, qua đó, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và bảo đảm an ninh bền vững khu vực Tây Nam Bộ7.

Thứ ba, phát huy giá trị tôn giáo – văn hóa truyền thống của cộng đồng Khmer. Hoạt động tôn giáo trong cộng đồng Khmer, đặc biệt là Phật giáo Nam tông được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện phát triển ổn định, phù hợp với quy định pháp luật và nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào. Thông qua việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhiều ngôi chùa Khmer đã được trùng tu, xây dựng mới, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tinh thần quan trọng của cộng đồng. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tiếp tục được củng cố về tổ chức, phát huy tốt vai trò gắn kết giữa các vị sư sãi, tín đồ với chính quyền, góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào Khmer ngày càng được chú trọng bồi dưỡng và phát huy8.

Tỷ lệ người Khmer tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có xu hướng tăng lên. Từ năm 1991 đến nay, đã có nhiều vị tiêu biểu trong đồng bào Khmer đại diện tham gia Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ngoài ra, tại tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ người Khmer tham gia cấp ủy các cấp chiếm 11,87%. Kết quả này góp phần thể hiện rõ tiếng nói đại diện của cộng đồng trong các thiết chế chính trị, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao hiệu quả quản trị địa phương9.

Trong những năm qua, chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước hết, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Các hoạt động tôn giáo diễn ra thuận lợi, nhiều chùa Khmer được trùng tu hoặc xây mới, góp phần duy trì không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Các lễ hội truyền thống, như: Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Dâng y Kathina… được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Về công tác đào tạo tăng ni, tu sĩ, Nhà nước đã hỗ trợ duy trì các lớp dạy chữ Pali – Khmer cũng như phát triển các trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer tại Cần Thơ và Trà Vinh. Đồng thời, tăng ni Khmer cũng được tạo điều kiện theo học tại các cơ sở Phật giáo lớn trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tu sĩ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ với sư sãi, người có uy tín trong cộng đồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tại một số địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu người am hiểu sâu về tôn giáo cũng như tiếng Khmer, gây khó khăn cho công tác dân vận và quản lý nhà nước về tôn giáo. Cơ sở hạ tầng tại một số ngôi chùa Khmer còn nghèo nàn, xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho việc duy tu, bảo tồn văn hóa tôn giáo còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn từ việc các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc – tôn giáo để kích động chia rẽ, gây mất ổn định an ninh trật tự tại một số địa bàn đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tăng cường hiệu lực, hiệu quả các chính sách thời gian tới.

3. Những đề xuất mang tính giải pháp

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động tôn giáo tại cộng đồng Khmer. 

Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi xã hội hiện nay, việc phổ biến chủ trương, chính sách tôn giáo cần được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer – một cộng đồng có ngôn ngữ và văn hóa đặc thù. Cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng song ngữ Việt – Khmer thông qua các kênh báo chí, truyền hình địa phương, đồng thời phát huy vai trò của các vị sư sãi có uy tín trong việc truyền tải thông tin đến cộng đồng một cách gần gũi và dễ tiếp nhận.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào Khmer nhận thức rõ ràng, phân biệt đúng giữa tín ngưỡng truyền thống, hợp pháp được pháp luật bảo vệ với các hình thức mê tín dị đoan gây ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự và đời sống cộng đồng tại cơ sở. Từ đó, từng bước góp phần xóa bỏ những quan niệm sai lệch và hành vi mê tín trong đời sống xã hội. Đồng thời, cần khuyến khích các chức sắc tôn giáo, các hộ gia đình và cá nhân có điều kiện kinh tế, cũng như các tổ chức xã hội tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện – xã hội, như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường sống, bài trừ các hủ tục lạc hậu và hành vi vi phạm pháp luật. Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại an ninh trật tự. Trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ và tôn tạo các công trình, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia công tác tôn giáo. Một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả chính sách tôn giáo – dân tộc là có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, am hiểu văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Do đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tôn giáo – dân tộc tại cơ sở, đặc biệt ưu tiên cán bộ là người Khmer để bảo đảm tính gần dân, hiểu dân và vận động hiệu quả.

Tăng cường củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng có đông đồng bào Khmer. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho con, em người Khmer, nhất là những sinh viên mới ra trường được tiếp nhận vào làm việc ở các ngành, các cấp theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhất là trong lĩnh vực quản lý về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người Khmer và tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế thừa là công việc hết sức cần thiết.

Đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Khmer, khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer không có đảng viên là người Khmer; sở, ban, ngành tỉnh không có cán bộ, công chức người dân tộc Khmer.

Thứ ba, hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tôn giáo. Chùa Khmer là trung tâm sinh hoạt tôn giáo – văn hóa – xã hội của cộng đồng, do đó việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất có ý nghĩa thiết thực. Nhà nước cần ưu tiên nguồn ngân sách cho tu bổ chùa chiền xuống cấp, hỗ trợ tổ chức các lễ hội truyền thống, đồng thời khuyến khích lồng ghép phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – tôn giáo của đồng bào Khmer.

Thứ tư, tăng cường đối thoại và cơ chế lắng nghe tại cộng đồng Khmer. Đối thoại là cầu nối để Nhà nước và cộng đồng tôn giáo hiểu nhau, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Chính quyền các cấp cần duy trì thường xuyên các buổi gặp mặt, lắng nghe ý kiến của giới tu hành Khmer, người có uy tín trong cộng đồng để điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống và tâm tư của đồng bào. Đây cũng là cách để tăng cường niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách nhất quán và sự đầu tư thực chất của Đảng và Nhà nước đã giúp vùng đồng bào Khmer có bước phát triển toàn diện, khẳng định vị trí của đồng bào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồn bào dân tộc Khơme và các văn bản kế thừa đã nâng cao đời sống vật chất – tinh thần, củng cố lòng tin của đồng bào Khmer vào sự lãnh đạo của Đảng.

4. Kết luận

Chính sách tôn giáo đối với đồng bào Khmer Tây Nam Bộ trong giai đoạn vừa qua đã được triển khai đúng hướng, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào vào đường lối của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới, cần có sự quan tâm thường xuyên, toàn diện hơn từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và ổn định xã hội.

Chú thích:

1. Ủy ban dân tộc, Tổng cục thống kê (2019).  Kết quả Điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

2. Ủy ban dân tộc & Tổng cục Thống kê (2020). Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. H. NXB Thống kê.

3. Sóc Trăng: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số. https://baodantoc.vn/soc-trang-tiep-tuc-uu-tien-phat-trien-toan-dien-vung-dtts-1723451274457.htm

4. Những cách làm hay giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững tại Bạc Liêu.https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/quyen-con-nguoi/nhung-cach-lam-hay-giup-dong-bao-khmer-thoat-ngheo-ben-vung-tai-bac-lieu-109702

5, 6. Sóc Trăng giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2024 là 1%. https://baosoctrang.org.vn/infographic/202412/infographic-soc-trang-giam-ty-le-ho-ngheo-binh-quan-nam-2024-la-1-6581a1c/

7. Vùng đồng bào dân tộc Khmer và những chính sách phát triển hiệu quả. https://baodantoc.vn/vung-dong-bao-dan-toc-khmer-va-nhung-chinh-sach-phat-trien-hieu-qua-1667458709393.htm

8. Vị trí, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam Bộ – Một số vấn đề đặt ra và giải pháp.https://btgcp.gov.vn/tin-bai-nghien-cuu-va-trao-doi-y-kien-cua-doc-gia/vi-tri-vai-tro-cua-phat-giao-nam-tong-khmer-o-tay-nam-bo-mot-so-van-de-dat-ra-va-giai-phap-postyma7jk8Rk5.html?

9. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 20% đảng viên là người dân tộc thiểu số so với tổng số đảng viên của tỉnh. https://tuyengiao.travinh.gov.vn/1458/39703/73173/675138/cong-tac-lanh-dao-dieu-hanh-cua-lanh-dao-tinh/phan-dau-den-nam-2025-co-tren-20-dang-vien-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-so-voi-tong-so-dang-vien-cu?

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Bí thư (1991). Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 về công tác ở vùng đồn bào dân tộc Khơme.

2. Ban Tôn giáo Chính phủ (2020). Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đối với Phật giáo Nam tông Khmer giai đoạn 2010 – 2020.

3. Nguyễn Đức Dũng (2016). Một số vấn đề trong xây dựng chính sách đối với phật giáo nam tông Khmer ở Việt Nam. Tạp chí Giáo dục lý luận, số 253, tr. 72 – 75.

4. Nguyễn Thị Thu Hằng (2023). Vai trò giáo dục văn hóa dân tộc của nhà chùa Khmer Nam Bộ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, số 23, tr 43 – 50.

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Chính sách dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. H. NXB Lý luận chính trị.

6. Ủy ban Dân tộc (2020). Báo cáo hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2020.

7. Viện Dân tộc học (2019). Người Khmer ở Nam Bộ: Văn hóa và biến đổi. H. NXB Khoa học xã hội.

8. Quốc hội (2016). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.